Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 86/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình Người ký: Tống Quang Thìn
Ngày ban hành: 18/06/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 86/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 18 tháng 6 năm 2021

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỞ RỘNG TẦM SOÁT, CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH, TẬT TRƯỚC SINH VÀ SƠ SINH ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1999/QĐ-TTg ngày 07 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Nâng cao hiểu biết của người dân, nhất là các bà mẹ mang thai về chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.

- Phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; xây dựng và mở rộng mạng lưới sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh để tầm soát, chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh nhằm giảm thiểu số trẻ em sinh ra bị bệnh tật bẩm sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tỷ lệ cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện đủ năng lực cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030;

- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có điểm, cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030;

- Đến năm 2025, 100% cán bộ y tế, dân số và các cán bộ tham gia chương trình được tập huấn kiến thức và có kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh;

- 100% cán bộ trực tiếp thực hiện kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân được tập huấn và tập huấn lại kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân.

- Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030; giảm 50% số cặp tảo hôn và không có kết hôn cận huyết thống;

- Đến năm 2025, 85% bà mẹ mang thai được tuyên truyền, tư vấn về lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh và đạt 95% vào năm 2030.

- Tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 70% năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030;

- Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh đạt 85% năm 2025; 95% năm 2030;

- Thành lập Trung tâm chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh.

II. THỜI GIAN, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 đến năm 2030

- Hằng năm đánh giá sơ kết các hoạt động trong năm và phổ biến triển khai các hoạt động năm tiếp theo.

- Năm 2026: Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2021-2025, xây dựng các nội dung hoạt động phù hợp trong giai đoạn 2026-2030 đảm bảo việc hoàn thành các mục tiêu của chương trình.

2. Phạm vi thực hiện: Kế hoạch thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

3. Đối tượng

- Đối tượng thụ hưởng: Vị thành niên, thanh niên, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh.

- Đối tượng tác động: Người dân trong toàn xã hội, lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; cán bộ y tế, dân số; các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình.

III. GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện cơ chế chính sách, quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật

1.1. Về cơ chế, chính sách

- Ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện chương trình; phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành đoàn thể và các địa phương; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện; có biện pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn.

- Rà soát, triển khai các chính sách bổ sung các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội; người dân tại xã đặc biệt khó khăn; xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng ven biển được sử dụng miễn phí gói dịch vụ cơ bản của Chương trình;

- Xây dựng các quy trình tiêu chuẩn đối với tổ chức, cá nhân khi tham gia tư vấn và cung cấp các dịch vụ của Chương trình;

- Xã hội hóa cung ứng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

1.2. Về chuyên môn kỹ thuật

- Thực hiện đúng danh mục các bệnh tật thuộc gói dịch vụ cơ bản: dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh;

- Thực hiện đúng danh mục mở rộng các bệnh tật ngoài gói dịch vụ cơ bản phù hợp với trình độ phát triển của khoa học công nghệ, chuyên môn kỹ thuật;

- Rà soát, bổ sung, ban hành quy trình chuyên môn kỹ thuật; quy chuẩn, tiêu chuẩn của cơ sở cung cấp dịch vụ về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh; bộ công cụ giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ và trang thiết bị, dụng cụ, sinh phẩm y tế.

2. Tuyên truyền vận động và huy động xã hội

2.1. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng

- Đẩy mạnh tuyên truyền trên Báo Ninh Bình, Đài PT-TH tỉnh, hệ thống đài truyền thanh huyện, xã về mục đích, ý nghĩa, nội dung, kết quả triển khai thực hiện chương trình; các thông tin về sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, các bệnh tật ở thai nhi và sơ sinh; phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động người dân, cộng đồng thực hiện nghiêm các quy định về cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; các nội dung liên quan đến tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho thanh niên.

- Tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử của tỉnh, các ngành và các địa phương; tăng cường tuyên truyền trên nền tảng internet, các mạng xã hội nhằm quảng bá, cung cấp thông tin, tuyên truyền cho các nhóm đối tượng.

- Biên tập nội dung, sản xuất và phân phối các loại hình tài liệu truyền thông phục vụ công tác tuyên truyền tại thôn, bản, tổ dân phố, nơi tập trung đông dân cư và tại các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh.

2.2. Truyền thông trực tiếp tại cộng đồng

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai việc lồng ghép tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc thực hiện Chương trình. Phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định về cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thanh niên không tảo hôn, không kết hôn cận huyết.

- Tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về các hoạt động của Chương trình cho cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, người có uy tín trong cộng đồng.

- Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề cho nhân dân và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (đặc biệt là phụ nữ có thai) và phụ nữ sắp kết hôn tại thôn, bản, tổ dân phố.

- Tổ chức tuyên truyền cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức về sự cần thiết và lợi ích của các hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh;… thông qua hoạt động của các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ Tiền hôn nhân; Câu lạc bộ Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên…

- Lồng ghép nội dung sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh vào các hoạt động văn hóa xã hội tại cơ sở.

- Tổ chức tuyên truyền về chương trình trong các hoạt động truyền thông hưởng ứng các sự kiện về dân số như: Ngày Dân số Thế giới 11/7; Tháng hành động Quốc gia về Dân số (tháng 12) và Ngày Dân số Việt Nam 26/12…

3. Xây dựng và duy trì hoạt động mạng lưới sàng lọc trước sinh và sơ sinh

- Tập huấn kỹ năng truyền thông cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, quản lý đối tượng, tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh tuyến huyện, xã.

- Cử cán bộ tham gia đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật siêu âm cơ bản và nâng cao tại trung ương; tổ chức tập huấn lấy máu gót chân trẻ sơ sinh cho cán bộ tham gia chương trình tuyến tỉnh và cơ sở.

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế nhất là tuyến cơ sở để đảm bảo đủ điều kiện cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe tổng quát trước khi kết hôn và tầm soát, chẩn đoán được ít nhất 04 bệnh tật trước sinh và 05 bệnh tật sơ sinh; bổ sung máy vi tính phục vụ quản lý đối tượng và các trang thiết bị truyền thông tư vấn. Ưu tiên các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, miền núi, ven biển …

- Mở rộng các loại hình cung cấp dịch vụ của các cơ sở y tế trong và ngoài công lập phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn theo hướng bảo đảm mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng các dịch vụ có chất lượng về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Giám sát chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế, bao gồm cả khu vực ngoài công lập.

- Nghiên cứu triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ tại các khu công nghiệp và địa bàn có đối tượng khó tiếp cận; ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý cơ sở cung cấp dịch vụ, cơ sở dữ liệu về các đối tượng của chương trình.

4. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới

Nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng kỹ thuật mới trong tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh để bổ sung danh mục bệnh tầm soát trước khi kết hôn, trước sinh và sơ sinh (Theo hướng dẫn của Trung ương).

5. Huy động nguồn lực và hợp tác quốc tế

- Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chương trình; huy động toàn bộ mạng lưới y tế, dân số tham gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao; ưu tiên bảo đảm hoạt động ở tuyến cơ sở.

- Huy động các nguồn lực, tăng cường hợp tác liên doanh, liên kết về chuyên môn, kỹ thuật, đào tạo, trao đổi chuyên gia, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

6. Tổ chức cung cấp dịch vụ

6.1. Quản lý thai sản và trẻ mới sinh

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn phân công cán bộ phụ trách theo dõi, báo cáo tình hình hoạt động sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh trên địa bàn. Số bà mẹ mang thai tham gia sàng lọc, số ca chẩn đoán xác định mắc dị tật bào thai được tư vấn chấm dứt thai kỳ. Số trẻ em mới sinh được sàng lọc, số trẻ sơ sinh xác định mắc các bệnh bẩm sinh được tư vấn, điều trị.

6.2. Thực hiện siêu âm sàng lọc trước sinh cho phụ nữ mang thai và lấy mẫu máu gót chân, gửi mẫu máu xét nghiệm để sàng lọc sơ sinh.

- Siêu âm sàng lọc trước sinh cho phụ nữ mang thai: Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị bố trí đủ nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để thực hiện siêu âm sàng lọc trước sinh cho phụ nữ mang thai theo quy trình được tập huấn, phân công cán bộ quản lý, theo dõi, tư vấn vận động đối tượng theo quy định.

- Lấy máu gót chân của trẻ sơ sinh để xét nghiệm sàng lọc (bao gồm cả đối tượng được miễn phí và đối tượng thu phí).

+ Đối với các đối tượng được miễn phí: Các đơn vị y tế tuyến tỉnh và cơ sở tham gia chương trình trực tiếp nhận mẫu giấy thấm, phong bì, găng tay và dụng cụ lấy mẫu máu cho trẻ sơ sinh tại Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, sau khi lấy mẫu các đơn vị gửi trực tiếp mẫu về Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

+ Đối với các đối tượng không thuộc diện được miễn phí: Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong ngành, các cơ sở y tế trên địa bàn căn cứ chức năng nhiệm vụ, triển khai dịch vụ (có thu phí) sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo quy định hiện hành.

6.3. Thực hiện tư vấn, khám sức khỏe cho thanh niên trước khi kết hôn

- Tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho thanh niên, các cặp sắp kết hôn về những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, tình bạn khác giới, tình yêu, tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và các vấn đề cần biết trước khi kết hôn.

- Phối hợp với Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và các ban ngành đoàn thể tăng cường truyền thông cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; tiền hôn nhân; hôn nhân gia đình; sự cần thiết và lợi ích của các hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh;…

- Vận động các cặp đôi chuẩn bị kết hôn đến các cơ sở y tế có đủ cơ sở vật chất và đảm bảo điều kiện theo quy định của Bộ Y tế để khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm sàng lọc một số bệnh trước khi kết hôn.

- Các cơ sở y tế tuyến huyện, xã đầu tư cơ sở trang thiết bị, đào tạo cán bộ đảm bảo đủ điều kiện tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho thanh niên trước khi kết hôn.

7. Các hoạt động quản lý

- Thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát, báo cáo thống kê, quản lý tài chính theo quy định. Tổ chức hội thảo đánh giá kết quả các hoạt động hàng năm; đánh giá sơ kết giữa kỳ và đánh giá kết thúc giai đoạn theo kế hoạch.

- Bổ sung trang thiết bị phục vụ cơ sở cung cấp dịch vụ, cơ sở dữ liệu về các đối tượng sử dụng dịch vụ tư vấn và kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh và phục vụ các mục đích quản lý khác liên quan.

- Sở Y tế tổng hợp báo cáo theo dõi các hoạt động siêu âm sàng lọc chẩn đoán trước sinh, lấy mẫu máu gót chân sàng lọc sơ sinh cấp phát cho các đơn vị tham gia thực hiện sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh để quản lý và theo dõi các đối tượng.

- Báo cáo số cặp được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.

- Tổ chức hội thảo triển khai kế hoạch tại các cấp trong tỉnh nhằm hướng dẫn, thảo luận, thống nhất trong nhận thức và hành động ở các cấp, đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch gắn với chức năng, nhiệm vụ được phân công của mỗi cấp, ngành, đơn vị.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được huy động từ các nguồn: ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành và khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ; lồng ghép trong các chương trình, dự án khác có liên quan; các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai kế hoạch trên phạm vi toàn tỉnh. Lồng ghép các hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh vào trong các chương trình, dự án đầu tư công trung hạn và ngắn hạn của ngành.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành, các cơ sở y tế trên địa bàn: Tư vấn, thực hiện kỹ thuật siêu âm, các xét nghiệm thường quy về sàng lọc trước sinh phát hiện các dấu hiệu nguy cơ và các bất thường về hình thái, cấu trúc thai nhi để chuyển tuyến trên chẩn đoán xác định. Tư vấn, thực hiện lấy máu gót chân của trẻ sơ sinh theo quy định; tư vấn, phối hợp thực hiện sàng lọc tim bẩm sinh, khiếm thính cho trẻ từ 0-60 tháng tuổi; tư vấn, hướng dẫn và điều trị theo phân tuyến cho các trường hợp dương tính, bị bệnh thông qua sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Thực hiện Tư vấn, khám sức khỏe tổng quát cho thanh niên trước khi kết hôn. Thống kê, quản lý, theo dõi, tư vấn và báo cáo kết quả các đối tượng có nguy cơ cao, các trường hợp có kết quả dương tính và điều trị tại cộng đồng theo quy định.

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch. Tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Kế hoạch mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Y tế theo quy định.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế căn cứ khả năng ngân sách địa phương, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí hàng năm theo tiến độ thực hiện các nội dung của kế hoạch giai đoạn 2021-2030.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Tài chính và Sở Y tế cân đối và phân bổ nguồn lực thực hiện Chương trình, chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố lồng ghép thực hiện chương trình với với các chương trình về Y tế - Dân số và các Chương trình, đề án khác trên cùng địa bàn.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông của tỉnh tuyên truyền các nội dung liên quan sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; thẩm định cấp phép các tài liệu không kinh doanh có nội dung tuyên truyền về sàng lọc trước sinh, sơ sinh.

5. Sở Văn hóa và Thể thao

Phối hợp với Sở Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh Đoàn và các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin, kiến thức về hôn nhân và gia đình, kiến thức tiền hôn nhân, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, sự cần thiết là lợi ích của các hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.

6. Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Phối hợp với Sở Y tế và các địa phương tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, các nội dung, kết quả triển khai thực hiện chương trình, các thông tin về sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, các bệnh tật ở thai nhi và sơ sinh, các thông tin cần thiết cho triển khai các hoạt động của chương trình.

Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn; tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân; khám tầm soát, điều trị trước sinh và sơ sinh…

7. Văn phòng UBND tỉnh

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai các chương trình, đề án về giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn chuyên môn về sàng lọc, chẩn đoán và điều trị trước sinh và sơ sinh tại vùng có đông đồng bào Mường sinh sống.

8. Các Sở, ban, ngành khác có liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để xây dựng kế hoạch hoạt động lồng ghép với nội dung Chương trình; định kỳ báo cáo kết quả về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Y tế.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Tỉnh Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia triển khai, phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các đoàn viên, hội viên tham gia các hoạt động tầm soát chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, giám sát việc thực hiện Kế hoạch.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm tình hình cụ thể của từng địa phương và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Chỉ đạo Trung tâm Y tế và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung của kế hoạch. Huy động nguồn lực để bổ sung thêm nguồn ngân sách cho việc thực hiện các hoạt động của Chương trình.

- Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các hoạt động của kế hoạch với các đề án, dự án khác trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn; tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân; khám tầm soát, điều trị trước sinh và sơ sinh…

Trên đây là Kế hoạch thực hiện “Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện./.


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Tổng cục DS-KHHGĐ;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PT-TH, Báo Ninh Bình;
- Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh;
- Lưu: VT, VP2, VP4, VP5, VP6.
5.Tr16_KHYT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Quang Thìn

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 86/KH-UBND ngày 18/06/2021 thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 do tỉnh Ninh Bình ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


269

DMCA.com Protection Status
IP: 18.217.246.148
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!