CHỈ THỊ
VỀ VIỆC
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
Trong những năm qua, được sự quan tâm
chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; sự phối hợp của các ngành,
đoàn thể, các tổ chức xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh
đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả quan trọng: Công tác
quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em được tăng cường; việc huy động, sử
dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả; công
tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em được cải thiện đáng kể; công tác bảo
vệ, xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em được chú trọng; đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các
quyền dành cho trẻ em ngày càng được bảo đảm.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc
trẻ em ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên
địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Xâm hại tình dục, bạo lực,
mua bán trẻ em vẫn còn tiếp diễn; tai nạn thương tích trẻ em, sử dụng lao động
trẻ em có chiều hướng gia tăng... gây bức xúc trong dư luận
xã hội; sự tác động của kinh tế thị trường, văn hóa phẩm độc hại đã ảnh hưởng đến
nhận thức, đạo đức, lối sống của một bộ phận trẻ em và đang trở thành nỗi lo của
gia đình, xã hội; nguồn lực xã hội dành cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em
chưa đáp ứng được yêu cầu; việc huy động cộng đồng dân cư cùng bảo vệ, chăm sóc
trẻ em có nơi còn hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu là do: Cấp chính
quyền, đoàn thể ở một số địa phương và người dân có nơi, có lúc chưa thực sự
quan tâm đầy đủ đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đội ngũ cán bộ làm công
tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực chuyên
môn, đặc biệt ở cấp xã; hệ thống dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được thành
lập nhưng vận hành chưa đáp ứng được yêu cầu, tại một số địa
phương hệ thống đã được thành lập nhưng chưa vận hành; ý thức chấp hành pháp luật
về bảo vệ, chăm sóc trẻ em của một bộ phận cán bộ, công chức,
viên chức, cha mẹ, giáo viên và công dân chưa tốt; kiến thức, kỹ năng bảo vệ,
chăm sóc trẻ em của nhiều gia đình và trẻ em chưa đầy đủ; sự phối hợp giữa gia
đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể còn thiếu chặt chẽ;
công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính
sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn chế.
Để tăng cường công tác bảo vệ, chăm
sóc trẻ em đạt hiệu quả; đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu Chương trình
hành động vì trẻ em của tỉnh đến năm 2020; đóng góp thiết thực cho sự phát triển
kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các
đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tỉnh,
các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố căn cứ nhiệm vụ,
quyền hạn, có trách nhiệm:
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận
động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tiếp
tục thực hiện một số văn bản của Trung ương, địa phương như: Luật Trẻ em; Chỉ
thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới;
Kế hoạch số 60-KH/TU ngày 17/6/2013 của Tỉnh ủy Lào Cai thực hiện Chỉ thị số
20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai”;
Quyết định số 2088/QĐ-UBND ngày 13/8/2013 của UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt
Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Lào Cai giai đoạn 2013 - 2020; Kế hoạch số
137/KH-UBND ngày 23/5/2016 của UBND tỉnh Lào Cai thực hiện Chương trình bảo vệ
trẻ em tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020;...
b) Xây dựng môi trường sống an toàn,
thân thiện, lành mạnh cho trẻ em. Từng bước hạn chế và kiểm soát tình hình tai
nạn, thương tích ở trẻ em; đặc biệt là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông nhằm
đảm bảo an toàn cho trẻ em, hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Phòng ngừa, phát
hiện, tố giác và xử lý các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.
c) Nâng cao chất lượng đời sống văn
hóa tinh thần, vui chơi, giải trí, văn nghệ, thể dục, thể
thao, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em. Hằng năm, tổ chức các hoạt
động có hiệu quả, thiết thực như: Tháng hành động vì trẻ em, Ngày Quốc tế thiếu
nhi (1/6), Tết Trung thu (Rằm Trung thu 15/8), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và
Diễn đàn trẻ em các cấp hằng năm...
d) Thực hiện có hiệu quả công tác
phòng ngừa, giảm thiểu sử dụng lao động trẻ em; đặc biệt cần phát hiện, can thiệp,
bảo vệ và hỗ trợ kịp thời các trường hợp trẻ em có nguy cơ phải nghỉ học để
tham gia lao động.
đ) Xây dựng và tổ chức thực hiện có
hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em
trên địa bàn tỉnh. Lồng ghép công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong xây dựng và
tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch hoạt động thuộc
ngành, cơ quan, đơn vị quản lý. Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương cho
công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn,
trẻ em các gia đình chính sách, gia đình nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo hướng nâng cao trách
nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng. Khuyến khích sự đóng góp của các
doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cho các hoạt động và công trình dành cho trẻ
em.
e) Tăng cường quản lý nhà nước, củng
cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp.
Đẩy mạnh phối hợp liên ngành nhằm phát huy các nguồn lực của Nhà nước và xã hội
để bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp
hành pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em và thực hiện các quyền của trẻ
em.
g) Thu thập các chỉ tiêu, xử lý thông
tin về trẻ em và tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin đối
với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh.
h) Tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo
đánh giá về tình hình thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ
Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục
và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới do ngành, đơn vị, địa phương phụ trách gửi
về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh thực
hiện các giải pháp phòng ngừa, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tập trung
chỉ đạo hỗ trợ, can thiệp, cung cấp các dịch vụ xã hội đối với các trường hợp
trẻ em bị xâm hại tình dục, bị lạm dụng sức lao động, bị mua bán, bị bạo lực;
xây dựng và nhân rộng mô hình bảo vệ trẻ em tại cộng đồng.
b) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Cục Thống kê tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành
phố thường xuyên rà soát thống kê, phân loại trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để có
kế hoạch can thiệp, trợ giúp; thu thập, tổng hợp, cung cấp thông tin, số liệu về
trẻ em theo quy định của pháp luật; xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết, đánh giá định kỳ về tình hình thực hiện
công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn để báo cáo UBND tỉnh.
c) Phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn về
các tiêu chuẩn, chế độ, nghiệp vụ đối với cộng tác viên, tình nguyện viên làm
công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp theo quy định của pháp luật.
d) Tổ chức kiểm tra, thanh tra tình
hình thực hiện pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; giải
quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho UBND tỉnh xử
lý vi phạm pháp luật về trẻ em trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo:
a) Chỉ đạo xây dựng môi trường trường
học an toàn, lành mạnh, không có bạo lực, không có xâm hại trẻ em; tiếp tục triển
khai thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện,
học sinh tích cực”; chú trọng việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ
năng giao tiếp, ứng xử cho học sinh trong nhà trường.
b) Xây dựng kế hoạch tăng cường công
tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong
trường học (đặc biệt đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông
dân tộc bán trú dân nuôi); chỉ đạo tích cực lồng ghép giáo dục ngoại khoá tuyên
truyền Luật Trẻ em vào chương trình giảng dạy của hệ thống giáo dục trong các
trường học trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Tư pháp:
a) Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, chỉ
đạo thực hiện tốt hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em, đặc biệt trẻ em bị xâm
hại, bị bạo lực...; công tác đăng ký khai sinh cho trẻ em đảm bảo đúng thời hạn
theo quy định.
b) Phối hợp với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành trong công
tác giải quyết việc nuôi con nuôi; công tác tìm gia đình thay thế cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh
hiểm nghèo.
5. Sở Y tế:
Chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức thực
hiện hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em là nạn nhân của bạo
lực; triển khai công tác phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, trẻ em bị
tai nạn, thương tích; tổ chức thực hiện tốt việc khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ
em dưới 6 tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em của hộ gia đình nghèo.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Phối hợp với
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ bảo
vệ trẻ em trong gia đình, lồng ghép chỉ đạo cơ sở thực hiện tốt nội dung bảo vệ,
chăm sóc trẻ em trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
và phòng, chống bạo lực gia đình trong việc công nhận danh hiệu gia đình văn
hóa nhằm nâng cao năng lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho các thành viên trong gia
đình.
b) Tăng cường thanh tra, kiểm tra và
quản lý chặt chẽ các sản phẩm văn hóa, dịch vụ vui chơi, giải trí dành cho trẻ
em.
7. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo
chí của tỉnh, hệ thống cổng thông tin điện tử, hệ thống
truyền thanh cơ sở... đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các hoạt động về bảo vệ,
chăm sóc trẻ em.
b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra các hoạt động về báo chí, xuất bản, thông tin trên Internet dành cho trẻ em
và liên quan đến trẻ em.
8. Sở Nội vụ:
a) Chủ trì, phối hợp ngành lao động -
thương binh và xã hội nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh việc xây dựng
chính sách và tổ chức, bố trí đội ngũ cộng tác viên, tình
nguyện viên làm công tác bảo vệ trẻ em ở các huyện, thành phố; phối hợp nâng
cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc
ngành lao động - thương binh và xã hội, các ngành, cơ quan, đơn vị có liên
quan.
b) Hướng dẫn và phối hợp với các
ngành có liên quan nghiêm túc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có
hành vi vi phạm pháp luật đối với trẻ em theo quy định của Luật cán bộ, công chức,
Luật Viên chức.
9. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị liên quan đưa các mục tiêu, chỉ
tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng
năm và giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh.
b) Hằng năm, phối hợp với Sở Tài
chính tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách để thực hiện các chương trình
vì trẻ em; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội huy động các nguồn
vốn hỗ trợ thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em
(ODA, NGO...).
10. Sở Tài chính:
a) Hằng năm, căn cứ điều kiện ngân
sách địa phương, cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện có hiệu quả các chương
trình, đề án, dự án, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong giai đoạn 2017 -
2020; ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ
em tại các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt
khó khăn.
b) Trong khi dự kiến phân bổ chi thường
xuyên ngân sách hằng năm, bảo đảm chi sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em và chi
trả trợ giúp xã hội hằng tháng cho trẻ em được hưởng chính sách trợ giúp xã hội
của Nhà nước theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.
11. Công an tỉnh:
a) Tăng cường chỉ đạo thực hiện Kế hoạch
đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa
thành niên tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020.
b) Chỉ đạo công an các cấp đấu tranh
hiệu quả với tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên;
xử lý nghiêm các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.
c) Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các
ngành tăng cường các biện pháp tuyên truyền trong đấu tranh tội phạm trong lứa
tuổi chưa thành niên; phòng chống xâm hại trẻ em trong các trường học nhằm nâng
cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ trẻ em tại cộng đồng.
12. Tòa án nhân dân tỉnh:
Tăng cường phối hợp với các cơ quan
chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có người bị hại,
người phạm tội là trẻ em và người chưa thành niên. Lựa chọn các vụ án điển hình
để đưa ra xét xử lưu động nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp
luật đấu tranh phòng, chống tội phạm hiệu quả.
13. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh,
Báo Lào Cai, Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai:
Tăng thời lượng phát sóng, đăng tải
tin bài về các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong các chương trình, chuyên
trang, chuyên mục. Tuyên truyền các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt,
việc tốt. Kịp thời phê phán các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực trẻ
em.
14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh và các Đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, các tổ chức xã hội - nghề
nghiệp của tỉnh:
Tăng cường tuyên truyền, vận động
đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác bảo vệ,
chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh.
15. UBND các huyện, thành phố:
a) Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận
động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở, các tổ chức
đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và
người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đặc biệt là việc phòng ngừa, phát
hiện, tố giác và xử lý các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.
b) Tăng cường kiểm tra, giám sát,
phát hiện kịp thời các vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra ở cơ sở; triển khai thực
hiện các giải pháp phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; có biện pháp
can thiệp, trợ giúp kịp thời trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đảm bảo cho các em
được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
c) Tiếp tục xây dựng kế hoạch triển
khai thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Lào Cai giai đoạn 2013 -
2020 gắn với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
d) Củng cố, kiện toàn về tổ chức,
nhân lực và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban điều hành, nhóm công tác liên
ngành về bảo vệ trẻ em ở các địa phương hiện có nhằm phát hiện, can thiệp, trợ
giúp kịp thời đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ rơi vào
trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt.
e) Triển khai công tác theo dõi, giám
sát, thu thập thông tin, báo cáo về tình hình trẻ em tại cơ sở theo quy định.
16. Chế độ báo cáo
Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực
hiện nghiêm túc chế độ báo cáo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Định kỳ
6 tháng (trước ngày 15/6), hằng năm (trước
ngày 30/11) về UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp,
báo cáo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ tổng hợp báo cáo
UBND tỉnh tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị.
Căn cứ Chỉ thị, yêu cầu Thủ trưởng
các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, các tổ chức xã hội -
nghề nghiệp của tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và Chủ tịch UBND các
huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.