HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 46/NQ-HĐND
|
Nghệ An, ngày 13 tháng 8 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG, HUẤN LUYỆN, HOẠT ĐỘNG
VÀ BẢO ĐẢM CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH CHO DÂN QUÂN TỰ VỆ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH NGHỆ AN”
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHÓA XVIII KỲ HỌP THỨ HAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm
2015;
Căn cứ Luật Biên giới Quốc gia ngày 17 tháng 6 năm
2003;
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định
chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế
độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ;
Căn cứ Thông tư số 77/2020/TT-BQP
ngày 23 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Quy định thực hiện một số điều
của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ;
Xét Tờ trình số 5670/TTr-UBND
ngày 09 tháng 8 năm 2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số của Ban Pháp
chế và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án “Tổ chức lực lượng, huấn luyện,
hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ giai đoạn 2021- 2025
trên địa bàn tỉnh Nghệ An” do Ủy ban nhân dân tỉnh trình, gồm những nội dung chính
như sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát:
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ có
tổ chức biên chế theo Luật Dân quân tự vệ năm 2019
và các văn bản hướng dẫn thi hành; lấy xây dựng chính trị làm cơ sở; giáo dục chính
trị, pháp luật, huấn luyện quân sự cơ bản, thiết thực, đồng bộ và chuyên sâu; không
ngừng nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm
vụ quốc phòng và an ninh trong tình hình mới, thực sự là lực lượng tin cậy của cấp
ủy, chính quyền địa phương và nhân dân. Chú trọng xây dựng nâng cao chất lượng dân
quân tự vệ ở vùng trọng điểm quốc phòng và an ninh, sẵn
sàng ứng phó, xử lý hiệu quả mọi tình huống xảy ra.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo
Thông tư số 77/2020/TT-BQP ngày 23 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng Quy định thực hiện một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây
dựng lực lượng dân quân tự vệ và hướng dẫn của Quân khu 4, tỷ lệ luân phiên đạt từ 20 - 25%. Kiện toàn đầy đủ cán
bộ Ban chỉ huy quân sự (sau đây viết tắt là CHQS) cấp xã, cơ quan, tổ chức, chỉ
huy các đơn vị dân quân tự vệ. Ban CHQS cấp xã; Ban CHQS cơ quan, tổ chức
đủ 04 đồng chí. Các xã loại 1, xã biên giới đất liền bố trí 05 đồng chí (trong đó có 2 đồng chí Phó chỉ huy trưởng Ban
CHQS); 100% Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã đều tham gia cấp ủy, là đại biểu Hội đồng nhân dân, thành
viên Ủy ban nhân dân cấp xã. Đến năm 2025 có 40% Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã có trình độ cao đẳng ngành quân sự cơ sở; 20% đồng chí
có trình độ đại học ngành quân sự cơ sở trở lên.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chi bộ quân
sự xã: Nậm Cắn, Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn; xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Hằng năm, mỗi đơn vị cấp
huyện mở 01 lớp đối tượng đảng cho dân quân tự vệ tại địa phương, quân số 50 - 70
đồng chí; đến năm 2025, tỷ lệ đảng viên trong dân
quân tự vệ đạt trên 30%. Làm tốt công tác phối hợp của dân
quân tự vệ với các lực lượng trong thực hiện các nhiệm vụ
theo quy định Luật Dân quân tự vệ năm 2019
và Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ Quy định về
hoạt động phối hợp của dân quân tự vệ.
- 460/460 Ban CHQS có phòng làm việc riêng; có phòng trực, nhà
trực cho
dân quân khi làm nhiệm vụ (92 nhà trực; 368 phòng trực); 8% trở lên Ban CHQS cấp xã
có trụ sở làm việc riêng. Năm 2022, xây dựng Chốt chiến đấu dân quân thường trực xã Nậm Cắn, huyện
Kỳ Sơn; năm 2023, xây dựng Chốt chiến đấu xã Tam Hợp, huyện Tương Dương theo
Hướng dẫn số 88/HD-DQ ngày 16 tháng 12 năm 2017 của Cục Dân quân tự vệ, Bộ Quốc phòng về
xây dựng, hoạt động chốt chiến đấu của dân quân thường trực biên giới đất liền.
-
Huấn luyện cho 100% cơ sở dân quân tự vệ, quân số tham
gia đạt 98,5% trở lên; kết quả huấn luyện khá giỏi đạt trên 75%. Thực hiện quy định
Thông tư số 69/2020/TT-BQP ngày 15 tháng 6 năm 2020 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ năm 2019 về tập huấn, bồi
dưỡng, huấn luyện, hội thi, hội thao, diễn tập cho dân quân tự vệ. Nâng cao cảnh giác cách mạng, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn chiến lược
“Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; nắm chắc nhiệm vụ
của lực lượng vũ trang Quân khu 4, tỉnh và địa phương; nắm vững kỹ, chiến thuật;
sử dụng thành thạo các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, khí tài trang bị; hoàn thành
tốt nhiệm vụ được giao; sẵn sàng xử lý tốt các tình huống xảy ra.
-
Bảo đảm tốt chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ trong huấn
luyện, hoạt động và thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn theo Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020
của Chính phủ; Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 13 tháng 8 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ
An về Quy định số lượng Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã
và mức trợ cấp ngày công lao động đối với dân quân trên địa bàn tỉnh Nghệ An
và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dân quân tự
vệ năm 2019.
2. Phạm vi thực hiện Đề án
Lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
3. Tổ chức, biên chế đơn vị dân quân tự vệ
- Đơn vị dân quân tự vệ gồm: Tổ, tiểu đội, khẩu đội,
trung đội, đại đội.
- Quy mô tổ chức biên chế từng đơn vị dân quân tự vệ thực
hiện theo quy định tại Thông tư số 77/2020/TT-BQP ngày 23 tháng 6 năm 2020
của Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng.
4. Tập huấn, bồi dưỡng, huấn
luyện, hội thi, hội thao, diễn tập
Thực hiện theo Thông tư số
69/2020/TT- BQP ngày 15 tháng 6 năm 2020 của Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng.
5. Hoạt động của dân quân tự vệ
Thực hiện theo quy định của Luật Dân quân tự vệ năm
2019, gồm: Hoạt động sàng chiến đấu; hoạt động chiến đấu, phục vụ chiến đấu; hoạt
động phối hợp của dân quân tự vệ.
Điều 2. Kinh phí thực hiện
Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 1.199.028.856.314
đồng. Trong đó:
1. Ngân sách Nhà nước:
- Bảo đảm
trang phục cho dân quân tự vệ: 181.317.516.600 đồng.
- Kinh
phí bảo đảm phụ cấp tháng, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên, phụ cấp đặc thù quốc
phòng quân sự: 510.628.367.714 đồng.
- Bảo đảm tiền ăn, trợ cấp
ngày công lao động; phụ cấp đặc thù đi biển; bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, trợ
cấp một lần đối với dân quân thường trực: 423.856.172.000 đồng.
- Bảo đảm công cụ hỗ trợ,
vũ khí thô sơ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật; cơ sở, vật chất: 50.226.800.000
đồng.
2. Vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
Xây dựng Chốt chiến đấu dân
quân thường trực xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn và xã Tam Hợp, huyện Tương Dương: 33.000.000.000
đồng.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân
tỉnh:
a) Chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án theo
quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và Quân khu 4.
b) Chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh tổ
chức, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo đúng
quy định của Luật Dân quân tự vệ năm 2019, các văn bản, quy định hiện hành; chủ
trì phối hợp các sở ngành liên quan tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện
quy trình, lộ trình xây dựng chốt chiến đấu dân quân thường trực trên địa bàn.
c) Chỉ đạo các cơ quan chuyên
môn thực hiện đúng quy trình, thủ tục đầu tư, mua sắm theo quy định của pháp luật.
Hằng năm trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định phân bổ ngân sách tỉnh cùng với
các nguồn ngân sách của Trung ương, Bộ Quốc phòng theo đúng Luật Đầu tư công và
Luật Ngân sách nhà nước, Luật Dân quân tự vệ năm 2019.
2. Giao Thường trực
Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và
các đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Điều 4. Hiệu lực thi
hành
Nghị quyết này đã
được Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Khoá XVIII Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 13
tháng 8 năm 2021 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua./.