HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 21/NQ-HĐND
|
Lai Châu, ngày 20
tháng 7 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
CHƯƠNG
TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ TÁM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng
10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở;
Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng
10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định số
49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015;
Xét Tờ trình số 2162/TTr-UBND ngày 24 tháng 6
năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị thông qua Nghị quyết Chương trình
phát triển nhà ở tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Báo
cáo thẩm tra số 279/BC-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2022 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội
đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại
kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lai Châu giai
đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các nội dung sau:
1. Quan điểm phát triển nhà ở
Phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030,
tầm nhìn đến năm 2045 phải tuân thủ Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, các
quy định của pháp luật về nhà ở và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Phát triển nhà ở phải dựa trên những định hướng phù
hợp với điều kiện tự nhiên, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng
thời kỳ, phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt.
Phát triển nhà ở để giải quyết nhu cầu về nhà ở
nhưng phải hài hòa với khả năng huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển
nhà ở.
Từng bước nâng cao chất lượng và diện tích nhà ở,
góp phần phát triển đô thị, nông thôn theo hướng bền vững, hiện đại phù hợp với
bản sắc địa phương.
Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa nhà nước, doanh
nghiệp, các tổ chức và cá nhân trong phát triển nhà ở, gắn với vai trò quản lý
về trật tự xây dựng và mỹ quan đô thị.
Thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ về
nhà ở của Chính phủ.
2. Mục tiêu phát triển nhà ở
a) Giai đoạn 2021-2025
Phấn đấu đến năm 2025 diện tích nhà ở tăng thêm khoảng
1.850.800m2; diện tích nhà ở bình quân đạt 19,5m2 sàn/người
(trong đó tại đô thị 30,0m2 sàn/người, nông thôn 16,0m2
sàn/người).
Diện tích nhà ở tối thiểu phấn đấu đạt 8,0m2
sàn/người.
Tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 85,5%; giảm
tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và hạn chế phát sinh mới nhà ở đơn sơ.
b) Giai đoạn 2026-2030
Phấn đấu đến năm 2030 diện tích nhà ở tăng thêm khoảng
2.638.500m2; diện tích nhà ở bình quân đạt 22,5m2 sàn/người
(trong đó tại đô thị 33,0m2 sàn/người, nông thôn 18,0m2
sàn/người).
Diện tích nhà ở tối thiểu phấn đấu đạt 10,0m2
sàn/người.
Tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 90%, giảm tỷ
lệ nhà ở thiếu kiên cố và hạn chế phát sinh mới nhà ở đơn sơ.
c) Tầm nhìn đến năm 2045
Tiếp tục phát triển mới về nhà ở trên phạm vi toàn
tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, tính tiện nghi, thu hẹp khoảng cách về chất
lượng nhà ở đô thị và nông thôn.
Phát triển đa dạng các loại hình nhà ở có diện
tích, mức độ tiện nghi khác nhau đáp ứng cho nhu cầu của xã hội, ưu tiên phát
triển nhà ở theo dự án đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
3. Nhu cầu về đất để phát triển
nhà ở
Giai đoạn 2021-2025: 520,08 ha.
Giai đoạn 2026-2030: 784,35 ha.
4. Nhu cầu về vốn để phát triển
nhà ở
Giai đoạn 2021-2025: 12.956,26 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026-2030: 18.666,74 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn bao gồm: vốn ngân sách, vốn hỗ trợ
từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình.
5. Một số giải pháp chính thực hiện
a) Về cơ chế chính sách
Rà soát, ban hành các chính sách theo quy định nhằm
thúc đẩy thực hiện Chương trình phát triển nhà ở, trong đó tập trung nghiên cứu,
ban hành các quy định liên quan đến phát triển hạ tầng đô thị, phát triển các dự
án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội.
b) Giải pháp về đất đai
Bố trí quỹ đất ở đô thị và quỹ đất ở nông thôn để phát
triển nhà ở khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng.
Thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí lại quỹ nhà, đất
không phù hợp quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp.
c) Giải pháp về quy hoạch, kiến trúc
Rà soát để bổ sung, điều chỉnh, lập mới các quy hoạch
đô thị; nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác quản lý quy
hoạch, xây dựng; đầu tư cơ sở hạ tầng để khai thác quỹ đất tạo thuận lợi cho việc
thu hút đầu tư các dự án phát triển nhà ở.
Xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc; ban
hành các mẫu thiết kế nhà ở phù hợp với tính chất, đặc điểm, điều kiện tự
nhiên, khí hậu, phong tục tập quán của từng địa phương.
Thực hiện đầy đủ quy định về công bố công khai các
đồ án quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị. Xác định và công bố các khu vực,
quỹ đất được phép xây dựng nhà ở theo quy hoạch làm cơ sở triển khai thực hiện
các dự án phát triển nhà ở; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, hộ gia đình
khi có nhu cầu xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy hoạch.
Đối với khu vực nông thôn, từng bước thực hiện việc
phát triển nhà ở hình thành các điểm dân cư nông thôn có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ
thuật và hạ tầng xã hội, bảo đảm phù hợp mục tiêu Chương trình xây dựng nông
thôn mới; thực hiện việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm kết hợp với
bố trí tái định cư theo quy hoạch.
d) Giải pháp về nguồn vốn
Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung
ương, vốn vay từ ngân hàng, nguồn vốn ngân sách tỉnh, nguồn vốn huy động hợp
pháp từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân để đầu tư xây dựng nhà ở.
Tăng cường vận động các tổ chức từ thiện, quỹ vì
người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa nhằm thực hiện hỗ trợ một phần kinh phí xây mới,
cải tạo, sửa chữa nhà ở bên cạnh các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa
phương.
e) Giải pháp hoàn thiện cơ cấu tổ chức phát triển
và quản lý nhà ở
Củng cố, kiện toàn bộ máy cán bộ, công chức quản lý
về nhà ở; tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ
cho cán bộ, công chức đảm bảo đáp ứng đủ năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ được
giao.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn
vị liên quan trong phát triển và quản lý nhà ở, tránh tình trạng chồng chéo
trong công tác quản lý nhà nước.
f) Chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với
cách mạng, hộ nghèo khó khăn về nhà ở, hộ sinh sống tại vùng có nguy cơ ảnh hưởng
thiên tai.
Đối với đối tượng người có công với cách mạng: Tiếp
tục hỗ trợ về nhà ở theo cơ chế chính sách và các chương trình hỗ trợ về nhà ở
của Nhà nước và các nguồn vốn hỗ trợ, huy động hợp pháp khác.
Đối với hộ nghèo có khó khăn về nhà ở: Tiếp tục hỗ
trợ về nhà ở theo cơ chế chính sách và các chương trình hỗ trợ về nhà ở của Nhà
nước và các nguồn vốn hỗ trợ, huy động hợp pháp khác; kết hợp linh hoạt giữa
các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp,
cá nhân thông qua các hình thức như hỗ trợ kinh phí, vật liệu, nhân công trong
xây dựng nhà ở.
g) Giải pháp phát triển thị trường bất động sản
Hằng năm lập kế hoạch phát triển nhà ở để làm căn cứ
quản lý, điều hành việc phát triển nhà ở.
Hoàn thiện, cập nhật định kỳ và công bố công khai
các thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản theo quy định.
Tăng cường các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động
sản phát triển lành mạnh, nhằm thu hút đầu tư phát triển nhà ở và kinh doanh bất
động sản trên địa bàn tỉnh.
h) Giải pháp về khoa học, công nghệ
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong
lĩnh vực quản lý, quy hoạch, phát triển nhà ở. Trước mắt, đầu tư hệ thống trang
thiết bị để quản lý dữ liệu thông tin quy hoạch, công khai quy hoạch trên hệ thống
thông tin của tỉnh.
Khuyến khích áp dụng các thành tựu về khoa học công
nghệ trong xây dựng nhà ở, đảm bảo các công trình nhà ở kể cả nhà ở do Nhân dân
tự xây dựng đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn trong sử dụng, có khả năng ứng
phó với thiên tai, động đất và biến đổi khí hậu.
i) Giải pháp tuyên truyền, vận động
Tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết
của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lai Châu giai
đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; vận động tổ chức, cá nhân thực hiện đúng
các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới về nhà ở và đóng góp nguồn lực để thực hiện
Chương trình.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao
1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng
nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu
khoá XV, kỳ họp thứ tám thông qua ngày 20 tháng 7 năm 2022 và có hiệu lực từ
ngày thông qua./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Xây dựng;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Công báo tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Giàng Páo Mỷ
|