ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 467/QĐ-UBND
|
Đồng Nai, ngày 22
tháng 3 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA ĐIỀU 1 QUYẾT ĐỊNH SỐ 320/QĐ-UBND NGÀY
27 THÁNG 01 NĂM 2022 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH
PHÁT TRIỂN NHÀ Ở GIAI ĐOẠN 2021-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng
10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật nhà ở;
Căn cứ Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng
3 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở;
Căn cứ Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng
10 năm 2015 của Chính phủ về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội;
Căn cứ Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng
4 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý
nhà ở xã hội;
Căn cứ Quyết định số 734/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5
năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22 tháng
12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia
giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 30 tháng 7
năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về Chương trình phát triển nhà ở
giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;
Căn cứ Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12
năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về sửa đổi, bổ sung một số nội
dung của Điều 1 Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 30 tháng 7 năm 2021 của Hội đồng
nhân dân tỉnh về Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn
tỉnh Đồng Nai;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Văn bản
số 502/SXD-QLN-TTBĐS ngày 24 tháng 02 năm 2023 và Tờ trình số 185/TTr-SXD ngày
30 tháng 12 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một
số nội dung của Điều 1 Quyết định số 320/QĐ-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2022 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai
đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai:
1. Sửa đổi điểm a khoản 1 như
sau:
“a) Diện tích nhà ở bình quân đầu người
- Đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh
đạt 27,0 m2 sàn/người, trong đó: khu vực đô thị là 28,0 m2
sàn/người; khu vực nông thôn là 26,0 m2 sàn/người.
- Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh
đạt 30,0 m2 sàn/người, trong đó: khu vực đô thị là 32,0 m2
sàn/người; khu vực nông thôn là 28,0 m2 sàn/người.”
2. Sửa đổi điểm c khoản 1 như
sau:
“c) Diện tích nhà ở tăng thêm
- Giai đoạn 2021-2025: Tổng diện tích nhà ở tăng
thêm toàn tỉnh đạt 13,3 triệu m2 sàn, trong đó:
+ Nhà ở trong các dự án thương mại, khu đô thị:
13.445 căn, tương ứng 2.0 triệu m2 sàn;
+ Nhà ở xã hội: 10.000 căn tương ứng 800.000 m2
sàn;
+ Nhà ở công vụ tại các địa phương: đáp ứng đủ nhu
cầu với tổng số khoảng 20 căn, tổng diện tích sử dụng 1.600 m2 sàn;
+ Nhà ở tái định cư: Mục tiêu bố trí đủ suất tái định
cư bằng đất nền hoặc bằng tiền (tùy theo nhu cầu của hộ dân) cho 100% hộ
dân có đất bị thu hồi mà đủ điều kiện bố trí tái định cư để các hộ tự xây dựng
nhà ở (dự báo khoảng 7.500 hộ, diện tích 900.000 m2 sàn);
+ Nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng: 80.000
căn, tương ứng khoảng 9,6 triệu m2 sàn.
- Giai đoạn 2026-2030: Tổng diện tích nhà ở tăng
thêm toàn tỉnh đạt 13,9 triệu m2 sàn, trong đó:
+ Nhà ở trong các dự án thương mại, khu đô thị:
20.000 căn, tương ứng 3.0 triệu m2 sàn;
+ Nhà ở xã hội: Tối thiểu 40.000 căn tương ứng tối
thiểu 3,2 triệu m2 sàn.
+ Nhà ở tái định cư: Mục tiêu bố trí đủ suất tái định
cư bằng đất nền hoặc bằng tiền (tùy theo nhu cầu của hộ dân) cho 100% hộ
dân có đất bị thu hồi mà đủ điều kiện bố trí tái định cư để các hộ dân tự xây dựng
nhà ở (dự báo khoảng 7.500 hộ, diện tích 900.000 m2 sàn);
+ Nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng: 57.000
căn, tương ứng khoảng 6,8 triệu m2 sàn.”
3. Sửa đổi điểm a khoản 2 như
sau:
“a) Nhu cầu nguồn vốn phát triển nhà ở
- Giai đoạn 2021-2025: Dự kiến nguồn vốn để phát
triển nhà ở là 124.567 tỷ đồng, gồm:
+ Vốn đầu tư nhà ở thương mại: 45.829 tỷ đồng;
+ Vốn đầu tư nhà ở xã hội: 10.156 tỷ đồng;
+ Vốn đầu tư xây dựng nhà ở công vụ: 12 tỷ đồng
+ Vốn xây dựng nhà ở tái định cư: 10.502 tỷ đồng;
+ Vốn xây dựng nhà ở dân tự xây của các cá nhân, hộ
gia đình khoảng: 58.068 tỷ đồng.
Trong đó, vốn xây dựng nhà ở công vụ sử dụng nguồn
vốn ngân sách là 12 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2026-2030: Dự kiến nguồn vốn để phát
triển nhà ở là 190.071 tỷ đồng, gồm:
+ Vốn đầu tư nhà ở thương mại: 69.889 tỷ đồng;
+ Vốn đầu tư nhà ở xã hội: 54.500 tỷ đồng;
+ Vốn xây dựng nhà ở tái định cư: 13.182 tỷ đồng;
+ Vốn xây dựng nhà ở dân tự xây của các cá nhân, hộ
gia đình khoảng: 52.500 tỷ đồng.”
4. Sửa đổi, bổ sung điểm a, b
khoản 3 như sau:
“a) Giải pháp về đất đai
- Kết hợp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với
khai thác tiềm năng đất đai, đấu giá quyền sử dụng đất tại những vị trí thuận lợi.
Tập trung khai thác có hiệu quả nguồn lực về đất đai để huy động các thành phần
kinh tế tham gia phát triển nhà ở.
- Khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch
nông thôn, quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp, quy hoạch xây dựng khu nghiên cứu,
đào tạo phải xác định rõ diện tích đất xây dựng nhà ở:
+ Trong quy hoạch đô thị phải xác định cụ thể diện
tích đất để phát triển từng loại nhà ở, đặc biệt là đất để xây dựng nhà ở xã hội,
nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở thương mại với tỷ lệ hợp lý.
+ Quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp phải gắn với
quy hoạch phát triển nhà ở và thiết chế công đoàn cho công nhân, người lao động
làm việc tại Khu công nghiệp.
+ Quy hoạch xây dựng khu nghiên cứu đào tạo phải gắn
với quy hoạch nhà ở cho giáo viên, học sinh, sinh viên.
- Rà soát, kiểm soát chặt chẽ các chủ đầu tư nhà ở
thương mại dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội. Trường hợp chủ đầu tư
các dự án nhà ở không triển khai hoặc chậm triển khai thực hiện theo tiến độ đã
được phê duyệt, thực hiện thu hồi và giao các nhà đầu tư có năng lực để triển
khai đầu tư xây dựng, tránh lãng phí quỹ đất.
- Rà soát, lựa chọn vị trí quỹ đất công phù hợp để
phát triển nhà ở xã hội; rà soát, điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp để dành
diện tích đất phát triển nhà ở xã hội, thiết chế công đoàn cho công nhân, người
lao động làm việc tại Khu công nghiệp.
- Rà soát quỹ đất dịch vụ chưa sử dụng trong các
Khu công nghiệp để sử dụng vào mục tiêu xây dựng cơ sở lưu trú, công trình dịch
vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong Khu công nghiệp.
b) Giải pháp về vốn và tài chính để phát triển nhà ở
- Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn và các phương
thức đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở, chủ yếu sử dụng vốn
ngoài ngân sách. Tiếp tục triển khai chính sách về vay vốn ưu đãi xây dựng nhà ở
theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về
phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng
04 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý
nhà ở xã hội.
- Đối với nguồn vốn Nhà nước: Đảm bảo sử dụng vốn
ngân sách nhà nước thu được thông qua nguồn thu từ tiền bán nhà thuộc sở hữu
nhà nước, tiền sử dụng đất tương đương giá trị quỹ đất 20% trong các dự án khu
đô thị mới, dự án nhà ở thương mại nhằm bổ sung vào ngân sách địa phương (Quỹ
phát triển nhà ở). Sử dụng hiệu quả nguồn vốn này để phát triển nhà ở xã hội; ủy
thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai để cho vay theo Nghị định số
100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý
nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 của Chính
phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng
10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
- Triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ
cho người lao động; chính sách hỗ trợ lãi suất đối với dự án nhà ở công nhân,
nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc
hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển
kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ
về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết
số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền
tệ hỗ trợ Chương trình; Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2022 của
Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh
nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.”
5. Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản
3 như sau:
“đ) Các nhóm giải pháp khác
- Thực hiện rà soát các thủ tục hành chính trong
lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc, quản lý đất đai, quản lý xây dựng để bảo đảm
đơn giản, hiệu quả trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng và quản lý nhà ở.
- Tăng cường công tác quản lý chất lượng trong thiết
kế, thi công xây dựng và sử dụng nhà ở, bảo đảm các công trình nhà ở, kể cả các
nhà ở do dân tự xây dựng đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn trong sử dụng, có
khả năng ứng phó với thiên tai, động đất, biến đổi khí hậu, thân thiện với môi
trường.
- Hướng dẫn các chủ đầu tư áp dụng các loại công
nghệ xây dựng hiện đại; sử dụng các loại vật liệu xây và trang thiết bị trong
nước xây dựng nhà ở xã hội để giảm giá thành nhà ở và rút ngắn thời gian xây dựng,
phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
- Tuyên truyền, phát động phong trào, có tổ chức để
phát huy sức mạnh cộng đồng trong phát triển nhà ở đặc biệt là hỗ trợ các đối
tượng chính sách xã hội, các hộ nghèo khu vực đô thị, nông thôn cải thiện chỗ ở.
- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong
lĩnh vực quản lý, quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở. Công khai hệ thống
thông tin bất động sản nhà ở, minh bạch các dự án nhà ở trên phương tiện đại
chúng để tất cả các đối tượng có nhu cầu tiếp cận thông tin.
- Chú trọng thực hiện công tác dự báo nhu cầu, lập
kế hoạch phát triển nhà ở; đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ
tiêu bắt buộc phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.
- Tổ chức thi tuyển thiết kế mẫu công trình nhà ở
công nhân, nhà ở xã hội, cung cấp cho các chủ đầu tư tham khảo, áp dụng để đẩy
nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Ban hành quy trình thực hiện dự án nhà ở xã hội,
nhà ở công nhân để thống nhất áp dụng, rút ngắn thời gian thực hiện.
- Ban hành quy định về tiêu chuẩn tối thiểu nhà ở
cho người lao động thuê để ở trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chất lượng, không gian,
môi trường sống tối thiểu cho công nhân, người lao động thuê.
- Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển
nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, các doanh
nghiệp tham gia đầu tư nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.”
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các Sở, ban ngành và Ủy
ban nhân dân các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này, hàng
năm đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các nội dung khác của Quyết định số 320/QĐ-UBND
ngày 27 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt
Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn
giữ nguyên giá trị pháp lý.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và
Môi trường, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Công Thương,
Giao thông Vận tải; Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; Chủ tịch Liên
đoàn Lao động tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Cục trưởng Cục Thuế; Giám đốc Ngân
hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai; Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi
nhánh tỉnh Đồng Nai; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng
các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Xây dựng;
- Thường trực Tỉnh ủy
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Thường trực MTTQVN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Báo Đồng Nai;
- Đài PT-TH Đồng Nai;
- Chánh, Phó Chánh VP UBND tỉnh (KTN);
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KTN, Tan.
<F:\2023\UBT\Tham mưu XD\>
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Tấn Đức
|