ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 6441/QĐ-UBND
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 12 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHI PHÍ HỌC TẬP CHO HỌC VIÊN CAO HỌC,
NGHIÊN CỨU SINH LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2016-2020”
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết 52/NQ-CP ngày 15
tháng 06 năm 2016 của Chính phủ về Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc
thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 449/QĐ-TTg
ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác
dân tộc đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2356/QĐ-TTg
ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động
thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số
66/2013/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính
sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại
các cơ sở giáo dục đại học;
Căn cứ Quyết định số 3531/QĐ-UBND
ngày 16 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch thực
hiện Chương trình hành động về Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn Thành
phố đến năm 2020;
Xét đề nghị của Ban Dân tộc thành
phố tại Tờ trình số 65/TTr-BDT ngày 25 tháng 11 năm 2016 về phê duyệt Đề án
“Chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học viên cao học, nghiên cứu sinh là người
dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay phê duyệt Đề án “Chính sách hỗ trợ chi phí học
tập cho học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số giai đoạn
2016-2020” (đính kèm Đề án).
Điều 2. Giao Trưởng ban Ban Dân tộc thành phố chủ trì,
phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, các Sở - ngành, cơ
quan, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện triển khai thực hiện
Đề án này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng
ban Ban Dân tộc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc
Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Đài Truyền hình
thành phố, Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các quận - huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Ủy ban Dân tộc;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Văn phòng Thành ủy;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Ban Dân vận Thành ủy;
- UBMTTQ Việt Nam. TP và các Đoàn thể TP;
- Các Sở, ngành Thành phố;
- VPUB: các PVP;
- Các Phòng CV;
- Lưu: VT, (VX-VN)
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Thu
|
ĐỀ ÁN
“CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHI PHÍ HỌC TẬP CHO HỌC VIÊN CAO HỌC, NGHIÊN CỨU
SINH LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2016-2020”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6441/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2016 của Ủy
ban nhân dân thành phố)
PHẦN I
CĂN CỨ XÂY DỰNG
ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT VÀ
CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Sự cần thiết xây dựng đề án
Qua tổng điều tra dân số năm 2009, trên
địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 51 dân tộc thiểu số với 462.612 người chiếm
6,4% dân số Thành phố tại thời điểm điều tra, đông nhất là dân tộc Hoa (414.045
người, chiếm 5,78%); dân tộc Khmer (24.268 người, chiếm 0,33%); dân tộc Chăm
(7819 người, chiếm 0,10%). Đồng bào dân tộc Hoa, Khmer, Chăm thường sinh sống tập
trung theo khu vực: như người Hoa sống tập trung đông ở các quận 5, 6, 10, 11,
Tân Phú, Bình Tân; người Khmer tập trung các quận 3, Tân Bình; người Chăm ở các
quận 8, Phú Nhuận...
Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa
bàn Thành phố sinh sống chủ yếu bằng nghề buôn bán nhỏ - lẻ, công nhân, lao động
phổ thông và một số ít làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp,
các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, tham gia làm kinh tế tư
nhân... với thu nhập không ổn định nên nhìn chung đời sống kinh tế, xã hội người
dân còn thấp. Nguyên nhân, người dân chưa chú trọng đến vấn đề học vấn nên
trình độ học vấn còn thấp, đặc thù về tôn giáo, văn hóa, phong tục tập quán của
một số dân tộc (Chăm, Khmer), một bộ phận nhỏ người dân tộc còn mang tâm lý tự
ti, chưa có ý thức tự vươn lên, còn ỷ lại nên đời sống người dân còn gặp nhiều
khó khăn.
Trong thời gian qua, Thành ủy và Ủy
ban nhân dân thành phố đã có nhiều chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện
chính sách về dân tộc, nhất là thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp
hành Trung ương Đảng (Khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao đời sống của người dân tộc thiểu số, trong
đó có các chính sách về giáo dục dân tộc như: Thực hiện miễn học phí cho học
sinh dân tộc Chăm và Khmer từ cấp mầm non đến trung học phổ thông từ năm học
2013-2014 đến 2019-2020; Hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên người dân tộc thiểu
số thuộc hộ nghèo và cận nghèo giai đoạn 2014 - 2020. Qua 2 năm thực hiện (2014
và 2015) đã hỗ trợ 145 sinh viên; Chính sách cộng điểm cho học sinh người dân tộc
thiểu số khi thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp cao đẳng, đại học; Chính sách tín
dụng đối với học sinh, sinh viên nghèo... Qua đó, trình độ dân trí của đồng bào
dân tộc thiểu số trên địa bàn đã được nâng lên đáng kể; đã thực hiện thành công
sự nghiệp xóa mù chữ,hoàn thành phố cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập
giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và phổ cập giáo dục trung học phổ thông; số
sinh viên người dân tộc thiểu số đang học ở các bậc cao đẳng, đại học ngày càng
nhiều, như năm 2009[1]
số lượng sinh viên cao đẳng có 2.079 người, đại học có 10.930 người... Tuy
nhiên, số lượng này giảm dần qua các năm học như giai đoạn 2011-2013 sinh viên
cao đẳng chỉ còn 335 người, đại học có 638 người và đặc biệt số lượng người dân
tộc thiểu số có trình độ cao, chuyên môn sâu từ thạc sĩ, tiến sĩ trở lên thì rất
ít. Theo thống kê của Sở Nội vụ năm 2014 thì tổng số cán bộ, công chức là người
dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố có 2674 người, nhưng chỉ có 03 người có
trình độ tiến sĩ và 64 người là thạc sĩ.
Hiện nay, với việc Việt Nam trở thành
thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO; tham gia Hiệp hội các
Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương
(APEC), Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đặt ra nền
kinh tế - văn hóa - xã hội Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức, nhất là nguồn
nhân lực nước ta hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu xu thế hội nhập và việc bồi
dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề và trình độ chuyên môn sâu còn hạn chế
chính là vấn đề cấp thiết nhất hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp
nâng cao nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu hội nhập trong khu vực và thế giới.
Ngoài ra, thực hiện Nghị Quyết số
52/NQ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ về Đẩy mạnh phát triển nguồn
nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, có nội dung “đào tạo sau đại học cho người dân tộc thiểu số, phấn đấu
đến năm 2020 đạt tỷ lệ khoảng 0,4%, năm 2030 là 0,7% trong tổng số lao động dân
tộc thiểu số đã qua đào tạo, ưu tiên các dân tộc chưa có người ở trình độ sau đại
học”.
Do vậy, việc ban hành Chính sách hỗ
trợ chi phí học tập cho học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu
số giai đoạn 2016-2020 để phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, chuyên môn
sâu của Thành phố nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng là rất cần
thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật
chất, tinh thần của người dân, góp phần giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân
tộc thiểu số, thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược công tác dân tộc trên
địa bàn Thành phố đến năm 2020 và xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một
Thành phố “có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động
lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một
trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công
nghệ của khu vực Đông Nam Á”[2].
2. Căn cứ pháp lý
- Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng
6 năm 2012;
- Nghị quyết 52/NQ-CP ngày 15 tháng 06
năm 2016 của Chính phủ về Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu
số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày
11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí
học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục
đại học;
- Thông tư 33/2013/TT-BGDĐT ngày 05
tháng 8 năm 2013 về việc sửa đổi, bổ sung Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV
trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 04/2012/TT-BGDĐT ngày
15 tháng 2 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thông tư liên tịch số
35/2014/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 15 tháng 10 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và
Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11 tháng
11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập
đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học;
- Quyết định số 3531/QĐ-UBND ngày 16
tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch thực hiện
Chương trình hành động về Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn Thành phố đến
năm 2020.
3. Căn cứ thực tiễn
Theo kết quả khảo sát của Ban Dân tộc
đối với người đứng đầu cộng đồng ở 22 cơ sở tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu
số trên địa bàn Thành phố (các Hội quán người Hoa, Chùa Khmer, Thánh đường - tiểu
thánh đường người Chăm) đều nhận định: tình hình đời sống, văn hóa của người
dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, do trình độ văn hóa, chuyên môn thấp nên không
có cơ hội tìm việc làm có mức thu nhập cao, do vậy số lượng hộ nghèo, hộ cận
nghèo người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao so với tổng số hộ nghèo, hộ cận
nghèo của Thành phố như theo tổng hợp ngày 01 tháng 01 năm 2016 của Văn phòng
Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá (có 3.800 hộ nghèo chiếm tỷ lệ
5,85% tổng số hộ nghèo Thành phố và có 3.680 hộ cận nghèo chiếm 15,467% tổng số
hộ cận nghèo Thành phố). Hiện nay, chi phí học cho bậc thạc sĩ, tiến sĩ rất
cao, do đó người dân tộc thiểu số muốn tiếp tục học tập nâng cao không có khả
năng để chi trả kinh phí.
III. QUAN ĐIỂM, MỤC
TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Quan điểm
- Học tập là quyền lợi và nghĩa vụ của
mọi người dân nói chung và người dân tộc thiểu số nói riêng; đồng bào dân tộc
thiểu số tham gia học tập nâng cao trình độ, chuyên môn sâu để đáp ứng nhu cầu
của thị trường lao động hội nhập, góp phần táng sức cạnh tranh của nguồn nhân lực,
tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
- Tăng cơ hội học tập, cơ hội việc
làm cho người dân tộc thiểu số; đặc biệt người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh
khó khăn có nhu cầu học tập nâng cao chuyên môn.
- Việc tăng cường đầu tư phát triển
đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo cơ hội việc làm cho người
dân tộc thiểu số là cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước về
chính sách dân tộc.
2. Mục tiêu
Xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực là
người dân tộc thiểu số của Thành phố có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao phục vụ
cho các chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm của Thành phố và cho doanh nghiệp
trên địa bàn, nhằm tạo cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập, giảm dần tỷ lệ hộ
nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số góp phần đáp ứng yêu cầu của
sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
PHẦN II
NỘI DUNG
I. NỘI DUNG CỦA
ĐỀ ÁN
1. Đối tượng của Đề án
- Học viên cao học và nghiên cứu sinh
là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú trên địa bàn Thành phố Hồ Chí
Minh, riêng đối với học viên cao học và nghiên cứu sinh là người dân tộc Hoa
thì thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo (có mã số theo chuẩn nghèo của Thành phố) đang
học tại các viện nghiên cứu, học viện và các trường đại học trong cả nước (bao
gồm trường công lập và ngoài công lập) có chức năng đào tạo sau đại học theo
quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Đề án này không áp dụng cho đối tượng
của Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Thành phố; Học viên cao học,
nghiên cứu sinh được đào tạo toàn phần ở nước ngoài; Học viên cao học, nghiên cứu
sinh đào tạo theo các chương trình liên kết đúng quy định pháp luật về hợp tác,
đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
2. Ngành nghề đào tạo được thụ hưởng
chính sách của Đề án
Tất cả các ngành nghề được quy định tại
Văn bản hợp nhất số 16/VBHN-BGDĐT ngày 08 tháng 5 năm 2014 của Bộ Giáo dục và
Đào tạo hợp nhất Thông tư số 04/2012/TT-BGDĐT và Thông tư số 33/2013/TT-BGDĐT của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ
thạc sĩ, tiến sĩ (đính kèm Phụ lục 2).
3. Phương thức đào tạo được thụ hưởng
chính sách của Đề án và mức hỗ trợ
3.1. Phương thức đào tạo
- Đào tạo toàn phần trong nước: Học tại
các viện nghiên cứu, học viện và các trường đại học trong cả nước (bao gồm trường
công lập và ngoài công lập) có chức năng đào tạo sau đại học theo quy định của
Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Đào tạo toàn phần trong nước kết hợp
với nghiên cứu, thực tập ở nước ngoài.
3.2. Mức hỗ trợ
Vận dụng Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg
ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ
chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở
giáo dục đại học bằng 60% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 10
tháng/năm/học viên cao học - nghiên cứu sinh.
IV. NGUỒN KINH PHÍ
VÀ PHƯƠNG THỨC HỖ TRỢ
1. Nguồn kinh phí: Ngân sách Thành phố được bố trí trong dự toán hàng năm theo quy định của
Luật Ngân sách hiện hành.
2. Phương thức hỗ trợ:
- Thực hiện cấp phát trực tiếp một lần
(10 tháng) cho đối tượng thụ hưởng tại Ban Dân tộc thành phố, từ ngày 01-15
tháng 10 hàng năm.
- Số năm được hưởng hỗ trợ chi phí
theo thời gian đào tạo chính thức trong giai đoạn chính sách còn hiệu lực.
V. HIỆU LỰC THI
HÀNH
Thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ
học viên cao học, nghiên cứu sinh theo Đề án này được áp dụng từ ngày 01 tháng
01 năm -2017.
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Ban Dân tộc thành phố
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục
và Đào tạo, Sở Tài chính và Sở Nội vụ tổ chức hướng dẫn và triển khai thực hiện
Đề án đến Ủy ban nhân dân quận-huyện, các cơ sở tín ngưỡng của đồng bào dân tộc
thiểu số trên địa bàn Thành phố.
- Chịu trách nhiệm hướng dẫn, quản lý
và cấp phát kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng và quyết toán theo quy định.
- Căn cứ mức hỗ trợ và số lượng đối
tượng được hỗ trợ chi phí học tập để lập danh sách, tổng hợp, xây dựng dự toán
kinh phí thực hiện chế độ và tổng hợp chung vào dự toán thu chi ngân sách hàng
năm của cơ quan gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố xem
xét phê duyệt.
- Tổng hợp, đề xuất sửa đổi, bổ sung,
giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện; thường xuyên giữ mối liên hệ
với các địa phương, gia đình và nhà trường để theo dõi tình hình và kết quả học
tập của học viên.
- Định kỳ hằng năm tổng hợp, đánh giá
và báo cáo tình hình thực hiện Đề án cho Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp với Ban Dân tộc thành phố
triển khai, hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án đến các cơ sở giáo dục đại học
trên địa bàn Thành phố.
3. Sở Tài chính
- Phối hợp với Ban Dân tộc trình Ủy
ban nhân dân thành phố xem xét bố trí nguồn kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ
này theo quy định.
- Hướng dẫn đơn vị thực hiện thanh
quyết toán theo quy định.
4. Sở Nội vụ
- Cung cấp số liệu cán bộ, công chức,
viên chức người dân tộc thiểu số có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thuộc thẩm quyền Ủy
ban nhân dân thành phố giao Sở Nội vụ quản lý.
- Tham mưu cho Thành phố về chính
sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ các học viên cao học, nghiên cứu sinh được hỗ
trợ theo Đề án này vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.
5. Sở Thông tin và Truyền thông,
Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố
Phối hợp Ban Dân tộc tuyên truyền rộng
rãi đến người dân về Chính sách hỗ trợ chi phí học tập học viên cao học, nghiên
cứu sinh là người dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố.
6. Ủy ban nhân dân quận - huyện
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường - xã
- thị trấn xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách có thường trú tại địa
phương.
- Tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến
người dân về ý nghĩa và mục tiêu của Đề án.
7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và Thành đoàn
Phối hợp với Ban Dân tộc thành phố
triển khai Đề án đến hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp
phụ nữ, Đoàn Thanh niên quận - huyện và phường - xã - thị trấn./.
[1] Theo Tổng điều tra dân số và
nhà ở Việt Nam năm 2009.
[2] Trích “Những vấn đề chủ yếu của Văn kiện đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ
Chí Minh lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020”.