ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 20/CT-UBND
|
Bình
Dương, ngày 25 tháng 10 năm 2019
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG, GIẢI PHÓNG
MẶT BẰNG CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Trong thời gian qua, công tác thu hồi
đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh đã được các Sở, ban,
ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nhất
định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, nhìn
chung công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế
như: Tình hình giải ngân vốn cho công tác bồi thường còn chậm so với kế hoạch;
giá đất bồi thường có lúc chưa phù hợp; công tác xây dựng và bố trí tái định cư
chưa đáp ứng được nhu cầu; Ủy ban nhân dân cấp huyện chưa chủ động, quyết liệt
trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền.
Những tồn tại và hạn chế là do nhiều
nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ yếu là: Tổ
chức, bộ máy làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng còn thiếu và yếu;
công tác lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường còn kéo dài; công tác
chỉ đạo điều hành tại một số địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong
giải quyết các khó khăn, vướng mắc; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu
chưa được đề cao; công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng còn lỏng lẻo; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ, nhịp
nhàng.
Do đó, để khắc phục những tồn tại, hạn
chế nêu trên, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng
trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các Sở, ban, ngành, địa
phương tập trung triển khai thực hiện tốt các nội dung công việc cụ thể như
sau:
1. Sở Tài nguyên
và Môi trường
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành quy chế phối hợp giữa Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh, Trung tâm
Phát triển quỹ đất cấp huyện với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công
tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Thời gian hoàn thành trong tháng 11/2019.
- Phối hợp Sở Tài chính, rà soát các
mức chi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo nguồn kinh phí cho
các Trung tâm Phát triển quỹ đất hoạt động có hiệu quả. Trên cơ sở đó đề xuất
Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh Thông tư số
74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 cho phù hợp với tình hình thực tế. Thời gian hoàn
thành trong tháng 11/2019.
- Kịp thời nắm bắt tình hình, chủ động
giải quyết hoặc phối hợp với các Sở, ngành có liên quan giải
quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi
thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh.
- Rút ngắn thời gian thẩm định mảnh
trích đo địa chính.
- Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai hỗ
trợ các Trung tâm Phát triển quỹ đất trong công tác đo đạc; xây dựng quy trình
cung cấp hồ sơ địa chính và chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phục vụ
công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
- Làm cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc
và chủ động phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xử lý theo thẩm quyền hoặc
tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét đối với các khó khăn, vướng mắc
trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên cơ sở kiến nghị của Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; định kỳ vào các ngày 15 và 30 hàng tháng
báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy theo yêu cầu.
2. Sở Tài chính
- Khẩn trương rà soát, tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung đơn giá bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất
đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 25/2015/QĐ-UBND ngày
22/7/2015 và Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 09/02/2018 cho phù hợp tình
hình thực tế. Thời gian hoàn thành trong tháng 12/2019.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh Quyết định
số 53/2015/QĐ-UBND ngày 04/12/2015 về việc lập dự toán, sử
dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định
cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Thời gian hoàn thành trong tháng
12/2019.
- Ban hành hướng dẫn các Trung tâm
Phát triển quỹ đất về công tác lập dự toán, tạm ứng và thanh quyết toán kinh
phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Phối hợp cùng Kho bạc Nhà nước tỉnh thống
nhất việc giải quyết tạm ứng vốn phải đảm bảo cho công tác bồi thường, giải
phóng mặt bằng, không để xảy ra tình trạng thiếu vốn. Thời gian hoàn thành
trong tháng 11/2019.
- Ưu tiên bố trí lịch họp Hội đồng thẩm
định giá đất thông qua phương án giá đất làm cơ sở thực hiện bồi thường, hỗ trợ
và tái định các công trình, dự án.
3. Sở Xây dựng
- Ban hành hướng dẫn về phương pháp,
cách thức, tiêu chí xác định chất lượng còn lại đối với nhà, công trình bị giải
tỏa 01 phần mà phần còn lại không còn sử dụng được, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ
thuật, tính an toàn và thẩm mỹ của công trình; hướng dẫn về cách tính toán giá
trị suất đầu tư hạ tầng khu tái định cư. Thời gian hoàn thành trong tháng
11/2019.
- Hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc
thẩm định, theo dõi, giám sát đầu tư, thi công các dự án khu tái định cư do các
chủ đầu tư thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng, đúng quy hoạch,
đúng thiết kế.
4. Sở Kế hoạch
và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính,
Kho bạc Nhà nước tỉnh thường xuyên làm việc với các chủ đầu tư, tham mưu điều
chỉnh kịp thời kế hoạch đầu tư công, cắt giảm vốn các dự án không giải ngân được
để tập trung vốn cho các dự án có khối lượng thực hiện và khả năng giải ngân.
- Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn để thực
hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu tái định cư đủ
tiêu chuẩn theo quy định.
5. Công an tỉnh
- Tăng cường công tác nắm bắt tình
hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là tình hình tại khu vực
có dự án đang trong giai đoạn xây dựng và triển khai phương án bồi thường, giải
phóng mặt bằng; kịp thời xử lý những đối tượng có hành vi lôi kéo, xúi giục, chống
đối, cản trở, kích động nhân dân vi phạm pháp luật trong công tác bồi thường,
giải phóng mặt bằng.
- Chỉ đạo Công an cấp huyện và các
đơn vị nghiệp vụ có liên quan, xây dựng kế hoạch tham gia đảm bảo an ninh trật
tự trong quá trình tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình không chấp
hành quyết định kiểm đếm bắt buộc, quyết định thu hồi đất, không bàn giao mặt bằng
theo quy định để triển khai các dự án.
6. Thanh tra tỉnh
Ưu tiên bố trí đầy đủ nhân lực để đẩy
nhanh thời gian giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực bồi thường, hỗ
trợ và tái định cư.
7. Ủy ban nhân
dân cấp huyện
- Tập trung củng cố, kiện toàn, sắp xếp
đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Trung tâm Phát triển quỹ đất;
chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ,
đạo đức công vụ, công tác dân vận; động viên, tăng thu nhập và ổn định tư tưởng
cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động trực tiếp làm công tác bồi thường,
giải phóng mặt bằng nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao.
- Về đơn giá đất bồi thường:
+ Việc xác định giá chỉ được thực hiện
sau khi đã cơ bản hoàn thành tất cả các bước công việc khảo sát, đo đạc, kiểm
đếm và dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời, ngay sau
khi Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đơn giá bồi thường thì Ủy ban nhân dân cấp
huyện phải quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường và chi trả
tiền bồi thường trong thời hạn 30 ngày.
+ Đối với các công trình, dự án đang
thực hiện mà giá đất bồi thường không còn phù hợp, Ủy ban nhân dân cấp huyện
chủ động rà soát để có các biện pháp hỗ trợ cho phù hợp, đảm bảo cho người
dân có đất bị thu hồi nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh.
- Về công tác chuẩn bị hồ sơ, khảo
sát, đo đạc, kiểm đếm:
+ Chỉ đạo tổ chức làm nhiệm vụ bồi
thường, giải phóng mặt bằng: Chuẩn bị hồ sơ, xây dựng kế hoạch thực hiện ngay từ
khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thực hiện dự án. Lựa
chọn đơn vị đo đạc có giấy phép hoạt động đo đạc, bản đồ; có đủ năng lực và
kinh nghiệm để thực hiện.
+ Chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường
và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định và trình phê duyệt
phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Về tái định cư: Bố trí tái định cư
là để người dân ổn định đời sống sau thu hồi, cần phải giải quyết kịp thời, thỏa
đáng. Trên cơ sở đó địa phương cần chủ động rà soát và thực hiện một số nhiệm vụ
sau:
+ Rà soát các công trình, dự án đã và
đang thực hiện nếu không có dự án tái định cư nhưng trong dự án có các trường
hợp phải được bố trí tái định cư thì xem xét bố trí vào các khu tái định cư hiện
có hoặc sử dụng quỹ đất do địa phương quản lý để bồi thường cho người bị thu hồi
đất.
+ Đối với các dự án chuẩn bị thực hiện
trong thời gian tới: Ưu tiên bố trí các quỹ đất tại các vị trí thuận lợi, phối
hợp với Viện Quy hoạch, Trung tâm Phát triển quỹ đất tổ chức lập và hoàn thiện
khu tái định cư trước khi quyết định thu hồi đất đối với các trường hợp phải
được bố trí tái định cư theo luật định.
- Về bàn giao mặt bằng: Phối hợp với
chủ đầu tư ban hành kế hoạch thực hiện chi tiết và cam kết bàn giao mặt bằng
cho chủ đầu tư theo đúng tiến độ đã ban hành.
- Về công tác tuyên truyền, vận động,
giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo:
+ Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phối
hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và các tổ chức
chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người
dân trong khu vực thực hiện dự án.
+ Ưu tiên bố trí đầy đủ nhân lực để đẩy
nhanh thời gian giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực bồi thường, hỗ
trợ và tái định cư. Đối với các trường hợp đã có quyết định giải quyết khiếu nại
lần 02 (hai) thì cương quyết tổ chức thực hiện quyết định thu hồi đất và giải
phóng mặt bằng.
- Chỉ đạo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ,
tái định cư tổ chức họp định kỳ hàng tuần, chủ động giải quyết các khó khăn, vướng
mắc thuộc thẩm quyền quyết định của mình theo luật định. Trường hợp, quy định
pháp luật chưa rõ ràng, chủ động mời các sở, ngành liên quan để phối hợp giải
quyết.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã:
+ Tăng cường công tác quản lý Nhà nước
về đất đai, xây dựng tại địa phương.
+ Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm
Phát triển quỹ đất trong quá trình xác nhận nguồn gốc đất, tài sản trên đất và
các nhiệm vụ khác theo chức năng, không để xảy ra tình trạng tồn đọng hồ sơ.
- Nghiêm túc thực hiện báo cáo định kỳ
gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 và 30 hàng tháng thông qua địa
chỉ Email: kinhtedat.bd@gmail.com.
8. Các chủ đầu tư
Nâng cao trách nhiệm trong công tác đấu
thầu, chỉ định thầu lựa chọn tư vấn thiết kế phải chọn được những đơn vị tư vấn
có năng lực, kinh nghiệm để đảm bảo hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh, bổ sung
thiết kế trong quá trình thực hiện dự án làm ảnh hưởng đến tiến độ công tác bồi
thường.
9. Cơ quan Báo và
Đài Truyền thanh Truyền hình Bình Dương
- Xây dựng các chương trình, chuyên đề,
chuyên mục về bồi thường, giải phóng mặt bằng; phổ biến đường lối, chính
sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tăng cường thời lượng
phát sóng, tuyên truyền các quy định của pháp luật về chính sách bồi thường,
hỗ trợ và tái định cư.
- Bám sát địa bàn để nắm đủ, đúng
thông tin phản ánh và định hướng dư luận rõ ràng, đúng tình hình, phục vụ nhiệm
vụ chính trị của địa phương.
10. Định kỳ 06
tháng, các Sở, ban, ngành, địa phương tổng hợp kết quả triển khai thực hiện
các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng
hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban,
ngành, các chủ đầu tư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành. Sở Tài nguyên
và Môi trường chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, kịp
thời báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp đối với các vấn đề vướng mắc phát
sinh./.
Nơi nhận:
- TT. TU, TT.
HĐND tỉnh;
- CT, PCT. UBND tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Các sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Bình Dương; Đài PTTT Bình Dương;
- Website tỉnh;
- LĐVP (Lg, Th), Tn, CV, TH;
- Lưu: VT.
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Mai Hùng Dũng
|