ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 81/KH-UBND
|
Đồng Nai, ngày 11
tháng 3 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG KHÁNG THUỐC GIAI ĐOẠN 2024 - 2030, TẦM
NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
Thực hiện Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9
năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chiến lược quốc gia về
phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm
2045;
Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 853/TTr-SYT
ngày 29/02/2024, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về
phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa
bàn tỉnh Đồng Nai như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm
soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm, đồng thời đảm
bảo sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng vi
sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người, góp phần bảo
vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và phát triển
kinh tế, xã hội của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
a) Mục tiêu 1: Nâng cao nhận thức của các cấp chính
quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế và người dân về phòng, chống
kháng thuốc.
- Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ các huyện, thành phố có kế hoạch
phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023 - 2030 triển khai thực hiện đạt 100%
vào năm 2025, duy trì đến năm 2030.
- Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ hiểu biết đúng về phòng, chống
kháng thuốc ở người trưởng thành, bà mẹ, đạt ít nhất là 50% vào năm 2025 và đạt
60% vào năm 2030 và ở nhân viên y tế đạt ít nhất là 60% vào năm 2025 và đạt 70%
vào năm 2030.
b) Mục tiêu 2: Củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc
để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc
của các vi sinh vật.
- Chỉ tiêu 1: Về hệ thống giám sát quốc gia về kháng
thuốc ở người: 01 bệnh viện tham gia vào năm 2025 và 02 bệnh viện tham gia vào
năm 2030; nâng cao năng lực cho 03 phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia về
kháng thuốc đến năm 2025 và phát triển thêm ít nhất 03 phòng xét nghiệm tham
chiếu quốc gia vào năm 2030 và triển khai giám sát kháng thuốc của các vi sinh
vật trong cộng đồng vào năm 2025 và tiếp tục mở rộng vào năm 2030.
- Chỉ tiêu 2: Ít nhất 90% cán bộ tham gia trong hệ
thống giám sát quốc gia về kháng thuốc trong lĩnh vực y tế được được tập huấn chuyên
môn về kỹ thuật nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ và sử dụng, quản lý dữ liệu
giám sát kháng thuốc.
- Chỉ tiêu 3: Báo cáo giám sát quốc gia về kháng
thuốc được công bố hàng năm từ năm 2024.
c) Mục tiêu 3: Giảm sự lan truyền của vi sinh vật
và bệnh truyền nhiễm.
- Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ các bệnh viện trong và ngoài
công lập (Sau đây gọi là bệnh viện) thiết lập chỉ tiêu và triển khai kế
hoạch kiểm soát mức độ kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh thường gặp trong bệnh
viện; đánh giá tuân thủ thực hành tốt về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và
an toàn sinh học: các bệnh viện tuyến tỉnh đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và 70%
vào năm 2030; các bệnh viện tuyến huyện đạt ít nhất 20% vào năm 2025 và 40% vào
năm 2030.
- Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ các bệnh viện thực hiện kỹ thuật
vi sinh để chẩn đoán, điều trị và giám sát kháng thuốc: các bệnh viện tuyến tỉnh
đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030; các bệnh viện tuyến huyện đạt
ít nhất 15% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
- Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ các bệnh viện thực hiện việc
triển khai giám sát chủ động nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế và triển
khai các can thiệp làm giảm tỷ nhiễm khuẩn này trong bệnh viện: các bệnh viện
tuyến tỉnh đạt ít nhất 50% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030; các bệnh viện tuyến
huyện đạt ít nhất 20% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
d) Mục tiêu 4: Sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở
người hợp lý, an toàn và có trách nhiệm.
- Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ các bệnh viện từ tuyến huyện trở
lên triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh đạt ít nhất 30% vào năm
2025 và 50% vào năm 2030.
- Chỉ tiêu 2: Vào năm 2025 thiết lập hệ thống giám
sát quốc gia sử dụng và tiêu thụ kháng sinh ở người và tiếp tục mở rộng vào năm
2030.
3. Tầm nhìn đến năm 2045
Đến năm 2045 kiểm soát cơ bản tình trạng kháng thuốc,
có hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ kháng sinh hoạt động hiệu
quả tương đương với các nước phát triển.
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Nâng cao nhận thức của các
cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế và người dân về
phòng, chống kháng thuốc
a) Hoạt động
- Tham khảo tài liệu của Bộ Y tế đế đào tạo liên tục
và công tác truyền thông đến người trưởng thành, bà mẹ và nhân viên y tế trên địa
bàn tỉnh.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông, gồm: truyền
thông trực tiếp (tọa đàm, nói chuyện, tư vấn...) và truyền thông gián tiếp trên
các phương tiện thông tin đại chúng (tivi spot, radio spot, phổ biến kiến thức,
bài viết trên báo...).
b) Thời gian và lộ trình thực hiện
Giai đoạn 1 (từ 2024 đến 2025):
- Xây dựng các tài liệu truyền thông: tờ rơi, pano,
áp phích, tranh lật, video spot, tivi spot về tuyên truyền, phổ biến nguyên
nhân và hậu quả, các biện pháp phòng kháng thuốc.
- Chuẩn bị tài liệu để hướng dẫn cho cán bộ y tế, cộng
đồng về việc phòng, chống kháng thuốc.
- Tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện và tư vấn giải
đáp thắc mắc về phòng, chống kháng thuốc trên các phương tiện thông tin đại
chúng.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức
khỏe về phòng, chống kháng thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh
đến huyện, xã phường.
- Tổ chức phát động tháng phòng, chống kháng thuốc
trên toàn tỉnh.
- Tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến, giáo dục
pháp luật về phòng, chống kháng thuốc.
- Tổ chức các khóa đào tạo liên tục, tập huấn về kỹ
năng truyền thông, giám sát, đánh giá phòng, chống kháng thuốc.
Giai đoạn 2 (từ 2026 - 2030):
Tiếp tục duy trì các hoạt động truyền thông bên cạnh
việc khảo sát, đánh giá kiến thức của cộng đồng về kháng thuốc.
2. Củng cố hệ thống giám sát kháng
thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng
kháng thuốc của các vi sinh vật
a) Hoạt động
- Xây dựng và hoàn thiện các quy trình xét nghiệm
chuẩn dựa trên quy trình của Bộ Y tế, hướng dẫn về xét nghiệm vi sinh lâm sàng.
- Tổ chức tập huấn, đào tạo liên tục chuyên môn kỹ
thuật về vi sinh lâm sàng cho các cán bộ làm xét nghiệm tại bệnh viện tham gia
trong hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc.
- Triển khai được cơ sở dữ liệu về sử dụng kháng
sinh và sự kháng thuốc.
b) Thời gian và lộ trình thực hiện
Giai đoạn 1 (từ 2024 đến 2025):
- Xây dựng và hoàn thiện các quy trình xét nghiệm
chuẩn dựa trên quy trình của Bộ Y tế, hướng dẫn về xét nghiệm vi sinh lâm sàng.
- Chuẩn hóa khoa xét nghiệm tại các bệnh viện tham
gia trong hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc về xét nghiệm vi sinh lâm
sàng.
- Tổ chức tập huấn, đào tạo liên tục chuyên môn kỹ
thuật về vi sinh lâm sàng cho các cán bộ làm xét nghiệm tại bệnh viện tham gia
trong hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc.
- Triển khai các biểu mẫu, phần mềm theo dõi và báo
cáo sử dụng kháng sinh, báo cáo tình hình kháng thuốc.
- Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về kháng
thuốc và tham gia các hội nghị khoa học trong nước và nước ngoài về kháng thuốc.
Giai đoạn 2 (từ 2026 - 2030):
- Triển khai được cơ sở dữ liệu về sử dụng kháng
sinh và sự kháng thuốc.
- Triển khai áp dụng bộ chỉ số đánh giá về kháng
thuốc.
- Tổ chức hội nghị khoa học trong đó có đề tài về
chống kháng thuốc.
3. Giảm sự lan truyền của vi
sinh vật và bệnh truyền nhiễm
a) Hoạt động
- Xây dựng các chỉ tiêu và triển khai kế hoạch kiểm
soát mức độ kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh thường gặp trong bệnh viện;
đánh giá tuân thủ thực hành tốt về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và an
toàn sinh học.
- Thực hiện kỹ thuật vi sinh để chẩn đoán, điều trị
và giám sát kháng thuốc tại các bệnh viện.
- Thực hiện việc triển khai giám sát chủ động nhiễm
khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế và triển khai các can thiệp làm giảm tỷ lệ
nhiễm khuẩn này trong bệnh viện.
b) Thời gian và lộ trình thực hiện
Giai đoạn 1 (từ 2024 đến 2025):
- Chỉ đạo các bệnh viện xây dựng kế hoạch, triển
khai thực hiện kế hoạch kiểm soát mức độ kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh
thường gặp trong bệnh viện, bố trí nguồn lực để thực hiện kế hoạch hành động quốc
gia chống kháng thuốc phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng đơn vị.
- Nâng cấp các phòng xét nghiệm vi sinh, tăng cường
kiểm soát nhiễm khuẩn; giám sát, kiểm tra việc sử dụng kháng sinh không hợp
lý...
Giai đoạn 2 (từ 2026 - 2030):
- Tiếp tục duy trì các hoạt động kiểm soát mức độ
kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh thường gặp trong bệnh viện; đánh giá tuân
thủ thực hành tốt về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và an toàn sinh học,
thực hiện kỹ thuật vi sinh để chẩn đoán, điều trị và giám sát kháng thuốc.
- Đào tạo liên tục, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ
năng thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn cho cán bộ y tế và cán bộ chuyên trách kiểm
soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế.
4. Sử dụng thuốc kháng vi sinh
vật ở người hợp lý, an toàn và có trách nhiệm
a) Hoạt động
- Cập nhật các văn bản quy định, hướng dẫn sử dụng
thuốc hợp lý, hướng dẫn sử dụng kháng sinh, hướng dẫn điều trị tại các bệnh viện.
- Tổ chức, tham gia hội thảo, hội nghị, tập huấn, đào
tạo liên tục về thực hành kê đơn thuốc tốt, thực hành dược lâm sàng.
- Nâng cao năng lực, đánh giá việc sử dụng thuốc an
toàn, hợp lý, đánh giá hoạt động của Hội đồng Thuốc và Điều trị tại các bệnh viện.
- Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc
an toàn, hợp lý tại các bệnh viện.
- Tham gia đào tạo, đào tạo liên tục về thực hành
dược lâm sàng.
b) Thời gian và lộ trình thực hiện
Giai đoạn 1 (từ 2024 đến 2025):
- Xây dựng, cập nhật và ban hành các văn bản, hướng
dẫn sử dụng thuốc hợp lý, hướng dẫn sử dụng kháng sinh điều trị tại các bệnh viện
dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Căn cứ tài liệu của Bộ Y tế, hướng dẫn sử dụng
kháng sinh cho cán bộ y tế và cộng đồng.
- Tập huấn, đào tạo liên tục về thực hành dược lâm
sàng, kê đơn thuốc tốt.
- Kiện toàn về hoạt động của Hội đồng Thuốc và Điều
trị tại các bệnh viện.
- Đào tạo liên tục, tập huấn về Hướng dẫn điều trị
cho cán bộ y tế.
- Đánh giá sự tuân thủ Hướng dẫn điều trị tại các
cơ sở y tế.
- Áp dụng bộ chỉ số đánh giá sử dụng thuốc trong bệnh
viện, ngoài cộng đồng; đánh giá về sử dụng thuốc, giám sát tuân thủ điều trị,
hoạt động của Hội đồng Thuốc và Điều trị tại các bệnh viện.
Giai đoạn 2 (từ 2026 - 2030):
- Hợp tác nghiên cứu về sử dụng thuốc, đặc biệt là
kháng sinh.
- Đào tạo liên tục, tập huấn về thông tin thuốc, sử
dụng thuốc, thực hành dược lâm sàng.
- Quản lý, thu thập thông tin, đánh giá các chỉ số
sử dụng thuốc.
- Hội thảo khoa học về kháng sinh và kháng kháng
sinh.
5. Tầm nhìn đến năm 2045
Đến năm 2045 hoàn thiện hệ thống giám sát kháng thuốc
tại các bệnh viện/trung tâm y tế huyện có giường bệnh trên địa bàn tỉnh; tổ chức
thực hiện giám sát kháng thuốc, giám sát sử dụng, tiêu thụ kháng sinh có hiệu
quả để ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh
truyền nhiễm, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân địa bàn tỉnh.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
1. Tổ chức bộ máy và phát triển
nguồn nhân lực
a) Tổ chức bộ máy
- Sở Y tế có cán bộ chuyên trách quản lý về kháng
thuốc, kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử.
- Các bệnh viện, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố
có cán bộ chuyên trách về công tác quản lý kháng thuốc, kê đơn thuốc bằng hình
thức điện tử.
b) Phát triển nguồn nhân lực
- Xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực
về hồi sức tích cực, truyền nhiễm, vi sinh, dược sỹ lâm sàng, kiểm soát nhiễm
khuẩn bằng nhiều hình thức như: chính quy, liên thông, đào tạo theo địa chỉ sử
dụng để nâng cao trình độ cán bộ y tế về chuyên ngành này.
- Rà soát, bổ sung, cập nhật nội dung về phòng, chống
kháng thuốc trong các chương trình giảng dạy, đào tạo của khối các trường đào tạo
khối ngành sức khỏe trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các trường đào tạo khối ngành sức khỏe
tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho bác sỹ, vi sinh, dược sỹ, điều dưỡng, kiểm
soát nhiễm khuẩn và các nhân viên liên quan về phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị
các bệnh truyền nhiễm, sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn; sử dụng thuốc kháng
vi sinh vật lựa chọn ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe con người; giám sát sự đề
kháng, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật.
2. Về xây dựng và phối hợp để
phòng, chống kháng thuốc
a) Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động để giải
quyết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
b) Các sở, ngành, cơ quan liên quan và UBND các huyện,
thành phố chủ động xây dựng kế hoạch triển khai phòng, chống kháng thuốc trên
cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch, lồng ghép vào các chỉ
tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và ưu tiên phân bổ
kinh phí hằng năm để thực hiện.
c) Xây dựng cơ chế và duy trì hiệu quả cơ chế phối
hợp liên ngành và chia sẻ thông tin về sự đề kháng, sử dụng và tiêu thụ thuốc
kháng vi sinh vật giữa các sở, ngành và các đối tác có liên quan từ tỉnh đến
huyện.
d) Xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả bộ chỉ
số đánh giá và theo dõi việc triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống
kháng thuốc đối với lĩnh vực y tế.
3. Thực hiện chính sách, pháp
luật, quy định chuyên môn
a) Rà soát, nghiên cứu, xây dựng các quy trình kỹ
thuật, quy trình chuyên môn dựa vào hướng dẫn quy trình kỹ thuật, quy trình
chuyên môn của Bộ Y tế về phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn,
chẩn đoán và điều trị, sử dụng thuốc kháng vi sinh vật, an toàn sinh học trong
y tế.
b) Triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về y
tế nhằm quản lý và xử lý nếu sử dụng hoặc bán thuốc kháng vi sinh vật không có
đơn thuốc; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê đơn kháng sinh sai mục
đích hoặc lạm dụng kháng sinh trong điều trị người bệnh, không tuân thủ hướng dẫn
chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế.
4. Tăng cường thông tin, truyền
thông và vận động xã hội
a) Truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của
nhân dân về các nguyên nhân gây kháng thuốc, hậu quả của kháng thuốc và các biện
pháp phòng, chống kháng thuốc; duy trì cam kết của cá nhân và xã hội đối với
thay đổi hành vi để sử dụng thuốc kháng vi sinh vật có trách nhiệm, ngừng lạm dụng
và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật sai mục đích; thúc đẩy các hành vi lành mạnh
để ngăn ngừa nhiễm trùng và sự lây lan của chúng, trong đó chú trọng nhân viên
y tế, bà mẹ, phụ nữ, học sinh, sinh viên.
b) Tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, các
ngành, đoàn thể, nhân viên y tế và người dân thực hiện các chủ trương, chính
sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống kháng thuốc thông
qua mạng lưới thông tin truyền thông từ tỉnh tới địa phương.
c) Nghiên cứu, xây dựng và cung cấp các chương
trình, tài liệu truyền thông về phòng chống kháng thuốc phù hợp với phương thức
truyền thông và các nhóm đối tượng, trong đó chú trọng xây dựng các thông điệp
chủ chốt, thông điệp mới về kháng thuốc để tác động mạnh mẽ tới xã hội.
5. Tăng cường hệ thống giám
sát kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật ở người
a) Củng cố năng lực hệ thống giám sát kháng thuốc ở
người và tại cộng đồng; giám sát sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật để
làm bằng chứng xây dựng, điều chỉnh hướng dẫn và các hoạt động can thiệp kịp thời
ở cấp tỉnh và cấp cơ sở.
b) Cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa,
chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm, sử dụng kháng sinh hợp lý, an
toàn; sử dụng thuốc kháng vi sinh vật lựa chọn ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe
con người; kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát sự đề kháng, sử dụng và tiêu thụ thuốc
kháng vi sinh vật.
c) Triển khai thực hiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc
gia về kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng sinh của vi sinh vật ở người.
d) Xây dựng tiêu chuẩn, hướng dẫn liên quan đến
giám sát kháng thuốc và thống nhất thực hiện trong lĩnh vực y tế.
đ) Phát triển công tác dược lâm sàng, triển khai
chương trình quản lý sử dụng kháng sinh, quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo
đơn.
e) Thực hiện giám sát bán thuốc kháng sinh theo đơn
tại các cơ sở bán lẻ thuốc.
6. Tăng cường công tác nghiên cứu
khoa học
a) Nâng cao năng lực nghiên cứu về đánh giá sử dụng
thuốc, kháng thuốc, đặc biệt là nghiên cứu về vi khuẩn đa kháng thuốc, triển
khai các can thiệp thúc đẩy sử dụng kháng sinh hợp lý.
b) Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về
các bệnh truyền nhiễm ở người đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ giữa đối tác với
các cơ sở nghiên cứu, bệnh viện, trường đại học, tối thiểu 2 nhiệm vụ khoa học
cấp tỉnh, ngành/01 năm.
c) Khuyến khích, củng cố và tạo các mối quan hệ với
các đối tác hỗ trợ phát triển các nghiên cứu về phát triển thuốc kháng vi sinh
vật, chất kháng khuẩn có nguồn gốc từ dược liệu truyền thống và các phương pháp
chẩn đoán mới.
d) Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao các kỹ thuật
mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm, xét nghiệm vi sinh, quản
lý chất lượng xét nghiệm vi sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế dự phòng.
7. Hợp tác trong nước và quốc tế
Tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tham gia
các hội thảo, hội nghị, diễn đàn khoa học về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, sử
dụng thuốc hợp lý điều trị bệnh cho người và động vật, chống nhiễm khuẩn bệnh
viện, kiểm tra chất lượng xét nghiệm vi sinh, kháng thuốc.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn
ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành và các nguồn huy động hợp pháp khác đảm
bảo theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có
liên quan.
V. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
a) Chủ trì phối hợp các sở, ngành, cơ quan liên
quan và UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch thực
hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2024 - 2030, tầm
nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
b) Xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các nhiệm vụ,
giải pháp đã nêu tại kế hoạch; có nội dung và lộ trình thực hiện đế đạt các mục
tiêu, chỉ tiêu đề ra, có giải pháp để phát triển hệ thống giám sát quốc gia về
kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật, tăng cường quản lý sử
dụng kháng sinh trong y tế trên địa bàn tỉnh.
c) Đề xuất đầu tư đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết
bị, đào tạo nhân lực về hồi sức tích cực, truyền nhiễm, vi sinh, dược sỹ lâm
sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn tại các Bệnh viện, Trung tâm Y tế các huyện, thành
phố.
d) Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá
và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch sau 5 năm và tổng
kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch vào năm 2030.
đ) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện
các đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành, cấp tỉnh thuộc lĩnh vực y tế trong đó
ưu tiên hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, bệnh viện, trường đại học.
e) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ,
các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực đào
tạo, nghiên cứu khoa học, khám, chữa bệnh; trao đổi chuyên gia về kháng thuốc.
g) Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan
truyền thông đại chúng tuyên truyền, phổ biến về nâng cao nhận thức của nhân
dân về các nguyên nhân gây kháng thuốc, hậu quả của kháng thuốc và các biện
pháp phòng, chống kháng thuốc.
h) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan
liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa
bàn tỉnh.
i) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch,
bố trí nguồn lực để triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng,
chống kháng thuốc giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh
phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương.
k) Có kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện
các quy định của pháp luật về kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi
sinh vật, tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trong các cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh, quy định kê đơn thuốc điện tử và bán thuốc theo đơn tại các cơ sở bán lẻ
thuốc, dược liệu trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế
hoạch này và lông ghép trong triển khai các kế hoạch của tỉnh để thực hiện các
nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý thuốc trong trồng trọt,
chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2024-2030, trong đó có công tác quản
lý sử dụng kháng sinh, giám sát sự kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng
vi sinh vật; công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng
kháng sinh, phòng chống kháng thuốc; hướng dẫn, khuyến khích phát triển các mô
hình sản xuất áp dụng quy trình thực hành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy
sản tốt...
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong
phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì xây dựng và triển khai kế hoạch
giám sát kháng thuốc trong môi trường giai đoạn 2024 - 2030.
4. Sở Công Thương
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có
trách nhiệm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch.
5. Sở Tài chính
Trên cơ sở Kế hoạch được phê duyệt, đề xuất của các
cơ quan, đơn vị; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét bố trí kinh phí thực
hiện Kế hoạch phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương và theo
phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
6. Sở Thông tin và Truyền
thông
Chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng đẩy
mạnh và đổi mới các hoạt động tuyên truyền thay đổi nhận thức và hành vi của cộng
đồng, nhân viên y tế, thú y về phòng, chống kháng thuốc, sử dụng hợp lý, an
toàn các thuốc kháng vi sinh vật.
7. Các sở, ban, ngành, cơ
quan đơn vị liên quan
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ đã được giao có
trách nhiệm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch.
8. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ phối hợp triển
khai thực hiện Kế hoạch này; phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh công
tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, vận động đoàn viên, hội viên
và các tầng lớp Nhân dân tham gia phòng, chống kháng thuốc, sử dụng thuốc kháng
vi sinh vật hợp lý theo đúng quy định chuyên môn; tổ chức phản biện xã hội
chính sách và giám sát hoạt động phòng, chống kháng thuốc.
9. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện,
đảm bảo phù hợp với đặc điểm tình hình tại địa phương.
b) Bố trí nguồn lực cho các hoạt động phòng chống
kháng thuốc: nâng cấp các phòng xét nghiệm vi sinh, tăng cường kiểm soát nhiễm
khuẩn; giám sát, kiểm tra việc sử dụng kháng sinh không hợp lý,...
c) Chỉ đạo Trung tâm Y tế, Phòng Nông nghiệp huyện
xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện của từng
đơn vị để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của
Kế hoạch.
d) Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá,
sơ kết, tổng kết việc thực hiện; tổng hợp báo cáo và kịp thời đề xuất kiến nghị
điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia
về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa
bàn tỉnh Đồng Nai. Căn cứ nội dung Kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành,
cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện, định kỳ
hàng năm báo cáo kết quả thực hiện (trước ngày 15/12) hoặc báo cáo đột xuất
(khi có yêu cầu) về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế và UBND tỉnh./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Q. Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Chánh, PCVP.UBND tỉnh;
- Các đơn vị, địa phương tại Mục IV;
- Lưu: VT, KTN, KTHS, KGVX, Cổng TTĐT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Sơn Hùng
|