BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
-------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số 10-KH/TW
|
Hà Nội, ngày 23
tháng 8 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 20-NQ/TW, NGÀY 16/6/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ
TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ TẬP THỂ TRONG GIAI ĐOẠN
MỚI
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu
quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (sau đây gọi là Nghị quyết 20), Bộ
Chính trị ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:
I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán
sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, học tập,
quán triệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cả hệ thống
chính trị và toàn xã hội về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của
kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nêu
cao trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cấp ủy,
tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn
viên, hội viên trong thực hiện Nghị quyết 20.
2. Các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung xây dựng chương
trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 20 đồng bộ, kịp thời. Quá trình tổ chức
triển khai thực hiện Nghị quyết 20 phải kế thừa kết quả, kinh nghiệm, khắc phục
hạn chế, yếu kém trong việc phát triển kinh tế tập thể thời gian vừa qua, bảo đảm
thực chất, hiệu quả, tuyệt đối không được hình thức, chiếu lệ. Tăng cường công
tác kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 20.
II- CÔNG TÁC QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT
VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
1. Ban Bí thư tổ chức Hội nghị cán bộ toàn
quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết 20 (ngày 21 và ngày
22/7/2022).
2. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp
với các cơ quan liên quan hướng dẫn các cấp ủy tổ chức nghiên cứu, học tập,
quán triệt Nghị quyết 20 và Kế hoạch thực hiện; chỉ đạo các cơ quan báo chí,
thông tin, truyền thông tăng cường tuyên truyền nội dung Nghị quyết 20 và kết
quả thực hiện (hoàn thành kế hoạch trong tháng 8/2022 và thường xuyên chỉ đạo
thực hiện).
3. Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung
ương Đảng, bí thư các tỉnh ủy, thành ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực
thuộc Trung ương và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo việc
tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết 20 và xây dựng Kế hoạch thực hiện
trong phạm vi phụ trách gắn với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của địa
phương, cơ quan, đơn vị (hoàn thành trong tháng 9/2022).
III- NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, căn cứ vào nội dung Nghị quyết 20, tập
trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện
Nghị quyết 20 phù hợp với thực tiễn của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị;
đáp ứng yêu cầu, xu thế tất yếu của phát triển kinh tế tập thể trong nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta (hoàn thành trong quý
IV/2022).
2. Xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền,
giáo dục về phát triển kinh tế tập thể phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm thiết
thực và hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của
cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức,
địa phương về tầm quan trọng của kinh tế tập thể.
3. Kịp thời sơ kết, tổng kết, rà soát, sửa đổi
các văn bản của Đảng, Nhà nước liên quan đến kinh tế tập thể. Tập trung thể chế
hoá kịp thời chủ trương của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế tập
thể đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch.
4. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc
tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 20 của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ
quan, đơn vị; kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt.
5. Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt,
toàn diện, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả Nghị quyết 20; tuân thủ các nguyên tắc tổ
chức, hoạt động và phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường đoàn kết, phát huy
dân chủ; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, quyết tâm chính trị cao, với các giải
pháp, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể; huy động và
sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20.
IV- NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Đảng đoàn Quốc hội
- Chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ
nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012 phù hợp với tình hình và điều
kiện phát triển mới; thể chế hoá, cụ thể hoá nội dung Nghị quyết 20 trong các
luật, pháp lệnh, Nghị quyết 20 của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (hoàn
thành trong năm 2022).
- Bố trí ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm hỗ
trợ phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện thuận lợi cho phân bổ và tập
trung nguồn lực phát triển kinh tế tập thể (thực hiện từ năm 2023).
- Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát,
đánh giá triển khai thực hiện pháp luật về kinh tế tập thể, thực hiện kiến nghị
sau giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với hoạt động của bộ
máy nhà nước về kinh tế tập thể (thực hiện từ năm 2022).
2. Ban cán sự đảng Chính phủ
- Thể chế hoá các nội dung trong Nghị quyết 20 theo
thẩm quyền. Nâng cao hiệu quả việc thực thi pháp luật và quản lý nhà nước trong
đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; nghiên cứu, đề xuất với
Quốc hội sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật có liên quan, xây dựng hệ thống
pháp luật về kinh tế tập thể đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch,
khả thi (hoàn thành trong năm 2023).
- Triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển
kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế
tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế tập thể
hằng năm (thực hiện từ năm 2022).
3. Ban Tuyên giáo Trung ương
- Chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức học tập,
quán triệt, tuyên truyền, phổ biến về nội dung và kết quả thực hiện Nghị quyết
20 (thực hiện từ tháng 7/2022).
- Chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Hội
đồng Lý luận Trung ương tổng kết, nghiên cứu, hoàn thiện lý luận về kinh tế tập
thể trong điều kiện mới (hoàn thành trong năm 2023).
- Chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng chương
trình giảng dạy về kinh tế tập thể, hợp tác xã tại các học viện, trường đại học,
cao đẳng, trường chính trị (thực hiện từ năm 2023).
- Chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Thông
tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên
truyền nội dung Nghị quyết 20 và kết quả đạt được của kinh tế tập thể, hợp tác
xã (thực hiện từ năm 2022).
4. Ban Kinh tế Trung ương
Chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các cơ quan liên quan thường xuyên
theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết 20;
kịp thời phát hiện, báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những vấn đề mới, vướng
mắc, bất cập trong quá trình thực hiện; định kỳ hằng năm báo cáo Bộ Chính trị,
Ban Bí thư tình hình, kết quả chủ yếu trong thực hiện Nghị quyết 20 của các tỉnh
ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung
ương, kịp thời phát hiện cách làm hay, nhân tố mới để nhân rộng, những khó
khăn, vướng mắc cần giải quyết; đôn đốc, nhắc nhở các địa phương, đơn vị thực
hiện Nghị quyết 20 chưa tốt; 5 năm tiến hành sơ kết, 10 năm tổng kết Nghị quyết
20 (thực hiện từ năm 2022).
5. Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp
với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ động giám sát quá trình xây dựng pháp luật về
Luật Hợp tác xã, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch; kịp thời
phát hiện, ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lồng
ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ... trong xây dựng chính sách, pháp luật về
kinh tế tập thể (thực hiện từ năm 2022).
6. Ủy ban Kiểm tra Trung ương tăng cường kiểm
tra, giám sát; chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban kiểm tra các cấp đẩy mạnh công tác kiểm
tra, giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết 20 và thực hiện chính sách, pháp
luật về kinh tế tập thể; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai
phạm (thực hiện từ năm 2022).
7. Hội đồng Lý luận Trung ương
Thực hiện tốt công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết
thực tiễn, nhằm thống nhất nhận thức về kinh tế tập thể trong điều kiện mới;
nghiên cứu, tham chiếu kinh nghiệm quốc tế, góp phần xây dựng cơ sở khoa học
cho việc hoạch định, thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước về kinh tế tập thể (thực hiện từ năm 2022).
8. Các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các
cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương
Xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức
thực hiện Nghị quyết 20. Thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm,
thực hiện nghiêm Nghị quyết 20 trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức,
đoàn viên, hội viên thuộc cơ quan, tổ chức (thực hiện từ năm 2022).
9. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ
chức chính trị - xã hội, Liên minh hợp tác xã và Ban Bí thư Trung ương Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
- Xây dựng chương trình, kế hoạch với những nội
dung thiết thực để tuyên truyền cho các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên
và nhân dân nâng cao nhận thức, nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể; khuyến khích, vận động đoàn
viên, hội viên và nhân dân tham gia phát triển các loại hình kinh tế tập thể (thực
hiện từ năm 2022).
- Tăng cường hoạt động giám sát việc thực thi pháp
luật về kinh tế tập thể và các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể (thực
hiện từ năm 2022).
- Hệ thống Liên minh Hợp tác xã xây dựng chương
trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 20, bảo đảm thực hiện tốt vai trò là tổ chức
đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế tập thể, giữ
vai trò nòng cốt thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, làm cầu nối giữa Đảng,
Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh
tế - xã hội đất nước (thực hiện từ năm 2022).
10. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc
Trung ương
- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết 20 đến
các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân
thuộc phạm vi phụ trách (hoàn thành trong tháng 9/2022).
- Nghiên cứu, cụ thể hoá Nghị quyết 20 bằng các chương
trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, tổ chức (hoàn
thành trong năm 2022).
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả
trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 20; kịp thời biểu dương, khen thưởng
những nơi có cách làm hiệu quả và xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức có sai phạm
trong thực hiện Nghị quyết 20 (từ năm 2022).
V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường công tác lãnh
đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị
quyết 20 và Kế hoạch này.
- Các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng đoàn,
ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương chủ trì, chịu trách nhiệm toàn
diện về kết quả thực hiện Nghị quyết 20 và Kế hoạch.
- Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các
cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức
thực hiện Kế hoạch.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Võ Văn Thưởng
|