QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU
HỘ CỦA LỰC LƯỢNG DÂN PHÒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29
tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa
cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng
7 năm 2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng
phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng
11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng
5 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ và Nghị định số
83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31 tháng
12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trang bị phương tiện phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng
cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;
Căn cứ Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05 tháng
02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng
phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
Thực hiện Nghị quyết số 268/2023/NQ-HĐND ngày 08
tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng quy định về số lượng
phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trang bị cho lực lượng dân
phòng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy chế quản lý, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ của lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 năm 2024.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban,
ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Bộ Công an (Cục Pháp chế và CCHC, TP);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đài PTTH, Báo Lâm Đồng;
- Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh;
- Trung tâm Tích hợp dữ liệu và Chuyển đổi số tỉnh;
- Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh;
- Như Điều 3;
- LĐVP;
- Lưu: VT, NC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Hồng Thái
|
QUY CHẾ
QUẢN
LÝ, SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ CỦA LỰC LƯỢNG
DÂN PHÒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Kèm theo Quyết định số 29/2024/QĐ-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về công tác quản lý, sử dụng,
bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực
lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
2. Quy chế này áp dụng đối với Công an tỉnh, Công
an cấp huyện, Công an cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã, lực lượng dân phòng và
các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng phương tiện phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trang bị cho lực lượng dân phòng trên địa
bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Nguyên tắc quản lý, sử
dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng dân
phòng
1. Tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến
quản lý, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các
quy định tại Quy chế này.
2. Phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ trang bị cho lực lượng dân phòng phải được quản lý, sử dụng an toàn, tiết kiệm,
hiệu quả, bảo đảm sẵn sàng phục vụ công tác thường trực chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ.
3. Người quản lý, sử dụng phương tiện phòng cháy,
chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật.
4. Người ra mệnh lệnh hoặc quyết định sử dụng
phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải chịu trách nhiệm về mệnh
lệnh và quyết định của mình.
5. Quy trình về quản lý, sử dụng phương tiện phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng dân phòng được xây dựng bảo đảm
phù hợp trên cơ sở yêu cầu của nhà sản xuất và đặc thù trong khai thác, sử dụng.
6. Bảo đảm thống nhất, chặt chẽ trong thực hiện
trách nhiệm quản lý, sử dụng đối với phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn,
cứu hộ của lực lượng dân phòng, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Nội dung công tác quản
lý, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trang bị cho lực
lượng dân phòng
1. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác
quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ.
2. Lập và quản lý hồ sơ về phương tiện phòng cháy,
chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị.
3. Xây dựng quy trình bảo quản, bảo dưỡng phương tiện
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với tính năng kỹ thuật, quy định
của nhà sản xuất, các điều kiện thực tế khác.
4. Phân công người làm công tác quản lý, bảo quản,
bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
5. Tổ chức cho lực lượng dân phòng học tập, sử dụng
phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được trang bị.
6. Thống kê, báo cáo về công tác quản lý, sử dụng,
bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
7. Hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm hoặc kiến nghị
cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng
phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.
Điều 4. Sử dụng và bảo quản, bảo
dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trang bị cho lực lượng
dân phòng
1. Phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ trang bị cho lực lượng dân phòng được sử dụng trong các trường hợp:
a) Tham gia xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy
ra trên địa bàn phụ trách hoặc địa bàn khác được cấp có thẩm quyền huy động, điều
động;
b) Tham gia tuyên truyền, huấn luyện, bồi dưỡng, hội
thao, hội thi nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo kế hoạch
được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Tham gia diễn tập, thực tập phương án chữa cháy,
cứu nạn, cứu hộ đã được lập, phê duyệt theo quy định;
d) Tham gia các nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ khác theo quy định của pháp luật.
2. Bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ trang bị cho lực lượng dân phòng:
a) Bố trí nơi bảo quản phương tiện phù hợp với tình
hình thực tế của địa phương nhưng phải dễ lấy để sử dụng khi cần thiết và đáp ứng
yêu cầu bảo quản (phương tiện để trong phòng phải đảm bảo khô ráo, thoáng khí,
sạch sẽ; phương tiện để ngoài trời phải được bố trí mái che hoặc có biện pháp
phòng chống mưa, nắng);
b) Phương tiện, dụng cụ phá dỡ thô sơ (rìu cứu nạn,
búa tạ, xà beng, kìm cộng lực, thang chịu lực); phương tiện, dụng cụ cứu người
(túi sơ cứu, cáng cứu thương); đèn pin, bình chữa cháy xách tay phải được sắp xếp,
làm sạch, bảo quản trên giá, kệ, sàn kê hoặc trong tủ bảo quản; không được
quăng, quật khi sắp xếp, vận chuyển; không được đặt gần nơi có xăng, dầu, axit,
hóa chất ăn mòn;
c) Phương tiện, dụng cụ phải được bảo dưỡng định kỳ
hoặc thường xuyên trước, trong và sau mỗi lần sử dụng; sắp xếp, làm sạch phương
tiện, dụng cụ; kiểm tra lại các chi tiết của phương tiện, dụng cụ bảo đảm vẫn
chắc chắn khi sử dụng; tháo pin ra khỏi đèn (nếu là đèn thuộc loại pin rời) và
dùng vải mềm vệ sinh sạch thân đèn và các điểm tiếp xúc với pin, nạp đủ pin cho
đèn. Kiểm tra và bảo dưỡng bình chữa cháy theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam
TCVN 7435-2:2004 (ISO 11602-2:2000) Phòng cháy, chữa cháy - Bình chữa cháy xách
tay.
Điều 5. Trách nhiệm của Ủy ban
nhân dân cấp xã
1. Tổ chức thực hiện công tác quản lý, sử dụng
phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trang bị cho lực lượng dân
phòng thuộc phạm vi quản lý.
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của
pháp luật về quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng.
3. Phân công người thực hiện công tác theo dõi, quản
lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trang bị cho lực lượng
dân phòng thuộc phạm vi quản lý.
4. Chỉ đạo, hướng dẫn các Đội dân phòng xây dựng kế
hoạch, lập hồ sơ quản lý, sử dụng; xây dựng quy trình bảo quản, bảo dưỡng
phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị.
5. Tổ chức cho lực lượng dân phòng thuộc phạm vi quản
lý học tập, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được
trang bị.
6. Thống kê, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện và
Công an cấp huyện về công tác quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng dân phòng theo quy định.
7. Tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm hoặc kiến nghị
cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng
phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng dân phòng.
8. Đảm bảo kinh phí phục vụ công tác quản lý, sử dụng,
sửa chữa, thay thế phương tiện khi bị hư hỏng hoặc đã hết niên hạn sử dụng.
Điều 6. Trách nhiệm của lực lượng
dân phòng
1. Trách nhiệm của Đội trưởng Đội dân phòng:
a) Xây dựng kế hoạch, quy trình và tổ chức thực hiện
công tác quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị;
b) Tổ chức lập và quản lý hồ sơ về phương tiện
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị; phân công trách nhiệm cụ
thể cho thành viên Đội dân phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo quản, bảo dưỡng
phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
c) Bố trí địa điểm bảo quản phương tiện phòng cháy,
chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Đội dân phòng; phân công thành viên Đội dân
phòng sử dụng phương tiện được trang bị khi thực hiện nhiệm vụ;
d) Hướng dẫn cho thành viên Đội dân phòng tập luyện,
sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ đã được trang bị;
đ) Thường xuyên kiểm tra việc quản lý, sử dụng, bảo
quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Đội
dân phòng. Kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã khi phát hiện phương tiện bị
mất, hư hỏng hoặc nơi bảo quản, bảo dưỡng không bảo đảm an toàn để có biện pháp
xử lý, khắc phục hoặc sửa chữa, bổ sung, thay thế; đề nghị xử lý vi phạm trong
quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ;
e) Thống kê, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã và Công
an cấp xã về công tác quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Đội dân phòng theo quy định.
2. Điều kiện, trách nhiệm của thành viên Đội dân
phòng được giao sử dụng phương tiện:
a) Chỉ những thành viên Đội dân phòng (được thành lập
theo Quyết định của người có thẩm quyền), có đủ sức khỏe, đã được huấn luyện và
cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
mới được giao sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
b) Thành viên Đội dân phòng được giao sử dụng
phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải có trách nhiệm sử dụng
phương tiện an toàn, đúng mục đích, yêu cầu nhiệm vụ; tuân thủ quy trình kỹ thuật
vận hành, sử dụng của phương tiện (nếu có).
3. Trách nhiệm của thành viên Đội dân phòng được
giao quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn,
cứu hộ:
a) Quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo đúng quy định của nhà sản xuất và theo
hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền;
b) Thường xuyên kiểm tra nơi bảo quản, bảo dưỡng
phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý; kịp
thời phát hiện phương tiện bị mất, hư hỏng hoặc nơi bảo quản, bảo dưỡng không bảo
đảm an toàn để báo cáo Đội trưởng Đội dân phòng;
c) Thống kê, báo cáo Đội trưởng Đội dân phòng về
tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ theo quy định.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan
Công an
1. Trách nhiệm của Công an tỉnh:
a) Chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và
cứu nạn, cứu hộ; Công an cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công
tác quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và
cứu nạn, cứu hộ trang bị cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;
b) Thống kê, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về công
tác quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và
cứu nạn, cứu hộ của lực lượng dân phòng.
2. Trách nhiệm của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ; Công an cấp huyện:
a) Chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện quản lý, sử dụng,
bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực
lượng dân phòng thuộc phạm vi quản lý;
b) Chỉ đạo, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ
phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng theo quy định;
c) Thống kê, báo cáo Công an tỉnh về công tác quản
lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn,
cứu hộ của lực lượng dân phòng thuộc phạm vi quản lý theo quy định.
3. Trách nhiệm của Công an cấp xã:
a) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực
hiện công tác quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng dân phòng thuộc phạm vi quản lý theo Quy
chế này và các quy định của pháp luật liên quan;
b) Hướng dẫn, tổ chức hoạt động và huấn luyện, bồi
dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng
thuộc phạm vi quản lý.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
1. Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc/Thủ trưởng các sở,
ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.
2. Công an tỉnh giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi,
kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện Quy chế này. Tổng hợp, đánh giá
tình hình tổ chức triển khai thực hiện, định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất tổng
hợp kết quả, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Điều 9. Sửa đổi, bổ sung Quy chế
Trong quá trình thực hiện Quy chế, trường hợp phát
sinh những khó khăn, vướng mắc, đề nghị các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Ủy ban
nhân dân cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh đến
Công an tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.