BỘ QUỐC PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
279/2017/TT-BQP
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 10 năm 2017
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VIỆC THỰC HIỆN XUẤT NGŨ ĐỐI VỚI HẠ SĨ QUAN, BINH SĨ PHỤC VỤ TẠI NGŨ TRONG
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Căn cứ Luật nghĩa
vụ quân sự ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng
4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định
việc thực hiện xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ trong Quân
đội nhân dân.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về hình thức, hồ sơ, thẩm quyền
giải quyết xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ trong lực lượng thường
trực của Quân đội nhân dân; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức (sau
đây viết gọn là cơ quan, đơn vị) và cá nhân liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục
vụ tại ngũ trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân; các cơ quan, đơn
vị và cá nhân liên quan.
Điều 3. Xuất ngũ, cách tính thời
gian phục vụ tại ngũ
1. Xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ là thực hiện
việc chuyển ra khỏi biên chế lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân sang
phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định của Luật
nghĩa vụ quân sự năm 2015.
2. Cách tính thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan,
binh sĩ thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật nghĩa vụ quân sự
năm 2015.
Điều 4. Hình thức xuất ngũ
1. Hạ sĩ quan, binh sĩ được xuất ngũ đúng thời hạn
khi đã phục vụ tại ngũ đủ thời hạn theo quy định tại Khoản 1 Điều
21 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015.
2. Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ sau thời hạn khi đã
phục vụ tại ngũ đủ thời hạn theo quy định tại Khoản 1 Điều này và được Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015.
3. Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ trước thời hạn khi
có một trong các điều kiện sau:
a) Hội đồng giám định sức khỏe từ cấp sư đoàn và
tương đương trở lên hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp có thẩm quyền kết luận
không đủ tiêu chuẩn sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định tại Thông tư liên tịch
số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm
2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe
thực hiện nghĩa vụ quân sự.
b) Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban Chỉ huy quân sự cấp
huyện xác nhận là gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện tạm hoãn gọi nhập
ngũ quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự
năm 2015, cụ thể như sau:
- Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng
thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia
đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh
nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;
- Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da
cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.
c) Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban Chỉ huy quân sự cấp
huyện xác nhận là gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện miễn gọi nhập ngũ
quy định tại Điểm a, b, c Khoản 2 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự
năm 2015, cụ thể như sau:
- Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;
- Một anh hoặc một em của liệt sĩ;
- Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh
binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc
da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.
d) Cơ quan Bảo vệ An ninh Quân đội báo cáo cấp có
thẩm quyền quyết định không đủ tiêu chuẩn chính trị theo quy định tại Điều 5 của
Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng - Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn
công dân nhập ngũ vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
4. Trong thời gian kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ
theo quy định tại Khoản 2 Điều này, nếu hạ sĩ quan, binh sĩ có hoàn cảnh gia
đình gặp khó khăn hoặc không đủ tiêu chuẩn sức khỏe hoặc không đủ tiêu chuẩn
chính trị theo quy định tại Điểm a, b, c, d Khoản 3 Điều này, thì được giải quyết
xuất ngũ.
Điều 5. Hồ sơ xuất ngũ
1. Trường hợp xuất ngũ đúng thời hạn và xuất ngũ
sau thời hạn, hồ sơ gồm:
a) Lý lịch nghĩa vụ quân sự.
b) Phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
c) Phiếu quân nhân.
d) Nhận xét quá trình công tác.
đ) Quyết định xuất ngũ: 05 bản (đơn vị giải quyết
xuất ngũ 01 bản; cơ quan tài chính đơn vị giải quyết xuất ngũ 01 bản; Ban Chỉ
huy quân sự cấp huyện nơi hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ về 01 bản; hạ sĩ quan,
binh sĩ xuất ngũ 02 bản, trong đó 01 bản dùng để nộp cho cơ sở dạy nghề nơi hạ
sĩ quan, binh sĩ đến học nghề).
e) Giấy tờ khác liên quan (nếu có).
2. Trường hợp xuất ngũ trước thời hạn, hồ sơ gồm:
a) Hạ sĩ quan, binh sĩ có thời gian phục vụ tại ngũ
từ đủ 01 tháng trở lên, nếu không đủ điều kiện phục vụ tại ngũ, thì hồ sơ xuất
ngũ thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này (quyết định xuất ngũ ghi rõ lý
do xuất ngũ) và kèm theo một trong các văn bản sau:
- Biên bản giám định sức khỏe của Hội đồng giám định
sức khỏe từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên hoặc biên bản giám định y khoa của
Hội đồng giám định y khoa cấp có thẩm quyền kết luận không đủ sức khỏe phục vụ
tại ngũ theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư này.
- Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban
Chỉ huy quân sự cấp huyện là gia đình có hoàn cảnh khó khăn theo quy định tại Điểm b, c Khoản 3 Điều 4 của Thông tư này.
- Văn bản của cấp có thẩm quyền kết luận không đủ
tiêu chuẩn chính trị theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 4 của
Thông tư này.
b) Hạ sĩ quan, binh sĩ có thời gian phục vụ tại ngũ
dưới 01 tháng, nếu không đủ điều kiện phục vụ tại ngũ thì chỉ huy đơn vị từ cấp
trung đoàn và tương đương trở lên thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do không đủ
điều kiện phục vụ tại ngũ, kèm theo hồ sơ nhập ngũ bàn giao trả về địa phương cấp
huyện nơi giao quân theo quy định.
Điều 6. Thẩm quyền giải quyết
xuất ngũ
1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thời gian, số
lượng hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ hằng năm.
2. Chỉ huy trưởng cấp trung đoàn và tương đương quyết
định xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quyền.
3. Chỉ huy trưởng cấp sư đoàn và tương đương trở
lên xem xét, phê duyệt đối với trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ trước thời
hạn theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư này.
4. Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ban hành quyết
định hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ về địa phương, nếu cá nhân được tiếp nhận vào
làm việc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh
tế và có nguyện vọng xin làm thủ tục chuyển đến nơi tiếp nhận vào làm việc, thì
Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện xem xét, giải quyết theo quy định.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ
quan, đơn vị và cá nhân
1. Chỉ huy đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở
lên có trách nhiệm:
a) Thực hiện giải quyết xuất ngũ đối với từng hạ sĩ
quan, binh sĩ thuộc quyền; tổ chức buổi gặp mặt chia tay trước khi xuất ngũ; tổ
chức lễ tiễn và đưa hạ sĩ quan, binh sĩ về bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện
nơi hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ về địa phương theo quy định.
b) Thông báo thời gian xuất ngũ trước 30 ngày đến hạ
sĩ quan, binh sĩ và Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan, tổ chức nơi hạ sĩ
quan, binh sĩ xuất ngũ về địa phương.
2. Các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng,
nhiệm vụ có trách nhiệm: Giúp chỉ huy đơn vị giải quyết đầy đủ thủ tục, hồ sơ,
chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi xuất ngũ; lập danh
sách hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ gửi đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi hạ
sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ về để quản lý và đăng ký vào ngạch dự bị theo quy định
của Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015.
3. Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi hạ sĩ quan,
binh sĩ xuất ngũ về có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức
đón nhận hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ về địa phương theo quy định; đồng thời,
phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết chế độ, chính sách theo
quy định tại Khoản 3 Điều 50 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015.
4. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi
hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ về có trách nhiệm xem xét, giải quyết cho hạ sĩ
quan, binh sĩ xuất ngũ theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 của Thông
tư này.
5. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày hạ
sĩ quan, binh sĩ nhận được quyết định xuất ngũ, phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp
xã để trực tiếp đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15
tháng 12 năm 2017 và thay thế Thông tư số 11/2012/TT-BQP
ngày 20 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc thực hiện
xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt
Nam.
Điều 9. Trách nhiệm thi hành
Tổng Tham mưu trưởng, chỉ huy các cơ quan, đơn vị
và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Chủ nhiệm TCCT;
- Các đ/c Thứ trưởng BQP;
- Văn phòng Chính phủ;
- UBND tỉnh, thành phố63;
- Các đầu mối trực thuộc BQP75;
- Bộ CHQS tỉnh, thành phố61;
- BTL Thành phố Hồ Chí Minh;
- Các Cục: Quân lực, Quân huấn, Chính sách, Tổ chức;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL/BTP;
- Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng;
- Văn phòng BQP (Các T2VP, VPC);
- Lưu: VT, NCTH; Toan 224.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng Phan Văn Giang
|