BỘ
TƯ PHÁP
CỤC HỘ TỊCH, QUỐC TỊCH,
CHỨNG THỰC
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1014/HTQTCT-HT
V/v hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch
|
Hà
Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2016
|
Kính
gửi: Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị
Trả lời Công văn số 232/STP-HCTP ngày
06/5/2016 của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch,
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có ý kiến như sau:
1. Về việc đăng
ký lại khai sinh đối với cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác
trong lực lượng vũ trang
Quy định tại khoản 5
Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP áp dụng đối với trường hợp người yêu cầu
không có bản sao Giấy khai sinh; sau khi thực hiện việc đăng ký lại khai sinh
theo quy định thì mới có Giấy khai sinh làm cơ sở điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ cá
nhân khác theo quy định tại Điều 6 của Nghị định. Đề nghị Sở
Tư pháp chỉ đạo cơ quan đăng ký hộ tịch nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng các quy
định này.
2. Việc đăng ký lại khai sinh có yếu
tố nước ngoài
Khoản 1 Điều 26 Nghị định
số 123/2015/NĐ-CP và Điều 9 Thông tư số
15/2015/TT-BTP quy định hồ sơ đăng ký lại khai sinh bao gồm: Tờ khai đăng
ký lại khai sinh, trong đó có cam đoan của người yêu cầu về việc đã đăng ký
khai sinh nhưng không lưu giữ được bản chính Giấy khai sinh; bản sao toàn bộ hồ
sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác trong đó có
thông tin liên quan đến nội dung khai sinh.
Như vậy, nếu người yêu cầu đăng ký lại
khai sinh không nộp được bản sao các giấy tờ, tài liệu là cơ sở đăng ký lại
khai sinh thì không có căn cứ đê xem xét, giải quyết.
Trường hợp đương sự xuất trình được một
trong những giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật
về quốc tịch, đồng thời kết quả xác minh, tra cứu cho thấy người yêu cầu chưa mất
quốc tịch Việt Nam, thì cơ quan đăng ký hộ tịch ghi nội dung về quốc tịch của
người yêu cầu đăng ký lại khai sinh theo quy định tại Điều 24
Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
3. Về việc đặt
tên cho con khi đăng ký khai sinh
Theo quy định tại khoản
1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì: “Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của
trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật
dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ
không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán”.
Bộ luật Dân sự hiện hành (Bộ luật dân
sự năm 2005) chưa có quy định cụ thể về việc đặt tên, chữ đệm. Tuy nhiên, theo
quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 thì cá
nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có); họ của cá nhân được xác
định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không
có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán; trường hợp chưa xác định
được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ. Tên của công dân Việt
Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng
dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên
bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ; việc đặt tên bị hạn chế trong
trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người
khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam (Điều 26). Đồng thời, theo quy định tại khoản 4
Điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam.
Do vậy, trường hợp trẻ em là con của
công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc với công dân Việt Nam định cư ở nước
ngoài mà khi đăng ký khai sinh, cha mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam thì đề nghị
Sở Tư pháp chỉ đạo cơ quan đăng ký hộ tịch vận dụng quy định nêu trên để hướng
dẫn đặt tên cho con là tên Việt Nam hoặc tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước
ngoài (ví dụ: Nguyễn John Thành; Antonio Giang).
4. Về việc cấp
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
4.1. Trường hợp cá nhân yêu cầu cấp lại
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn mà không nộp lại được Giấy xác nhận
tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đây, đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn
Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ hồ sơ, Sổ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để
giải quyết như sau:
- Nếu thông tin về người dự định kết
hôn không thay đổi (kết hôn cùng một người), Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị người
yêu cầu nêu rõ lý do không nộp lại được Giấy xác nhận được cấp trước đây, lưu
trong hồ sơ và cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
cho người yêu cầu.
- Nếu thông tin về người dự định kết
hôn thay đổi (kết hôn với người khác), Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành trao đối
với cơ quan có liên quan để kiểm tra, xác minh về việc Giấy
xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp trước đây đã được sử dụng hay chưa (Ví dụ:
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trước đây cấp để kết hôn tại xã B thì đề nghị
Ủy ban nhân dân xã B kiểm tra; nếu để kết hôn với người nước ngoài ở huyện C
thì đề nghị Phòng Tư pháp huyện C kiểm tra).
Trường hợp Giấy xác nhận tình trạng
hôn nhân trước đây được cấp để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm
quyền của nước ngoài ở nước ngoài thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi văn bản đề nghị
(kèm theo bản chụp hồ sơ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân lần trước,
bản chụp trang Sổ ghi việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
trước đây) gửi Sở Tư pháp; Sở Tư pháp gửi Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực để
trao đổi với Cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam
kiểm tra, làm rõ. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, xác minh, Cục Hộ tịch, quốc tịch,
chứng thực sẽ hướng dẫn giải quyết.
4.2. Điều 16 Luật cư
trú đã quy định cụ thể về nơi cư trú của cán bộ, chiến sỹ đang công tác
trong lực lượng vũ trang. Đề nghị Sở Tư pháp hướng dẫn cơ quan đăng ký hộ tịch
áp dụng quy định này để giải quyết yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn
nhân, đăng ký kết hôn.
4.3. Về giấy tờ
chứng minh tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài
- Đối với công dân Việt Nam định cư ở
nước ngoài chưa có quốc tịch nước ngoài phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn
nhân do Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ chứng minh tình
trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
- Đối với công dân Việt Nam đồng thời
có quốc tịch nước ngoài thì ngoài Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan
đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp, phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng
hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
5. Trường hợp cha dượng nhận con
riêng của vợ làm con nuôi, cha đẻ của đứa trẻ đã chết, nếu có yêu cầu thay đổi
phần khai về người cha, thay đổi họ cho con mà các bên mẹ
đẻ, cha dượng (cha nuôi) và con nuôi từ 9 tuổi trở lên đều đồng ý thì cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện việc thay đổi hộ tịch
theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự và khoản 1 Điều 26 Luật hộ tịch nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng
của các bên.
6. Giấy tờ chứng minh nơi cư trú theo
quy định của Luật cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành tùy theo từng trường
hợp là khác nhau, có thể là sổ hộ khẩu (thường trú) hoặc sổ
đăng ký tạm trú hoặc giấy tờ khác do cơ quan quản lý cư trú cấp, xác nhận. Trường
hợp cần thiết, đề nghị Sở Tư pháp hướng dẫn cơ quan đăng ký hộ tịch trao đổi với cơ quan công an quản lý về cư trú để xác
minh, làm rõ.
7. Về việc đăng
ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại trại giam
Thẩm quyền đăng ký khai sinh đối với
trường hợp trẻ em sinh ra tại trại giam được xác định theo nơi cư trú của người
mẹ - thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trại giam. “Nơi sinh” được ghi theo địa
danh hành chính, nơi trẻ em sinh ra (ghi địa danh hành chính đủ 3 cấp xã, huyện,
tỉnh).
Nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư số 15/2015/TT-BTP thì Ủy ban nhân dân
cấp xã thực hiện việc đăng ký khai sinh lưu động.
8. Về việc bổ
sung ngày, tháng sinh trong Giấy khai sinh
Trường hợp Giấy khai sinh được cấp
trước đây chỉ có năm sinh, không có ngày, tháng sinh thì người được đăng ký
khai sinh cần làm thủ tục bổ sung hộ tịch. Đề nghị Sở Tư pháp hướng dẫn cơ quan
đăng ký hộ tịch vận dụng quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định
số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 và hướng dẫn tại khoản 2
Điều 22 Thông tư số 15/2015/TT-BTP để xác định ngày, tháng sinh theo hướng:
nếu hồ sơ, giấy tờ cá nhân của người yêu cầu không thể hiện được ngày sinh thì
ghi ngày đầu tiên của tháng sinh; nếu không xác định được ngày, tháng sinh thì
ghi ngày 01 tháng 01 của năm sinh.
9. Trường hợp thay đổi, cải chính, bổ
sung hộ tịch có liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn mà không
còn bản chính giấy tờ này thì cơ quan đăng ký hộ tịch ghi chú nội dung thay đổi,
cải chính, bổ sung hộ tịch vào sổ đăng ký khai sinh, số đăng ký kết hôn và cấp
Trích lục khai sinh (bản sao), Trích lục kết hôn (bản sao) theo nội dung đã được
thay đổi, cải chính, bổ sung.
10. Về đề xuất bổ
sung biểu mẫu hộ tịch
- Ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ
tịch theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại
Điều 30 của Luật hộ tịch (bao gồm ghi chú việc xác định
cha, mẹ, con) là trách nhiệm của cơ quan đăng ký hộ tịch khi nhận được văn bản
thông báo, không phải là thủ tục hành chính nên không có Tờ khai.
Trường hợp ghi vào sổ hộ tịch việc
xác định cha, mẹ, con của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có
thẩm quyền của nước ngoài thì sử dụng Tờ khai ghi vào sổ hộ tịch việc đăng ký
giám hộ và nhận cha, mẹ, con (đã được ban hành kèm theo Thông tư số
15/2015/TT-BTP).
- Về Tờ khai
đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân gia đình có yếu tố nước
ngoài: đề nghị Sở Tư pháp tạm thời tiếp tục sử dụng mẫu Tờ khai đăng ký hoạt động
của Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài ban hành
kèm theo Thông tư số 09b/2013/TT-BTP để thực hiện.
- Khi cấp bản sao trích lục hộ tịch,
Sở Tư pháp sử dụng mẫu bản sao trích lục hộ tịch được ban hành kèm theo Thông
tư số 15/2015/TT-BTP .
Trên đây là ý kiến của Cục Hộ tịch,
quốc tịch, chứng thực, xin gửi để Sở Tư pháp triển khai, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT (Dung).
|
CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Công Khanh
|