ỦY
BAN NHÂN DÂN
QUẬN TÂN PHÚ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
4659/QĐ-UBND
|
Tân
Phú, ngày 05 tháng 11 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN TÂN PHÚ THUỘC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ
MINH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN TÂN PHÚ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 131/2020/QH14
ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành
phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị định số 37/2014/NĐ-CP
ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn
thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Nghị định số
108/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy
định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP
ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số
154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy
định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 33/2021/NĐ-CP
ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành
Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức
chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số
34/2021/QĐ-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh ban hành Quy chế làm việc (mẫu) của Ủy ban
nhân dân quận thuộc Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quy chế số 04-QC/QU ngày 20
tháng 10 năm 2021 của Quận ủy Tân Phú về quy chế làm việc của Ban chấp hành
Đảng bộ quận, Ban Thường vụ Quận ủy và Thường trực Quận ủy khóa XII, nhiệm kỳ
2020-2025;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng
Ủy ban nhân dân quận.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân quận Tân Phú
thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2: Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số
4671/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân quận Tân Phú ban
hành Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân quận Tân Phú nhiệm kỳ 2016-2021.
Điều 3: Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân quận, các thành viên Ủy ban nhân dân quận, Thủ trưởng
các phòng ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc quận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
11 phường và thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- UBND/TP;
- Sở Nội vụ;
- TTQU;
- UBND/Q (CT, các PCT);
- VPQU và các Ban XD Đảng QU;
- UBMTTQ và các đoàn thể quận;
- Các ban ngành quận;
- VP.UBND/Q (các PVP, Các tổ CM, Tổ TH-11b);
- Trang thông tin điện tử quận;
- Lưu: VT.
|
CHỦ
TỊCH
Phạm Minh Mẫn
|
QUY CHẾ LÀM VIỆC
CỦA ỦY
BAN NHÂN DÂN QUẬN TÂN PHÚ THUỘC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Kèm theo Quyết định số 4659/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban
nhân dân quận Tân Phú)
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều
chỉnh
1. Phạm vi điều chỉnh
a) Quy chế này quy định về nguyên tắc
hoạt động, trách nhiệm, lề lối làm việc, chế độ hội họp của Ủy ban nhân dân
quận Tân Phú thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
b) Quan hệ công tác và trình tự giải
quyết công việc của Ủy ban nhân dân quận Tân Phú với Ủy ban nhân dân, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Quận ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở quận và các tổ chức, cá nhân khác có
quan hệ làm việc với Ủy ban nhân dân quận Tân Phú.
2. Đối tượng điều chỉnh
Quy chế này điều chỉnh đối với Chủ
tịch Ủy ban nhân dân quận; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận; Trưởng Công an
quận; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự quận; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy
ban nhân dân quận; các cơ quan hành chính khác, các đơn vị sự nghiệp công lập
thuộc Ủy ban nhân dân quận Tân Phú; các tổ chức, cá nhân khác có quan hệ làm
việc với Ủy ban nhân dân quận Tân Phú.
Điều 2. Nguyên tắc làm việc của Ủy
ban nhân dân quận Tân Phú
1. Ủy ban nhân dân quận Tân Phú làm
việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận là
người đứng đầu Ủy ban nhân dân quận, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều
hành Ủy ban nhân dân quận thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao.
3. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận
giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận giải quyết các công việc theo phân công của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân
quận và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Chủ tịch vắng mặt, một
Phó Chủ tịch được Chủ tịch ủy quyền bằng văn bản điều hành, giải quyết công
việc và ký các văn bản của Ủy ban nhân dân quận.
Trường hợp khuyết Chủ tịch Ủy ban
nhân dân quận Tân Phú thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết
định giao Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tân Phú cho một Phó Chủ tịch Ủy ban
nhân dân quận cho đến khi có quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận
Tân Phú.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban
nhân dân quận quy định tại khoản 2, 3, 5 và 11 Điều 5 Nghị quyết số
131/2020/QH14 phải được thảo luận tập thể trước khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân
quận quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Công chức cứa quận
làm việc theo Quy chế làm việc, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân
thủ các quy định của pháp luật.
Tập thể quy định tại khoản này gồm:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, Trưởng Công
an quận, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự quận và người đứng đầu các cơ quan
chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận Tân Phú. Ngoài ra, căn cứ vào nội dung
cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận có thể mời thêm các thành phần khác có
liên quan.
5. Hoạt động của Ủy ban nhân dân quận
nhằm đáp ứng sự hài lòng của người dân, tuân thủ trình tự, thủ tục, đúng thẩm
quyền được giao, theo đúng quy định của pháp luật và quy chế làm việc của Ủy
ban nhân dân quận Tân Phú. Chế độ tiếp công dân của Ủy ban nhân dân quận thực
hiện theo các quy định hiện hành.
6. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng
dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ
chức tại quận và theo quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động của Ủy ban
nhân dân quận phải dân chủ, công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt.
7. Khi cần thiết, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân quận ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, người đứng đầu cơ
quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy
ban nhân dân quận và Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường để giải quyết một hoặc một
số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân quận.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban
nhân dân quận
Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân
quận gồm:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận;
2. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận;
3. Trưởng Công an quận;
4. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự
quận;
5. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy
ban nhân dân quận;
6. Các cơ quan hành chính khác và các
đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân quận.
Chương II
TRÁCH NHIỆM, PHẠM VI GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC CỦA ỦY BAN
NHÂN DÂN QUẬN
Điều 4. Trách nhiệm, phạm vi giải
quyết công việc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận chịu
trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
Thành phố Hồ Chí Minh, Quận ủy và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận. Đồng thời thực hiện Điều 8, Quy chế
04-QC/QU ngày 20 tháng 10 năm 2021 quy chế làm việc của Ban chấp hành Đảng bộ
quận, Ban Thường vụ Quận ủy và Thường trực Quận ủy khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025
quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Bí thư Quận ủy - Chủ tịch Ủy ban nhân
dân quận.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận có
trách nhiệm thực hiện các quy định của Luật Cán bộ, công chức, các quy định
khác của pháp luật có liên quan, chấp hành quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân
quận và các trách nhiệm sau:
a) Chịu trách nhiệm quản lý công
chức, viên chức của quận, phường theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật
Viên chức, pháp luật có liên quan và theo phân cấp, ủy quyền.
b) Ban hành Quy chế làm việc của Ủy
ban nhân dân quận; ký các văn bản của Ủy ban nhân dân quận với chức danh Chủ
tịch và chịu trách nhiệm về các văn bản của Ủy ban nhân dân quận.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận vi
phạm trách nhiệm quy định tại Điều này thì bị xem xét xử lý theo quy định tại
Luật Cán bộ, công chức, quy định của pháp luật có liên quan và các văn bản
hướng dẫn thi hành.
4. Trực tiếp thực hiện hoặc phân công
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy
định pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Điều 5. Trách nhiệm, phạm vi giải
quyết công việc của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận
1. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận
có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận phân
công, ủy quyền và chịu trách nhiệm về các chỉ đạo, quyết định của mình.
2. Trong lĩnh vực công tác được phân
công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận có nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Chủ động kiểm tra, đôn đốc, hướng
dẫn, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban
nhân dân phường trong việc tổ chức thực hiện quyết định, chỉ thị của Ủy ban
nhân dân quận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, chủ trương, chính sách, pháp luật
nhà nước về lĩnh vực được phân công.
b) Chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức
thực hiện quy hoạch, đề án thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách phù hợp với
quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân quận, quy hoạch ngành, quy hoạch tổng
thể của các cơ quan nhà nước cấp trên và đường lối, chính sách của Đảng, pháp
luật của Nhà nước.
c) Được sử dụng quyền hạn của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân quận trong việc quyết định giải quyết các công việc thuộc
lĩnh vực được phân công và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận
và pháp luật về quyết định đó.
d) Báo cáo và đề xuất với Chủ tịch Ủy
ban nhân dân quận xem xét, quyết định xử lý kịp thời công việc liên quan đến
lĩnh vực được phân công phụ trách đã phối hợp xử lý nhưng ý kiến chưa thống
nhất.
3. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận
vi phạm trách nhiệm quy định tại Điều này thì bị xem xét xử lý theo quy định
tại Luật Cán bộ, công chức, quy định của pháp luật có liên quan và các văn bản
hướng dẫn thi hành.
Điều 6. Trách nhiệm, phạm vi giải
quyết công việc của Trưởng Công an quận
Trưởng Công an quận có trách nhiệm
báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận các chủ trương, chỉ đạo của Công an Thành
phố Hồ Chí Minh; tham mưu, đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận các biện
pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ về an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội
trên địa bàn quận theo quy định; thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban
nhân dân quận giao và chịu sự kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo của Công an Thành
phố Hồ Chí Minh.
Điều 7. Trách nhiệm, phạm vi giải
quyết công việc của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự quận
Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự
quận có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận các chủ trương, chỉ
đạo của Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh; tham mưu, đề xuất với Chủ tịch Ủy ban
nhân dân quận các biện pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, quân sự
địa phương trên địa bàn quận theo quy định; thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ
tịch Ủy ban nhân dân quận giao và chịu sự kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ
Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 8. Trách nhiệm, phạm vi giải
quyết công việc của Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận
1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy
ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân quận và trước pháp luật về thực hiện chức
năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý nhà nước được giao trên địa bàn quận theo
quy định tại Điều 4 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của
Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện,
quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9
năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
37/2014/NĐ-CP , các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và chịu sự kiểm tra,
hướng dẫn, chỉ đạo về công tác chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn, cơ
quan thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Chịu trách nhiệm chấp hành các
quyết định, chỉ đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận; trường hợp
thực hiện chậm hoặc chưa thực hiện được phải kịp thời báo cáo và nêu rõ lý do.
Điều 9. Trách nhiệm, phạm vi giải
quyết công việc của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân quận
Ngoài việc thực hiện các quy định tại
Điều 8 Quy chế này, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân quận còn có trách nhiệm sau:
1. Xây dựng chương trình, kế hoạch
công tác, báo cáo sơ kết, tổng kết hoạt động, báo cáo kiểm điểm công tác chỉ
đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân quận và các báo cáo khác của Ủy ban nhân dân
quận theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận.
2. Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan
chuyên môn, các cơ quan hành chính khác và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc
Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường thực hiện các chương trình, kế
hoạch công tác của Ủy ban nhân dân quận.
3. Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân
quận thông qua và giúp Ủy ban nhân dân quận kiểm tra, đôn đốc, tổng kết việc
thực hiện Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân quận. Giúp Ủy ban nhân dân, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân quận tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy
ban nhân dân quận với Quận ủy, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở quận.
4. Theo dõi, nắm tình hình hoạt động
chung của Ủy ban nhân dân quận, tổ chức việc thu thập, tổng hợp và cung cấp
thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ
tịch Ủy ban nhân dân quận; thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin cho công dân
theo Luật Tiếp cận thông tin.
5. Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân
dân quận tổ chức thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018
của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ
quan hành chính nhà nước ở địa phương; tổ chức bộ phận tiếp nhận, giải quyết và
trả kết quả theo cơ chế “một cửa” của Ủy ban nhân dân quận.
6. Bảo đảm các điều kiện làm việc và
tổ chức phục vụ các hoạt động của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy
ban nhân dân quận.
7. Quản lý thống nhất việc ban hành,
công bố văn bản của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận.
8. Giải quyết một số công việc cụ thể
khác do Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận giao.
Điều 10. Trách nhiệm, phạm vi giải
quyết công việc của Thủ trưởng các cơ quan hành chính khác và các đơn vị sự
nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân quận
1. Giải quyết những kiến nghị của tổ
chức, cá nhân liên quan đến chức năng, thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị
mình; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận những việc vượt thẩm quyền hoặc những
việc đã phối hợp giải quyết nhưng ý kiến chưa thống nhất.
2. Chủ động đề xuất, tham gia ý kiến
về những công việc chung của Ủy ban nhân dân quận và thực hiện các nhiệm vụ
công tác theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận.
3. Tham gia ý kiến với cơ quan chủ
trì soạn thảo văn bản, đề án khi có những vấn đề liên quan đến chức năng, thẩm
quyền, lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị mình.
Chương III
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN, CHỦ
TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN
Điều 11. Quan hệ công tác của Ủy
ban nhân dân quận với Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ
Chí Minh
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận chịu
sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân quận phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; thực hiện chế độ báo cáo Ủy ban nhân dân,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định.
2. Ủy ban nhân dân quận, các cơ quan
chuyên môn của Ủy ban nhân dân quận chấp hành việc kiểm tra cửa Ủy ban nhân
dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan chuyên môn
thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ.
Điều 12. Quan hệ công tác của Ủy
ban nhân dân quận với các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Ủy ban nhân dân quận chịu sự hướng
dẫn nghiệp vụ, kiểm tra của các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh theo ngành, lĩnh vực mà các cơ quan này phụ trách.
Điều 13. Quan hệ công tác của Ủy
ban nhân dân quận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận với Quận ủy, Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở quận, Viện Kiếm sát nhân
dân, Tòa án nhân dân quận
1. Ủy ban nhân dân quận chịu sự lãnh
đạo trực tiếp, thường xuyên của Quận ủy và báo cáo Quận ủy việc triển khai thực
hiện các nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ
Chí Minh giao. Đề xuất với Quận ủy, Ban Thường vụ Quận ủy cho chủ trương, biện
pháp đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền được nêu tại Quy chế 04-QC/QU ngày 20
tháng 10 năm 2021 quy chế làm việc của Ban chấp hành Đảng bộ quận, Ban Thường
vụ Quận ủy và Thường trực Quận ủy khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025 và những nội
dung cần thiết khác.
2. Ủy ban nhân dân quận phối hợp chặt
chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở
quận chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhân dân; tuyên truyền, giáo dục,
vận động Nhân dân tham gia xây dựng, củng cố chính quyền vũng mạnh, tự giác
thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà
nước, Ủy ban nhân dân quận có trách nhiệm tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở quận hoàn thành tốt chức
năng, nhiệm vụ; xem xét, giải quyết theo thẩm quyền các kiến nghị của Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở quận.
3. Ủy ban nhân dân quận phối hợp với
Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân quận trong việc đấu tranh phòng, chống
tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; bảo đảm thi hành pháp luật, giữ vũng
kỷ cương, kỷ luật hành chính và tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật
tại địa phương.
Điều 14. Quan hệ phối hợp giải
quyết công việc giữa các Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, các cơ quan hành chính
khác và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân quận
1. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, cơ
quan hành chính khác và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân
quận khi giải quyết vấn đề thuộc thẩm quyền của mình có liên quan đến chức
năng, nhiệm vụ của cơ quan khác, phải hỏi ý kiến Thủ trưởng cơ quan đó; Thủ
trưởng cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời và phải chịu trách nhiệm
về các ý kiến đó. Việc lấy ý kiến có thể thông qua hình thức tổ chức họp hoặc
sử dụng hình thức công văn. Nếu quá 10 ngày làm việc, Thủ trưởng cơ quan được
hỏi ý kiến không trả lời bằng văn bản thì coi như đồng ý và phải chịu trách
nhiệm về các nội dung có liên quan.
2. Đối với những vấn đề vượt thẩm
quyền và khả năng giải quyết của mình, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, cơ quan
hành chính khác và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân quận
phải chủ động làm việc với các cơ quan có liên quan, trình Chủ tịch Ủy ban nhân
dân quận xem xét, quyết định.
3. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, cơ
quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tổ chức thực
hiện nghiêm túc, đầy đủ các quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân quận, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân quận về các vấn đề có liên quan đến cơ quan, đơn vị mình
phụ trách. Trường hợp những quy định của Ủy ban nhân dân quận, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân quận có những nội dung không còn phù hợp thì Thủ trưởng cơ quan chuyên
môn, cơ quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân các
phường có quyền kiến nghị để Ủy ban nhân dân quận xem xét sửa đổi, bổ sung,
thay thế hoặc bãi bỏ.
Điều 15. Quan hệ công tác giũa Thủ
trưởng cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập
thuộc Ủy ban nhân dân quận với Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường có
yêu cầu làm việc với Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác và
đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân quận về lĩnh vực quản lý ngành
trên địa bàn phường cần chuẩn bị kỹ về nội dung và thông báo trước với cơ quan
có liên quan. Tùy theo tính chất, nội dung của văn bản yêu cầu, Thủ trưởng cơ
quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc
Ủy ban nhân dân quận làm việc với Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường thông qua
phương thức phù hợp với tình hình thực tế. Khi Thủ trưởng cơ quan chuyên môn,
cơ quan hành chính khác và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân
quận vắng mặt, Thủ trưởng phân công một lãnh đạo cấp phó làm việc với Chủ tịch
Ủy ban nhân dân phường, sau đó báo cáo kết quả với Thủ trưởng.
2. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, cơ
quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân quận có
trách nhiệm giải quyết các đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường theo
thẩm quyền của mình và phải trả lời bằng văn bản trong thời gian không quá 10
ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị. Trường hợp vấn đề đó vượt
thẩm quyền hoặc không thể xử lý, giải quyết theo đúng thời gian quy định, phải
có văn bản trả lời cho cơ quan đề nghị biết. Hết thời hạn đó, nếu chưa nhận
được văn bản trả lời thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường kiến nghị hoặc báo cáo
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận biết để chỉ đạo cơ quan có trách nhiệm giải quyết.
3. Văn phòng Ủy ban nhân dân quận làm
đầu mối phối hợp với các cơ quan có liên quan, hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban
nhân dân quận quyết định những vấn đề vượt thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan
chuyên môn, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân quận.
Chương IV
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN
Điều 16. Hình thức văn bản quy phạm
pháp luật
Hình thức văn bản quy phạm pháp luật
của Ủy ban nhân dân quận là quyết định.
Điều 17. Soạn thảo quyết định của
Ủy ban nhân dân quận
1. Dự thảo quyết định của Ủy ban nhân
dân quận do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận phân công và trực tiếp chỉ đạo cơ
quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận soạn thảo. Cơ quan soạn thảo có
trách nhiệm xây dựng dự thảo và tờ trình dự thảo quyết định.
2. Căn cứ vào tính chất và nội dung
của dự thảo quyết định, cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ
chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quyết định. Cơ
quan, tổ chức có liên quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản
trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo quyết định. Trong trường
hợp lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quyết định thì cơ
quan lấy ý kiến có trách nhiệm xác định những vấn đề cần lấy ý kiến và bảo đảm
ít nhất là 07 ngày kể từ ngày tổ chức lấy ý kiến để các đối tượng được lấy ý
kiến góp ý vào dự thảo quyết định.
Điều 18. Thẩm định dự thảo quyết
định của Ủy ban nhân dân quận
1. Phòng Tư pháp có trách nhiệm thẩm
định dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân quận trước khi trình. Chậm nhất là
10 ngày trước ngày Ủy ban nhân dân quận họp, cơ quan soạn thảo phải gửi hồ sơ
dự thảo quyết định đến Phòng Tư pháp để thẩm định.
2. Hồ sơ gửi thẩm định bao gồm: Tờ
trình và dự thảo Quyết định; Bảng tổng hợp ý kiến về dự thảo quyết định; tài
liệu khác (nếu có).
3. Nội dung và báo cáo thẩm định thực
hiện theo quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 121 của Luật ban hành văn bản
quy phạm pháp luật năm 2015 và khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020.
4. Chậm nhất là 05 ngày trước ngày Ủy
ban nhân dân quận họp, Phòng Tư pháp gửi báo cáo thẩm định đến cơ quan soạn
thảo.
Điều 19. Hồ sơ dự thảo quyết định
trình Ủy ban nhân dân quận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận
1. Cơ quan soạn thảo gửi hồ sơ dự
thảo quyết định đến Ủy ban nhân dân quận chậm nhất là 03 ngày làm việc trước
ngày Ủy ban nhân dân quận họp để chuyển đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, Phó
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận và người đúng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy
ban nhân dân quận.
2. Hồ sơ dự thảo quyết định trình Ủy
ban nhân dân quận bao gồm: tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 19; báo cáo thẩm
định của Phòng Tư pháp.
Điều 20. Trình tự xem xét, ban
hành dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân quận
1. Dự thảo quyết định của Ủy ban nhân
dân quận được lấy ý kiến thảo luận tập thể tại cuộc họp của Ủy ban nhân dân
quận do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận tổ chức.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận ký
ban hành quyết định của Ủy ban nhân dân quận với tư cách là người đúng đầu cơ
quan ban hành.
Chương V
CHẾ ĐỘ HỘI HỌP, ĐỐI THOẠI, TIẾP KHÁCH, ĐI CÔNG TÁC VÀ
THÔNG TIN BÁO CÁO
Điều 21. Tổ chức các cuộc họp của
Ủy ban nhân dân quận
1. Việc tổ chức các cuộc họp của Ủy
ban nhân dân quận thực hiện theo Quy chế làm việc, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân
quận triệu tập đê thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Các cuộc họp của Ủy ban nhân dân
quận định kỳ mời Thường trực Quận ủy, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy và Chủ tịch Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận dự. Trong trường hợp cần thiết, có thể mời
người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội của quận, đại biểu Quốc hội và đại
biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ứng cử trên địa bàn quận tham dự
cuộc họp của Ủy ban nhân dân quận khi nội dung cuộc họp có các vấn đề liên quan.
3. Kết luận cuộc họp liên quan đến
người dân phải được đưa tin trên Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân
quận (trừ thông tin thuộc bí mật Nhà nước) để thông tin công khai và kịp thời
đến các cơ quan, tổ chức và Nhân dân biết, thực hiện theo quy định của pháp
luật và Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân quận. Người phát ngôn và chế độ
phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của Ủy ban nhân dân quận thực hiện
theo quy định hiện hành.
Điều 22. Phiên họp Ủy ban nhân dân
quận
1. Ủy ban nhân dân quận, mỗi tháng
họp ít nhất một lần. Thời gian triệu tập cuộc họp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân
quận quyết định. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận chủ tọa cuộc họp Ủy ban nhân dân
quận, khi Chủ tịch vắng mặt, phân công một Phó Chủ tịch thay Chủ tịch chủ tọa
cuộc họp.
2. Cơ quan chủ trì soạn thảo đề án, văn
bản phải gửi trước hồ sơ để Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận phụ
trách lĩnh vực xem xét, quyết định việc trình ra cuộc họp.
3. Văn phòng Ủy ban nhân dân quận có
nhiệm vụ dự kiến chương trình và thành phần cuộc họp, trình Chủ tịch Ủy ban
nhân dân quận quyết định; đôn đốc các cơ quan chủ trì đề án, văn bản gửi hồ sơ
trình và các tài liệu liên quan; kiểm tra hồ sơ trình; gửi giấy mời, tài liệu
kỳ họp đến các đại biểu trước cuộc họp tiến hành 05 ngày; chuẩn bị các điều
kiện phục vụ cuộc họp.
4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
quận tổ chức việc ghi biên bản và có trách nhiệm thông báo kịp thời bằng văn
bản về ý kiến kết luận của chủ tọa cuộc họp, gửi Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban
nhân dân quận, các tổ chức, cá nhân liên quan biết, thực hiện.
Điều 23. Họp xử lý công việc
thường xuyên của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận
1. Họp giao ban hàng tuần: Chủ tịch,
các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận tiến hành họp giao ban định kỳ hàng tuần.
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận
quyết định việc triệu tập, thành phần, nội dung, thời gian và chủ trì họp giao
ban. Trường hợp Chủ tịch vắng mặt, ủy quyền cho Phó Chủ tịch chủ trì thay.
b) Thành phần họp giao ban gồm: Chủ
tịch, các Phó Chủ tịch và Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân quận. Trường hợp cần
thiết, có thể gồm Thủ trưởng một số cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc Ủy ban
nhân dân quận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường để bàn những vấn đề có liên quan.
c) Trình tự và nội dung họp giao ban:
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân quận báo cáo những công việc chính đã xử lý
trong tuần; những công việc tồn đọng, mới phát sinh cần xin ý kiến Chủ tịch,
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận và dự kiến Chương trình công tác tuần sau.
Đại biểu dự họp phát biểu ý kiến, đề xuất biện pháp xử lý thuộc thẩm quyền. Chủ
tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận chủ trì phát biểu kết luận họp giao
ban.
2. Họp xử lý các công việc phức tạp,
đột xuất, cấp bách
a) Theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch,
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân quận có
trách nhiệm gửi giấy mời, tài liệu liên quan đến các đại biểu, chuẩn bị các
điều kiện phục vụ cuộc họp; ra thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch, Phó Chủ
tịch Ủy ban nhân dân quận chủ trì cuộc họp hoặc phối hợp với cơ quan chủ trì
hoàn chỉnh văn bản, trình Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận quyết
định.
b) Đại biểu được mời dự họp có trách
nhiệm tham gia đúng thành phần, đúng thời gian và chuẩn bị ý kiến về công việc
được đưa ra thảo luận tại cuộc họp.
c) Cơ quan chủ trì công việc được đưa
ra thảo luận tại cuộc họp có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ tài liệu, ý kiến giải
trình; phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân quận dự thảo thông báo ý kiến kết
luận của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận tại cuộc họp hoặc hoàn
chỉnh văn bản, trình Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận quyết định.
Điều 24. Tổ chức họp, hội nghị của
cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân quận
1. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, cơ
quan thuộc Ủy ban nhân dân quận có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về việc
tổ chức họp, hội nghị để triển khai hoặc tổng kết công tác, thảo luận chuyên
môn, tập huấn nghiệp vụ trong lĩnh vực quản lý của cấp mình. Tất cả các cuộc
họp, hội nghị phải được tổ chức ngắn gọn, đúng thành phần; bảo đảm thiết thực,
tiết kiệm và hiệu quả.
2. Cuộc họp, hội nghị do cơ quan
chuyên môn, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân quận tổ chức có mời lãnh đạo của
nhiều cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân quận, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân phường dự, báo cáo xin ý kiến và được sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân quận về nội dung, thành phần, thời gian và địa điểm tổ chức cuộc họp.
Điều 25. Tổ chức hội nghị đối
thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận với Nhân dân
1. Hằng năm, trước kỳ họp thường kỳ
của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận có
trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân ở quận về tình hình hoạt
động của quận và những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng của công
dân trên địa bàn quận.
Căn cứ vào quy mô dân số, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân quận có thể tổ chức đối thoại với Nhân dân theo phường, Ủy ban
nhân dân quận phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và Ủy ban
nhân dân phường để Ủy ban nhân dân phường thông báo đến các cộng đồng dân cư,
Khu phố và Tổ dân phố về thời gian, địa điểm, nội dung của hội nghị đối thoại
với Nhân dân chậm nhất là 07 ngày trước ngày tổ chức hội nghị.
2. Kết quả hội nghị đối thoại giữa
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận với Nhân dân phải được gửi đến Thường trực Hội
đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh,
Tổ trưởng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ở quận trước 07
ngày khai mạc kỳ họp thường kỳ gần nhất của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh.
Điều 26. Đi công tác
1. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, đơn
vị thuộc Ủy ban nhân dân quận đi công tác ngoài phạm vi Thành phố hoặc văng mặt
trên 03 ngày phải báo cáo và được sự đồng ý của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy
ban nhân dân quận phụ trách; đồng thời, trong thời gian đi vắng phải ủy quyền
cho cấp phó của mình giải quyết công việc thay.
2. Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên
Ủy ban nhân dân quận, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc Ủy ban nhân
dân quận phải dành thời gian thích hợp để đi cơ sở, tiếp xúc với Nhân dân, kiểm
tra, nắm tình hình thực tế; kịp thời giúp cơ sở giải quyết khó khăn, vướng mắc
mới phát sinh và chấn chỉnh kịp thời những sai phạm.
Điều 27. Tiếp khách của Ủy ban
nhân dân quận
1. Văn phòng Ủy ban nhân dân quận
trình Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận về thời gian và nội dung tiếp
khách theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc Ủy ban nhân
dân quận hoặc của khách; phối hợp với cơ quan liên quan chuẩn bị chương trình,
nội dung và tổ chức phục vụ tiếp, làm việc của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban
nhân dân quận.
2. Các cơ quan, đơn vị có khách nước
ngoài đến liên hệ công tác, làm việc với Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân
dân quận phải phối hợp với Công an quận, cơ quan liên quan để bảo đảm an ninh,
an toàn cho khách và cơ quan theo quy định của pháp luật.
Điều 28. Chế độ thông tin, báo cáo
1. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, cơ
quan thuộc Ủy ban nhân dân quận phải thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ,
báo cáo đột xuất của Ủy ban nhân dân quận, cơ quan chuyên môn Thành phố.
2. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, cơ
quan thuộc Ủy ban nhân dân quận có trách nhiệm tổng hợp báo cáo về ngành, lĩnh
vực theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân quận, Quận ủy.
3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
quận có trách nhiệm tổng hợp báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của
Ủy ban nhân dân quận định kỳ (quý, 6 tháng, 9 tháng và năm) và các báo cáo đột
xuất gửi Ủy ban nhân dân Thành phố, Quận ủy.
4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
quận có trách nhiệm cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của Ủy ban nhân
dân quận, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương cho Ủy ban Mặt trận tổ quốc
Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở quận, cơ quan thông tin đại chúng
để thông tin cho Nhân dân.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 29. Tổ chức thực hiện
1. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thủ
trưởng các cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân quận có trách nhiệm
thực hiện nghiêm quy chế này.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
quận có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thi hành Quy chế này;
kịp thời phối hợp Phòng Nội vụ đề xuất Ủy ban nhân dân quận xem xét sửa đổi, bổ
sung Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân quận, phù hợp với quy định của pháp
luật./.