BỘ
NỘI VỤ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/VBHN-BNV
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2018
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN CHUYỂN XẾP LƯƠNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC KHI THAY ĐỔI CÔNG VIỆC
VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC CHUYỂN CÔNG TÁC TỪ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, CƠ YẾU VÀ CÔNG TY
NHÀ NƯỚC VÀO LÀM VIỆC TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CỦA
NHÀ NƯỚC
Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10
tháng 8 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán
bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển
công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty nhà nước vào làm việc trong
các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, có hiệu lực thi hành
sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, được sửa đổi bởi:
Thông tư số 13/2018/TT-BNV ngày 19
tháng 10 năm 2018 sửa đổi khoản 8 mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10
tháng 8 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán
bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển
công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty nhà nước vào làm việc trong
các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, có hiệu lực thi hành
kể từ ngày 05 tháng 12 năm 2018.
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị định
số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương
đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; sau khi trao đổi ý
kiến với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, Bộ Nội vụ hướng dẫn chuyển xếp
lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường
hợp được chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty nhà nước vào
làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (bao gồm
cả các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế
đặt tại Việt Nam có sử dụng biên chế nhà nước) như sau1:
I. PHẠM VI VÀ ĐỐI
TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Cán bộ, công chức, viên chức có
thay đổi công việc do được bầu cử, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, thôi giữ chức
danh lãnh đạo; nâng ngạch, chuyển ngạch; điều động, luân chuyển, chuyển công
tác.
2. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp,
hạ sĩ quan hưởng lương thuộc lực lượng vũ trang (quân đội nhân dân và công an
nhân dân), người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu và người làm việc
trong công ty nhà nước được tiếp nhận, tuyển dụng, điều động, luân chuyển (sau
đây gọi chung là chuyển công tác) vào làm việc trong cơ quan nhà nước và đơn vị
sự nghiệp của Nhà nước.
Các đối tượng thuộc phạm vi áp dụng
nêu trên tại thời điểm thay đổi công việc hoặc chuyển công tác đã được xếp
lương theo quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 9 năm
2004 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng
phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước; bảng lương chuyên môn,
nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát; Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14
tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức,
viên chức và lực lượng vũ trang và Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12
năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ
cấp lương trong các công ty nhà nước.
II. NGUYÊN TẮC XẾP
LƯƠNG
1. Đối với cán bộ được bầu cử hoặc được
bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo theo nhiệm kỳ thuộc diện xếp lương theo bảng
lương chức vụ gồm Bộ trưởng và tương đương trở lên và cán bộ chuyên trách ở xã,
phường, thị trấn (sau đây viết tắt là chức danh xếp lương chức vụ theo nhiệm kỳ)
a) Hiện giữ chức danh nào thì xếp
lương chức vụ theo chức danh đó; nếu đồng thời giữ nhiều chức danh khác nhau
thì xếp lương theo chức danh có hệ số lương chức vụ cao nhất; khi thay đổi chức
danh thì xếp lại lương cho phù hợp;
b) Trường hợp luân chuyển theo yêu cầu
nhiệm vụ đến giữ chức danh khác có mức lương chức vụ thấp hơn thì được giữ mức
lương chức vụ đang hưởng theo chức danh cũ trong suốt thời gian luân chuyển;
c) Khi thôi giữ chức danh để làm công
việc khác có mức lương chức vụ hoặc mức lương chuyên môn, nghiệp vụ cộng với phụ
cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) thấp hơn mức
lương chức vụ đang hưởng thì được bảo lưu mức lương chức vụ đang hưởng trong 6
tháng, sau đó xếp lại lương theo chức danh hoặc công việc mới được đảm nhiệm.
Nếu thôi giữ chức danh để làm thủ tục
nghỉ hưu theo thông báo của cấp có thẩm quyền mà vẫn thuộc biên chế trả lương
có đóng bảo hiểm xã hội ở cơ quan, đơn vị thì được bảo lưu mức lương chức vụ
cho đến khi nghỉ hưu.
Nếu thôi giữ chức danh do bị kỷ luật
(miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức) và các trường hợp thôi giữ chức danh để làm
công việc khác không thuộc biên chế trả lương có đóng bảo hiểm xã hội ở cơ
quan, đơn vị của Nhà nước thì thôi hưởng lương chức vụ kể từ ngày thôi giữ chức
danh.
2. Đối với cán bộ giữ chức danh do bầu
cử thuộc diện xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo
Khi được bầu giữ chức danh thì được
hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh bầu cử được đảm nhiệm và xếp lương
vào ngạch công chức hành chính như sau: Nếu đang xếp lương ở ngạch công chức
hành chính thì giữ nguyên ngạch, bậc lương đang hưởng; nếu đang xếp lương ở ngạch
công chức, viên chức khác thì phải chuyển sang ngạch công chức hành chính tương
đương; nếu chưa xếp lương ở ngạch công chức, viên chức thì tùy từng trường hợp
để bổ nhiệm vào ngạch công chức hành chính theo hướng dẫn tại Thông tư này.
3. Đối với cán bộ, công chức, viên chức
thuộc diện xếp lương theo ngạch công chức, viên chức hoặc chức danh chuyên môn,
nghiệp vụ chuyên ngành Tòa án, Kiểm sát (sau đây gọi chung là ngạch công chức,
viên chức)
a) Làm công việc gì thì bổ nhiệm vào
ngạch công chức, viên chức đó; được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức nào
thì xếp lương theo ngạch công chức, viên chức đó;
b) Việc phân loại kết quả tuyển dụng
hoặc kết quả thi nâng ngạch không được dùng làm căn cứ để xếp lên bậc lương cao
hơn trong ngạch được bổ nhiệm;
c) Khi thay đổi công việc hoặc chuyển
công tác không được kết hợp nâng bậc lương hoặc nâng ngạch.
Trường hợp chuyển sang làm công việc
mới không phù hợp với ngạch công chức, viên chức đang giữ thì phải chuyển ngạch.
Trường hợp luân chuyển theo yêu cầu
nhiệm vụ đến làm công việc khác có mức lương thấp hơn thì được giữ ngạch, bậc
lương đang hưởng (kể cả chế độ nâng bậc lương và chế độ phụ cấp thâm niên vượt
khung ở ngạch công chức, viên chức đó).
Trường hợp chuyển công tác mà công việc
mới phù hợp với ngạch đang giữ, thì cơ quan, đơn vị mới tiếp tục trả lương (kể
cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên
vượt khung nếu có ở ngạch đang giữ) theo giấy thôi trả lương của cơ quan, đơn vị
cũ.
d) Khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo,
thì giữ nguyên ngạch, bậc lương đang hưởng và hưởng phụ cấp chức vụ của chức
danh lãnh đạo được đảm nhiệm; nếu ngạch công chức, viên chức đang giữ không phù
hợp với chuyên môn theo chức danh lãnh đạo mới được đảm nhiệm thì phải chuyển
ngạch.
4. Cán bộ, công chức, viên chức giữ
chức danh lãnh đạo (bầu cử hoặc bổ nhiệm) khi thôi giữ chức danh lãnh đạo thì
không được dùng phụ cấp chức vụ lãnh đạo đã được hưởng trước đó để xếp lên bậc
lương cao hơn trong ngạch công chức, viên chức đang giữ; việc bảo lưu và thôi
hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
5. Cán bộ chuyên trách và công chức ở
xã, phường, thị trấn (cấp xã), các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang, cơ yếu
và công ty nhà nước được chuyển công tác vào làm việc trong cơ quan nhà nước và
đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, thì được bổ nhiệm và xếp lương vào ngạch công chức,
viên chức phù hợp với vị trí và chuyên môn, nghiệp vụ của công việc mới được đảm
nhiệm. Chế độ tập sự hoặc thử việc khi chuyển công tác thực hiện theo quy định
của pháp luật, thời gian tập sự hoặc thử việc (nếu có) này được tính vào thời
gian để xét nâng bậc lương ở ngạch công chức, viên chức được bổ nhiệm khi chuyển
công tác.
III. CÁCH CHUYỂN XẾP
LƯƠNG
1. Cán bộ xếp lương
chức vụ Bộ trưởng và tương đương trở lên
Cán bộ được bầu cử hoặc được bổ nhiệm
giữ chức danh xếp lương chức vụ Bộ trưởng và tương tương trở lên hoặc khi thôi
giữ chức danh để làm công việc khác thì tùy từng trường hợp cụ thể cấp có thẩm
quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định xếp lương cho phù hợp.
2. Cán bộ được bầu
giữ chức danh chuyên trách cấp xã
a) Trường hợp công chức đang làm việc
trong cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở lên và viên chức đang làm việc trong
đơn vị sự nghiệp của Nhà nước được bầu giữ chức danh chuyên trách cấp xã, thì
được giữ ngạch, bậc lương đang hưởng (kể cả chế độ nâng bậc lương và chế độ phụ
cấp thâm niên vượt khung ở ngạch công chức, viên chức đó).
b) Trường hợp công chức cấp xã được bầu
giữ chức danh chuyên trách cấp xã, thì xếp lương vào bậc 1 của chức danh chuyên
trách được đảm nhiệm. Nếu hệ số lương bậc 1 ở chức danh chuyên trách này thấp
hơn hệ số lương của chức danh chuyên môn đang hưởng, thì được hưởng thêm hệ số
chêch lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương chuyên môn đang hưởng; hệ số chêch lệch
bảo lưu này giảm tương ứng khi cán bộ được xếp lương bậc 2 của chức danh chuyên
trách hiện đảm nhiệm hoặc xếp lương ở chức danh chuyên trách khác cao hơn.
c) Các trường hợp khác ngoài quy định
tại điểm a và điểm b khoản 2 này được bầu giữ chức danh chuyên trách cấp xã lần
đầu (nhiệm kỳ đầu) thì được xếp lương vào bậc 1 của chức danh chuyên trách được
đảm nhiệm.
d) Cán bộ chuyên trách cấp xã đang xếp
lương bậc 1 ở chức danh chuyên trách nhiệm kỳ đầu (kể cả được bầu bổ sung), đến
nhiệm kỳ thứ hai được tái cử (cùng chức danh) hoặc được bầu giữ chức danh khác
có cùng hệ số lương chức vụ thì khi có đủ 60 tháng hưởng lương bậc 1 tính từ
nhiệm kỳ đầu được xếp lương vào bậc 2 ở chức danh chuyên trách hiện đảm nhiệm.
đ) Cán bộ chuyên trách cấp xã được bầu
giữ chức danh chuyên trách mới có hệ số lương chức vụ khác với hệ số lương chức
vụ của chức danh chuyên trách đã đảm nhiệm trước đó (sau đây gọi là chức danh
chuyên trách cũ), thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở chức danh chuyên
trách cũ chuyển xếp vào hệ số lương cao hơn gần nhất ở chức danh chuyên trách mới
(hiện đảm nhiệm). Nếu chức danh chuyên trách mới có hệ số lương bậc 2 thấp hơn
hệ số lương đang hưởng ở chức danh chuyên trách cũ, thì được bảo lưu hệ số
lương đang hưởng ở chức danh chuyên trách cũ trong 6 tháng, sau đó xếp lương
vào bậc 2 của chức danh chuyên trách mới (hiện đảm nhiệm).
Trường hợp đang xếp lương bậc 1 ở chức
danh chuyên trách cũ, mà chức danh chuyên trách cũ này có hệ số lương bậc 1 thấp
hơn nhưng có hệ số lương bậc 2 cao hơn so với hệ số lương bậc 1 của chức danh
chuyên trách mới, thì được xếp vào bậc 1 ở chức danh chuyên trách mới; thời
gian giữ bậc 1 ở chức danh chuyên trách cũ được tính vào thời gian giữ bậc 1 ở
chức danh chuyên trách mới, đến khi có đủ 60 tháng được xếp lên bậc 2 của chức
danh chuyên trách mới (hiện đảm nhiệm).
Ví dụ 1.
Ông Nguyễn Văn A được bầu giữ chức danh Thường trực Đảng ủy xã B từ ngày 01
tháng 11 năm 2004 và được xếp vào bậc 1 hệ số lương 1,95 của chức danh này; đến
ngày 01 tháng 5 năm 2005 ông A được bầu bổ sung giữ chức danh Chủ tịch Ủy ban
nhân dân xã B. Do ông A đang xếp bậc 1 ở chức cũ mà chức danh cũ này có hệ số
lương bậc 1 là 1,95 thấp hơn nhưng có hệ số lương bậc 2 là 2,45 cao hơn so với
hệ số lương 2,15 (bậc 1) của chức danh mới (Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã), nên kể
từ ngày 01 tháng 5 năm 2005 ông A được chuyển từ bậc 1 hệ số lương 1,95 của chức
danh cũ (Thường trực Đảng ủy xã) vào bậc 1 hệ số lương 2,15 của chức danh mới
(Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã). Thời gian đã giữ bậc 1 ở chức danh cũ (Thường trực
Đảng ủy xã) từ ngày 01 tháng 11 năm 2004 được tính vào thời gian giữ bậc 1 ở chức
danh mới (Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã) và đến ngày 01 tháng 11 năm 2009 (khi có
đủ 60 tháng), ông A được xếp lương lên bậc 2 hệ số lương 2,65 của chức danh Chủ
tịch Ủy ban nhân dân xã (hiện đảm nhiệm).
3. Cán bộ thôi giữ
chức danh chuyên trách cấp xã thì thực hiện bảo lưu chức vụ đang hưởng theo
nguyên tắc quy định tại điểm c khoản 1
mục II Thông tư này. Nếu thôi giữ chức danh chuyên
trách cấp xã do được chuyển vào làm công chức cấp xã hoặc công chức trong cơ
quan nhà nước và viên chức trong đơn vị sự nghiệp của Nhà nước thì thực hiện
như sau:
a) Trường hợp trước khi giữ chức danh
chuyên trách cấp xã đã là công chức cấp xã, thì căn cứ vào thời gian giữ bậc
lương theo chức danh chuyên môn đã được xếp ở ngạch công chức cho đến khi giữ chức
danh chuyên trách cấp xã cộng với thời gian giữ chức danh chuyên trách cấp xã
có đóng bảo hiểm xã hội (không nhất thiết phải cùng chức danh và nếu có thời
gian giữ chức danh chuyên trách đứt quãng mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội
thì được cộng dồn) để xếp vào bậc lương trong ngạch được bổ nhiệm theo chế độ
nâng bậc lương thường xuyên ở ngạch được bổ nhiệm đó (ngạch được bổ nhiệm là
cùng ngạch công chức đã được xếp trước khi giữ chức danh chuyên trách cấp xã hoặc
ngạch khác tương đương phù hợp với vị trí và chuyên môn, nghiệp vụ của công việc
mới được đảm nhiệm).
b) Trường hợp trước khi giữ chức danh
chuyên trách cấp xã đã là công chức trong công cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở
lên hoặc viên chức trong đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, thì tiếp tục hưởng
lương theo ngạch, bậc công chức, viên chức đang giữ. Nếu được bổ nhiệm vào ngạch
khác thì phải chuyển ngạch cho phù hợp với vị trí và chuyên môn, nghiệp vụ của
công việc mới đảm nhiệm.
c) Trường hợp trước khi giữ chức danh
chuyên trách cấp xã chưa xếp lương theo ngạch, bậc công chức, viên chức, thì
căn cứ vào trình độ đào tạo chuyên ngành đã đạt được, nội dung công việc và
tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức, viên chức để thực hiện bổ nhiệm vào
ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống. Cách chuyển xếp lương khi được bổ
nhiệm vào ngạch (từ ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống) được tính như
sau:
Tính từ bậc 1 của ngạch được bổ nhiệm
và thời gian giữ chức danh chuyên trách cấp xã có đóng bảo hiểm xã hội (không
nhất thiết phải cùng chức danh và nếu có thời gian giữ chức danh chuyên trách đứt
quãng mà chưa được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được cộng dồn) để xếp vào bậc
lương trong ngạch được bổ nhiệm (theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên ở ngạch
đó). Nếu hệ số lương cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) được xếp ở ngạch
được bổ nhiệm thấp hơn hệ số lương chức vụ đang hưởng ở chức danh chuyên trách
cấp xã, thì được bảo lưu hệ số lương chức vụ đang hưởng ở chức danh chuyên
trách cấp xã đó trong 6 tháng, sau đó xếp lương vào ngạch được bổ nhiệm. Trường
hợp đang trong thời gian 6 tháng bảo lưu lương mà tính xếp lương ở ngạch được bổ
nhiệm có hệ số lương bằng hoặc cao hơn hệ số lương chức vụ đang được bảo lưu
thì thôi hưởng bảo lưu lương chức vụ để xếp lương vào ngạch được bổ nhiệm.
Ví dụ 2.
Bà Vũ Thị B có trình độ đào tạo trung cấp, đã giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy
xã C từ ngày 01 tháng 12 năm 2001; đến ngày 01 tháng 10 năm 2004 được chuyển xếp
vào bậc 1 hệ số lương mới 2,15. Đến ngày 01 tháng 9 năm 2005 bà B thôi giữ chức
danh Phó Bí thư Đảng ủy xã C, đồng thời được chuyển công tác đến làm việc tại
Phòng Nội vụ - Lao động huyện D. Bà B được hưởng lương từ ngày 01 tháng 9 năm
2005 như sau:
Do bà B có trình độ trung cấp và đáp ứng
đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch cán sự nên được bổ nhiệm vào ngạch cán sự và
được tính xếp lương vào ngạch cán sự như sau: Tính từ ngày 01 tháng 12 năm 2001
(ngày giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã) bà B được xếp vào bậc 1 ngạch cán sự,
đến ngày 01 tháng 12 năm 2003 (sau đủ 2 năm và trong thời gian này bà B luôn
hoàn thành nhiệm vụ được giao và không bị kỷ luật), bà B được tính xếp lên 1 bậc
(2 năm/1 bậc) vào bậc 2 hệ số lương mới 2,06 ngạch cán sự. Do hệ số lương bà B
đang hưởng khi là Phó Bí thư Đảng ủy xã (2,15) cao hơn hệ số lương 2,06 được xếp
ở ngạch cán sự, nên bà B được hưởng bảo lưu hệ số lương 2,15 trong 6 tháng (kể
từ ngày 01 tháng 9 năm 2005 đến hết tháng 2 năm 2006). Nhưng đến ngày 01 tháng
12 năm 2005 (khi chưa hết thời gian 6 tháng bảo lưu) bà B đủ điều kiện để nâng
bậc lương ở ngạch cán sự lên bậc 3 hệ số lương 2,26 cao hơn so với hệ số lương
đang được bảo lưu (2,15) nên bà B thôi hưởng bảo lưu lương chức vụ (2,15) để xếp
lương vào bậc 3 hệ số lương 2,26 ngạch cán sự; thời gian xét nâng bậc lương lần
sau ở ngạch cán sự của bà B được tính kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2005.
d) Trường hợp thôi giữ chức danh
chuyên trách cấp xã do được bầu giữ chức danh theo nhiệm kỳ thuộc diện xếp
lương chuyên môn, nghiệp vụ, thì được bổ nhiệm vào ngạch công chức hành chính
và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh bầu cử được đảm nhiệm; việc xếp
lương khi bổ nhiệm vào ngạch công chức hành chính thực hiện theo hướng dẫn tại điểm
a, b và c khoản 3 này.
4. Cán bộ, công chức,
viên chức nâng ngạch
a) Trường hợp khi nâng ngạch mà chưa
hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ (ngạch đang giữ trước khi nâng ngạch),
thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ chuyển xếp vào hệ số lương bằng
hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch được bổ nhiệm (khi nâng ngạch).
Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở
ngạch được bổ nhiệm được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp
ở ngạch được bổ nhiệm so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn
hơn chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký
quyết định bổ nhiệm vào ngạch; nếu nhỏ hơn chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề ở
ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ (riêng
trường hợp có ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ trước ngày 01 tháng 10
năm 2004 mà tại thời điểm ngày 01 tháng 10 năm 2004 có hệ số lương cũ ở ngạch
cũ thấp hơn hệ số lương cũ ở ngạch được bổ nhiệm, khi tính chuyển xếp sang
lương mới có hệ số lương mới ở ngạch cũ cao hơn hệ số lương mới ở ngạch được bổ
nhiệm, thì thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch được bổ nhiệm được tính
kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2004).
b) Trường hợp khi nâng ngạch mà đang
hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào hệ số lương ở bậc
cuối cùng trong ngạch cũ chuyển xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở
ngạch được bổ nhiệm.
Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở
ngạch được bổ nhiệm được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp
ở ngạch được bổ nhiệm so với hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch cũ bằng hoặc
lớn hơn chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ
ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch; nếu nhỏ hơn chênh lệch giữa 2 bậc lương
liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung
gần nhất (theo mức % phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng) ở ngạch cũ.
Sau khi chuyển xếp lương vào ngạch được
bổ nhiệm theo quy định tại điểm b này, nếu hệ số lương được xếp ở ngạch được bổ
nhiệm thấp hơn so với hệ số lương cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng
ở ngạch cũ, thì kể từ ngày bổ nhiệm vào ngạch được hưởng thêm hệ số chênh lệch
bảo lưu cho bằng hệ số lương cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở
ngạch cũ. Hệ số chêch lệch bảo lưu này (được tính tròn số sau dấu phẩy 2 số) giảm
tương ứng khi cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương hoặc được hưởng
phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch được bổ nhiệm hoặc được nâng ngạch khác
cao hơn.
Ví dụ 3.
Ông Nguyễn Văn C đã xếp bậc cuối cùng (hệ số lương 4,98) ở ngạch chuyên viên và
đến ngày 01 tháng 5 năm 2005 đã được tính hưởng 6% phụ cấp thâm niên vượt khung.
Ông C đạt kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính và được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm
vào ngạch chuyên viên chính từ ngày 01 tháng 01 năm 2006, thì ông C được chuyển
xếp lương vào ngạch chuyên viên chính như sau:
Căn cứ vào hệ số lương 4,98 ở bậc cuối
cùng trong ngạch chuyên viên (ngạch cũ) chuyển xếp vào hệ số lương cao hơn gần
nhất là 5,08 bậc 3 ngạch chuyên viên chính (ngạch được bổ nhiệm). Do chênh lệch
giữa hệ số lương 5,08 được xếp ở ngạch chuyên viên chính so với hệ số lương
4,98 (bậc cuối cùng) ở ngạch chuyên viên là 0,10 (5,08 - 4,98) nhỏ hơn chênh lệch
giữa 2 bậc lương liền kề (0,33) ở ngạch chuyên viên, nên thời gian xét nâng bậc
lương lần sau ở ngạch chuyên viên chính của ông C được tính kể từ ngày 01 tháng
5 năm 2005 (ngày tính hưởng 6% phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch chuyên
viên). Đồng thời do hệ số lương 5,08 được xếp ở ngạch chuyên viên chính thấp
hơn so với hệ số lương cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch
chuyên viên (4,98 + 6%VK), nên kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2006 (ngày được bổ
nhiệm vào ngạch chuyên viên chính) ông C được hưởng thêm hệ số chêch lệch bảo
lưu là 0,20 (4,98 + 6%VK - 5,08). Khi ông C được nâng bậc lương (bậc 3 lên bậc
4) ở ngạch chuyên viên chính thì do hệ số lương tăng thêm khi nâng bậc là 0,34
lớn hơn hệ số chêch lệch bảo lưu (0,20) đang hưởng, nên ông C thôi hưởng hệ số
chêch lệch bảo lưu 0,20 này.
5. Cán bộ, công chức,
viên chức chuyển ngạch
a) Trường hợp chuyển ngạch mà được bổ
nhiệm vào ngạch mới trong cùng nhóm ngạch với ngạch cũ (ngạch cũ và ngạch mới
có cùng hệ số bậc lương), thì chuyển ngang bậc lương và % phụ cấp thâm niên vượt
khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ (kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần
sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch cũ) sang ngạch mới
được bổ nhiệm.
b) Trường hợp chuyển ngạch mà được bổ
nhiệm vào ngạch mới có hệ số bậc lương cao hơn so với hệ số cùng bậc lương đang
giữ ở ngạch cũ (nhóm 3 vào nhóm 2; nhóm 2 vào nhóm 1; nhóm 3 hoặc nhóm 2 vào
nhóm 1), thì thực hiện chuyển xếp lương và tính thời gian xét nâng bậc lương lần
sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) ở ngạch được bổ nhiệm
như cách chuyển xếp lương khi cán bộ, công chức, viên chức nâng ngạch (hướng dẫn
tại điểm a và điểm b khoản 4 mục III Thông tư này).
c) Trường hợp chuyển ngạch mà được bổ
nhiệm vào ngạch mới có hệ số bậc lương thấp hơn so với hệ số cùng bậc lương
đang giữ ở ngạch cũ (nhóm 2 vào nhóm 3; nhóm 1 vào nhóm 2, nhóm 1 hoặc nhóm 2
vào nhóm 3), thì chuyển ngang bậc lương và % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu
có) đang hưởng ở ngạch cũ (kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc
xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch cũ) sang ngạch mới được bổ
nhiệm. Đồng thời được hưởng thêm hệ số chêch lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương
cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ; hệ số
chêch lệch bảo lưu này (được tính tròn số sau dấu phẩy 2 số) giảm tương ứng khi
cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương hoặc được hưởng phụ cấp thâm
niên vượt khung ở ngạch được bổ nhiệm hoặc được nâng ngạch.
6. Sĩ quan và hạ sĩ
quan thuộc lực lượng vũ trang xếp lương cấp bậc quân hàm và người làm công tác
cơ yếu xếp lương cấp hàm cơ yếu (sau đây gọi chung là chức danh xếp lương cấp
hàm) được chuyển công tác vào làm việc trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp
của Nhà nước
a) Chuyển xếp hệ số lương cấp hàm
đang hưởng vào hệ số lương của ngạch, bậc công chức, viên chức được bổ nhiệm kể
từ ngày chuyển công tác như sau:
Trường hợp theo vị trí công việc mới
được đảm nhiệm và có đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức, viên chức,
thì căn cứ vào hệ số lương cấp hàm đang hưởng chuyển xếp vào hệ số lương ở ngạch
được bổ nhiệm theo bảng sau:
Hệ số
lương cấp hàm đang hưởng (sĩ quan quân đội, sĩ quan và hạ sĩ quan công an và
cơ yếu) theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP
|
Hệ số
lương của ngạch được bổ nhiệm
(tính theo chế độ tiền lương tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP)
|
Ngạch
công chức, viên chức (nếu có đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch)
|
Bậc trong ngạch
|
Hệ số lương trong
ngạch
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)
|
3,20
|
Nhân viên kỹ thuật
và tương đương (C1)
|
1
|
1,65
|
3,50
|
Cán sự và tương
đương (B)
|
1
|
1,86
|
3,80
|
Cán sự và tương
đương (B)
|
2
|
2,06
|
4,20
|
Chuyên viên và
tương đương (A1)
|
1
|
2,34
|
4,60
|
Chuyên viên và
tương đương (A1)
|
3
|
3,00
|
5,00
|
Chuyên viên và
tương đương (A1)
|
4
|
3,33
|
5,40
|
Chuyên viên và
tương đương (A1)
|
6
|
3,99
|
6,00
|
Chuyên viên chính
và tương đương (A2.1)
|
2
|
4,74
|
6,60
|
Chuyên viên chính
và tương đương (A2.1)
|
4
|
5,42
|
7,30
|
Chuyên viên cao cấp
và tương đương (A3.1)
|
1
|
6,20
|
8,00
|
Chuyên viên cao cấp
và tương đương (A3.1)
|
3
|
6,92
|
8,60
|
Chuyên viên cao cấp
và tương đương (A3.1)
|
5
|
7,64
|
Nâng lương cấp hàm
lần 1 (nếu có)
|
Được xếp lên 1 bậc
trên liền kề ở bảng này
|
Nâng lương cấp hàm
lần 2 (nếu có)
|
Được xếp lên 2 bậc
trên liền kề ở bảng này
|
Trường hợp theo vị trí công việc mới
được đảm nhiệm và theo tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức, viên chức mà
được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức cùng loại nhưng ở nhóm 2 hoặc nhóm
3 (nhóm có hệ số bậc lương thấp hơn so với hệ số cùng bậc lương ở nhóm 1) hoặc
được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức thấp hơn so với ngạch công chức,
viên chức ghi ở cột 2 bảng chuyển xếp này, thì được xếp vào hệ số lương bằng hoặc
thấp hơn gần nhất trong ngạch được bổ nhiệm so với hệ số lương ghi ở cột 4 bảng
chuyển xếp này.
Thời gian xét nâng bậc lương lần sau
hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) ở ngạch được bổ nhiệm (sau
khi chuyển xếp lương vào ngạch, bậc công chức, viên chức theo các trường hợp hướng
dẫn tại điểm a này) được tính kể từ ngày xếp hệ số lương cấp hàm (hoặc hệ số
nâng lương lần 1 hoặc lần 2) đang hưởng khi chuyển công tác.
b) Về bảo lưu lương theo quy định của
pháp luật khi chuyển công tác:
Hệ số chênh lệch bảo lưu theo quy định
của pháp luật khi chuyển công tác được xác định bằng chênh lệch giữa hệ số
lương cấp hàm (hoặc hệ số nâng lương lần 1 hoặc lần 2) đang hưởng khi chuyển
công tác so với hệ số lương cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) được
chuyển xếp ở ngạch công chức, viên chức được bổ nhiệm theo hướng dẫn tại điểm a
khoản 6 này.
Hệ số chêch lệch bảo lưu nêu tại điểm
b này (được tính tròn số sau dấu phẩy 2 số) được hưởng tối thiểu 18 tháng kể từ
ngày chuyển công tác; việc tiếp tục cho hưởng bảo lưu ngoài thời gian 18 tháng
do Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức xem
xét, quyết định cho phù hợp với tương quan tiền lương nội bộ. Trong thời gian
hưởng bảo lưu lương (theo quy định tại điểm b này) thì hệ số chêch lệch bảo lưu
giảm tương ứng khi cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương hoặc được
hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung trong ngạch được bổ nhiệm hoặc được nâng ngạch.
7. Quân nhân chuyên
nghiệp, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an và người làm công tác cơ yếu xếp
lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu (sau đây gọi chung là chức danh chuyên môn kỹ
thuật) được chuyển công tác vào làm việc trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự
nghiệp của Nhà nước
a) Chuyển xếp hệ số lương chuyên môn
kỹ thuật đang hưởng vào hệ số lương của ngạch, bậc công chức, viên chức được bổ
nhiệm kể từ ngày chuyển công tác theo 2 bước sau:
Bước 1. Căn cứ vào hệ số lương chuyên
môn kỹ thuật đang hưởng trừ đi hệ số tiền lương chênh lệch cao hơn giữa tiền
lương của chức danh chuyên môn kỹ thuật so với tiền lương của công chức, viên
chức theo bảng sau:
Chức
danh chuyên môn kỹ thuật
|
Hệ số
chênh lệch trừ đi giữa tiền lương của chức danh chuyên môn kỹ thuật so với tiền
lương của công chức, viên chức (tính theo chế độ tiền lương tại Nghị định số
204/2004/NĐ-CP)
|
Nếu được
bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên và tương đương trở lên (công chức, viên chức
loại A1, A2, A3)
|
Nếu
được bổ nhiệm vào công chức, viên chức loại A0
|
Nếu
được bổ nhiệm vào ngạch cán sự và tương đương (công chức, viên chức loại B)
|
Nếu
được bổ nhiệm vào ngạch nhân viên (công chức, viên chức loại C)
|
1. Loại cao cấp
|
|
|
|
|
- Nhóm 1
|
1,51
|
1,75
|
1,99
|
2,20
|
- Nhóm 2
|
1,31
|
1,55
|
1,79
|
2,00
|
2. Loại trung cấp
|
Không được bổ nhiệm
vào các ngạch này vì không có trình độ đại học
|
Không được bổ nhiệm
vào các ngạch này vì không có trình độ cao đẳng
|
|
|
- Nhóm 1
|
1,64
|
1,85
|
- Nhóm 2
|
1,34
|
1,55
|
3. Loại sơ cấp
|
Không được bổ nhiệm
vào các ngạch này vì không có trình độ trung cấp
|
|
- Nhóm 1
|
1,55
|
- Nhóm 2
|
1,30
|
Bước 2. Căn cứ vào kết quả hệ số lương
của phép trừ nêu trên, thực hiện chuyển xếp vào bậc có hệ số lương bằng hoặc
cao hơn gần nhất trong ngạch được bổ nhiệm (trường hợp hệ số lương ở bậc cuối
cùng trong ngạch được bổ nhiệm thấp hơn so với hệ số lương của phép trừ nêu
trên thì được xếp vào bậc lương cuối cùng trong ngạch được bổ nhiệm đó).
Thời gian xét nâng bậc lương lần sau
hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) ở ngạch được bổ nhiệm (sau
khi chuyển xếp lương vào ngạch, bậc công chức, viên chức theo hướng dẫn tại điểm
a này) được tính kể từ ngày xếp hệ số lương chuyên môn kỹ thuật (nếu chưa hưởng
phụ cấp thâm niên vượt khung) hoặc kể từ ngày hưởng phụ cấp thâm niên vượt
khung gần nhất (theo mức % phụ cấp thâm niên vượt khung) đang hưởng ở chức danh
chuyên môn kỹ thuật khi chuyển công tác.
b) Về bảo lưu lương theo quy định của
pháp luật khi chuyển công tác:
Hệ số chêch lệch bảo lưu theo quy định
của pháp luật khi chuyển công tác được xác định bằng chênh lệch giữa hệ số
lương chuyên môn kỹ thuật cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang
hưởng khi chuyển công tác so với hệ số lương cộng với phụ cấp thâm niên vượt
khung (nếu có) được chuyển xếp ở ngạch công chức, viên chức được bổ nhiệm theo
hướng dẫn tại điểm a khoản 7 này.
Thời gian hưởng bảo lưu lương và mức
giảm hệ số chênh lệch bảo lưu nêu tại điểm b này được thực hiện như hướng dẫn tại
điểm b khoản 6 mục III Thông tư này (thực hiện như đối với
sĩ quan chuyển công tác).
8.2 Người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu
hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc người đại diện phần
vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp (sau đây gọi chung là
người giữ chức danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty, công ty) được
bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật vào làm cán bộ, công
chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, nếu thuộc
diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tổ
chức Trung ương; các trường hợp còn lại thực hiện việc xếp lương như sau:
a) Xếp lương ngạch chuyên viên cao cấp
hoặc ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tương đương ngạch chuyên
viên cao cấp (sau đây gọi chung là ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương):
Những trường hợp đã có thời gian xếp
lương ở ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương hoặc có đủ 03 điều kiện sau
thì được xem xét xếp lương ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương:
Thứ nhất, đang giữ chức danh quản lý
Tập đoàn, Tổng công ty được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm vào vị trí chức danh ở
các cơ quan Trung ương có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 1,0 trở lên hoặc chức
danh ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo
từ 0,9 trở lên;
Thứ hai, có thời gian đóng bảo hiểm
xã hội bắt buộc đối với công việc yêu cầu trình độ đại học từ đủ 16 năm trở lên
(nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần thì được
cộng dồn), trong đó có thời gian giữ chức danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty,
công ty tối thiểu 10 năm;
Thứ ba, đã xếp hệ số lương đóng bảo
hiểm xã hội của chức danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty theo quy định của
Chính phủ trừ hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh dự kiến bầu cử, tuyển
dụng, bổ nhiệm bằng hoặc lớn hơn hệ số lương bậc 1 của ngạch chuyên viên cao cấp
hoặc tương đương.
Việc xếp lương được thực hiện như
sau:
Trường hợp đã có thời gian xếp lương ở
ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương thì căn cứ vào thời gian hưởng bậc
lương ở ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương đó và thời gian giữ chức
danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty, công ty để xếp lên bậc lương cao hơn hoặc
tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) theo chế độ nâng bậc lương thường
xuyên, chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung của ngạch chuyên viên cao cấp hoặc
tương đương;
Trường hợp chưa xếp lương ở ngạch
chuyên viên cao cấp hoặc tương đương, thì tính từ ngày có đủ đồng thời điều kiện
thứ hai và điều kiện thứ ba tại Điểm a này được tính xếp bậc 1 của ngạch chuyên
viên cao cấp hoặc tương đương; thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc kể từ
ngày được tính xếp bậc 1 của ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương trở về
sau được tính để xếp lên bậc lương cao hơn hoặc tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt
khung (nếu có) theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên, chế độ phụ cấp thâm
niên vượt khung của ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương.
b) Xếp lương ngạch chuyên viên chính
hoặc ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tương đương ngạch chuyên
viên chính (sau đây gọi chung là ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương):
Những trường hợp đã có thời gian xếp
lương ở ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương hoặc có đủ 03 điều kiện sau
thì được xem xét xếp lương ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương:
Thứ nhất, đang giữ chức danh quản lý
Tập đoàn, Tổng công ty, công ty được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm vào vị trí chức
danh ở các cơ quan Trung ương có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,8 trở lên
hoặc chức danh ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hệ số phụ cấp chức vụ
lãnh đạo từ 0,7 trở lên;
Thứ hai, có thời gian đóng bảo hiểm
xã hội bắt buộc đối với công việc yêu cầu trình độ đại học từ đủ 10 năm trở lên
(nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần thì được
cộng dồn), trong đó có thời gian giữ chức danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty,
công ty tối thiểu 5 năm;
Thứ ba, đã xếp hệ số lương đóng bảo
hiểm xã hội của chức danh quản lý Tập đoàn, Tổng công ty, công ty theo quy định
của Chính phủ trừ hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh dự kiến bầu cử,
tuyển dụng, bổ nhiệm bằng hoặc lớn hơn hệ số lương bậc 1 của ngạch chuyên viên
chính hoặc tương đương.
Việc xếp lương được thực hiện như
sau:
Trường hợp đã có thời gian xếp lương ở
ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương thì căn cứ vào thời gian hưởng bậc lương
ở ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương đó và thời gian giữ chức danh quản
lý Tập đoàn, Tổng công ty, công ty để xếp lên bậc lương cao hơn hoặc tính hưởng
phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên,
chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung của ngạch chuyên viên chính hoặc tương
đương;
Trường hợp chưa xếp lương ở ngạch
chuyên viên chính hoặc tương đương, thì tính từ ngày có đủ đồng thời điều kiện
thứ hai và điều kiện thứ ba tại Điểm b này được tính xếp bậc 1 của ngạch chuyên
viên chính hoặc tương đương; thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc kể từ ngày
được tính xếp bậc 1 của ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương trở về sau được
tính để xếp lên bậc lương cao hơn hoặc tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung
(nếu có) theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên, chế độ phụ cấp thâm niên vượt
khung của ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương.
c) Các trường hợp còn lại (không thuộc
trường hợp áp dụng quy định tại Điểm a hoặc Điểm b nêu trên) được xếp lương ngạch
chuyên viên hoặc ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tương đương
ngạch chuyên viên (sau đây gọi chung là ngạch chuyên viên hoặc tương đương) như
sau:
Trường hợp đã có thời gian xếp lương ở
ngạch chuyên viên hoặc tương đương thì căn cứ vào thời gian hưởng bậc lương ở
ngạch chuyên viên hoặc tương đương đó và thời gian giữ chức danh quản lý Tập
đoàn, Tổng công ty, công ty để xếp lên bậc lương cao hơn hoặc tính hưởng phụ cấp
thâm niên vượt khung (nếu có) theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên, chế độ
phụ cấp thâm niên vượt khung của ngạch chuyên viên hoặc tương đương;
Trường hợp chưa xếp lương ở ngạch
chuyên viên hoặc tương đương, thì tính từ ngày đủ 01 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt
buộc đối với công việc yêu cầu trình độ đại học được tính xếp bậc 1 của ngạch
chuyên viên hoặc tương đương; thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên 01
năm trở về sau được tính để xếp lên bậc lương cao hơn hoặc tính hưởng phụ cấp
thâm niên vượt khung (nếu có) theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên, chế độ
phụ cấp thâm niên vượt khung của ngạch chuyên viên hoặc tương đương.
d) Cấp có thẩm quyền chỉ thực hiện việc
bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng với
việc xếp lương theo quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c nêu trên kể từ ngày
có quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử hoặc quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng đối
với các trường hợp đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ngạch công chức hoặc chức danh nghề
nghiệp viên chức được bổ nhiệm. Trường hợp chưa có chứng chỉ quản lý nhà nước
theo tiêu chuẩn ngạch công chức hoặc chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn của chức
danh nghề nghiệp viên chức thì chỉ thực hiện việc xếp lương và trong thời hạn
12 tháng kể từ ngày có quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử hoặc quyết định bổ
nhiệm, tuyển dụng, cơ quan có thẩm quyền phải cử cán bộ, công chức, viên chức
đi học để hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
viên chức trước khi bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp
viên chức theo thẩm quyền.
9. Viên chức chuyên
môn, nghiệp vụ (kể cả Trưởng phòng, Phó trưởng phòng) và nhân viên thừa hành,
phục vụ trong công ty nhà nước được chuyển công tác vào làm việc trong cơ quan
nhà nước và đơn vị sự nghiệp của Nhà nước
a) Căn cứ vào hệ số lương theo chuyên
môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ đang hưởng tại thời điểm chuyển công tác
(sau đây gọi là hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ) để chuyển xếp vào hệ số
lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch công chức, viên chức được bổ nhiệm (ngạch
tương đương hoặc ngạch thấp hơn so với ngạch cũ đã được xếp trong công ty nhà
nước). Thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt
khung (nếu có) ở ngạch công chức, viên chức mới được bổ nhiệm được tính như
sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch công chức, viên chức mới
được bổ nhiệm so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh
lệch giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ thì được tính kể từ ngày ký quyết định
bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức; nếu nhỏ hơn chênh lệch giữa 2 bậc
lương liền kề ở ngạch cũ thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở
ngạch cũ.
b) Trường hợp trong thời gian làm việc
ở công ty nhà nước mà xếp lương chưa đúng với quy định tại các văn bản quy phạm
pháp luật của cơ quan có thẩm quyền tại các thời điểm tương ứng, thì phải xếp lại
lương cho phù hợp, sau đó mới thực hiện chuyển xếp lương vào ngạch, bậc công chức,
viên chức được bổ nhiệm theo hướng dẫn tại điểm a khoản 9 này.
10. Các đối tượng
đang xếp lương theo các thang lương, bảng lương công nhân, nhân viên trực tiếp
sản xuất kinh doanh, bảng lương chuyên gia cao cấp và nghệ nhân trong công ty
nhà nước được chuyển công tác vào làm việc trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự
nghiệp của Nhà nước.
Chuyên gia cao cấp và nghệ nhân trong
công ty nhà nước được chuyển công tác vào làm việc trong cơ quan nhà nước và
đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, thì tùy từng trường hợp cụ thể Thủ trưởng cơ
quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức xem xét, bổ nhiệm và xếp
lương vào ngạch công chức, viên chức cho phù hợp với vị trí và chuyên môn, nghiệp
vụ của công việc được đảm nhiệm. Các trường hợp còn lại nêu tại khoản 10 này được
thực hiện như sau:
a) Trường hợp được bố trí làm công việc
chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ trong cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự
nghiệp của Nhà nước theo đúng trình độ chuyên môn của chuyên ngành đã được đào
tạo.
Nếu có trình độ đại học trở lên thì bổ
nhiệm và xếp lương vào ngạch chuyên viên và tương đương (loại A1); nếu có trình
độ cao đẳng thì bổ nhiệm và xếp lương vào ngạch công chức, viên chức loại A0; nếu
có trình độ trung cấp hoặc qua đào tạo tại các trường dạy nghề thì bổ nhiệm và
xếp lương vào ngạch cán sự và tương đương (loại B); nếu có trình độ sơ cấp hoặc
qua học nghề theo hình thức kèm cặp tại doanh nghiệp thì bổ nhiệm và xếp lương
vào ngạch nhân viên kỹ thuật (mã số 01.007); nếu chưa qua đào tạo thì bổ nhiệm
và xếp lương vào ngạch nhân viên phục vụ (mã số 01.009). Việc chuyển xếp lương
vào ngạch công chức, viên chức được bổ nhiệm được căn cứ vào thời gian công tác
có đóng bảo hiểm xã hội theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định (trừ
thời gian tập sự hoặc thử việc khi tuyển dụng lần đầu vào làm việc ở cơ quan
nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước hoặc ở công ty nhà nước) để xếp vào bậc
lương trong ngạch công chức, viên chức được bổ nhiệm theo cách tính sau:
Tính từ bậc 1 của ngạch được bổ nhiệm,
cứ sau mỗi khoảng thời gian 3 năm (đủ 36 tháng) đối với các ngạch công chức,
viên chức loại A0 và loại A1 và cứ sau mỗi khoảng thời gian 2 năm (đủ 24 tháng)
đối với các ngạch công chức, viên chức từ loại B trở xuống (nếu có thời gian đứt
quãng mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được cộng dồn) được xếp lên 1 bậc
lương trong ngạch được bổ nhiệm. Trường hợp trong thời gian công tác có năm
không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật (một trong các hình thức
khiển trách, cảnh cao, cách chức) thì cứ mỗi năm (tính đủ 12 tháng) không hoàn
thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật không được tính vào thời gian để xếp
lên bậc lương cao hơn trong ngạch được bổ nhiệm.
Sau khi quy đổi thời gian để xếp vào
bậc lương trong ngạch công chức, viên chức được bổ nhiệm nêu trên, nếu có số
tháng chưa đủ 36 tháng (đối với công chức, viên chức loại A0 và loại A1) hoặc
chưa đủ 24 tháng (đối với công chức, viên chức từ loại B trở xuống), thì số
tháng này được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng
phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) trong ngạch được bổ nhiệm.
b) Trường hợp không làm công việc
chuyên môn, nghiệp vụ theo đúng chuyên ngành đã được đào tạo, thì thực hiện bổ
nhiệm và xếp lương vào ngạch công chức, viên chức cho phù hợp với vị trí và
chuyên môn, nghiệp vụ của công việc mới được đảm nhiệm. Cách chuyển xếp lương
vào ngạch công chức, viên chức được bổ nhiệm đối với các trường hợp này thực hiện
như cách chuyển xếp lương hướng dẫn tại điểm a khoản 10 này.
c) Sau khi chuyển xếp lương vào ngạch
công chức, viên chức được bổ nhiệm theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 10 này,
nếu hệ số lương được xếp ở ngạch được bổ nhiệm cộng với phụ cấp thâm niên vượt
khung (nếu có) thấp hơn so với hệ số lương đang hưởng (theo thang lương, bảng
lương trong công ty nhà nước) tại thời điểm chuyển công tác, thì tùy từng trường
hợp cụ thể và căn cứ vào tương quan tiền lương nội bộ, Thủ trưởng cơ quan có thẩm
quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức xem xét quyết định cho hưởng thêm hệ
số chêch lệch bảo lưu. Nếu được hưởng hệ số chêch lệch bảo lưu, thì hệ số chêch
lệch bảo lưu này (được tính tròn số sau dấu phẩy 2 số) giảm tương ứng khi cán bộ,
công chức, viên chức được nâng bậc lương hoặc được hưởng phụ cấp thâm niên vượt
khung trong ngạch được bổ nhiệm (khi chuyển công tác) hoặc khi được nâng ngạch.
d) Trường hợp trong cơ quan nhà nước,
đơn vị sự nghiệp của Nhà nước có các loại hình lao động đặc thù như trong công
ty nhà nước (không thay đổi nghề công nhân, nhân viên), thì Thủ trưởng cơ quan
có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức xem xét, quyết định tiếp tục
cho hưởng lương theo các thang lương, bảng lương công nhân, nhân viên đang hưởng
đối với các trường hợp này (vẫn xếp lương và nâng bậc lương như công nhân, nhân
viên trong công ty nhà nước).
đ) Quy định về xếp lương tại các điểm
a, b, c, và d khoản 10 này cũng được áp dụng đối với các trường hợp đã được tuyển
dụng hoặc ký hợp đồng lao động làm việc trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự
nghiệp của Nhà nước đang xếp lương theo thang lương, bảng lương công nhân, nhân
viên trực tiếp sản xuất kinh doanh trong công ty nhà nước.
IV. HIỆU LỰC THI
HÀNH3
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành
sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
a) Tại thời điểm có thay đổi công việc
hoặc chuyển công tác, các đối tượng thuộc phạm vi áp dụng của Thông tư này vẫn
đang xếp lương cũ (theo chế độ tiền lương trước tháng 10 năm 2004) thì phải
chuyển xếp sang lương mới (theo chế độ tiền lương tháng 10 năm 2004) theo hướng
dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Sau khi chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo
hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền thì mới thực hiện chuyển xếp lương theo hướng
dẫn tại Thông tư này.
b) Kể từ ngày có hiệu lực thi hành của
Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội
vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với
cán bộ, công chức, viên chức (ngày 26 tháng 01 năm 2005), cán bộ giữ chức danh
do bầu cử thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ
cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh bầu cử hiện đảm nhiệm được thực hiện xếp ngạch,
bậc lương theo hướng dẫn tại Thông tư này. Trường hợp ngạch, bậc lương được
chuyển xếp quá bất hợp lý với vị trí chức danh bầu cử hiện đảm nhiệm, thì Thủ
trưởng Bộ, ngành ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương căn cứ vào tương quan đội ngũ cán bộ lãnh đạo thuộc phạm vi quản
lý, xem xét và có văn bản giải trình quá trình công tác, trình độ đào tạo, diễn
biến tiền lương và chức vụ (kèm theo dự kiến đề nghị xếp lương vào ngạch, bậc
công chức, viên chức cho phù hợp với vị trí chức danh bầu cử hiện đảm nhiệm) đối
với từng người gửi về Bộ Nội vụ để thống nhất ý kiến trước khi quyết định.
Trong thời gian chưa có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì giữ nguyên ngạch, bậc
công chức hành chính được xếp theo đúng hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Thông tư này thay thế các quy định
tại các văn bản sau:
a) Thông tư số 39/2000/TT-BTCCBCP ngày
19 tháng 6 năm 2000 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng
dẫn việc xếp lương khi bổ nhiệm vào ngạch đối với công chức đạt kỳ thi nâng ngạch.
b) Các điểm 1.1 và 1.2 khoản 1 và khoản
3 mục II Thông tư liên tịch số 34/2004/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 14 tháng
5 năm 2004 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
hướng dẫn thực hiện Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 của
Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn.
3. Việc xếp lương và tính thời gian
xét nâng bậc lương lần sau khi được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức đối
với các trường hợp thay đổi công việc hoặc chuyển công tác trước ngày Thông tư
này có hiệu lực thi hành được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật và
các văn bản hướng dẫn hoặc các văn bản thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền tại
các thời điểm tương ứng.
4. Việc bổ nhiệm và xếp lương vào ngạch
đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp
chuyển công tác quy định tại Thông tư này được thực hiện theo phân cấp hiện
hành.
5. Cán bộ, công chức, viên chức làm
việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể thực
hiện theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Trường hợp chuyển công tác vào
làm việc trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp của Nhà nước thì thực hiện
theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng
mắc, các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Nội vụ để nghiên cứu, giải quyết./.
|
XÁC
THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Duy Thăng
|
1 Thông tư số 13/2018/TT-BNV ngày 19 tháng 10 năm
2018 sửa đổi khoản 8 mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10 tháng 8 năm
2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức,
viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển công tác từ lực
lượng vũ trang, cơ yếu và công ty nhà nước vào làm việc trong các cơ quan nhà
nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (sau đây viết tắt là Thông tư số
13/2018/TT-BNV) có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng
4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định
số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương
đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã được sửa đổi, bổ
sung tại Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm
2009, Nghị định số 14/2012/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2012,
Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2013
và Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2016 của
Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP
ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản
lý công chức đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 93/2010/NĐ-CP ngày 31
tháng 8 năm 2010 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12
tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tiền lương;
Bộ trưởng Bộ
Nội vụ ban hành Thông tư sửa đổi khoản 8 mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV
ngày 10 tháng 8 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chuyển xếp lương đối
với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được
chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty nhà nước vào làm việc
trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.”
2 Khoản này được sửa
đổi theo quy định tại Điều 1 Thông tư số
13/2018/TT-BNV, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 12 năm 2018.
3 Điều 2 Thông tư số 13/2018/TT-BNV quy định như sau:
“Điều 2. Hiệu
lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05
tháng 12 năm 2018.”