BỘ VĂN HÓA, THỂ
THAO
VÀ DU LỊCH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2333/QĐ-BVHTTDL
|
Hà Nội, ngày 09
tháng 08 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI BẢN GHI NHỚ HỢP TÁC TRONG LĨNH
VỰC DU LỊCH GIỮA BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VIỆT NAM VÀ BỘ DU LỊCH
CAMPUCHIA
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Luật Thỏa thuận quốc
tế ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số
01/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định số
570/QĐ-BVHTTDL ngày 11 tháng 3 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch về việc ban hành Quy chế Quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch;
Theo đề nghị của Cục trưởng
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Bản ghi nhớ về hợp tác du
lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Du lịch Campuchia.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc
tế, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- TT Hồ An Phong;
- Các đơn vị báo chí thuộc Bộ VHTTDL;
- Lưu: VT, HTQT, NĐT (10).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hồ An Phong
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI BẢN GHI NHỚ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC DU LỊCH GIỮA BỘ
VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VIỆT NAM VÀ BỘ DU LỊCH CAMPUCHIA
(Kèm theo Quyết định số 2333/QĐ-BVHTTDL ngày 09 tháng 08 năm 2024 của Bộ trưởng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác
trong lĩnh vực du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Du lịch
Campuchia ký ngày 06/5/2023 tại Phnom Pênh, Campuchia (sau đây viết tắt là Bản
ghi nhớ), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch triển khai (sau đây
viết tắt là Kế hoạch) như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Tăng cường hợp tác song
phương và củng cố quan hệ ngoại giao trên tinh thần đoàn kết và mối quan hệ hữu
nghị sẵn có giữa Việt Nam và Campuchia;
b) Củng cố và phát triển du lịch
vì lợi ích chung của hai Bên;
c) Thúc đẩy dòng khách du lịch
giữa hai nước qua việc tăng cường hợp tác xuyên biên giới và tạo thuận lợi cho
du lịch qua lại biên giới và thúc đẩy tăng tần suất chuyến bay thẳng giữa Việt
Nam và Campuchia;
d) Tăng cường hợp tác trong
lĩnh vực du lịch thông qua việc triển khai các hoạt động cụ thể trên cơ sở
khung khổ luật pháp quốc gia hai nước, các điều ước quốc tế mà mỗi nước là
thành viên;
e) Nâng cao năng lực trong các
nhóm ngành liên quan đến du lịch và dịch vụ lữ hành cả hai nước.
2. Yêu cầu
a) Việc triển khai thực hiện Bản
ghi nhớ đảm bảo thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của hai nước, quy định
pháp luật hai nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam và Campuchia là thành
viên;
b) Chủ động tổ chức các hoạt động
giao lưu hợp tác du lịch Việt Nam và Campuchia; xác định rõ nhiệm vụ tương ứng
với các đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp để đạt kết quả theo yêu cầu;
c) Việc thực hiện được triển
khai thông qua các thỏa thuận cụ thể của hai Bên về chi tiết các hoạt động,
trách nhiệm của mỗi Bên liên quan, điều khoản và điều kiện, hình thức tài trợ
và các vấn đề liên quan khác;
d) Tiếp tục tiến hành họp Nhóm
công tác chung như hiện tại và được tổ chức luân phiên tại Việt Nam và
Campuchia mỗi năm một lần nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động
chung đã được thông qua và giám sát, đánh giá việc thực hiện Bản ghi nhớ này;
thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ các hoạt động chung thuộc các cơ chế đa phương
như ASEAN, GMS, CLV, CLMV, ACMECS…
II. NHIỆM VỤ
TRIỂN KHAI
1. Tạo thuận lợi đi lại và
xuyên biên giới
Khuyến khích các địa phương,
doanh nghiệp trao đổi về du lịch đường bộ, đặc biệt là du lịch bằng xe tự lái
qua việc tăng cường tạo điều kiện du lịch xuyên biên giới và khuyến khích các
doanh nghiệp du lịch Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp phía Campuchia cùng
phát triển các gói du lịch và các tuyến du lịch của hai quốc gia.
2. Trao đổi thông tin, dữ liệu
du lịch
a) Trao đổi kinh nghiệm và cập
nhật cho Bộ Du lịch Campuchia về số liệu thống kê du lịch, các văn bản quy phạm
pháp luật về quản lý du lịch, các nghiên cứu về thị trường du lịch tiềm năng
trong khu vực và trên thế giới;
b) Áp dụng nền tảng công nghệ số
để trao đổi thông tin, theo dõi xu hướng, sở thích của khách du lịch để tiếp tục
nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch Việt Nam;
c) Trong khuôn khổ chương trình
nghị sự các phiên họp Nhóm công tác du lịch hàng năm, chủ động chia sẻ, trao đổi
kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất về phát triển du lịch kết hợp hội nghị, hội
thảo (MICE), du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và quản lý, phát triển điểm
đến du lịch.
3. Hợp tác quảng bá và xúc
tiến du lịch
a) Thực hiện tuyên truyền, quảng
bá du lịch trên cổng thông tin điện tử du lịch chính thức, các trang mạng xã hội
(facebook, instagram, tiktok...) về hợp tác du lịch với Campuchia, hợp tác du lịch
đa phương trong đó có Campuchia;
b) Hỗ trợ Bộ Du lịch Campuchia
tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch tại các thành phố lớn của Việt Nam;
xây dựng kế hoạch hàng năm tổ chức chương trình giới thiệu du lịch tại
Campuchia/ASEAN để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch kết nối và xúc tiến
cơ hội đầu tư du lịch. Hỗ trợ phía Campuchia lựa chọn danh sách và mời các
doanh nghiệp lữ hành, các đại lý du lịch, khách sạn, các hãng hàng không, các
hãng thông tấn, báo chí hàng đầu của trung ương và địa phương tham gia sự kiện;
c) Hàng năm phối hợp với Bộ Du
lịch Campuchia tổ chức các chuyến đi khảo sát điểm đến, dịch vụ tại Việt Nam
cho các công ty lữ hành, đại lý du lịch và truyền thông của Campuchia;
d) Khuyến khích các doanh nghiệp
du lịch của Việt Nam tham dự các sự kiện du lịch lớn được tổ chức tại Campuchia
thông qua chia sẻ thông tin rộng rãi về các sự kiện trên trang web của Cục Du lịch
Quốc gia Việt Nam;
e) Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận
lợi cho các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn của Việt Nam và Campuchia mở văn
phòng đại diện tại mỗi nước.
4. Liên kết và phát triển sản
phẩm du lịch
a) Chú trọng nội dung hợp tác phát
triển du lịch văn hóa và di sản với Campuchia trong chương trình nghị sự các
phiên họp khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương;
b) Thúc đẩy du lịch thể thao và
du lịch ẩm thực nhằm đa dạng hóa sản phẩm bằng cách tổ chức các sự kiện thể
thao, triển lãm ẩm thực và diễn đàn ẩm thực.
5. Trao đổi đoàn
a) Tăng cường đẩy mạnh trao đổi
đoàn Lãnh đạo Bộ phụ trách du lịch, Lãnh đạo Cơ quan phụ trách du lịch của hai
nước; thúc đẩy trao đổi đoàn báo chí, doanh nghiệp lữ hành để tăng cường quảng
bá, giới thiệu về tiềm năng du lịch hai nước;
b) Phối hợp với Campuchia và
Lào thúc đẩy trao đổi đoàn phụ trách du lịch, hợp tác triển khai Kế hoạch Phát
triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
III. PHÂN
CÔNG NHIỆM VỤ
1. Cục Du lịch Quốc gia Việt
Nam
a) Chủ trì, phối hợp với các
đơn vị liên quan của Việt Nam và Campuchia xây dựng các chương trình, hoạt động
cụ thể triển khai Kế hoạch;
b) Tham mưu Lãnh đạo Bộ về việc
trao đổi đoàn các cấp giữa Việt Nam và Campuchia trao đổi về hợp tác du lịch;
c) Mời Campuchia tham gia các hội
chợ, sự kiện du lịch quốc tế lớn tại Việt Nam hàng năm như: Hội chợ du lịch quốc
tế VITM tại Hà Nội, Hội chợ du lịch quốc tế ITE HCMC tại Thành phố Hồ Chí Minh;
tham mưu Lãnh đạo Bộ về việc Việt Nam tham gia hội chợ du lịch quốc tế, các sự
kiện du lịch quốc tế do Campuchia tổ chức;
d) Chủ trì báo cáo Lãnh đạo Bộ
kết quả triển khai Kế hoạch.
2. Cục Hợp tác quốc tế
a) Hỗ trợ Cục Du lịch Quốc gia
Việt Nam trong quá trình tổ chức, thực hiện Kế hoạch;
b) Phối hợp tham mưu Lãnh đạo Bộ
triển khai công tác trao đổi đoàn các cấp phụ trách du lịch giữa Việt Nam và
Campuchia.
3. Vụ Kế hoạch, Tài chính:
Hỗ trợ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam trong các hoạt động hợp tác du lịch thuộc
khuôn khổ hợp tác khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS).
4. Các cơ quan báo chí, truyền
thông thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phối hợp với các đơn vị có
liên quan đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hợp tác du lịch Việt Nam
và Campuchia.
IV. KINH PHÍ
Kinh phí tổ chức thực hiện các
hoạt động trong Kế hoạch này được dự toán từ nguồn ngân sách hàng năm Bộ cấp
cho các đơn vị và các nguồn kinh phí hợp pháp khác từ trong và ngoài nước (nếu
có).
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Cục Du lịch Quốc gia Việt
Nam
a) Hàng năm, căn cứ chức năng,
nhiệm vụ được giao và các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch này, chủ trì,
phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế và Vụ Kế hoạch, Tài chính lập kế hoạch chi tiết
và dự toán ngân sách tổ chức các hoạt động liên quan (nếu có) và/hoặc lồng ghép
đưa vào kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị, báo cáo lãnh đạo Bộ phê duyệt và
triển khai;
b) Phối hợp với đầu mối phía Bộ
Du lịch Campuchia và các đơn vị triển khai Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ và
khi được đề nghị;
c) Gửi Cục Hợp tác quốc tế báo
cáo kết quả tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động để tổng hợp, báo cáo lãnh
đạo Bộ.
2. Cục Hợp tác quốc tế
a) Làm đầu mối theo dõi, đôn đốc
việc triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả triển
khai Kế hoạch trên cơ sở thông tin do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cung cấp;
b) Phối hợp với Cục Du lịch Quốc
gia Việt Nam đề xuất Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch các biện pháp cần
thiết nhằm bảo đảm Kế hoạch được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
3. Vụ Kế hoạch, Tài chính:
Thẩm định dự toán kinh phí theo phân cấp và phối hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ những
vấn đề liên quan đến tài chính.
Trong quá trình tổ chức thực hiện
Kế hoạch này, nếu cần sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ, hoạt động, Thủ trưởng các
đơn vị chủ động đề xuất, báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
(thông qua Cục Hợp tác quốc tế) để xem xét, quyết định./.