ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 252/KH-UBND
|
Đắk
Nông, ngày 20 tháng 5
năm 2020
|
KẾ HOẠCH
ỨNG PHÓ VỚI CÁC THẢM HỌA DỊCH BỆNH CỦA TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2020
Phần I
SỰ CẦN THIẾT PHẢI
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
Trong những năm gần đây, tình hình dịch
bệnh trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm
nguy hiểm, mới nổi ngày càng gia tăng với mức độ lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong
cao, đặc biệt là các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người, gây ảnh hưởng
nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và thiệt hại lớn về kinh tế cho nhiều quốc
gia.
Trong năm 2014, dịch bệnh Ebola đã
bùng phát mạnh tại các nước Tây Phi, Tổ chức Y tế thế giới đã phải công bố tình
trạng khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng. Bệnh MERS-CoV tiếp tục hoành hành ở
9 quốc gia khu vực Trung Đông và đã xâm nhập vào 18 quốc gia khác; Dịch cúm gia
cầm lây sang người mà điển hình là cúm A(H5N1), cúm A(H1N1) vẫn tiếp tục ghi nhận
các ca bệnh ở một số quốc gia; cúm A(H7N9) phát hiện tại Trung Quốc từ 3/2013 đến
nay vẫn chưa khống chế được và nguy cơ lây lan ra một số quốc gia khác trong
khu vực trong đó có Việt Nam; đại dịch Covid-19 xuất hiện
từ tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, hiện đang ảnh hưởng trên phạm
vi toàn cầu và chưa có thuốc và vắc-
xin đặc trị. Tổ chức Y tế thế giới cảnh
báo các chủng vi rút cúm có khả năng biến đổi, tái tổ hợp tạo nên các chủng vi
rút có độc lực cao gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng.
Trong thời gian qua, biến đổi khí hậu,
thiên tai cùng với sự phát triển kinh tế đã tạo ra những tác động kép đến nhiều
vùng, nhiều địa phương trên cả nước, gây tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt,
sạt lở đất, ô nhiễm môi trường, thiếu nước sinh hoạt,... ảnh
hưởng không nhỏ tới hệ thống y tế và
sức khỏe người dân, qua đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Các
nghiên cứu ở Việt Nam được công bố trên các tạp chí quốc tế
cho thấy nhiệt độ tăng góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tiêu
chảy, tay chân miệng và tăng tỷ lệ nhập viện nhất là ở người
già và trẻ em. Khi nhiệt độ tăng 1°C thì tăng 3,4-4,6% số
trẻ em nhập viện, tăng 7-11% nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tăng 5,6% nguy cơ mắc
bệnh tay chân miệng và tăng 1,5% số ca tiêu chảy. Vào những ngày có sóng nhiệt,
tỷ lệ người già nhập viện do bệnh tim mạch tăng 13%. Thay đổi các điều kiện khí
hậu như độ ẩm, lượng mưa, nhiệt độ có nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh truyền
nhiễm và các bệnh mới nổi như sốt xuất huyết, sốt rét, cúm AH5N1, H1N1, bệnh
Zika.
Dự báo trong tương lai có thể có thêm
nhiều bệnh mới do tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam cũng như tỉnh Đắk
Nông.
Phần II
KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ
THẢM HỌA DỊCH BỆNH
I. Căn cứ xây dựng
kế hoạch
- Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm;
- Nghị đinh 101/2010/NĐ-CP
ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế
cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;
- Nghị định 02/2019/NĐ-CP ngày
02/1/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;
- Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày
19/8/2019 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện
Nghị định 02/2019/NĐ-CP ngày 02/1/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;
- Căn cứ các Quyết định, hướng dẫn về
giám sát, chẩn đoán điều trị hiện hành của Bộ Y tế về phòng chống từng loại bệnh
truyền nhiễm như bệnh MERS-Cov, Zika, Ebola, cúm A (H5N1, HaN1, H7N9, H5N6), não mô cầu, viêm não vi rút, liên cầu lợn, rubella, sốt
xuất huyết, tay chân miệng, sởi và các bệnh truyền nhiễm khác;
- Căn cứ vào diễn biến tình hình bệnh
truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
II. Mục tiêu chung
Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh
truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra.
III. Mục tiêu cụ thể (theo tình
huống dịch bệnh)
1. Tình huống 1: Chưa ghi nhận thảm
họa dịch bệnh
Phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng, xử
lý kịp thời triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.
2. Tình huống 2: Khi ghi nhận thảm
họa dịch bệnh (dịch lây lan rộng trong cộng đồng)
- Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp
thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng (sẽ
có Kế hoạch chi tiết
khi bệnh dịch nào đó xảy ra).
- Giảm thiểu tác động của dịch đối với
cuộc sống của người dân.
IV. Các giải pháp
chung
1. Tổ chức, chỉ đạo
- Tăng cường vai trò của Ban Chỉ đạo
phòng, chống dịch bệnh của tỉnh, chỉ đạo các hoạt động
phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chống
dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế. Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo giám sát
việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cúm tại địa phương.
- Các đơn vị y tế
trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh
nhân; tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống
cho người dân.
- Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo các
đơn vị y tế trong ngành thực hiện giám sát các ca bệnh truyền nhiễm, đặc biệt
là các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân trên địa bàn
phụ trách, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và báo cáo, gửi mẫu lên Viện Vệ sinh dịch
tễ/Pasteur phụ trách khu vực, Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng).
- Tổ chức các lớp
tập huấn về giám sát, xử lý dịch bệnh.
- Đối với các địa
phương có cửa khẩu, cần kiểm dịch chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có
dịch, không để bệnh dịch xâm nhập.
- Phối kết hợp chặt chẽ với cơ quan,
đơn vị liên quan trong công tác giám sát, xét nghiệm, chẩn đoán điều trị.
- Thực hiện đầy đủ các chế độ chính
sách cho cán bộ tham gia chống dịch (phụ cấp chống dịch, trực dịch,...)
2. Xây dựng kế hoạch,
đầu tư tài chính
- Thực hiện phương châm 4 tại chỗ,
trước mắt sử dụng kinh phí đã được cấp hàng năm cho công
tác phòng, chống dịch; căn cứ diễn biến tình hình dịch, tổng hợp nhu cầu và xin cấp bổ sung.
- Sở Y tế có trách nhiệm tổng hợp nhu
cầu kinh phí bổ sung của các đơn vị giám sát, điều trị, truyền thông trong tỉnh
trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Trong trường hợp dịch kéo dài, Sở Y
tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu bổ sung tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh gửi Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Chuyên môn kỹ
thuật
a) Các giải pháp giảm mắc
- Tăng cường năng lực giám sát, đảm bảo
đủ khả năng xét nghiệm chẩn đoán xác định, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh
đầu tiên để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời.
- Nắm chắc thông tin tình hình dịch bệnh
trên thế giới và trong nước, đẩy mạnh việc kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu,
tại các bệnh viện và cộng đồng.
- Thường xuyên cập nhật hướng dẫn
giám sát, phòng, chống dịch; thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, điều tra người
tiếp xúc và nguồn lây truyền để có kế hoạch, biện pháp phòng, chống thích hợp.
- Thực hiện nghiêm túc các biện pháp
phòng hộ cá nhân cho các cán bộ y tế trong việc khám, điều trị, chăm sóc bệnh
nhân để tránh lây nhiễm từ các bệnh nhân.
- Củng cố và duy trì hoạt động của đội
cơ động chống dịch tại đơn vị y tế các tuyến. Tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ
trong thời gian có dịch.
- Tổ chức chiến dịch tuyên truyền vận
động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
- Thành lập các đoàn công tác kiểm
tra việc sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương trước, trong và sau
thời gian xảy ra dịch.
- Dự trữ kinh phí, hóa chất, thuốc,
trang thiết bị y tế kịp thời cho các địa phương triển khai các biện pháp chống
dịch.
- Tăng cường năng lực xét nghiệm:
+ Củng cố trang thiết bị phòng xét
nghiệm đảm bảo đủ năng lực xét nghiệm xác định.
+ Cung cấp sinh phẩm, thiết bị xét
nghiệm, chẩn đoán.
+ Phối hợp với các phòng xét nghiệm của
các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để đảm bảo phát hiện nhanh, chính xác tác nhân
gây bệnh.
+ Tổ chức tập huấn các phương pháp lấy
mẫu, bảo quản, vận chuyển và thông báo kết quả xét nghiệm cho các tuyến.
b) Các giải pháp giảm tử vong
- Thiết lập mạng lưới các bệnh viện sẵn
sàng thu dung, điều trị bệnh nhân; có kế hoạch mở rộng các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân theo từng tình huống dịch để tránh hiện tượng quá tải.
- Thực hiện nghiêm việc phân luồng
khám bệnh, cách ly điều trị, thực hiện triệt để công tác chống nhiễm khuẩn, lây
nhiễm chéo tại các bệnh viện.
- Rà soát, cập nhật và bổ sung hướng
dẫn chẩn đoán, điều trị.
- Xây dựng cơ số dự trữ quốc gia về
trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện bảo hộ,...
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các bệnh
viện trong công tác chuẩn bị phòng, chống dịch.
- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh:
+ Chuẩn bị sẵn khu vực tiếp nhận bệnh
nhân khi có dịch xảy ra, đảm bảo đầy đủ, trang thiết bị, vật tư, thuốc cấp cứu
bệnh nhân nặng.
+ Thành lập các nhóm cấp cứu lưu động
sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong trường hợp có nhiều bệnh nhân.
+ Chỉ đạo chuyên môn, hướng dẫn và hỗ
trợ các bệnh viện tuyến dưới.
- Tăng cường năng lực cho bệnh viện
các tuyến, bệnh viện trung ương điều trị các trường hợp rất nặng; bệnh viện tuyến
tỉnh điều trị các trường hợp nặng, bệnh viện huyện điều trị các trường hợp
thông thường, hạn chế chuyển viện tránh lây lan.
- Tập huấn cho cán bộ điều trị và điều
dưỡng tại các bệnh viện về chẩn đoán và điều trị bệnh và sử dụng các trang thiết
bị hồi sức cấp cứu.
- Trang bị phương
tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu giảm tử vong.
4. Truyền thông,
giáo dục sức khỏe
- Thường xuyên cung cấp thông tin về
tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch cho người dân để người
dân không hoang mang và chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ bản thân, gia
đình và cộng đồng.
- Nâng cao khả năng đáp ứng của hệ thống
cán bộ tuyên truyền trong và ngoài ngành y tế về trình độ,
phương tiện, nhân lực. Huy động các Ban, ngành, đoàn thể tham gia công tác
tuyên truyền phòng, chống dịch.
- Thông báo diễn biến, tình hình dịch
bệnh hàng ngày của các nước đang có dịch trên các phương tiện thông tin đại
chúng tại địa phương, các trang tin điện tử.
- Tăng cường công tác truyền thông,
giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh trên các kênh
thông tin địa phương để người dân chủ động phòng, chống, biết cách tự bảo vệ,
tăng cường vệ sinh cá nhân, hạn chế đến vùng có dịch.
- Các cơ quan thông tấn, báo chí phối
hợp với ngành y tế để triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống dịch.
5. Phối hợp liên
ngành
- Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành
liên quan trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với chức
năng, nhiệm vụ của các Sở, ngành liên quan.
- Các Sở, ngành chỉ đạo các đơn vị
thuộc lĩnh vực quản lý chủ động xây dựng các kế hoạch phòng chống dịch, đặc biệt
có kế hoạch duy trì các hoạt động thiết yếu trong trường hợp dịch bùng phát rộng.
- Huy động sự tham gia của các Ban, tổ
chức chính trị, chính trị - xã hội trong việc vận động nhân dân triển khai các
biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
- Thành lập các đoàn liên ngành kiểm
tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.
6. Hợp tác quốc tế
Phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế
giới (WHO) và các Tổ chức quốc tế chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh và
các biện pháp phòng, chống dịch; huy động sự hỗ trợ về thuốc kháng vi rút,
trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch.
7. Nghiên cứu
khoa học
- Phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch
tễ/Pasteur chủ động triển khai các nghiên cứu dịch tễ học, đánh giá nguồn gốc,
sự biến đổi, phương thức lây truyền để đề xuất các biện pháp phòng, chống.
- Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, đặc
điểm lâm sàng, đánh giá kết quả điều trị để kịp thời đưa ra các giải pháp giảm
mắc, tử vong phù hợp theo diễn biến thực tế của bệnh.
V. Các hoạt động cụ
thể (theo từng tình huống dịch bệnh)
1. Tình huống
1: Chưa ghi nhận thảm họa dịch bệnh
a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra
- Tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo
phòng, chống dịch bệnh ở người các cấp.
- Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch
trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Ban hành văn bản chỉ đạo triển khai
hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám
sát, hướng dẫn công tác giám sát, sẵn sàng thu dung, điều trị, xử lý ổ dịch tại
các địa phương.
b) Công tác giám sát, dự phòng
- Tăng cường giám sát phát hiện sớm
các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm lưu hành, các trường hợp viêm đường hô
hấp cấp tính nặng không rõ nguyên nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh, tại cộng đồng.
- Thực hiện tốt việc giám sát tình
hình dịch bệnh tại cửa khẩu; thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện
các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa,
xem xét áp dụng khai báo y tế tại các cửa khẩu phù hợp với
tình hình tỉnh Đắk Nông và thông lệ quốc tế.
- Chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị,
sinh phẩm y tế để xét nghiệm chẩn đoán xác định các tác nhân gây bệnh.
- Củng cố phòng xét nghiệm tại tuyến
tỉnh, huyện, tổ chức tập huấn quy trình xét nghiệm cho các cán bộ có liên quan.
- Rà soát, cập nhật các hướng dẫn kỹ
thuật về giám sát, dự phòng xử lý ổ dịch theo tình hình dịch.
- Tổ chức tập huấn cho các cán bộ
tham gia công tác phòng, chống dịch cập nhật về các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật
trong giám sát, phòng, chống dịch.
- Thường xuyên tổ chức đánh giá nguy
cơ để đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp.
- Kiện toàn các đội chống dịch cơ động,
sẵn sàng hỗ trợ các địa phương điều tra, xử lý ổ dịch.
c) Công tác điều trị
- Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị
sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc
thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân.
- Đẩy mạnh công tác kiểm soát nhiễm
khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện.
- Thiết lập mạng lưới các đơn vị thu
dung điều trị bệnh nhân. Thiết lập khu vực cách ly riêng để khám và điều trị
các trường hợp nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp tính nặng do
vi rút không được để lây nhiễm trong bệnh viện.
- Rà soát, cập nhật các hướng dẫn kỹ
thuật về hướng dẫn chẩn đoán điều trị, nghiên cứu sử dụng các thuốc kháng vi
rút phù hợp, hiệu quả.
- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực
cán bộ trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.
- Kiện toàn các đội cấp cứu lưu động,
sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.
d) Công tác truyền thông
- Xây dựng các thông điệp truyền
thông, khuyến cáo phòng, chống dịch tại các cửa khẩu, cơ sở điều trị và cộng đồng.
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền
kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng và phối hợp thực hiện tốt
các biện pháp phòng bệnh.
e) Công tác hậu cần
- Rà soát tình hình thuốc, vật tư,
trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác giám sát, xử lý ổ
dịch, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, xây dựng kế hoạch sửa
chữa, bổ sung và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư,
hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch
xảy ra.
f) Công tác hợp
tác quốc tế
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đầu
mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để nắm bắt tình hình dịch bệnh.
- Phối hợp chặt chẽ với WHO và các tổ
chức quốc tế khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đồng thời hỗ trợ các nguồn
lực trong phòng chống dịch bệnh.
2. Tình huống
2: Khi ghi nhận thảm họa dịch bệnh (dịch lây lan rộng trong cộng đồng)
a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra
- Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở
người các cấp tổ chức họp hàng ngày để thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động
tại các đơn vị y tế địa phương, báo
cáo hàng ngày tình hình diễn biến của dịch.
- Phối hợp với các Sở, ngành liên
quan triển khai quyết liệt các hoạt động phòng, chống dịch theo yêu cầu của Thủ
tướng Chính phủ.
- Thông báo mức cảnh báo cộng đồng
cao nhất. Xem xét mức độ nghiêm trọng đề xuất cấp có thẩm quyền ban bố tình trạng
khẩn cấp theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.
- Ban hành các văn bản chỉ đạo triển
khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát,
hướng dẫn tại các địa phương và đánh giá việc triển khai công tác phòng, chống
dịch của các địa phương.
b) Công tác giám sát, dự phòng
- Tăng cường giám sát các chùm ca bệnh
tại cộng đồng. Áp dụng việc báo cáo hàng ngày và chia sẻ thông tin kịp thời.
- Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển
khai các biện pháp hạn chế đi lại khi cần thiết, áp dụng các biện pháp phòng bệnh
rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch.
- Huy động các Ban, ngành đoàn thể
tham gia vào các đội sơ cứu, hướng dẫn người bệnh và người nhà bệnh nhân các biện
pháp chăm sóc và phòng bệnh.
- Tổ chức thường trực phòng, chống dịch
tại các đơn vị y tế; cử các đội chống dịch cơ động (RRT), đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ
dịch.
- Rà soát mở rộng, liên hệ các phòng
xét nghiệm tại các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, các Bệnh viện tuyến trung ương
và một số Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố nơi có đủ điều kiện xét nghiệm
chẩn đoán xác định.
- Thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm
trong công tác giám sát, chẩn đoán điều trị, dự phòng xử lý ổ dịch để kịp thời
điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch
bệnh.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát,
hướng dẫn tại các địa phương.
c) Công tác điều trị
- Thực hiện quyết liệt việc phân tuyến,
triển khai bệnh viện vệ tinh để điều trị bệnh nhân theo
quy định nhằm giảm tải các bệnh viện tuyến cuối.
- Các bệnh viện chủ động triển khai kế
hoạch mở rộng việc thu dung, điều trị bệnh nhân; sẵn sàng thiết lập các bệnh viện
dã chiến khi cần thiết.
- Huy động các Ban, ngành đoàn thể
tham gia vào các đội sơ cứu, hướng dẫn người bệnh và người nhà bệnh nhân các biện
pháp chăm sóc và phòng bệnh.
- Thiết lập các bệnh viện dã chiến tại
các khu vực đông bệnh nhân tránh quá tải bệnh viện. Mở rộng các đơn vị y tế tiếp nhận bệnh nhân, phân loại bệnh nhân điều trị tại các tuyến:
đối với trường hợp nhẹ theo dõi, điều trị tại Trạm Y tế xã, hạn chế di chuyển bệnh
nhân.
- Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện
nghiêm việc tổ chức cách ly đối với bệnh nhóm A, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng
chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện theo quy định; làm thông thoáng buồng bệnh
để giảm nồng độ vi rút. Tập trung tối đa nguồn lực và
chuyên môn kỹ thuật điều trị cho bệnh nhân để hạn chế tối đa trường hợp tử
vong.
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp
phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điêu
trị, chăm sóc bệnh nhân, không để xảy ra hiện tượng lây
nhiễm sang cán bộ y tế.
- Tổ chức thường trực cấp cứu, thu
dung, điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh; các đội cấp cứu lưu động, sẵn
sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.
- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút
kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán điều trị, chăm sóc để kịp thời điều chỉnh
các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát,
hướng dẫn tại các địa phương.
d) Công tác truyền thông
- Hàng ngày cung cấp thông tin về
tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống trên Cổng
thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng.
- Thường xuyên cập nhật các thông
tin, sửa đổi các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch phù hợp
với các đối tượng nguy cơ và phổ biến trên các phương tiện
thông tin đại chúng.
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động
tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin để ngưòi dân không hoang mang lo lắng, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
- Hàng tuần tổ chức gặp mặt báo chí để
cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống.
e) Công tác hậu cần
- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch tiếp
tục bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện
pháp phòng, chống dịch.
- Thực hiện chính sách cho các cán bộ
thực hiện công tác điều tra, xác minh ổ dịch, thường trực
phòng, chống dịch và cán bộ thực hiện thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.
- Yêu cầu các đơn vị, cơ sở sản xuất,
cung cấp các dịch vụ thiết yếu xây dựng các kế hoạch đảm bảo cung cấp dịch vụ
trong trường hợp dịch bùng phát lan rộng.
- Xây dựng kế hoạch dự trữ, bổ sung
thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch trong trường hợp
dịch lan rộng, kéo dài.
- Xem xét đề nghị Bộ Y tế trình Chính
phủ cấp bổ sung máy móc, thuốc, vật tư, hóa chất từ nguồn dự trữ quốc gia đáp ứng
kịp thời công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
f) Công tác hợp tác quốc tế
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đầu
mối thực hiện Điều lệ y tế quốc tế để nắm bắt và chia sẻ thông tin về tình hình
dịch bệnh.
- Phối hợp chặt chẽ với WHO, Trung
tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế khác để
chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đồng thời hỗ trợ các nguồn lực trong phòng, chống
dịch bệnh.
- Kêu gọi các Tổ chức quốc tế hỗ trợ
kịp thời thuốc, trang bị phòng hộ và các vật tư hóa chất phục vụ phòng chống dịch.
VI. Tổ chức thực
hiện
l. Sở Y tế
- Là cơ quan Thường trực, phối hợp với
các Sở, Ban, ngành liên quan tham mưu xây dựng Kế hoạch và các phương án phòng,
chống dịch bệnh trên người cụ thể hàng năm.
- Là cơ quan phát ngôn về dịch bệnh của
tỉnh.
- Trực tiếp chỉ đạo các tiểu ban
phòng, chống dịch và các đơn vị sự nghiệp phòng bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y
tế thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch và
khi có dịch bệnh xảy ra.
- Xây dựng kế hoạch đảm bảo nhân lực,
cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc,
hóa chất, dịch truyền, phương tiện bảo hộ, kinh phí,...
chuyển Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Triển khai
phòng, chống dịch, theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh
và tổ chức điều trị bệnh nhân theo quy định. Hướng dẫn y tế
các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch bổ sung trình UBND
huyện, thành phố phê duyệt.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế
trên địa bàn (trong và ngoài công lập) về nghiệp vụ chuyên môn theo hướng dẫn của
Bộ Y tế ban hành.
- Nắm bắt diễn biến tình hình dịch
hàng ngày (khi có yêu cầu) để báo cáo và tham mưu kịp các giải pháp cho UBND tỉnh
để giải quyết, chỉ đạo kịp thời.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển
khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh của các đơn vị trực thuộc.
- Thực hiện chế độ giao ban định kỳ
hoặc đột xuất, kịp thời nắm bắt thông tin để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch;
tổng hợp tình hình dịch bệnh, báo cáo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết
bị chống dịch (máy móc, thuốc, hóa chất...); tăng cường tập huấn nâng cao kỹ
năng giám sát, phát hiện và xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế tuyến dưới.
- Phối hợp chặt chẽ với các Viện đầu
ngành truyền nhiễm trong công tác dự báo, thông tin dịch và triển khai đồng bộ
các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả.
- Phối hợp các phương tiện thông tin
đại chúng tổ chức để đưa tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh cũng
như việc triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh
thực hiện nghiêm các quy chế chuyên môn như quy chế thường trực, cấp cứu, hội
chẩn, chăm sóc người bệnh, chuyển viện,... báo cáo kịp thời ca bệnh truyền nhiễm
gây dịch cho hệ dự phòng để giám sát, xử lý kịp thời.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc
thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất,
kinh doanh, chế biến thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền
nhiễm qua thực phẩm.
2. Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn
Xây dựng kế hoạch và các phương án
trong phòng, chống dịch bệnh động vật; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai
các hoạt động chuyên môn thú y, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong
phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
3. Sở Tài chính
Khi có dịch xảy ra, Sở Y tế chủ động
sử dụng kinh phí phòng, chống dịch bệnh đã được bố trí đầu
năm để thực hiện, đồng thời dự kiến nhu cầu kinh phí phát sinh gửi Sở Tài chính
để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
4. Sở Thông tin
và Truyền thông
- Chỉ đạo công tác thông tin, báo chí
cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch tới mọi người dân, không
làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội, giao lưu quốc tế, du lịch và
không gây hoang mang trong nhân dân.
- Chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng
cường tuyên truyền trên hệ thống phát thanh tại các xã, phường, thị trấn và thôn,
buôn, bon, bản, khu, xóm, các cơ quan, đơn vị, Trường học...
5. Công an tỉnh
- Chỉ đạo lực lượng công an về công
tác quản lý xuất nhập cảnh, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại
các vùng có dịch.
- Giải quyết nhanh các thủ tục nhập cảnh,
cư trú cho các chuyên gia quốc tế vào phối hợp chống dịch. Tham mưu cho tỉnh có
biện pháp giám sát dịch đối với những người nước ngoài ở các vùng có dịch đến địa
bàn tỉnh.
6. Bộ Chỉ huy
Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Chỉ đạo các chốt
tại cửa khẩu phối hợp với ngành y tế kiểm tra giám sát chặt chẽ đối tượng nhập
cảnh vào tỉnh theo quy định của Chính phủ, thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh
tại cửa khẩu cho ngành y tế để triển khai các biện pháp phòng, chống.
- Cử lực lượng kịp thời hỗ trợ xử lý
dịch khi tình hình dịch bệnh có xu hướng lan rộng trong cộng
đồng.
7. Đài Phát
thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Nông
Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các
Sở, Ban, ngành có liên quan xây dựng các chuyên mục phòng chống, dịch bệnh; đưa
tin, bài tuyên truyền kịp thời, chính xác trên các phương tiện thông tin đại
chúng của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh.
8. Các Sở, Ban,
ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội có liên quan
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân
công chỉ đạo các đơn vị trong ngành, các cơ quan, đoàn thể liên quan tích cực
chủ động trong công tác tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên
địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân cũng như hỗ trợ nhân lực trong các hoạt động chuyên môn khác về phòng, chống dịch bệnh.
9. Đối với UBND
các huyện, thành phố
- Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của
Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Xây dựng kế hoạch về
ứng phó thảm họa dịch bệnh theo Nghị định 02/2019/NĐ-CP ngày 02/1/2019 của
Chính phủ về phòng thủ dân sự và Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 19/8/2019 của
Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai
thực hiện Nghị định 02/2019/NĐ-CP ngày 02/1/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân
sự.
- Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về
công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn quản lý.
- Hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động
chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh ở người theo đề xuất của các cơ quan
chuyên ngành y tế địa phương.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn và các đơn vị liên quan huy động các nguồn lực tại địa phương, phối hợp
chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành y tế triển khai các
hành động ứng phó trong mọi tình huống dịch xảy ra.
- Chủ trì và chỉ đạo các tiểu ban thuộc
Ban Phòng, chống dịch huyện, thành phố tổ chức triển khai các hoạt động phòng,
chống dịch hên địa bàn, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh cho Sở Y tế và
UBND tỉnh.
- Căn cứ đề nghị của các cơ quan quản
lý chuyên ngành về Y tế, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế kịp thời
công bố dịch hoặc công bố tình trạng khẩn cấp theo đúng quy định.
VII. Kinh phí thực
hiện
Từ nguồn kinh phí hoạt động phòng, chống
dịch bệnh ở người hàng năm theo phân cấp ngân sách. Trong trường hợp cần bổ
sung kinh phí, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối ngân sách và
bố trí kinh phí thực hiện theo quy đinh của Luật Ngân sách nhà nước và phân cấp
ngân sách hiện hành.
Trên đây là Kế hoạch ứng phó với các
thảm họa dịch bệnh của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông năm 2020. Kế hoạch này có
thể được cập nhật và điều chỉnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Cục Y tế Dự phòng
sao cho phù hợp với quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh thực tế
tại địa phương./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy
(báo cáo);
- TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- UB MTTQ VN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, các hội, đoàn thể cấp tỉnh;
- Đài PT&TH tỉnh;
- Báo Đắk Nông;
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CTTĐT, KGVX (G).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tôn Thị Ngọc Hạnh
|