ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 06/KH-UBND
|
Ninh Bình, ngày
21 tháng 01 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN CHỈ THỊ SỐ 39 - CT/TW NGÀY 01/11/2019 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ
TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH NINH BÌNH
Thực hiện Văn bản số 2268-CV/TU
ngày 18/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị
số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật (sau đây gọi tắt là Chỉ thị
39-CT/TW), Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW
trên địa bàn tỉnh như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ
đạo của chính quyền các cấp, sự phối hợp giữa các Hội đoàn thể, cơ quan có liên
quan, nâng cao nhận thức, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ
quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp người khuyết tật.
2. Nâng cao chất lượng, hiệu
quả hoạt động của các tổ chức của người khuyết tật nhằm chăm lo tốt hơn cho đời
sống người khuyết tật.
3. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt
động trợ giúp người khuyết tật, huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức
và đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có các tổ chức tôn giáo, nhân đạo,
từ thiện.
4. Xây dựng, tổ chức thực hiện
có hiệu quả các chương trình, hoạt động chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật để
họ vươn lên sống độc lập, hòa nhập xã hội góp phần vào phát triển kinh tế - xã
hội và giúp đỡ người khuyết tật khác; tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết
tật tiếp cận các chính sách giáo dục, học nghề, việc làm, tín dụng, bảo trợ xã
hội, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, đi lại.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Tuyên truyền nâng cao
nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và nhân dân trong thực hiện chủ
trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp
người khuyết tật
- Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện,
thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến, quán triệt sâu sắc Chỉ
thị số 39-CT/TW tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền
quản lý và các đơn vị trực thuộc, hoàn thành trong tháng 02/2020.
- Đẩy mạnh và đổi mới nội dung,
hình thức tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật, nhất là Luật người khuyết tật và
các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức,
trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và
các tầng lớp nhân dân về công tác người khuyết tật.
+ Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội: Triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp
các ngành và toàn xã hội về công tác người khuyết tật; cung cấp thông tin tuyên
truyền cho các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền về chính sách pháp luật của
Đảng, Nhà nước, các hoạt động xã hội, trợ giúp người khuyết tật.
+ Sở Thông tin và Truyền thông:
Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh phổ biến, tuyên truyền,
quán triệt Chỉ thị số 39-CT/TW và các nội dung của Kế hoạch; Phối hợp với Ban
Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng công tác tuyên truyền cho các cơ quan báo chí,
truyền thông; phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Đài Truyền thanh -
Truyền hình các cấp; tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh về Chỉ
thị 39-CT/TW, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về trợ giúp
người khuyết tật.
+ Sở Tư pháp: Đẩy mạnh việc
tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chính sách xã hội liên quan đến
chính sách người khuyết tật; làm tốt công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết
tật.
+ Đài Phát thanh và Truyền hình
Ninh Bình, Báo Ninh Bình, Cổng thông tin của tỉnh: Chủ động xây dựng kế hoạch
tuyên truyền về các nội dung Chỉ thị số 39-CT/TW, Kế hoạch của tỉnh và các hoạt
động của các Sở, ngành, địa phương về trợ giúp người khuyết tật.
+ Sở Nội vụ: Lồng ghép tuyên
truyền nội dung Kế hoạch trong chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho
cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh hàng năm.
2. Tăng cường hiệu lực, hiệu
quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật
2.1. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan:
- Tham mưu cụ thể hóa các chủ trương,
quan điểm của Đảng, triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về người
khuyết tật đảm bảo kịp thời, nghiêm túc, phù hợp điều kiện của tỉnh. Tăng cường
thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chính
sách, pháp luật về người khuyết tật.
- Tiếp tục triển khai thực hiện
hiệu quả Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 14/3/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện
Đề án củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025
nhằm xây dựng và hoàn thiện mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với
điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ
giúp xã hội, đáp ứng nhu cầu trợ giúp cho người khuyết tật; Tham mưu nâng cấp
cơ sở vật chất cho các cơ sở bảo trợ xã hội để đảm bảo đời sống cho người
khuyết tật đang được nuôi dưỡng.
- Tham mưu giải quyết chính
sách và thực hiện chi trả đúng, đủ, kịp thời trợ cấp xã hội cho người khuyết
tật; Chỉ đạo các địa phương cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho người khuyết tật
theo đúng quy định; Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét nâng mức trợ cấp/trợ giúp
xã hội, mở rộng nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm đối tượng người khuyết tật đảm
bảo phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện của tỉnh.
- Tham mưu đẩy mạnh công tác
dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật; Tổ chức tư vấn, đào tạo nghề,
giới thiệu việc làm theo khả năng của người khuyết tật; Khuyến khích các cơ
quan, doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào học nghề và làm việc.
- Thực hiện tốt các chính sách
xã hội và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; Lồng ghép, xây dựng và tổ chức thực
hiện có hiệu quả chương trình trợ giúp người khuyết tật với các chương trình,
kế hoạch hoạt động của từng ngành, từng địa phương; tạo điều kiện phát huy năng
lực của người khuyết tật và các tổ chức người khuyết tật.
- Kiểm tra, giám sát, đánh giá
tình hình thực hiện Kế hoạch. Tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Kế hoạch, báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2.2. Sở Nội vụ: Tham mưu thể
chế chủ trương, quan điểm của Đảng, chú trọng lồng ghép chính sách liên quan
đến công tác người khuyết tật trong xây dựng thể chế trên các lĩnh vực quản lý
nhà nước về: công chức, viên chức; thanh niên; dân chủ, dân vận; tăng cường
công tác khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp trong
việc trợ giúp người khuyết tật; lồng ghép các cuộc vận động, các phong trào thi
đua gắn với việc chăm lo đời sống người khuyết tật ngày càng tốt hơn; tạo điều
kiện thuận lợi để các hội, hiệp hội của người khuyết tật và các quỹ, tổ chức
phi chính phủ hoạt động trên các lĩnh vực chăm lo cho người khuyết tật hoạt
động có hiệu quả theo đúng quy định của luật. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn
đôn đốc và xử lý vi phạm pháp luật trong tổ chức Hội người khuyết tật và việc
thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật thuộc phạm vi ngành quản lý.
2.3. Sở Kế hoạch Đầu tư: Tham
mưu vận động các nguồn hỗ trợ cho các chương trình, dự án về trợ giúp người
khuyết tật, tham mưu thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước cho các mô hình
phi lợi nhuận chăm sóc người khuyết tật. Lồng ghép công tác trợ giúp và phục
hồi chức năng cho người khuyết tật vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của
tỉnh; tham mưu trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ ngân sách tỉnh cho các nội dung
chi để thực hiện kế hoạch.
2.4. Sở Tài chính: Căn cứ khả
năng ngân sách, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch
theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2.5. Sở Y tế: Chủ trì hướng dẫn
nghiệp vụ y tế trong điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật, triển khai
các chương trình phòng ngừa, can thiệp sớm khuyết tật bẩm sinh trong các cơ sở
y tế, cơ sở bảo trợ xã hội; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ
nhân viên, cộng tác viên y tế về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho
người khuyết tật.
2.6. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh triển khai các chương
trình giáo dục kỹ năng sống, giáo dục hòa nhập, giáo dục tiếp cận cho học sinh,
sinh viên và học viên; hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đào tạo phối hợp các cơ
sở y tế có liên quan thực hiện công tác chăm sóc, phục hồi khả năng học tập cho
học sinh, sinh viên và học viên là người khuyết tật; vận động và tạo điều kiện
cho trẻ em khuyết tật trong độ tuổi đi học được đến trường; thực hiện tốt chính
sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em học mẫu giáo, học
sinh, sinh viên bị khuyết tật; Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra,
giám sát trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo
dục đối với người khuyết tật.
2.7. Sở Xây dựng: Tổ chức thực
hiện hoạt động tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng, hạng mục công trình
xây dựng khi cải tạo và xây mới nhà chung cư, công trình công cộng, phát triển
đô thị, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo người khuyết tật sử dụng.
2.8. Sở Giao thông vận tải: Tổ
chức thực hiện hoạt động tiếp cận và tham gia giao thông đối với người khuyết
tật; chỉ đạo đơn vị tham gia vận tải thực hiện cải tạo phương tiện giao thông
công cộng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận trên các tuyến vận
tải, bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp hành khách là người
khuyết tật lên, xuống phương tiện giao thông thuận tiện, chỉ đạo thực hiện việc
miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ giao thông công cộng.
2.9. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn: Phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện hoạt động phòng
chống thiên tai, hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật.
2.10. Sở Văn hóa và Thể thao:
Tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động văn hóa,
thể thao.
2.11. Sở Du lịch: Tổ chức thực
hiện các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật tại các khu, điểm du lịch trên địa
bàn tỉnh.
2.12. Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố: Phối hợp với các Sở, Ngành, các Hội, Đoàn thể của tỉnh chỉ
đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật được triển khai
trên địa bàn. Thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người khuyết tật trên địa
bàn theo quy định của pháp luật.
3. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt
động trợ giúp người khuyết tật
Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân
dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan:
- Tích cực vận động các tổ chức
và cá nhân trong và ngoài nước chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật và các tổ chức
của người khuyết tật; huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ cho cuộc sống người khuyết
tật và hội viên các tổ chức của người khuyết tật.
- Tham mưu cơ chế, chính sách
khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước đầu tư cho các mô hình phi
lợi nhuận chăm sóc người khuyết tật, nhất là người khuyết tật nặng, đặc biệt
nặng, phụ nữ, trẻ em khuyết tật, người khuyết tật cao tuổi. Tạo điều kiện cho
tổ chức của người khuyết tật có đủ năng lực tham gia thực hiện các dịch vụ công
của Nhà nước.
4. Phát huy vai trò, trách
nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ
chức xã hội đối với các tổ chức của người khuyết tật
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội tiếp tục nâng cao hiệu
quả các cuộc vận động, các phong trào chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật; tăng
cường quan hệ phối hợp trong các hoạt động trợ giúp người khuyết tật; lồng ghép
các cuộc vận động, các phong trào thi đua gắn với việc chăm lo đời sống người khuyết
tật ngày càng tốt hơn.
5. Nâng cao chất lượng, hiệu
quả hoạt động của các tổ chức của người khuyết tật
Các Hội: người khuyết tật,
người mù, Chữ thập đỏ, nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tích cực, chủ động
đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội theo phương châm
"Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng".
Làm tốt công tác xây dựng và thực hiện Kế hoạch từng năm theo chức năng, nhiệm
vụ, điều lệ của đơn vị; xây dựng và triển khai thực hiện các Dự án trợ giúp
người khuyết tật trên địa bàn; phối hợp với chính quyền địa phương vận động các
tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ và giúp đỡ người khuyết tật. Thường
xuyên giới thiệu, tuyên truyền để nhân rộng những tấm gương tiêu biểu vượt khó
vươn lên của người khuyết tật, những tổ chức, cá nhân tích cực trong hoạt động
trợ giúp người khuyết tật, những cách làm hay trong hoạt động của hội.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Ngân sách Nhà nước theo phân
cấp; kinh phí các Chương trình mục tiêu, đề án trợ giúp người khuyết tật; lồng
ghép thực hiện với các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan.
- Nguồn vốn doanh nghiệp, tài
trợ, viện trợ, huy động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu
hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các Sở, ban,
ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan theo chức
năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu (qua Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội).
2. Giao Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội theo dõi, đôn đốc thực hiện, định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp kết
quả, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời chỉ đạo nhằm thực hiện hiệu quả
Kế hoạch./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Các Sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các Hội: Hội Người khuyết tật; Hội Người mù; Hội Chữ thập đỏ; Hội nạn nhân chất
độc da
cam/dioxin
- Lưu: VT, VP6.
BT.01
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH
Tống Quang Thìn
|