ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 497/KH-UBND
|
Bắc
Ninh, ngày 28 tháng 10 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2022 - 2025
Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày
16/02/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao
động giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Công văn số 1554/LĐTBXH-ATLĐ
ngày 13/5/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc xây dựng kế hoạch
và triển khai Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn
2021-2025;
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban
hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trên
địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022 - 2025, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai thực hiện và cụ thể hóa
các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 16/02/2022 của
Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn
2021-2025.
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của
các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh
và người lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động; chăm lo và đảm bảo điều
kiện làm việc, giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn lao động, giảm thiểu thiệt hại
đối với xã hội, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động.
2. Yêu cầu
- Phối hợp chặt chẽ giữa các sở,
ngành, địa phương, đơn vị trong triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về
an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; kịp
thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Chăm lo cải thiện điều kiện làm việc;
phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động;
bảo đảm an toàn, tính mạng cho người lao động, tài sản Nhà nước, tài sản của
doanh nghiệp, của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Trung bình
hằng năm giảm 4%
tần suất tai nạn lao động chết người.
2.2. Trung bình
hằng năm tăng thêm 5% số người lao động
được khám bệnh nghề nghiệp; 5% số cơ sở được quan trắc môi
trường lao động.
2.3. Trên 90% số
người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh
lao động cấp huyện và trong Ban Quản lý khu công nghiệp được tập huấn nâng cao
năng lực về an toàn, vệ sinh lao động.
2.4. Trên 80% số
người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ
sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; 80% số người làm
công tác an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
2.5. Trên 80% số
người làm công tác y tế cơ sở được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
2.6. Trên 80% số
làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được
tiếp cận thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động.
2.7. Trên 80%
người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp
theo quy định của pháp luật.
2.8. 100% số vụ
tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp
luật.
III. THỜI GIAN, PHẠM VI THỰC HIỆN
1. Thời gian: Từ
năm 2022 đến năm 2025.
2. Phạm vi: Thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh
Bắc Ninh.
IV. NỘI DUNG CHÍNH
CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Tăng cường thông tin, tuyên
truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động
1.1. Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
1.2. Cơ quan phối hợp: Sở Công thương; Sở Xây dựng; Sở Giao thông vận tải; Sở Thông
tin và Truyền thông; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban quản lý các
Khu công nghiệp Bắc Ninh; Hội Nông dân tỉnh;
Liên đoàn Lao động tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các
doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; người lao động; các sở, ban, ngành
liên quan và các cơ quan báo chí, truyền hình.
1.3. Các hoạt động chủ yếu:
- Tiếp tục đổi mới nội dung và đa dạng hóa các hình
thức thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả Tháng hành động về an toàn, vệ
sinh lao động.
- Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; các hoạt
động nâng cao trách nhiệm, hiệu quả các phong trào quần chúng về công tác an
toàn, vệ sinh lao động đối với người sử dụng lao động và người lao động.
- Thường xuyên cập nhật, hoàn thiện tài liệu tuyên
truyền, huấn luyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức tuyên
truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
- Hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho
người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và người
lao động, ưu tiên người làm việc không theo hợp đồng lao động làm các công việc
có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
- Hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho
người nông dân theo phương pháp giáo dục hành động; vận động nông dân đăng ký
cam kết đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.
- Tăng cường tuyên truyền, huấn luyện, bảo đảm an
toàn trong sử dụng khí gas trong các hộ gia đình; giữ an toàn trong sử dụng điện
tại khu vực nông thôn, khu dân cư, trường học.
2. Nâng cao năng lực và hiệu quả
quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động
1.1. Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
1.2. Cơ quan phối hợp: Sở
Y tế; UBND các huyện, thành phố; các sở, ban, ngành
liên quan.
1.3. Các hoạt động chủ yếu:
- Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất
và nhân lực cho hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát và các cơ quan quản lý về
công tác an toàn, vệ sinh lao động; quản lý chất lượng, sản phẩm, hàng hóa đặc
thù an toàn lao động; quan trắc môi trường lao động; chẩn đoán, giám định, điều
trị và phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Kiện toàn cơ sở dữ liệu về an toàn, vệ sinh lao động
(ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý; điều tra, thu thập số liệu thống kê),
ưu tiên vào các dữ liệu về điều kiện lao động của người làm nghề nặng nhọc, độc
hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp, môi trường lao động.
- Triển khai tin học hóa trong hoạt động quản lý, bảo
đảm đồng bộ và kết nối hệ thống thông tin trong công tác khai báo tai nạn lao động,
triển khai chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,
cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn
nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ người làm việc tại các cơ
quan quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.
- Thúc đẩy áp dụng các chính sách phát triển đối tượng
tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra,
kiểm tra về công tác an toàn, vệ sinh lao động, trong đó chú trọng các lĩnh vực,
ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
3. Đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ cải thiện
điều kiện lao động; phòng, chống tai nạn lao động
3.1. Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội
3.2. Cơ quan phối hợp: Sở Y tế; Liên đoàn Lao động tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các sở, ban,
ngành liên quan.
3.3. Các hoạt động chủ yếu:
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ về an
toàn, vệ sinh lao động; hỗ trợ triển khai mô hình các giải pháp kỹ thuật an
toàn để phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, trong các ngành, nghề
có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (hóa chất, xây dựng,…).
- Tăng cường tư vấn các biện pháp và
mô hình cải thiện điều kiện làm việc đến các doanh nghiệp, trong đó ưu tiên các
doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề, hợp tác xã, hộ nông dân làm các nghề, công
việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Hỗ trợ, triển khai các biện pháp
phòng, chống tai nạn lao động khi sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt
về an toàn lao động trong khu vực doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể.
- Hỗ trợ triển khai áp dụng các hệ thống
quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất,
kinh doanh và làng nghề đang có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,
từng bước xây dựng văn hóa an toàn trong lao động, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về
hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động (ISO 45001-2018).
- Tăng cường hợp tác nhằm vận động
nguồn lực hỗ trợ đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động; mở rộng chia sẻ
thông tin, học tập kinh nghiệm trong việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh
lao động trên địa bàn tỉnh với một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
4. Tăng cường phòng, chống bệnh
nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe người lao động
4.1. Cơ quan chủ trì: Sở Y tế
4.2. Cơ quan phối hợp: Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các sở, ban,
ngành liên quan.
4.3. Các hoạt động chủ yếu:
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo
dục về nguy cơ, tác hại của việc ô nhiễm môi trường lao động và bệnh nghề nghiệp.
- Tăng cường các biện pháp phòng, chống
một số bệnh nghề nghiệp phổ biến, thường gặp, đặc biệt bệnh truyền nhiễm trong
các đơn vị, doanh nghiệp.
- Hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho người sử dụng lao động
và người lao động về sơ cứu, cấp cứu ban đầu, cách phòng, tránh tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp và phòng, chống dịch bệnh.
- Triển khai các hoạt động giám sát môi trường lao
động, nâng cao năng lực và tăng cường công tác khám phát hiện, chẩn đoán, giám
định bệnh nghề nghiệp.
- Đầu tư mua sắm trang, thiết bị cho các cơ sở khám
bệnh nghề nghiệp và nâng cao năng lực điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc
bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám, chữa bệnh nghề nghiệp.
- Kiện toàn tổ chức y tế cơ sở phục vụ chăm sóc sức
khỏe tại chỗ cho người lao động và người bị bệnh nghề nghiệp.
- Cập nhật, thống kê số lượng và phân loại cơ sở
lao động theo ngành, nghề, quy mô trên địa bàn tỉnh.
5. Nâng cao năng lực cho đội
ngũ cán bộ công đoàn và mạng lưới an toàn, vệ sinh viên
5.1. Cơ quan chủ trì: Liên đoàn Lao động tỉnh.
5.2. Cơ quan phối hợp: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; các cấp công đoàn; các sở, ban, ngành liên quan; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
5.3. Các hoạt động chủ yếu:
- Tăng cường về đội ngũ và giới thiệu
các kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ về công tác an toàn, vệ sinh lao động cho cán
bộ công đoàn và mạng lưới an toàn, vệ sinh viên trong các doanh nghiệp.
- Tổ chức tư vấn kiến thức pháp luật
về an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ công đoàn và mạng lưới an toàn, vệ sinh
viên trong các loại hình doanh nghiệp.
6. Quản lý, giám sát, đánh giá
thực hiện Chương trình
6.1. Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
6.2. Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
6.3. Các hoạt động chủ yếu:
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối
hợp của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương,
giữa các cơ quan có liên quan, các tổ chức chính trị, xã hội, hiệp hội ngành
nghề, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các mục tiêu của Chương trình.
- Khuyến khích, tạo điều kiện để các
doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh tham gia và
đóng góp nguồn lực, kinh nghiệm để thực hiện Chương trình; chủ động triển khai
các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, quản lý và đánh giá rủi ro về an
toàn, vệ sinh lao động.
- Triển khai các nội dung của Chương
trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trên địa
bàn tỉnh; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện Chương
trình; phối hợp, lồng ghép hoạt động của Chương trình với các hoạt động của nguồn
lực hiện có (nguồn quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,…) và nguồn
xã hội hóa.
V. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Chương trình được
đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước, được bố trí trong dự toán hằng năm theo sự
phân cấp ngân sách.
2. Việc lập, phân bổ, quyết định giao
dự toán; quản lý và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của Luật ngân
sách. Hằng năm, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ vào nhiệm vụ, kế
hoạch, xây dựng dự toán kinh phí trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức
thực hiện.
3. Huy động từ các doanh nghiệp, tổ
chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn hợp pháp khác.
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành, địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức triển
khai thực hiện Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh
lao động giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch này.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành và các địa phương triển khai thực hiện Tháng hành động về an toàn, vệ
sinh lao động.
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, định
kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội theo quy định.
2. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên
quan và các địa phương thực hiện nội dung tăng cường phòng, chống bệnh nghề
nghiệp và chăm sóc sức khỏe người lao động. Lập kế hoạch, hướng dẫn
và tổ chức triển khai hoạt động phòng, chống bệnh nghề nghiệp, quản lý và chăm
sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc.
- Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện,
thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các cơ sở
khám chữa bệnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức khám sức
khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
- Theo dõi, tổng hợp, cung cấp thông
tin về lĩnh vực vệ sinh lao động; thống kê xây dựng cơ sở dữ liệu về bệnh nghề
nghiệp; tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ.
3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Bố trí kinh phí thực hiện Chương
trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn
2022-2025 trên địa bàn tỉnh trong dự toán ngân sách hằng năm cho
các cơ quan thực hiện Chương trình theo đúng quy định của pháp luật về ngân
sách nhà nước; thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện
Chương trình.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng dự toán
kinh phí thực hiện Chương trình hằng năm, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương
trình.
4. Sở Xây dựng
Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn việc thực
hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng các công trình xây
dựng thuộc thẩm quyền quản lý.
5. Sở Giao thông vận tải
Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn việc thực
hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng các công trình giao
thông thuộc thẩm quyền quản lý.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân có
liên quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn sử dụng phân bón, hóa chất, chế phẩm
sinh học trong nông nghiệp an toàn, hiệu quả. Hướng dẫn các biện pháp phòng chống
nhiễm độc thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, nhiễm độc khuẩn nghề nghiệp trong
chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt; đồng thời, hướng dẫn các địa phương tổ chức
thu gom quản lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng.
- Phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn thực
hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động khi sử dụng máy, thiết bị trong
lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các
biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp, lâm
nghiệp, thủy sản theo quy định.
7. Sở Công thương
- Tăng cường công tác kiểm tra, hướng
dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các
đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công thương.
- Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ
chức tập huấn, huấn luyện kỹ thuật an toàn trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
và hóa chất; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp
đảm bảo an toàn lao động trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các
đơn vị thuộc ngành quản lý.
8. Ban quản lý các khu công nghiệp
Bắc Ninh
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội, các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, huấn luyện, thanh tra, kiểm
tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm
thất nghiệp và công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp thuộc
khu công nghiệp.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp trong khu
công nghiệp báo cáo kịp thời các vụ tai nạn lao động và các sự cố kỹ thuật gây
mất an toàn lao động; báo cáo định kỳ tình hình tai nạn
lao động, báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động 6 tháng và hằng năm.
9. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh -
Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh
tuyên truyền sâu rộng; kịp thời phản ánh, đưa tin những đơn vị, cá nhân, những
điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua thực hiện tốt công tác an toàn, vệ
sinh lao động, đồng thời phê bình các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ
sinh lao động.
10. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh
- Chỉ đạo, hướng dẫn Liên đoàn Lao động
các huyện, thành phố, công đoàn ngành, công đoàn các khu công nghiệp và công
đoàn cơ sở triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm
tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động.
- Tăng cường công tác tập huấn, bồi
dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ an toàn, vệ sinh viên
trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
- Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu
quả Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động trong các cấp công đoàn và
phong trào thi đua “Xanh-Sạch-Đẹp, Bảo
đảm an toàn, vệ sinh lao động” trong các cơ quan, doanh nghiệp.
- Tăng cường hoạt động phối hợp giữa
tổ chức công đoàn với người sử dụng lao động về giám sát việc thực hiện các nội
quy, quy chế và biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện
lao động tại nơi làm việc.
11. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh
- Phối hợp với các sở, ngành liên
quan và các địa phương hướng dẫn, triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch thuộc lĩnh vực chủ trì về công tác tăng cường phòng ngừa tai nạn
lao động và bệnh nghề nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản
và ngành nghề nông thôn.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về
phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; tập
huấn nâng cao kiến thức an toàn, vệ sinh lao động cho đội ngũ cán bộ hội các cấp.
- Tổ chức huấn
luyện an toàn, vệ sinh lao động cho hội viên nông dân.
12. Các cơ quan, đơn vị, doanh
nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh
- Tổ chức thực hiện đúng các quy định
của Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn.
- Tích cực tham gia các hoạt động của
Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng hành động về an
toàn, vệ sinh lao động theo chỉ đạo, hướng dẫn của các sở, ngành và địa phương.
- Quan tâm đầu tư kinh phí cải thiện
điều kiện lao động, môi trường lao động; đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất;
xây dựng, hoàn thiện quy trình, biện pháp làm việc an toàn; tổ chức huấn luyện,
tập huấn về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động.
- Chấp hành tốt công tác tự kiểm tra
an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện đầy đủ chế độ chính sách về tai nạn lao động,
bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề
nghiệp đối với người lao động.
- Thực hiện nghiêm túc chế độ thông
tin báo cáo định kỳ và đột xuất về an toàn, vệ sinh lao động và tình hình tai nạn
lao động, bệnh nghề nghiệp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và
UBND cấp huyện.
13. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
- Xây dựng và triển khai thực hiện kế
hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng
cường thông tin tuyên truyền về công tác an toàn, vệ sinh lao động bằng nhiều
hình thức để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người
lao động về thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh
nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ kinh doanh trên địa bàn tăng cường công
tác tập huấn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người
sử dụng lao động và người lao động; quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ, chính
sách đối với người lao động; đầu tư mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động; tổ
chức khám sức khỏe định kỳ; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
- Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an
toàn, vệ sinh lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở
sản xuất, kinh doanh, hộ kinh doanh trên địa bàn.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện,
thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc tổ chức triển khai thực
hiện Kế hoạch này trên địa bàn tỉnh. Định kỳ hằng năm và đột xuất khi có yêu cầu
các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo tình hình và kết quả thực hiện các mục
tiêu, nhiệm vụ được giao về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan Thường
trực) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trong quá trình thực hiện nếu có phát
sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn xử lý; trường hợp vượt thẩm quyền Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo
giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TB&XH (B/c);
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND (B/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Cục ATLĐ (Bộ LĐ-TB&XH);
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VP UBND tỉnh: LĐVP, các CVNC;
- Lưu VT, KGVX(NTT).
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vương Quốc Tuấn
|