VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 08/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 07
tháng 01 năm 2019
|
THÔNG BÁO
Ý
KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VŨ ĐỨC ĐAM, CHỦ TỊCH ỦY BAN QUỐC GIA
VỀ NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2018 VÀ KẾ HỌẠCH
HOẠT ĐỘNG NĂM 2019 CỦA ỦY BAN QUỐC GIA
Ngày 02 tháng 01 năm 2019, tại trụ sở Chính phủ,
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi
Việt Nam đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và kế hoạch hoạt động
năm 2019 của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam. Tham dự Hội nghị có
các thành viên Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, đại diện lãnh đạo
Văn phòng Chính phủ, một số Bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Sau khi nghe Báo cáo tổng kết công tác năm 2018, kế
hoạch hoạt động năm 2019 của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam và ý kiến
thảo luận của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc
gia kết luận như sau:
1. Kết quả thực hiện công tác
người cao tuổi năm 2018
Năm 2018, với chủ đề “xã hội chung tay chăm sóc người
cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ
ngành, Hội, đoàn thể, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam và các địa
phương đã tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chế độ, bảo đảm
quyền và phát huy vai trò của người cao tuổi Việt Nam. Tổ chức có hiệu quả
Tháng hành động, chương trình về người cao tuổi, tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát việc thực hiện Luật người cao tuổi ở các địa phương, tạo điều kiện để
người cao tuổi tham gia tích cực, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia
giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao tại địa
bàn, khu dân cư.
Hơn 3,1 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm
xã hội hàng tháng; 1,6 triệu người cao tuổi được nhận trợ cấp xã hội hàng
tháng; trên 1,1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ. Tỷ lệ người cao
tuổi có thẻ BHYT đạt gần 96%; hơn 100.000 lượt người cao tuổi được giảm giá vé
đường bộ; gần 57.000 lượt người cao tuổi được giảm giá vé đường thủy; 736.000
lượt người cao tuổi được giảm giá vé đường sắt, đường hàng không; Hiện cả nước
có gần 100 bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh có khoa Lão khoa; gần 1000 khoa
khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho người cao tuổi;
hơn 8.000 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi.
Các Bộ, ngành, địa phương, Hội, đoàn thể đã triển
khai thực hiện có hiệu quả “Tháng hành động vì người cao tuổi” với nhiều hoạt động
hỗ trợ, chung tay chăm sóc người cao tuổi nghèo, khó khăn; tổ chức 40.000 buổi
tuyên truyền, với 2.700.000 người cao tuổi tham gia; vận động được gần 170 tỷ đồng
(hiện vật và tiền), thăm hỏi, tặng quà gần 700.000 người cao tuổi có hoàn cảnh
đặc biệt khó khăn. Nhiều địa phương đã tích cực vận động được nguồn lực hỗ trợ
người cao tuổi như Bến Tre, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Bình, Thanh
Hóa, Vĩnh Long....
Nhiều mô hình thể dục, dưỡng sinh, văn hóa, văn nghệ,
mô hình chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, mô hình “Câu lạc bộ liên
thế hệ tự giúp nhau” đem lại kết quả thiết thực cho người cao tuổi và cộng đồng.
Hơn 76.000 câu lạc bộ về văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút trên
2.200.000 người cao tuổi thường xuyên tham gia. Đã có 1.518 câu lạc bộ liên thế
hệ tự giúp nhau được thành lập và hoạt động hiệu quả; 56/63 Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án/Kế hoạch nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế
hệ tự giúp nhau (vượt 25% so với chỉ tiêu).
Tuy nhiên, công tác người cao tuổi ở các địa phương
hiện nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế:
Một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở
chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong thực hiện chính sách pháp luật đối với
người cao tuổi, thiếu quan tâm, chỉ đạo, chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động
cụ thể, còn coi công tác người cao tuổi chỉ là những hoạt động phong trào, là
công tác của Hội người cao tuổi; Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách luật
pháp chưa được thường xuyên, liên tục, nhất là ở một số địa phương miền núi, điều
kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Việc triển khai các hoạt động của một số Bộ, ngành,
địa phương đối với công tác người cao tuổi còn chậm, chưa chủ động lồng ghép
các hoạt động của ngành với công tác người cao tuổi. Sự phối hợp của các thành
viên Ban Công tác người cao tuổi ở địa phương còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ
và kịp thời. Đội ngũ cán bộ làm công tác người cao tuổi chuyên trách ở các cấp
còn phải kiêm nhiệm nhiều việc nên công tác người cao tuổi đôi lúc đạt hiệu quả
chưa cao.
Nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí thực hiện
khám chữa bệnh định kỳ tại cơ sở cho người cao tuổi theo quy định của pháp luật;
khó khăn trong việc thực hiện chính sách giảm giá vé thăm quan, di tích, danh
lam thắng cảnh, du lịch tại các cơ sở do tư nhân đầu tư quản lý theo quy định;
Kinh phí hỗ trợ hoạt động cho Hội Người cao tuổi các cấp còn hạn chế; Quỹ chăm
sóc và phát huy vai trò Người cao tuổi tại cơ sở còn khó khăn trong việc huy động
và thành lập Quỹ ban đầu theo quy định của pháp luật.
Một số địa phương còn gặp khó khăn trong triển khai
Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, nguyên nhân do
chưa nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền và khó khăn về kinh phí
trong tổ chức thực hiện, đặc biệt khó khăn trong việc huy động nguồn quỹ ban đầu.
Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực người cao tuổi
còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các chính sách cơ chế khuyến khích tư nhân đầu
tư các cơ sở chăm sóc người cao tuổi như: hỗ trợ miễn giảm thuế, ưu tiên cho
thuê đất, cấp đất; ban hành khung giá dịch vụ.
Công tác thông tin báo cáo còn chậm, một số Bộ,
ngành, địa phương có báo cáo nhưng còn sơ sài, không có số liệu cụ thể nên cơ
quan thường trực gặp khó khăn trong công tác tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện
(15/22 Bộ, ngành, đoàn thể và 33/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi
báo cáo năm 2018). Chưa có điều tra quốc gia về người cao tuổi, chưa có số liệu
quốc gia về người cao tuổi nên công tác lập kế hoạch, hoạch định chính sách đối
với người cao tuổi còn gặp khó khăn.
2. Phương hướng, nhiệm vụ trọng
tâm năm 2019
Năm 2019, với chủ đề chung tay vì sức khỏe và hạnh
phúc của người cao tuổi, công tác người cao tuổi cần được các cấp các ngành và
toàn xã hội tiếp tục quan tâm ưu tiên, kiên trì tổ chức thực hiện, trước hết cần
nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác người cao tuổi. Phấn
đấu 100% người cao tuổi có thẻ BHYT; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, giảm giá
vé, tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi được thăm quan các di tích lịch sử
- văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát việc thực hiện công tác người cao tuổi theo quy định của pháp luật.
Các Bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình triển
khai chỉ đạo, lồng ghép các chương trình, thực hiện có hiệu quả các chính sách
chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi theo kế hoạch nhiệm vụ đề ra, phù hợp
với tình hình thực tế của ngành, địa phương và các quy định hiện hành; Tổ chức
triển khai Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn
2012-2020 và Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai
đoạn 2016-2020. Yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện việc huy động và
thành lập Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi theo quy định của pháp
luật. Trong đó, tập trung những nhiệm vụ sau:
a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Với vai trò
Thường trực Ủy ban Quốc gia, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện Luật Người
cao tuổi, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020;
Đánh giá tổng kết Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn
2012-2020 vào năm 2019; Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi,
Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 theo hướng phát huy vai
trò người cao tuổi; Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển các dịch vụ công tác xã hội,
hỗ trợ người cao tuổi sinh sống tại gia đình, tại cộng đồng và tăng cường an
sinh xã hội đối với người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo,
vùng đặc biệt khó khăn; nghiên cứu việc sắp xếp lại các Quỹ hỗ trợ người cao tuổi
bảo đảm hoạt động hiệu quả, phù hợp với các quy định pháp luật.
Xây dựng kế hoạch nhiệm vụ và triển khai các hoạt động
năm 2019; Tổ chức các Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, giám sát tình hình triển
khai thực hiện công tác người cao tuổi; Tập huấn, nâng cao năng lực cho Ban
Công tác người cao tuổi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng hợp báo
cáo, chuẩn bị nội dung báo cáo sơ kết, tổng kết Ủy ban Quốc gia theo quy chế
làm việc. Thu thập số liệu liên quan tới người cao tuổi hoàn thành trong Quý II
năm 2019; phân tách các chỉ tiêu, số liệu liên quan tới người cao tuổi theo quy
định.
b) Bộ Y tế: Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai có hiệu
quả công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở theo quy định; Thống nhất
hướng dẫn lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở; Đẩy mạnh
công tác đào tạo chuyên ngành lão khoa, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi cho cán
bộ, nhân viên y tế tại cơ sở. Chủ trì xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức thực
hiện phấn đấu 100% người cao tuổi có thẻ BHYT trước năm 2020.
c) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Sớm có văn bản
chỉ đạo, công khai thông tin về quy định giảm giá vé (50%), nhằm tạo điều kiện
thuận lợi để người cao tuổi được thăm quan các di tích lịch sử - văn hóa, danh
lam thắng cảnh theo quy định.
d) Bộ Tài chính: Bảo đảm kinh phí thực hiện Luật,
các chính sách, chương trình, đề án đối với người cao tuổi theo phân cấp ngân
sách nhà nước hiện hành; Tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương trong
việc xây dựng, hoàn chỉnh các văn bản pháp luật liên quan đến người cao tuổi.
đ) Bộ Nội vụ: Kịp thời chủ trì, hướng dẫn thực hiện
Nghị định thay thế Nghị định 30/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 về tổ chức,
hoạt động của Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện, tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy
động xây dựng Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi tại địa phương;
Nghị định 45 và Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg ngày 1 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng
Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo
chuyên trách tại các Hội sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
e) Bộ Giao thông vận tải: Tăng cường chỉ đạo, kiểm
tra việc thực hiện giảm giá vé, hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia phương tiện
giao thông công cộng. Triển khai các giải pháp tăng cường tiếp cận, ưu tiên người
cao tuổi đối với phương tiện giao thông, nhà ga, bến đỗ...
g) Bộ Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ
quan báo chí tiếp tục duy trì các chương trình, chuyên mục về người cao tuổi,
tuyên truyền về việc triển khai thi hành Luật Người cao tuổi và công tác chăm
sóc người cao tuổi, tăng cường xây dựng các chương trình, chuyên mục về vấn đề
già hóa dân số, chuẩn bị cho tuổi già, chăm sóc và phát huy vai trò người cao
tuổi tại cộng đồng.
h) Bộ Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành
có văn bản hướng dẫn, quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế xây dựng nhà ở,
cải tạo chung cư, công trình công cộng, khu vui chơi phù hợp với đặc điểm, nhu
cầu sử dụng, môi trường thân thiện với người cao tuổi, người khuyết tật.
i) Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với Hội
Khuyến học Việt Nam, Hội Cựu Giáo chức Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam
triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2016-2020”, trong
đó có người cao tuổi.
k) Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Tăng cường phối hợp với
các Bộ, ngành, Hội, đoàn thể tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo
hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đặc biệt đối với người cao tuổi.
l) Các Bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo, phối hợp triển
khai thực hiện Luật, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn
2012-2020, các Đề án, dự án thuộc Chương trình, các chính sách chăm sóc và phát
huy vai trò người cao tuổi.
m) Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam: Tiếp tục
triển khai các hoạt động thiết thực, hiệu quả “Tháng hành động vì người cao
tuổi Việt Nam”; Các cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc phụng dưỡng và phát
huy vai trò người cao tuổi"; Tham mưu cho cấp Ủy, chính quyền, phối hợp
với các ban, ngành đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người
cao tuổi; Đánh giá sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Nhân rộng mô hình
Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020”, làm cơ sở đề xuất xây
dựng cho giai đoạn 2021 - 2026.
n) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương:
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức
của các cấp ủy, chính quyền về luật pháp, chính sách đối với người cao tuổi;
Tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuẩn
bị tích lũy cho tuổi già từ khi còn trẻ.
Phân bổ nguồn lực bảo đảm thực hiện đầy đủ các
chính sách về người cao tuổi theo quy định của pháp luật; lồng ghép, phối hợp
xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luật, Chương trình hành động Quốc gia về
người cao tuổi giai đoạn 2012-2020; Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế
hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020; “Tháng hành động vì người cao tuổi”; Quỹ
chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi tại cơ sở; Chúc thọ, mừng thọ, thăm
hỏi, tặng quà người cao tuổi nghèo, cô đơn không có người phụng dưỡng; Huy động
mọi nguồn lực, xã hội hóa trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người
cao tuổi.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên
quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg (để báo cáo);
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Thành viên Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi VN;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, KTTH, QHĐP, TGĐ Cổng TTĐTCP;
- Lưu: VT, KGVX (3) ĐHB.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Văn Tùng
|