BỘ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
08/2018/TT-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày
12 tháng 3 năm 2018
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN, NỘI DUNG, HÌNH THỨC XÉT THĂNG HẠNG CHỨC
DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC GIẢNG DẠY TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CÔNG LẬP
Căn cứ Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15
tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12
tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên
chức;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25
tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và
Cán bộ quản lý giáo dục,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Thông tư quy định Điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề
nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định Điều kiện,
nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy
trong các cơ sở giáo dục đại học công lập từ giảng viên (hạng III) lên
giảng viên chính (hạng II) và từ giảng viên chính (hạng II) lên giảng viên cao
cấp (hạng I).
2. Thông tư này áp dụng đối
với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập,
các trường cao đẳng sư phạm công lập (sau đây gọi chung là
cơ sở giáo dục đại học) đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và các
tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2.
Nguyên tắc xét thăng hạng
1. Việc cử viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm,
cơ cấu chức danh nghề nghiệp và nhu cầu của cơ sở giáo dục đại học công lập.
2. Việc tổ chức xét thăng hạng chức
danh nghề nghiệp phải bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và tuân thủ
các quy định pháp luật.
Điều 3. Điều
kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Viên chức giảng dạy trong các cơ sở
giáo dục đại học công lập được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề
nghiệp khi có đủ các Điều kiện sau:
1. Cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu và
được cấp có thẩm quyền cử đi dự xét.
2. Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 03
(ba) năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự xét; được thủ trưởng
cơ sở giáo dục đại học đánh giá có đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; không
trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử
lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
3. Có đủ tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp
đăng ký dự xét theo quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV
ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ
Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy
trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
4. Đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng
III), mã số V.07.01.03 đối với viên chức đăng ký dự xét thăng hạng chức danh
nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02; đang giữ chức danh
nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02 đối với viên chức đăng
ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số
V.07.01.01.
Điều 4. Nội
dung và hình thức xét thăng hạng
1. Xét thăng hạng chức danh
nghề nghiệp viên chức thông qua việc xét hồ sơ theo quy định tiêu chuẩn chức
danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề với hạng hiện giữ và thẩm định, quy đổi điểm công trình khoa học.
2. Thẩm định, quy đổi điểm
công trình khoa học đối với viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề
nghiệp khi đã đảm bảo yêu cầu về hồ sơ theo quy định tại Điều 5
của Thông tư này.
3. Công trình khoa học quy đổi
a) Công trình khoa học quy đổi gồm: Bài báo khoa
học; kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng
độc quyền sáng chế; giải pháp khoa học, công nghệ hữu ích; sách phục vụ đào tạo;
báo cáo khoa học được công bố toàn văn trong kỷ yếu của hội thảo khoa học quốc
gia, quốc tế; tác phẩm nghệ thuật, Chương trình biểu diễn, thành tích thi đấu
thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế;
b) Nội dung của các công trình khoa học quy đổi
phải phù hợp với ngành, chuyên ngành khoa học đang giảng dạy của viên chức dự
xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;
c) Các công trình khoa học đã công bố có nội
dung trùng lặp từ 30% trở lên chỉ được tính điểm quy đổi một lần. Bài đăng báo
và sách phổ biến khoa học, bản tóm tắt kết quả nghiên cứu, báo cáo tổng kết, tổng
quan, nhận xét, đánh giá, dịch thuật không được tính là công trình khoa học quy
đổi;
d) Công trình khoa học quy đổi nếu có nhiều tác
giả tham gia thì tác giả chính được hưởng 1/3 (một Phần ba) số điểm của công
trình, số điểm còn lại được chia đều cho từng người kể cả tác giả chính; trường
hợp không thể xác định được tác giả chính thì chia đều cho từng người;
Đối với sách phục vụ đào tạo đã được xuất bản do
tập thể biên soạn thì người chủ biên được tính 1/3 (một Phần ba) số điểm quy đổi
của cuốn sách đó; số điểm còn lại được chia theo giá trị đóng góp của từng người
tham gia viết, trường hợp không thể xác định được cụ thể đóng góp của mỗi người
thì chia đều cho từng người kể cả người chủ biên nếu trực tiếp viết sách.
Các tạp chí khoa học có mã số ISSN được tính điểm
áp dụng theo lựa chọn, phân loại của Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước.
4. Cách tính điểm quy đổi
a) Một bài báo khoa học được công bố trên tạp
chí khoa học thuộc danh Mục ISI (trong tập hợp SCI, SSCI, AHCI, SCIE) và danh Mục
Scopus được tính tối đa 2,0 điểm. Một bài báo khoa học có phản biện và được
công bố trên tạp chí có mã số chuẩn quốc tế ISSN, không thuộc hệ thống ISI,
Scopus được tính tối đa 1,0 điểm.
Việc tính điểm cho các bài báo khoa học phải căn
cứ vào chất lượng khoa học của bài báo, hệ số ảnh hưởng (IF, theo ISI)
và/hoặc H-index (theo Scimango) của tạp chí;
b) Mỗi kết quả ứng dụng khoa học, công nghệ được
cấp bằng độc quyền sáng chế được tính tối đa 3,0 điểm; mỗi giải pháp khoa học,
công nghệ hữu ích được tính tối đa 2,0 điểm; mỗi tác phẩm nghệ thuật (âm nhạc,
mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc), Chương trình biểu diễn, thành tích
thi đấu thể dục thể thao nếu đạt giải thưởng quốc tế được tính tối đa 2,0 điểm,
đạt giải thưởng quốc gia được tính tối đa 1,5 điểm;
c) Sách phục vụ đào tạo được tính điểm công
trình khoa học quy đổi phải được Hội đồng khoa học do Hiệu trưởng thành lập thẩm
định, sử dụng để đào tạo từ trình độ đại học trở lên, đã được xuất bản có mã số
chuẩn quốc tế ISBN. Sách phục vụ đào tạo được nhà xuất bản có uy tín trên thế
giới xuất bản thì được cộng thêm 25% số điểm quy đổi của sách đó.
Điểm quy đổi cho 01 (một) cuốn sách phục vụ đào
tạo được tính như sau: Sách chuyên khảo có điểm quy đổi là 3,0 điểm; Giáo trình
có điểm quy đổi là 2,0 điểm; Sách tham khảo có điểm quy đổi là 1,5 điểm; Sách
hướng dẫn có điểm quy đổi là 1,0 điểm; Từ điển chuyên ngành có điểm quy đổi là
1,0 điểm; Tài liệu biên dịch sách hoặc giáo trình bằng tiếng nước ngoài sang tiếng
Việt có điểm quy đổi là 1,0 điểm;
d) Báo cáo khoa học tại hội thảo khoa học quốc
gia có phản biện, được chọn đăng toàn văn trong tuyển tập công trình khoa học
(kỷ yếu) của hội thảo được tính tối đa 0,5 điểm; Báo cáo khoa học tại hội thảo
khoa học quốc tế viết bằng tiếng Anh có phản biện, được đăng toàn văn trong tuyển
tập công trình khoa học (kỷ yếu) của hội thảo được tính tối đa 1,0 điểm. Chỉ
tính điểm quy đổi cho các bài báo đăng trong tuyển tập công trình khoa học (kỷ
yếu) của hội thảo khoa học đã được xuất bản có mã số chuẩn quốc tế ISBN.
Điều 5. Hồ
sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp
1. Hồ sơ xét thăng hạng chức
danh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 10 Thông tư số
12/2012/TT-BNV ngày 18 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng
Bộ Nội vụ ban hành quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.
2. Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo quy định tại
Điều 4, Điều 5 Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV
ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ
Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy
trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Điều 6. Xác định viên chức
trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp
1. Viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng
chức danh nghề nghiệp là viên chức: Được Hội đồng xét thăng hạng chức danh
nghề nghiệp xác định đạt Điều kiện theo quy định tại Điều 3 của
Thông tư này và có điểm công trình khoa học đạt tối thiểu 06 (sáu)
điểm đối với viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng
viên chính (hạng II); đạt tối thiểu 16 (mười sáu) điểm đối với viên
chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I). Trường
hợp có nhiều ứng viên đạt điểm tối thiểu theo quy định thì viên chức trúng tuyển
được xác định theo điểm quy đổi từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu xét tuyển
được phân bổ.
2. Trường hợp có từ 02 (hai) người trở lên có kết
quả điểm bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng, thì xác định người trúng tuyển theo thứ
tự ưu tiên như sau:
a) Người có thâm niên công tác lâu hơn;
b) Người được cấp có thẩm quyền giao
nhiệm vụ có thành tích xuất sắc, tiêu biểu được khen thưởng trong
vòng 03 (ba) năm liên tục liền kề với năm tổ chức kỳ xét thăng hạng.
3. Trường hợp vẫn không xác định được viên chức
thăng hạng theo thứ tự ưu tiên trên thì Chủ tịch Hội đồng xét thăng hạng sẽ xem
xét và quyết định viên chức trúng tuyển kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
4. Viên chức không được thăng hạng trong kỳ
xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 1, Khoản
2 Điều này không được bảo lưu kết quả cho các kỳ xét thăng hạng lần sau.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học căn cứ quy định tại Thông
tư này theo thẩm quyền được giao cử viên chức tham dự kỳ xét thăng hạng chức
danh nghề nghiệp và chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn, Điều kiện của viên chức
tham dự kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng
4 năm 2018.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc,
đề nghị phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- UBVHGDTNTN&NĐ của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo TW;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Ủy ban quốc gia Đổi mới
giáo dục và đào tạo;
- Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;
- Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước;
- Công đoàn giáo dục Việt Nam;
- Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam;
- Hội Khuyến học Việt Nam;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Các cơ sở giáo dục đại học công lập;
- Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, NGCBQLGD (25b).
|
KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Phúc
|