NGÂN HÀNG
NHÀ NƯỚC
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
21/2017/TT-NHNN
|
Hà Nội, ngày
29 tháng 12 năm 2017
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ PHƯƠNG THỨC GIẢI NGÂN VỐN CHO VAY CỦA TỔ CHỨC TÍN
DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG
Căn cứ Luật
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các
tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật
sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11
năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của
Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính
phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của
Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt;
Căn cứ Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2013 của
Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt;
Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền
tệ;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban
hành Thông tư quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức
tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định về phương thức giải ngân vốn cho
vay bao gồm việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, bằng tiền mặt
để giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối
với khách hàng.
2. Thông tư này không điều chỉnh việc giải ngân vốn cho vay
của ngân hàng chính sách.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện
hoạt động cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là
tổ chức tín dụng cho vay).
2. Khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài (sau đây gọi là khách hàng).
3. Bên thụ hưởng.
4. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác, tổ
chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh
toán liên quan đến hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng cho vay.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bên thụ hưởng là pháp nhân, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp
tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có quyền thụ hưởng các khoản
thanh toán, chi trả từ khách hàng trong việc mua bán tài sản, hình thành nên
tài sản, cung ứng dịch vụ và các quan hệ hợp pháp khác, thuộc nhu cầu vay vốn
theo thỏa thuận cho vay được ký kết giữa khách hàng với tổ chức tín dụng cho
vay (sau đây gọi là thỏa thuận cho vay).
2. Giải ngân vốn cho vay là việc tổ chức tín dụng cho vay
giao cho khách hàng một khoản tiền thông qua việc sử dụng dịch vụ thanh toán
không dùng tiền mặt, bằng tiền mặt để thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng
theo mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay.
3. Quản lý tài chính tập trung là việc khách hàng sử dụng dịch
vụ thanh toán qua tài khoản tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài để quản lý dòng vốn của mình.
4. Tổ chức tín dụng quản lý tài chính là tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện dịch vụ quản lý tài chính tập trung
cho khách hàng.
Điều 4. Phương thức giải ngân vốn
cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt
1. Tổ chức tín dụng cho vay phải sử dụng dịch vụ thanh toán
không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật để giải ngân vốn cho vay vào
tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán,
trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Việc chuyển số tiền giải ngân vào
tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán
được tổ chức tín dụng cho vay thực hiện ngay trong ngày giải ngân vốn vay theo
mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay; trường hợp việc giải ngân vốn vay thực
hiện sau giờ giao dịch thanh toán trong ngày của tổ chức tín dụng cho vay thì
việc chuyển tiền được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo của tổ chức tín dụng
đó.
2. Tổ chức tín dụng cho vay phải sử dụng dịch vụ thanh toán
không dùng tiền mặt để giải ngân vốn cho vay vào tài khoản thanh toán của khách
hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trong các trường hợp:
a) Khách hàng thanh toán, chi trả cho các mục đích sử dụng
vốn vay mà pháp luật quy định phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của
khách hàng;
b) Khách hàng là bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại
tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả
các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục
vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của
pháp luật;
c) Khách hàng trực tiếp thanh toán, chi trả tiền mua sản phẩm
nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản từ cá nhân, hộ
gia đình, chủ trang trại, hộ kinh doanh và tổ hợp tác có hoạt động sản xuất
kinh doanh trên địa bàn nông thôn để khách hàng thực hiện phương án sản xuất
kinh doanh, phù hợp với mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay.
Điều 5. Phương thức giải ngân vốn
cho vay bằng tiền mặt
1. Tổ chức tín dụng cho vay được xem xét quyết định giải
ngân vốn cho vay bằng tiền mặt trong các trường hợp:
a) Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng
(không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung
ứng dịch vụ thanh toán;
b) Khách hàng là bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân)
không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn
tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh
doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết
định cho vay theo quy định của pháp luật.
2. Khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng cho vay văn bản
cam kết của bên thụ hưởng về việc bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại
tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Điều 6. Phương thức giải ngân vốn cho vay sử dụng dịch vụ
thanh toán không dùng tiền mặt hoặc bằng tiền mặt
Tổ chức tín dụng cho vay được xem xét quyết định phương thức
giải ngân vốn cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc bằng
tiền mặt trong trường hợp:
1. Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không
bao gồm pháp nhân) có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh
toán với số tiền vay ghi trong thỏa thuận cho vay có giá trị không vượt quá
100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng).
2. Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng là tổ
chức sử dụng vốn nhà nước được thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều 7. Việc áp dụng phương thức
giải ngân vốn cho vay đối với một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp cho vay hợp vốn mà việc giải ngân vốn cho vay
được thực hiện thông qua tổ chức tín dụng đầu mối thanh toán (bao gồm cả trường
hợp thành viên đầu mối cho vay hợp vốn đồng thời là thành viên đầu mối thanh
toán): Các thành viên tham gia cho vay hợp vốn thỏa thuận, quyết định việc sử dụng
phương thức giải ngân vốn cho vay theo quy định tại Điều 4, Điều
5, Điều 6 Thông tư này. Việc thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng được tổ
chức tín dụng đầu mối thanh toán thực hiện ngay trong ngày nhận được số tiền giải
ngân vốn cho vay từ thành viên tham gia cho vay hợp vốn hoặc thành viên đầu mối
cho vay hợp vốn; trường hợp số tiền giải ngân nhận được sau giờ giao dịch thanh
toán trong ngày của tổ chức tín dụng đầu mối thanh toán thì việc thanh toán,
chi trả cho bên thụ hưởng được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.
2. Trường hợp khách hàng sử dụng dịch vụ quản lý tài chính
tập trung tại tổ chức tín dụng quản lý tài chính không phải là tổ chức tín dụng
cho vay: Tổ chức tín dụng cho vay quyết định việc sử dụng phương thức giải ngân
vốn cho vay theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 Thông tư
này. Việc thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng được tổ chức tín dụng quản
lý tài chính thực hiện ngay trong ngày nhận được số tiền giải ngân từ tổ chức
tín dụng cho vay; trường hợp số tiền giải ngân nhận được sau giờ giao dịch
thanh toán trong ngày của tổ chức tín dụng quản lý tài chính thì việc thanh
toán, chi trả cho bên thụ hưởng được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.
3. Trường hợp khách hàng phải sử dụng số tiền vay bằng Đồng
Việt Nam mua ngoại tệ nhiều lần để thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng theo mục
đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay:
a) Khách hàng mua ngoại tệ của chính tổ chức tín dụng cho
vay:
(i) Trường hợp khách hàng sử dụng dịch vụ quản lý tài chính
tập trung tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác không phải
là tổ chức tín dụng cho vay: Khi có ngoại tệ bán cho khách hàng, tổ chức tín dụng
cho vay thực hiện giải ngân vốn cho vay; số ngoại tệ bán từng lần được tổ chức
tín dụng cho vay chuyển ngay vào tài khoản tiền gửi vốn chuyên dùng của khách
hàng mở tại tổ chức tín dụng quản lý tài chính. Tổ chức tín dụng quản lý tài
chính sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để thực hiện việc thanh
toán, chi trả cho bên thụ hưởng theo yêu cầu của tổ chức tín dụng cho vay, phù
hợp với quy định tại Thông tư này;
(ii) Trường hợp khách hàng không sử dụng dịch vụ quản lý
tài chính tập trung hoặc sử dụng dịch vụ quản lý tài chính tập trung tại tổ chức
tín dụng cho vay: Khi có ngoại tệ bán cho khách hàng, tổ chức tín dụng cho vay
thực hiện giải ngân vốn cho vay; số ngoại tệ bán từng lần được chuyển ngay vào
tài khoản tiền gửi vốn chuyên dùng của khách hàng mở tại tổ chức tín dụng cho
vay. Tổ chức tín dụng cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để
thực hiện việc thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng phù hợp với quy định tại Thông
tư này.
b) Khách hàng mua ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài khác (bao gồm cả tổ chức tín dụng quản lý tài chính) không
phải là tổ chức tín dụng cho vay:
(i) Trường hợp khách hàng sử dụng dịch vụ quản lý tài chính
tập trung tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác không phải
là tổ chức tín dụng cho vay: Sau khi nhận được số tiền giải ngân từ tổ chức tín
dụng cho vay, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán ngoại tệ cho
khách hàng và chuyển số ngoại tệ này vào tài khoản tiền gửi vốn chuyên dùng của
khách hàng mở tại tổ chức tín dụng quản lý tài chính. Tổ chức tín dụng quản lý
tài chính sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để thực hiện việc
thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng theo yêu cầu của tổ chức tín dụng cho
vay, phù hợp với quy định tại Thông tư này;
(ii) Trường hợp khách hàng không sử dụng dịch vụ quản lý
tài chính tập trung hoặc sử dụng dịch vụ quản lý tài chính tập trung tại tổ chức
tín dụng cho vay: Sau khi nhận được số tiền giải ngân từ tổ chức tín dụng cho
vay, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán ngoại tệ cho khách
hàng và chuyển số ngoại tệ này vào tài khoản tiền gửi vốn chuyên dùng của khách
hàng mở tại tổ chức tín dụng cho vay. Tổ chức tín dụng cho vay sử dụng dịch vụ
thanh toán không dùng tiền mặt để thực hiện việc thanh toán, chi trả cho bên thụ
hưởng phù hợp với quy định tại Thông tư này.
Điều 8. Các quy định khác
1. Đối với tổ chức tín dụng cho vay:
a) Xem xét quyết định việc áp dụng phương thức giải ngân vốn
cho vay theo quy định tại Thông tư này trên cơ sở thông tin, tài liệu, chứng từ
thanh toán do khách hàng cung cấp và tự chịu trách nhiệm về quyết định của
mình;
b) Quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay trong quy
định nội bộ về cho vay, quản lý tiền vay phù hợp quy định tại Thông tư này và
các quy định của pháp luật có liên quan;
c) Kiểm soát chặt chẽ việc giải ngân vốn vay vào tài khoản
thanh toán của khách hàng nhằm đảm bảo khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích
vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay;
d) Thông báo cho khách hàng các quy định của pháp luật, quy
định nội bộ về phương thức giải ngân vốn cho vay. Thông báo cho khách hàng và tổ
chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có liên quan đến giải ngân vốn
cho vay quy định về giờ giao dịch thanh toán trong ngày.
2. Tổ chức tín dụng quản lý tài chính thông báo cho khách
hàng và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có liên quan đến giải
ngân vốn cho vay quy định về giờ giao dịch thanh toán trong ngày của mình.
3. Đối với khách hàng:
Cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng từ thanh toán theo
quy định của tổ chức tín dụng cho vay phục vụ cho việc xem xét quyết định
phương thức giải ngân vốn cho vay theo quy định tại Thông tư này. Khách hàng chịu
trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin,
tài liệu và chứng từ cung cấp cho tổ chức tín dụng cho vay.
Điều 9. Quy định chuyển tiếp
Đối với các hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay ký kết
trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, khách hàng và tổ chức tín dụng
cho vay tiếp tục sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc bằng tiền
mặt để giải ngân vốn cho vay theo nội dung đã ký kết phù hợp với quy định của
pháp luật hoặc thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng, thỏa thuận cho
vay phù hợp với quy định tại Thông tư này.
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 4
năm 2018. Thông tư này thay thế Thông tư số 09/2012/TT-NHNN
ngày 10 tháng 4 năm 2012 quy định việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải
ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với
khách hàng.
2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ và Thủ
trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước
chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị,
Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư
này./.
Nơi nhận:
- Như khoản 2 Điều 10;
- Ban lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Công báo;
- Lưu: VP, Vụ CSTT, Vụ PC.
|
KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC
Nguyễn Thị Hồng
|