ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 126/KH-UBND
|
Lạng Sơn, ngày 03
tháng 6 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN LỰA
CHỌN VÀ SỬ DỤNG CÁC NỀN TẢNG SỐ
Thực hiện Quyết định số
12/QĐ-BKHĐT ngày 07/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định
số 377/QĐ-BTTTT ngày 26/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về
phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chuyển đổi số;
trên cơ sở tình hình thực tiễn của địa phương; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ
trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh lựa chọn và sử dụng các nền tảng số, với nội dung
như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Nhằm hỗ trợ DNNVV (DNNVV)
trên địa bàn tỉnh lựa chọn và sử dụng các nền tảng số phù hợp với nhu cầu, điều
kiện thực tế của các doanh nghiệp.
- Góp phần vào sự chuyển biến
nhận thức về chuyển đổi số cho DNNVV trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Xác định rõ nhiệm vụ, trách
nhiệm của các cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện hỗ trợ DNNVV trên địa
bàn tỉnh lựa chọn và sử dụng các nền tảng số và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi
số trên địa bàn tỉnh, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đúng chức năng, nhiệm vụ giữa
các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện, đạt được
các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của Kế hoạch.
- Các DNNVV được lựa chọn và sử
dụng các nền tảng số trên địa bàn tỉnh chủ động, nêu cao tinh thần đổi mới,
sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào hoạt động sản
xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, ý thức chấp hành quy định của
pháp luật.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Hỗ trợ các DNNVV trên địa bàn tỉnh
lựa chọn sử dụng các nền tảng số phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của
doanh nghiệp, nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh,
nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DNNVV góp
phần phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể từ năm
2023 - 2025
a) Các năm 2023, 2024
- Phấn đấu 100% DNNVV được
thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số, hướng dẫn, cập nhật thông tin, nâng
cao nhận thức về chuyển đổi số.
- Tối thiểu 100 DNNVV được trải
nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số doanh nghiệp.
- Hỗ trợ từ 30 - 50 DNNVV triển
khai các ứng dụng, giải pháp chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản
xuất, kinh doanh trong các DNNVV nhằm chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng
công nghệ, hiện đại.
b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
- 100% DNNVV được thông tin,
tuyên truyền về chuyển đổi số, hướng dẫn, cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức
về chuyển đổi số.
- Tối thiểu 30% DNNVV được trải
nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số doanh nghiệp1.
- Hỗ trợ tối thiểu 150 - 200
DNNVV triển khai các ứng dụng, giải pháp chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt
động sản xuất, kinh doanh trong các DNNVV nhằm chuyển đổi mô hình kinh doanh
theo hướng công nghệ, hiện đại.
III. NHIỆM VỤ
GIẢI PHÁP
1. Phối hợp
với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số giới thiệu cho các DNNVV lựa chọn áp
dụng nền tảng số phù hợp
a) Nền tảng quản trị doanh nghiệp
hợp nhất (gồm tập hợp các giải pháp công nghệ: quản trị điều hành, quản trị
nhân sự, Kế toán - tài chính,…): hỗ trợ cho các doanh nghiệp quá trình quản lý,
vận hành, hoạt động trở nên hiện đại, nhanh chóng, chính xác hơn); nền tảng với
hơn 30 bộ công cụ, tiện ích cơ bản và nâng cao sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi
mô hình làm việc từ thủ công sang tự động hóa, điện tử hóa hệ thống dữ liệu,
quy trình làm việc.
b) Nền tảng số chuyển đổi số
dành cho doanh nghiệp OneSME (gồm viễn thông, công nghệ thông tin, quản trị
doanh nghiệp, giao dịch điện tử, các giải pháp chuyên ngành cho y tế, giáo dục,
nông nghiệp, dược phẩm, logistic, bán lẻ, quản lý khách sạn…): hỗ trợ cho doanh
nghiệp về các dịch vụ quản lý cơ bản và các giải pháp chuyên sâu theo ngành, lĩnh
vực hoạt động của doanh nghiệp.
c) Nền tảng quản trị doanh nghiệp
hợp nhất MISA AMIS (gồm tài chính - kế toán, quản lý điều hành, quản lý nhân sự,
Marketing bán hàng, kết nối ngân hàng điện tử, hóa đơn điện tử…): hỗ trợ cho
các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ sử dụng các giải pháp công nghệ tối
thiểu phải có để tổ chức hoạt động kinh doanh, phù hợp với yêu cầu hiện nay.
d) Các nhóm nền tảng số theo
Chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số được Bộ thông tin và Truyền thông phê
duyệt tại Quyết định số 337/QĐ-BTTT ngày 26/3/2021.
2. Nhiệm vụ
triển khai
a) Nhiệm vụ triển khai năm 2023
- Truyền thông, tuyên truyền
nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tiếp cận với các nền tảng số cho các
DNNVV.
- Tổ chức các lớp tập huấn, đào
tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; tư vấn, hỗ trợ các DNNVVchuyển đổi số;
tư vấn cho các lựa chọn sử dụng các nền tảng số phù hợp với nhu cầu, điều kiện
thực tế của doanh nghiệp.
- Tổ chức hội thảo, hội nghị về
chuyển đổi số; giới thiệu các nền tảng số phù hợp cho DNNVV.
- Hỗ trợ các DNNVV ứng dụng các
nền tảng số vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
b) Nhiệm vụ triển khai thực hiện
năm 2024 - 2025
- Tiếp tục đẩy mạnh truyền
thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tiếp cận với các nền tảng
số cho các DNNVV.
- Tổ chức các lớp tập huấn, đào
tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; tư vấn, hỗ trợ các DNNVV chuyển đổi số;
tư vấn cho các lựa chọn sử dụng các nền tảng số phù hợp với nhu cầu, điều kiện
thực tế của doanh nghiệp.
- Tổ chức hội thảo, hội nghị về
chuyển đổi số; giới thiệu các nền tảng số phù hợp cho DNNVV.
- Hỗ trợ theo quy định các
DNNVV ứng dụng các nền tảng số vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Tuyên truyền, lan tỏa các
doanh nghiệp được hỗ trợ thành công lựa chọn và sử dụng các nền tảng số phù hợp
với nhu cầu, điều kiện thực tế của các doanh nghiệp.
- Tổng kết công tác triển khai
hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh lựa chọn và sử dụng các nền tảng số.
3. Giải
pháp thực hiện
a) Truyền thông, tuyên truyền
nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tiếp cận với các nền tảng số cho các
DNNVV:
- Sản xuất ấn phẩm, tài liệu
(dưới dạng sách điện tử), tin bài, phóng sự, video clip,... truyền thông về
chuyển đổi số trong doanh nghiệp; ứng dụng các nền tảng số vào hoạt động sản xuất
kinh doanh.
- Thường xuyên thông tin, truyền
thông, tuyên truyền, quảng bá về các hoạt động và nội dung của chuyển đổi số
trong doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet, phương
tiện điện tử (màn hình LED) và hệ thống thông tin cơ sở nhằm nâng cao nhận thức
của cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi số.
- Vận động các DNNVV tham gia
chuyển đổi số, lựa chọn sử dụng các nền tảng số phù hợp với nhu cầu, điều kiện
thực tế của doanh nghiệp.
b) Tổ chức các lớp tập huấn,
đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; tư vấn, hỗ trợ các DNNVV chuyển đổi
số:
- Tổ chức đào tạo, nâng cao nhận
thức cho các DNNVV về chuyển đổi số. Đào tạo, tư vấn về chiến lược, kế hoạch
chuyển đổi số cho các DNNVV.
- Tập huấn, hướng dẫn về lựa chọn,
đăng ký, triển khai và sử dụng các nền tảng số; tổ chức các chương trình tập huấn,
đào tạo kỹ năng sử dụng và khai thác hiệu quả các nền tảng số.
- Triển khai các giải pháp hỗ
trợ các DNNVV sử dụng các nền tảng số.
c) Tổ chức hội thảo, hội nghị về
chuyển đổi số cho DNNVV
- Tổ chức hoặc phối hợp với các
bộ, ngành; các cơ quan, đơn vị, các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
tổ chức hội thảo, hội nghị về chuyển đổi số cho các DNNVV.
- Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia
Kế hoạch trải nghiệm các nền tảng số; tổ chức các sự kiện, hội thảo giới thiệu,
quảng bá về các giải pháp, nền tảng xuất sắc hỗ trợ cho các DNNVV tham gia.
d) Hỗ trợ các DNNVV ứng dụng
các nền tảng số vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Thống kê, kiểm tra, đánh giá
hiện trạng, nhu cầu và khả năng sẵn sàng tham gia chuyển đổi số tại các DNNVV
trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ DNNVV mua sắm lần đầu
một trong các nền tảng phù hợp hoạt động của doanh nghiệp phục vụ chuyển đổi số
theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV.
- Hỗ trợ các DNNVV lựa chọn các
nền tảng số phù hợp nhằm tiếp cận ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất,
kinh doanh, tìm kiếm thị trường.
IV. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
Từ nguồn ngân sách trung ương
và ngân sách địa phương được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của
các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan theo quy định của pháp luật;
huy động từ nguồn kinh phí đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân, các nguồn
tài chính hợp pháp khác theo quy định hiện hành.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Kế
hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, chịu trách nhiệm làm
đầu mối tổ chức thực hiện Kế hoạch này.
- Vận động các doanh nghiệp
cung cấp nền tảng số tham gia Kế hoạch này, cung cấp các gói hỗ trợ, ưu đãi, thử
nghiệm, đào tạo, hướng dẫn cho doanh nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan
liên quan đánh giá, lựa chọn các DNNVV sẵn sàng tham gia chương trình chuyển đổi
số trên địa bàn tỉnh.
- Trên cơ sở các nội dung, nhiệm
vụ được phân công, lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch gửi Sở Tài chính tổng
hợp, thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phân bổ kinh phí thực hiện
theo từng năm, đảm bảo việc triển khai có hiệu quả và đúng với các quy định của
pháp luật.
2. Sở Thông
tin và Truyền thông
- Chủ trì, hướng dẫn Báo Lạng
Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện
thông tin đại chúng về hoạt động của Kế hoạch này.
- Vận động các doanh nghiệp
cung cấp nền tảng số tham gia Kế hoạch này, cung cấp các gói hỗ trợ, ưu đãi, thử
nghiệm, đào tạo, hướng dẫn cho doanh nghiệp.
3. Sở Tài
chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư và các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn
kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo từng năm phù hợp với khả
năng ngân sách; hướng dẫn các đơn vị quản lý, sử dụng kinh phí theo đúng quy định
hiện hành.
4. Sở Công
Thương
Hỗ trợ các DNNVV tham gia các
sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm tiếp cận ứng dụng công nghệ số trong hoạt
động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường.
5. Các sở,
ban, ngành, UBND các huyện, thành phố
Chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức
cho các DNNVV các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả triển khai
Kế hoạch này.
6. Hiệp hội
Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn, Hội DNNVV tỉnh Lạng Sơn
- Thông tin, giới thiệu tới các
DNNVV trên địa bàn tỉnh biết và tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lựa
chọn nền tảng số theo các nội dung của Kế hoạch này.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng, nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông
tin, thương mại điện tử, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
7. Báo Lạng
Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
Tổ chức tuyên truyền về hoạt động
hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số theo Kế hoạch này.
8. Các
DNNVV trên địa bàn tỉnh
Chủ động ứng dụng công nghệ số
vào hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của doanh
nghiệp; tích cực tham gia, hưởng ứng các hoạt động thuộc Chương trình/Kế hoạch
hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của các cơ quan trung ương và của tỉnh.
(Chi tiết tại Phụ lục ban
hành kèm theo Kế hoạch này).
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban,
ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan và các doanh
nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Lạng Sơn; Đài PT-TH tỉnh;
- Hiệp hội DN tỉnh, Hội DNNVV tỉnh;
- Các doanh nghiệp BC, VT, CNTT;
- CPVP UBND tỉnh,
các phòng CV, TTPVHCC, TTTT;
- Lưu: VT, KGVX(HTHT).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Xuân Huyên
|
1 Tính đến hết
tháng 31/3/2023 trên địa bàn tỉnh có 3.790 doanh nghiệp đăng ký hoạt động,
trong đó 3.713 DNNVV.