CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 46/2024/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 04
tháng 5 năm 2024
|
NGHỊ ĐỊNH
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 99/2013/NĐ-CP NGÀY 29 THÁNG 8 NĂM
2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC SỞ HỮU
CÔNG NGHIỆP ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ
126/2021/NĐ-CP NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 2021 CỦA CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Xử lý
vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13
tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Sở hữu
trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh
doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu
trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022;
Căn cứ Luật Công
nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Cạnh
tranh ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật Doanh
nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công
nghệ;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày
29 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Nghị định
số 126/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của
Chính phủ.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy
định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi,
bổ sung một số điều theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021
của Chính phủ
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 như sau:
“1. Nghị định này quy định về các hành vi vi phạm
hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; đối tượng
bị xử phạt; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi
phạm hành chính, thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền nhận
đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, mức phạt tiền cụ
thể theo từng chức danh; thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm quyền sở hữu công
nghiệp; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp
khắc phục hậu quả trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 1a như sau:
“4. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là chi
nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức được thực
hiện theo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp
thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.”.
3. Sửa đổi, bổ sung một số điểm của Điều
3 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 như sau:
“c) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ từ 01 tháng đến 03 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có
hiệu lực thi hành.”.
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a, b và c khoản 3 như sau:
“a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa,
phương tiện kinh doanh; buộc trả lại tên miền; buộc thu hồi tên miền; buộc thay
đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp;
b) Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục
đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý;
c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái
xuất đối với hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa
lý; phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất,
kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu
tố vi phạm trên tang vật, phương tiện vi phạm;”.
c) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 3 như sau:
“đ) Buộc bổ sung chỉ dẫn về sở hữu công nghiệp;”.
d) Sửa đổi, bổ sung điểm g và h khoản 3 như sau:
“g) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
h) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực
hiện hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có căn cứ xác định số lợi bất
hợp pháp; buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật trong trường
hợp có căn cứ xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm đã bị tiêu thụ, tẩu
tán, tiêu hủy; buộc trả tiền đền bù trong trường hợp có căn cứ xác định giá
chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp,
thiết kế bố trí bị xâm phạm trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng;”.
đ) Bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Việc buộc phân phối hoặc buộc đưa vào sử dụng
không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn
địa lý quy định tại điểm b khoản 3 Điều này phải đáp ứng các điều kiện được quy
định tại Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo
vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước
về sở hữu trí tuệ.”.
4. Bổ sung Điều 3a vào sau Điều 3 như sau:
“Điều 3a. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo
đảm xử lý vi phạm hành chính
1. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm
xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Phần thứ
tư Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định tại Nghị định này.
2. Tạm giữ tên miền thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử lý vi phạm
hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 16
Điều 14 của Nghị định này.
3. Cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành
chính có thể đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt
Nam), Nhà đăng ký tên miền phối hợp, cung cấp ý kiến chuyên môn, giữ nguyên hiện
trạng tên miền trước khi tiến hành biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện được
sử dụng để vi phạm hành chính.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet
Việt Nam), Nhà đăng ký tên miền có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, người có
thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính tạm giữ tên miền, cung cấp ý kiến chuyên
môn, thực hiện giữ nguyên hiện trạng tên miền.”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Xác định giá trị tang vật, phương tiện
vi phạm làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt
1. Căn cứ xác định giá trị tang vật, phương tiện vi
phạm hành chính quy định tại Nghị định này được áp dụng dựa trên một trong các
căn cứ theo thứ tự ưu tiên quy định tại điểm a, b và c khoản 2
Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Trường hợp không thể áp dụng các căn cứ quy định
tại khoản 1 Điều này để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm làm căn
cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì người có thẩm quyền đang giải
quyết vụ việc có thể ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và
thành lập Hội đồng định giá theo quy định tại khoản 3 Điều 60
Luật Xử lý vi phạm hành chính.
3. Nguyên tắc xác định giá trị hàng hóa xâm phạm thực
hiện theo nguyên tắc quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu
công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và
quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.”.
6. Sửa đổi, bổ sung tên Điều và một số điểm của Điều 6 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tên Điều
như sau:
“Điều 6. Vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền
sở hữu công nghiệp và chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp”.
b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:
“c) Nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu không thực
hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản trong trường hợp sử dụng nhãn hiệu được
chuyển quyền trên hàng hóa, bao bì hàng hóa; chỉ dẫn sai hoặc không ghi chỉ dẫn
về hàng hóa được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.”.
c) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 như sau:
“a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa,
phương tiện kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b khoản
1 Điều này và hành vi chỉ dẫn sai về hàng hóa được sản xuất theo hợp đồng sử dụng
đối tượng sở hữu công nghiệp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;”.
d) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 như sau:
“c) Buộc bổ sung chỉ dẫn về hàng hóa được sản xuất
theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đối với hành vi không ghi chỉ
dẫn quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.”.
7. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 7 như sau:
a) Bổ sung điểm đ và e vào sau
điểm d khoản 1 như sau:
“đ) Không thông báo các khoản, mức phí, lệ phí liên
quan đến thủ tục xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cho khách hàng;
e) Lừa dối khách hàng trong việc giao kết và thực
hiện hợp đồng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp mà chưa đến mức truy cứu
trách nhiệm hình sự hoặc ép buộc khách hàng trong việc giao kết và thực hiện hợp
đồng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.”.
b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 như sau:
“c) Không thông tin hoặc thông tin không trung thực,
đầy đủ các thông báo, yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xác lập, giải
quyết tranh chấp và xử lý vi phạm về sở hữu công nghiệp trong thời hạn được yêu
cầu cho bên được đại diện, trừ trường hợp trở ngại khách quan, sự kiện bất khả
kháng;”.
c) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 như sau:
“a) Kinh doanh, hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu
công nghiệp khi không đáp ứng điều kiện kinh doanh, hành nghề theo quy định tại
Điều 154, Điều 155 Luật Sở hữu trí tuệ;”.
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:
“5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại
diện sở hữu công nghiệp từ 01 tháng đến 02 tháng đối với cá nhân vi phạm hoặc
đình chỉ từ 01 tháng đến 02 tháng một phần hoạt động kinh doanh dịch vụ đại diện
sở hữu công nghiệp đối với tổ chức vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại
điểm a, b, c, d, đ, g và i khoản 2 Điều này kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu
lực thi hành;
b) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại
diện sở hữu công nghiệp từ 02 tháng đến 03 tháng đối với cá nhân vi phạm hoặc
đình chỉ từ 02 tháng đến 03 tháng toàn bộ hoạt động kinh doanh dịch vụ đại diện
sở hữu công nghiệp đối với tổ chức vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại
điểm khoản 4 Điều này kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.”.
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Điều 9. Vi phạm quy định về niêm phong, tạm giữ
tang vật, phương tiện vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối
với hành vi không đảm bảo nguyên trạng, tháo gỡ, phá bỏ niêm phong tang vật,
phương tiện vi phạm đang bị niêm phong, tạm giữ.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
đối với hành vi thay đổi nhưng chưa tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy tang vật,
phương tiện đang được xem xét trong quá trình thanh tra, kiểm tra hoặc đang bị
niêm phong, tạm giữ.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
đối với hành vi tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy tang vật, phương tiện đang được xem
xét trong quá trình thanh tra, kiểm tra hoặc đang bị niêm phong, tạm giữ.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu tang vật,
phương tiện vi phạm đã bị thay đổi đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2
Điều này;
b) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật,
phương tiện vi phạm đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy đối với hành vi vi phạm
quy định tại khoản 3 Điều này.”.
9. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 10 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 như sau:
“a) Buôn bán; chào hàng; tàng trữ để bán; trưng bày
để bán; vận chuyển không bao gồm quá cảnh sản phẩm xâm phạm quyền đối với sáng
chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí hoặc sản phẩm được sản xuất từ quy
trình xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích;”.
b) Bổ sung khoản 13a vào sau
khoản 13 như sau:
“13a. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
đối với hành vi sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mà không
trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều
131 Luật Sở hữu trí tuệ.”.
c) Sửa đổi, bổ sung điểm a và b khoản 15 như sau:
“a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố
vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm nếu
không loại bỏ được yếu tố vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều
này;”.
d) Bổ sung điểm đ khoản 15 như sau:
“đ) Buộc trả tiền đền bù tương đương với giá chuyển
giao quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí bị xâm phạm
trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng đối với hành vi vi phạm quy định tại
khoản 13a Điều này.”.
10. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 11 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 như sau:
“a) Buôn bán; chào hàng; tàng trữ để bán; trưng bày
để bán; vận chuyển không bao gồm quá cảnh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối
với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp;”.
b) Bổ sung khoản 14a vào sau
khoản 14 như sau:
“14a. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
đối với hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy
định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 Luật Sở hữu trí tuệ.”.
c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 17 như sau:
“d) Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố
vi phạm trong tên doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến
khoản 14, khoản 15 Điều này;”.
d) Bổ sung điểm e khoản 17 như sau:
“e) Buộc trả tiền đền bù tương đương với giá chuyển
giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp bị xâm phạm trong phạm vi và thời hạn
sử dụng tương ứng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 14a Điều này.”.
11. Sửa đổi, bổ sung tên điều và một số điểm, khoản
của Điều 12 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tên Điều
như sau:
“Điều 12. Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, chào
hàng, tàng trữ để bán, trưng bày để bán, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu,
chỉ dẫn địa lý mà chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 như sau:
“a) Buôn bán; chào hàng; tàng trữ để bán; trưng bày
để bán; vận chuyển, kể cả quá cảnh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa
lý;”.
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 12 như sau:
“a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với
hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục
hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b, c khoản 13 Điều này;
b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu
hoặc hành vi đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi sản xuất,
nhập khẩu quy định tại Điều này.”.
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 13 như sau:
“a) Buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu
hoặc chỉ dẫn địa lý, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu
để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đối với
hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục
hậu quả quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản này;
b) Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục
đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đối với hành
vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu
quả quy định tại điểm c khoản này;
c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái
xuất đối với hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa
lý; phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất,
kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu
tố vi phạm đối với hành vi nhập khẩu, quá cảnh hoặc hành vi đặt hàng, giao việc,
thuê người khác thực hiện hành vi nhập khẩu, quá cảnh quy định tại Điều này;
d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực
hiện hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 10 Điều này.”.
12. Sửa đổi, bổ sung tên Điều và một số điểm Điều 13 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tên Điều
như sau:
“Điều 13. Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, cung cấp,
tàng trữ để bán, trưng bày để bán, vận chuyển tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu,
chỉ dẫn địa lý giả mạo”.
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 như sau:
“a) Buôn bán; cung cấp; tàng trữ để bán; trưng bày
để bán; vận chuyển, kể cả quá cảnh tem, nhãn, bao bì, vật phẩm mang nhãn hiệu,
chỉ dẫn địa lý giả mạo;”.
13. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 14 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 như sau:
“a) Buôn bán; tàng trữ để bán hàng hóa, dịch vụ có
gắn chỉ dẫn thương mại lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, dịch vụ gây nhầm lẫn về
chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch
vụ hoặc xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm
khác của hàng hóa, dịch vụ hoặc về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ;”.
b) Bổ sung khoản 15a vào sau
khoản 15 như sau:
“15a. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000
đồng đối với hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh theo quy định tại
Điều 127 Luật Sở hữu trí tuệ.”.
c) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 16 như sau:
“a) Chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự
gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ
dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng với dụng ý xấu hoặc lợi dụng uy tín,
danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng nhằm thu lợi
bất chính;”.
14. Sửa đổi, bổ sung tên Điều và một số khoản của Điều 15 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tên Điều
như sau:
“Điều 15. Phân định thẩm quyền xử phạt”.
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4 và 5 như sau:
“3. Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt các
hành vi vi phạm sau đây:
a) Hành vi vi phạm quy định tại Điều
12 và Điều 13 của Nghị định này trong hoạt động sản xuất, buôn bán, chào
hàng, vận chuyển, tàng trữ, trưng bày hàng hóa tại thị trường trong nước;
b) Hành vi vi phạm quy định tại các điều 6, 9, 11
và 14 của Nghị định này trong hoạt động buôn bán, chào hàng, vận chuyển, tàng
trữ, trưng bày hàng hóa, tại thị trường trong nước. Trong trường hợp xử lý hành
vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này mà xác định được cơ sở sản xuất
loại hàng hóa đó thì Quản lý thị trường có thẩm quyền tiếp tục xử lý hành vi vi
phạm tại cơ sở sản xuất.
4. Hải quan có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm
quy định tại các điều 6, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Nghị định này trong hoạt động
nhập khẩu hàng hóa, quá cảnh, hoạt động vận chuyển hàng hoá trong địa bàn hoạt
động hải quan.
5. Công an có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm
quy định tại khoản 4 Điều 8, các điều 9, 12 và 13 của Nghị
định này.”.
15. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 21a như sau:
“2. Người thuộc lực lượng Công an nhân dân đang thi
hành công vụ, nhiệm vụ; công chức, viên chức trong các cơ quan quy định từ Điều 16 đến Điều 21 Nghị định này đang thi hành công vụ, nhiệm
vụ.”.
16. Sửa đổi, bổ sung tên Chương IV như sau:
“Chương IV THỦ TỤC XỬ PHẠT HÀNH VI XÂM PHẠM QUYỀN
SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP”.
17. Sửa đổi, bổ sung Điều 22 như sau:
“Điều 22. Căn cứ để tiến hành xác minh hành vi vi
phạm hành chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
1. Việc xác minh để xác định hành vi vi phạm hành
chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được tiến hành khi có một trong các căn
cứ sau đây:
a) Yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền của chủ thể
quyền sở hữu công nghiệp;
b) Kết quả kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm
quyền xử lý vi phạm hành chính;
c) Kiến nghị của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc
có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở
hữu công nghiệp gây ra;
d) Thông tin được cung cấp bởi các cá nhân, tổ chức
phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại cho người
tiêu dùng hoặc cho xã hội, hành vi vi phạm liên quan đến hàng hóa, tem, nhãn, vật
phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo.
2. Các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp quy định tại
điểm a khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp bị thiệt hại do
hành vi xâm phạm bao gồm cả tổ chức được trao thẩm quyền quản lý chỉ dẫn địa lý
được bảo hộ tại Việt Nam;
b) Người có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công
nghiệp bị thiệt hại do hành vi xâm phạm, nếu không bị chủ sở hữu công nghiệp hạn
chế quyền yêu cầu xử lý xâm phạm.
3. Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm nêu tại điểm
b khoản 1 Điều này có trách nhiệm chủ động kiểm tra, thanh tra, phát hiện và phối
hợp với chủ thể quyền sở hữu công nghiệp xác minh hành vi vi phạm hành chính
liên quan đến các đối tượng sau đây:
a) Hàng hóa, tem, nhãn, bao bì, vật phẩm khác mang
nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo;
b) Hàng hóa, dịch vụ vi phạm liên quan đến lương thực,
thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú
y, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, phương tiện giao thông, hóa chất
dùng trong y tế, nông nghiệp, môi trường và những mặt hàng khác do người có thẩm
quyền xác định theo nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất.”.
18. Sửa đổi, bổ sung Điều 23 như sau:
“Điều 23. Ủy quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm
quyền sở hữu công nghiệp
1. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 22 của Nghị định này trực tiếp nộp đơn yêu cầu xử
lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hoặc ủy quyền cho người đứng đầu văn phòng
đại diện, chi nhánh, đại lý của mình hoặc đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt
Nam nộp đơn.
2. Việc ủy quyền phải được làm bằng văn bản dưới
hình thức giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền.
Văn bản ủy quyền phải có các nội dung chủ yếu sau
đây: Tên, địa chỉ đầy đủ của bên ủy quyền và bên được ủy quyền; Phạm vi ủy quyền;
Thời hạn ủy quyền; Ngày lập văn bản ủy quyền; Chữ ký, con dấu (nếu có) của bên ủy
quyền; Chữ ký, con dấu (nếu có) của bên nhận ủy quyền trong trường hợp là hợp đồng
ủy quyền.
Văn bản ủy quyền của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam
phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp của bên ủy quyền và con dấu xác nhận
của bên ủy quyền, nếu có con dấu đăng ký hợp pháp.
Văn bản ủy quyền của tổ chức, cá nhân nước ngoài phải
có xác nhận của công chứng hoặc chính quyền địa phương hoặc lãnh sự quán, hoặc
hình thức khác được coi là hợp pháp theo quy định của pháp luật tại nơi lập văn
bản ủy quyền.
3. Văn bản ủy quyền nộp kèm theo đơn yêu cầu xử lý
xâm phạm phải là bản chính. Văn bản ủy quyền làm bằng tiếng nước ngoài thì phải
nộp kèm theo bản dịch sang tiếng Việt có chứng thực của chính quyền địa phương
hoặc có cam kết và xác nhận của đại diện sở hữu công nghiệp là bên nhận ủy quyền.
Trường hợp văn bản ủy quyền là bản sao của bản
chính văn bản ủy quyền đã nộp trong hồ sơ trước đó cho cùng cơ quan xử lý xâm
phạm thì cũng được coi là hợp lệ, với điều kiện người nộp đơn phải chỉ rõ số hồ
sơ đã nộp và bản gốc văn bản ủy quyền được chỉ dẫn vẫn đang có hiệu lực và đúng
nội dung ủy quyền.
4. Giấy ủy quyền có giá trị trong thủ tục xác lập
quyền theo quy định tại Điều 107 Luật Sở hữu trí tuệ có ghi
rõ nội dung ủy quyền bao gồm thủ tục thực thi, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp
tại Việt Nam thì cũng có giá trị pháp lý trong thủ tục yêu cầu xử lý xâm phạm
quyền theo quy định tại Nghị định này.
5. Thời hạn ủy quyền được xác định theo thời hạn
ghi trong văn bản ủy quyền. Trong trường hợp giấy ủy quyền không ghi rõ thời hạn
thì thời hạn ủy quyền được xác định theo quy định tại khoản 3
Điều 107 Luật Sở hữu trí tuệ.”.
19. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau:
“Điều 25. Tiếp nhận và xem xét Đơn yêu cầu xử lý
xâm phạm trong xử phạt vi phạm hành chính
1. Đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu xử
lý xâm phạm thực hiện theo quy định tại các điều 89, 90, 91, 92 Nghị định quy định
chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền
đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Đối với trường hợp
gửi đơn yêu cầu đến nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền, đơn yêu cầu phải nêu rõ
tên các cơ quan nhận đơn.
Khi thực hiện yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền
sở hữu công nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 211 Luật Sở
hữu trí tuệ, người yêu cầu xử lý xâm phạm phải nêu rõ tính chất, mức độ vi
phạm trong đơn yêu cầu xử lý xâm phạm và cung cấp các tài liệu, chứng cứ.
2. Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu công
nghiệp được nộp cho cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền quy định tại khoản 3 Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ. Khi nhận được đơn yêu cầu
xử lý xâm phạm, cơ quan nhận đơn có trách nhiệm xác định thẩm quyền xử lý xâm
phạm quyền, nếu yêu cầu xử lý xâm phạm quyền thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan
khác thì hướng dẫn người nộp đơn thực hiện việc nộp đơn tại cơ quan có thẩm quyền
hoặc chuyển đơn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn 10 ngày, kể
từ ngày nhận đơn.
3. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc tiến hành
xem xét đơn yêu cầu xử lý xâm phạm theo quy định sau đây:
a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp
nhận đơn yêu cầu xử lý xâm phạm, cơ quan giải quyết đơn có trách nhiệm xem xét
tính hợp lệ của đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo;
b) Trường hợp tài liệu, chứng cứ do người nộp đơn
cung cấp chưa đầy đủ, thì cơ quan giải quyết đơn yêu cầu người nộp đơn bổ sung
tài liệu, chứng cứ hoặc giải trình trong thời hạn tối đa là 30 ngày, kể từ ngày
yêu cầu;
c) Cơ quan giải quyết đơn có thể yêu cầu người bị
yêu cầu xử lý xâm phạm cung cấp thông tin, chứng cứ, giải trình trong thời hạn
30 ngày, kể từ ngày yêu cầu, đối với trường hợp đã lập biên bản vi phạm hành
chính thì bên bị yêu cầu xử lý thực hiện quyền giải trình theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; trưng cầu ý kiến
chuyên môn của cơ quan nhà nước về sở hữu công nghiệp hoặc yêu cầu giám định sở
hữu công nghiệp để làm rõ các tình tiết của vụ việc;
d) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ
đáp ứng yêu cầu, cơ quan giải quyết đơn ra văn bản thụ lý vụ việc và thông báo
cho tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý xâm phạm về dự định thời gian, thủ tục, biện
pháp xử lý và yêu cầu hợp tác, hỗ trợ của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp
trong thanh tra, kiểm tra, xác minh và xử lý xâm phạm quyền.
4. Trường hợp có phát sinh khiếu nại, tranh chấp về
quyền đăng ký, quyền sở hữu, quyền yêu cầu xử lý xâm phạm, điều kiện bảo hộ, phạm
vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp liên quan sau khi đơn yêu cầu xử lý xâm phạm
được thụ lý thì cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ việc thực hiện các biện pháp xử
lý sau đây:
a) Yêu cầu các bên liên quan thực hiện thủ tục yêu
cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp tại cơ quan có thẩm quyền trong thời
hạn 10 ngày, kể từ ngày ghi nhận việc phát sinh tranh chấp;
b) Yêu cầu cơ quan nhà nước về sở hữu công nghiệp
làm rõ về tình trạng pháp lý của quyền sở hữu công nghiệp đang có khiếu nại, tố
cáo, tranh chấp. Cơ quan nhà nước về sở hữu công nghiệp cung cấp văn bản làm rõ
về tình trạng pháp lý của quyền sở hữu công nghiệp đang có khiếu nại, tố cáo,
tranh chấp trong thời gian không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận văn bản trả
lời của cơ quan nhà nước về sở hữu công nghiệp, cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ
việc có trách nhiệm trả lời người yêu cầu xử phạt về việc tiến hành thủ tục xử
lý xâm phạm hoặc từ chối yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
5. Quyền và trách nhiệm của người bị yêu cầu xử lý
xâm phạm quyền:
a) Trong quá trình xử lý vụ việc, bên bị yêu cầu xử
lý có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của người có thẩm quyền cung cấp thông tin,
tài liệu, chứng cứ, giải trình, làm việc với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết
vụ việc trong trường hợp không đồng ý với bên yêu cầu xử lý xâm phạm quyền;
b) Bên bị yêu cầu xử lý có thể ủy quyền cho tổ chức,
cá nhân khác đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 23 của Nghị
định này đại diện cho mình thực hiện các công việc nêu tại điểm a khoản
này;
c) Để chứng minh hành vi không xâm phạm quyền đối với
sáng chế, giải pháp hữu ích là quy trình, người bị yêu cầu xử lý có thể chứng
minh sản phẩm bị cho là được sản xuất từ quy trình xâm phạm quyền đối với sáng
chế, giải pháp hữu ích trong thực tế không được sản xuất từ quy trình được bảo
hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, tuân theo các điều kiện tương ứng quy định tại khoản 4 Điều 203 Luật Sở hữu trí tuệ;
6. Trách nhiệm của người yêu cầu xử lý xâm phạm
theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp,
bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà
nước về sở hữu trí tuệ.”.
20. Sửa đổi, bổ sung Điều 28 như sau:
“Điều 28. Từ chối, dừng xử lý đơn yêu cầu xử lý
xâm phạm trong xử phạt vi phạm hành chính
1. Cơ quan giải quyết đơn từ chối thụ lý đơn trong
các trường hợp sau đây:
a) Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm được nộp khi đang có
phát sinh khiếu nại, tranh chấp về quyền đăng ký, quyền sở hữu, quyền yêu cầu xử
lý xâm phạm, điều kiện bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;
b) Người yêu cầu xử lý xâm phạm không đáp ứng yêu cầu
của cơ quan giải quyết đơn về giải trình, bổ sung chứng cứ chứng minh tư cách
chủ thể quyền sở hữu công nghiệp và chứng minh xâm phạm trong thời hạn quy định
tại điểm b khoản 3 Điều 25 của Nghị định này;
c) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Trường
hợp đủ điều kiện áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì thực hiện theo quy định
của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
d) Kết quả xác minh của cơ quan giải quyết đơn cho
thấy không có xâm phạm như mô tả trong đơn yêu cầu xử lý xâm phạm;
đ) Có kết luận, quyết định hoặc thông báo của cơ
quan có thẩm quyền về việc không đủ căn cứ để tiến hành thủ tục xử lý xâm phạm;
e) Hành vi bị đề nghị xử lý trong đơn yêu cầu không
phải là hành vi vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định này;
g) Đơn yêu cầu đã được cơ quan khác thụ lý giải quyết
trong trường hợp đơn được gửi tới nhiều cơ quan cùng thẩm quyền xử lý.
2. Người thụ lý đơn yêu cầu xử lý xâm phạm phải dừng
xử lý đơn trong các trường hợp sau đây:
a) Có phát sinh khiếu nại, tranh chấp sau khi đã thụ
lý đơn và phải chờ kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại
khoản 4 Điều 25 của Nghị định này;
b) Chưa có đủ căn cứ xác định hành vi xâm phạm sau
khi đã thụ lý đơn;
c) Người nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm có văn bản
rút yêu cầu xử lý xâm phạm hoặc đề nghị dừng xử lý vụ việc, trừ trường hợp quy
định tại khoản 3 Điều này.
3. Trường hợp có căn cứ xác định hành vi xâm phạm
là vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt vẫn tiến hành thủ tục xử
phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm đó, mặc dù nhận được thông báo
rút yêu cầu xử lý xâm phạm hoặc đề nghị dừng xử lý vụ việc quy định tại điểm c
khoản 2 Điều này.”.
21. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 31 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay đổi tên
doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp
a) Trường hợp người có thẩm quyền ra quyết định xử
phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
trong đó có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi tên doanh nghiệp
hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp thì cơ quan có thẩm quyền
xử lý vi phạm gửi quyết định cho các bên liên quan và Cơ quan đăng ký kinh
doanh để biết. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm
hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả có hiệu lực thi
hành, doanh nghiệp vi phạm có trách nhiệm tiến hành thay đổi tên doanh nghiệp,
loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp;
b) Trường hợp doanh nghiệp vi phạm không tiến hành
thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp
thì bị cưỡng chế thi hành. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời
hạn thi hành quyết định nêu tại điểm a khoản này, cơ quan có thẩm quyền xử lý
vi phạm thông báo cho Cơ quan đăng ký kinh doanh để phối hợp xử lý.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được
thông báo của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm, Cơ quan đăng ký kinh doanh
ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp báo cáo giải trình và xử lý theo quy định tại
điểm c khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp;
c) Trách nhiệm, phối hợp xử lý tên doanh nghiệp xâm
phạm quyền sở hữu công nghiệp:
Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm
cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu theo quy định và phối hợp với các cơ quan
có thẩm quyền trong quá trình xử lý tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công
nghiệp.
Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ
sở chính có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý yêu cầu thay đổi tên doanh nghiệp theo
đề nghị của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hoặc chủ thể quyền sở hữu công
nghiệp; yêu cầu doanh nghiệp báo cáo giải trình theo quy định của Luật Doanh nghiệp khi nhận được thông báo của
cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.”.
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại tên miền
a) Trong trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu
quả là buộc trả lại tên miền thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiến hành thủ
tục trả lại tên miền tại cơ quan quản lý tên miền trong thời hạn 30 ngày kể từ
ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc
phục hậu quả có hiệu lực thi hành;
b) Sau thời hạn nêu trên nếu tổ chức, cá nhân vi phạm
không tiến hành thủ tục trả lại tên miền thì bị cưỡng chế buộc thu hồi tên miền;
c) Cơ quan quản lý tên miền, Nhà đăng ký tên miền
có trách nhiệm thu hồi tên miền để thi hành quyết định cưỡng chế nêu tại điểm b
khoản này.
Nhà đăng ký tên miền có trách nhiệm thông báo việc
thu hồi tên miền cho chủ thể đăng ký sử dụng tên miền, thực hiện nghiệp vụ thu
hồi tên miền và gửi văn bản báo cáo cho cơ quan quản lý tên miền sau khi hoàn tất
việc thu hồi tên miền.”.
c) Bổ sung các khoản 5, 6, 7,
8, 9 như sau:
“5. Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính
có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc
buộc tái xuất tang vật, phương tiện vi phạm hành chính mà tổ chức, cá nhân vi
phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế buộc tiêu hủy tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc phân phối hoặc
đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu
hoặc chỉ dẫn địa lý thực hiện như sau:
Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải phân phối
hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo
nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật; nêu cá nhân, tổ chức
vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc bổ sung chỉ dẫn
về sở hữu công nghiệp thực hiện như sau:
Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải bổ sung chỉ
dẫn về sở hữu công nghiệp trên hàng hóa, bao bì, tem nhãn hàng hóa theo quy định
của pháp luật; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện
thì bị cưỡng chế thực hiện.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại giấy tờ,
tài liệu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm
quyền đã cấp các loại giấy tờ, tài liệu đó thực hiện như sau:
Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải nộp lại giấy
tờ, tài liệu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có
thẩm quyền đã cấp các loại giấy tờ, tài liệu đó theo quy định của pháp luật;
nêu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng
chế thực hiện.
9. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả tiền đền bù
tương đương giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu
dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bị xâm phạm trong phạm vi và thời hạn sử dụng
tương ứng thực hiện như sau:
Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải trả tiền đền
bù tương đương giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu
dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bị xâm phạm cho chủ sở hữu sử dụng sáng chế,
giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bị xâm phạm; nếu cá
nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực
hiện.”.
Điều 2. Bổ sung, thay thế, bãi
bỏ cụm từ, điểm, khoản, điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm
2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu
công nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số
126/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ
1. Bổ sung cụm từ “và các hoạt động khác làm ra”
vào sau cụm từ “đóng gói” tại điểm a khoản 13 Điều 10, điểm a
khoản 13 Điều 11, điểm a khoản 10 Điều 12.
2. Thay thế cụm từ “buộc thay đổi thông tin tên miền
hoặc trả lại tên miền” thành cụm từ “buộc trả lại tên miền” tại điểm
c khoản 18 Điều 14; cụm từ “Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham
nhũng, kinh tế, buôn lậu thuộc Công an cấp tỉnh” thành cụm từ “Trưởng phòng Cảnh
sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường thuộc Công
an cấp tỉnh” tại khoản 2 Điều 20.
3. Bãi bỏ quy định tại điểm e khoản
3 Điều 3, điểm b khoản 2 Điều 6; điểm h khoản 2 Điều 7; điểm
c khoản 15 Điều 10; khoản 16, điểm c khoản 17 Điều 11; điểm a khoản 15, khoản
17 Điều 14; khoản 5 Điều 20; Điều 24; Điều 26; Điều 27; điểm d khoản 2 Điều 28.
Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực
hiện
1. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc thực hiện
Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị định này.
Điều 4. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 7 năm 2024.
2. Điều khoản chuyển tiếp:
Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở
hữu công nghiệp xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó
mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng Nghị định của Chính
phủ về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi
vi phạm để xử lý, trừ trường hợp Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp
lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi đã xảy ra thì áp dụng
các quy định của Nghị định này để xử lý.
Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được
ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực
thi hành mà tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp
dụng quy định của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 của Chính
phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được
sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12
năm 2021 của Chính phủ để xem xét, giải quyết.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2).
|
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trần Lưu Quang
|