QUY ĐỊNH
VỀ
LỄ TÂN ĐỐI NGOẠI ĐẢNG
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung
ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XII;
- Căn cứ: Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động
đối ngoại (ban hành kèm theo Quyết định số 272-QĐ/TW, ngày 21/01/2015 của Bộ
Chính trị khóa XI)
- Ban Bí thư ban hành Quy định về lễ tân đối ngoại
đảng như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều
chỉnh
Lễ tân đối ngoại đảng là tổng thể các quy tắc và biện
pháp lễ tân được áp dụng trong hoạt động đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam;
quy định những nội dung cơ bản và các biện pháp lễ tân áp dụng cho việc đón các
đoàn khách nước ngoài vào thăm, tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài, tiếp
khách quốc tế và một số hoạt động đối ngoại khác của Đảng.
Điều 2. Nguyên tắc lễ tân đối
ngoại đảng
1. Bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương đối
ngoại của Đảng, Nhà nước và luật pháp Việt Nam, luật pháp và thông lệ quốc tế;
bảo đảm thống nhất giữa lễ tân đối ngoại đảng với lễ tân ngoại giao nhà nước và
tương xứng với vị thế Đảng lãnh đạo, cầm quyền trong hệ thống chính trị.
2. Các biện pháp lễ tân đối ngoại đối với hoạt động
của đồng chí Tổng Bí thư là chuẩn mực lễ tân đối ngoại cao nhất đối với các đồng
chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
3. Hữu nghị, bình đẳng, đối đẳng; căn cứ vào tính
chất, mức độ quan hệ giữa Đảng ta với từng đối tác, thực tiễn hoạt động đối ngoại,
trong trường hợp đặc biệt có thể có biệt lệ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính
trị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.
Điều 3. Giải thích một số từ ngữ
áp dụng trong hoạt động đối ngoại đảng
- “Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước” gồm
các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội;
“Lãnh đạo Đảng, Nhà nước” gồm lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các
đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó
Thủ tướng Chính phủ và Phó Chủ tịch Quốc hội. “Lãnh đạo Đảng” gồm đồng
chí Tổng Bí thư, đồng chí Thường trực Ban Bí thư và các đồng chí Ủy viên Bộ
Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.
- “Cán bộ cấp cao của Đảng” là những người
giữ chức vụ từ phó trưởng ban đảng và tương đương trở lên.
- “Hoạt động đối ngoại của Trung ương Đảng”
là hoạt động đối ngoại được Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Thường trực Ban Bí
thư phân công, ủy quyền tiến hành nhân danh, thay mặt Đảng.
- “Hoạt động đối ngoại của cơ quan, tổ chức đảng”
là các hoạt động đối ngoại do các cơ quan, tổ chức đảng tiến hành nhằm thực hiện
chức trách, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức mình theo quy định về chức năng, nhiệm
vụ.
- “Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước”
do lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước dẫn đầu; “Đoàn đại biểu Đảng và Nhà
nước” do lãnh đạo Đảng và Nhà nước dẫn đầu.
- “Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng” là đoàn đại
biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh đạo Đảng dẫn đầu; “Đoàn đại biểu Đảng Cộng
sản Việt Nam” là đoàn được cấp có thẩm quyền phân công, ủy quyền thay mặt Đảng
tham dự các hoạt động đối ngoại.
- “Đoàn đại biểu/đoàn công tác của cơ quan, tổ
chức đảng” là đoàn do các cơ quan, tổ chức đảng chủ trì cử tham dự các hoạt
động đối ngoại của cơ quan, tổ chức đó theo quy định.
- “Thăm cấp nhà nước”, “thăm chính thức”, “thăm
làm việc” là các danh nghĩa được áp dụng để chỉ tính chất, mức độ của các
chuyến thăm làm việc tại nước ngoài của các đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà
nước ta và các chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến việt Nam trên cơ sở thỏa
thuận giữa các cấp có thẩm quyền của hai nước; “thăm nội bộ” là chuyến
thăm làm việc không đưa tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng (trường
hợp đặc biệt cần đưa tin do Thường trực Ban Bí thư quyết định). “Thăm cá
nhân” là chuyến thăm, tham quan, nghỉ dưỡng, khám, chữa bệnh v.v... với
danh nghĩa cá nhân.
- “Hội đàm” là cuộc làm việc giữa lãnh đạo đồng
cấp của hai bên để trao đổi các nội dung của chuyến thăm.
- “Hội kiến” là cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo
phía nước ngoài với lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta.
Điều 4. Một số quy định lễ tân
chung
1. Thứ tự lễ tân
Thứ tự lễ tân trong các hoạt động đối ngoại đảng được
sắp xếp theo nguyên tắc chức vụ từ cao xuống thấp; đối với các trường hợp có chức
vụ tương đương thì ưu tiên chức vụ đảng, vị trí công tác đối ngoại và đối tác của
khách.
2. Hình thức ngồi hội đàm, hội kiến
Hội đàm: Hai đoàn đại biểu ngồi đối diện hai
phía bàn hội đàm; hai trưởng đoàn ngồi ở vị trí giữa, trung tâm của mỗi bên,
các thành viên ngồi hai bên trưởng đoàn theo thứ tự lễ tân.
Hội kiến: Lãnh đạo chủ trì tiếp khách và trưởng
đoàn khách ngồi ở vị trí trung tâm trước phông chính phía trên; các thành viên
hai đoàn đại biểu ngồi đối diện hai phía theo hình thức xa-lông; phía dưới theo
thứ tự lễ tân (trường hợp đặc biệt, có thể bố trí ngồi theo hình thức hội đàm,
căn cứ vào đề án đón đoàn được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở thống nhất
với phía khách).
3. Sử dụng Quốc kỳ
- Trang trí Quốc kỳ đối với các chuyến thăm cấp nhà
nước, thăm chính thức; có thể trang trí Quốc kỳ đối với chuyến thăm làm việc của
đoàn các đảng cầm quyền, tham chính và các trường hợp khác.
- Chỉ bố trí Quốc kỳ nước ngoài khi quốc gia đó đã
thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam và phải bố trí cùng với Quốc
kỳ Việt Nam; đặt Quốc kỳ Việt Nam ở bên phải, Quốc kỳ nước khách ở bên trái
theo hướng nhìn từ ngoài vào hoặc từ dưới lên.
- Treo Quốc kỳ nước ngoài cùng với Quốc kỳ Việt Nam
trên cột cờ chính tại địa điểm tổ chức lễ đón chính thức và hội đàm chính thức
tại trụ Sở nơi khách đến thăm; bố trí Quốc kỳ nước ngoài cùng với Quốc kỳ Việt
Nam tại nơi ở của trưởng đoàn khách và tại các phòng khánh tiết, hội đàm, hội
kiến, họp báo, ký kết, chiêu đãi...
- Tại hội đàm, lễ ký kết, họp báo, chiêu đãi chính
thức cắm Quốc kỳ hai nước xen kẽ hoặc hai bên trước phông chính và đặt trên bàn
theo phía ngồi của mỗi bên. Tại hội kiến, Quốc kỳ hai nước được cắm trước phông
chính phía trên, có thể đặt thêm Quốc kỳ cỡ nhỏ trên bàn giữa hoặc trước chỗ ngồi
của chủ và khách chính; cờ mỗi nước bố trí theo phía ngồi của mỗi bên.
Chương II
ĐÓN ĐOÀN CÁC ĐẢNG NƯỚC
NGOÀI THĂM, LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM
Điều 5. Các biện pháp lễ tân đón, tiếp đoàn các đảng nước ngoài
thăm, làm việc tại Việt Nam cần bảo đảm trọng thị, chu đáo, phù hợp, tương xứng
với vị trí của khách và đảng nước ngoài, với mức độ quan hệ với Đảng ta, có
tính tới yếu tố đối đẳng trong quan hệ song phương.
Điều 6. Đón đoàn người đứng đầu
đảng cầm quyền thăm Việt Nam
- Thăm cấp nhà nước, thăm chính thức: Trường hợp
người đứng đầu đảng cầm quyền là nguyên thủ hoặc lãnh đạo các nước thăm cấp nhà
nước, thăm chính thức, áp dụng các biện pháp lễ tân, nghi thức tương ứng theo
quy định của nghi lễ ngoại giao nhà nước.
Mỗi chuyến thăm chỉ thực hiện một cuộc hội đàm
chính thức. Trường hợp cần thiết, ngoài hội đàm chính thức, có thể có thêm hội
đàm hẹp hoặc các hình thức tiếp xúc khác.
Căn cứ vào mức độ quan hệ với đối tác, tính chất,
yêu cầu, điều kiện cụ thể của chuyến thăm và theo thỏa thuận giữa hai bên, có
thể bố trí để trưởng đoàn khách hội kiến với các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác
của Đảng và Nhà nước ta.
- Thăm làm việc: Thực hiện đón tiếp như đối với
thăm chính thức, nhưng không tổ chức lễ đón chính thức, không tổ chức tiệc
chiêu đãi chính thức.
- Thăm nội bộ: Thực hiện đón tiếp như đối với thăm
làm việc, nhưng bố trí hẹp hơn về thành phần tham dự các hoạt động và không đưa
tin về chuyến thăm.
- Căn cứ vào tính chất của chuyến thăm và đề án
chuyến thăm để bố trí người chủ trì và cơ quan chủ trì đón đoàn phù hợp đối với
từng chuyến thăm.
Điều 7. Các biện pháp lễ tân cụ thể áp dụng cho việc đón đoàn các đảng
thăm Việt Nam được quy định tại Phụ lục chi tiết kèm theo.
Chương III
TỔ CHỨC CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU
CẤP CAO ĐI CÔNG TÁC NƯỚC NGOÀI
Điều 8. Danh nghĩa chuyến thăm
- Tổng Bí thư thăm cấp nhà nước, thăm chính thức,
thăm làm việc, thăm nội bộ hoặc thăm cá nhân các nước.
- Các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng thăm chính thức,
thăm làm việc, thăm nội bộ hoặc thăm cá nhân các nước.
Danh nghĩa chuyến thăm do Ban Đối ngoại Trung ương
chủ trì thỏa thuận với cấp có thẩm quyền của nước đến căn cứ vào tính chất, nội
dung chuyến thăm trên cơ sở đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 9. Tổ chức tiễn, đón các
đoàn đại biểu cấp cao của Đảng đi công tác nước ngoài
Các biện pháp lễ tân cụ thể áp dụng cho việc tổ chức
tiễn, đón đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Thường trực Ban Bí thư, các đồng chí Ủy
viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đi công tác nước ngoài được quy định tại Phụ lục
chi tiết kèm theo.
Điều 10. Thu xếp lễ tân ở nước
ngoài
- Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ
Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam phụ trách nước đến và các cơ
quan liên quan làm việc với phía đối tác để bảo đảm các biện pháp lễ tân phù hợp
với vị trí của trưởng đoàn, tính chất, danh nghĩa, yêu cầu của chuyến thăm, mức
độ quan hệ song phương, thông lệ quốc tế và quy định của nước sở tại.
- Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì tổ chức tiền trạm,
xây dựng chương trình, đề án lễ tân và đề án tặng phẩm đối với các chuyến thăm
nước ngoài của Tổng Bí thư, xây dựng chương trình, đề án tặng phẩm đối với các
chuyến thăm nước ngoài của các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng.
Chương IV
LÃNH ĐẠO ĐẢNG TIẾP KHÁCH
QUỐC TẾ
Điều 11. Thu xếp việc lãnh đạo
Đảng tiếp khách quốc tế
1. Lãnh đạo Đảng tiếp khách quốc tế của Trung ương
Đảng
- Các cơ quan, tổ chức Việt Nam có nhu cầu hoặc khi
được đối tác yêu cầu, liên hệ với Ban Đối ngoại Trung ương để trao đổi về việc
kiến nghị lãnh đạo Đảng tiếp khách quốc tế phù hợp với quan hệ đối ngoại và các
quy định của Đảng.
- Ban Đối ngoại Trung ương là đầu mối tiếp nhận, xử
lý các đề xuất, kiến nghị việc lãnh đạo Đảng hoặc phân công, ủy quyền để các đồng
chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thay mặt lãnh đạo Đảng tiếp khách quốc tế; chịu
trách nhiệm chủ trì, thu xếp, chuẩn bị nội dung tiếp khách, bố trí phiên dịch
và đưa tin lãnh đạo Đảng tiếp khách quốc tế (nếu có).
- Các cơ quan, tổ chức chủ trì đón khách chịu trách
nhiệm cung cấp các thông tin cần thiết về phía khách và quan hệ đối ngoại với
phía khách, đề xuất kiến nghị nội dung trao đối với khách cho Ban Đối ngoại
Trung ương, báo cáo lãnh đạo trước khi tiếp, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung
ương hướng dẫn, bố trí cho khách đến chào, hội kiến lãnh đạo theo đúng các quy
định về lễ tân.
2. Tiếp khách quốc tế của cơ quan, tổ chức đảng
Trường hợp các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban
Bí thư tiếp khách quốc tế về công việc của riêng cơ quan được phân công phụ
trách thì cơ quan đó có trách nhiệm trao đổi, thống nhất với Ban Đối ngoại
Trung ương để thu xếp, chuẩn bị nội dung theo yêu cầu của lãnh đạo (bao gồm cả
việc đưa tin và nội dung đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu
cần thiết).
Điều 12. Tổ chức tiếp khách quốc
tế của lãnh đạo Đảng
Các biện pháp lễ tân cụ thể áp dụng cho việc tổ chức
phục vụ Tổng Bí thư, đồng chí Thường trực Ban Bí thư, các đồng chí Ủy viên Bộ
Chính trị, Ban Bí thư tiếp khách quốc tế được quy định tại Phụ lục chi tiết kèm
theo.
Chương V
MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC
Điều 13. Việc xử lý thư, điện
mừng, chia buồn, thăm hỏi và các văn bản có tính chất lễ tân khác
1. Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ
Ngoại giao kiến nghị, trình Tổng Bí thư duyệt điện mừng, thăm hỏi, cảm ơn của Tổng
Bí thư gửi nguyên thủ một số nước, người đứng đầu một số đảng đặc biệt quan trọng;
trình đồng chí Thường trực Ban Bí thư duyệt điện mừng, thư thăm hỏi, cảm ơn của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của đồng chí Thường trực Ban Bí thư gửi các đảng,
lãnh đạo các đảng, các đối tác quan trọng và chính khách các nước nhân dịp các
sự kiện quan trọng như quốc khánh, kỷ niệm ngày thành lập đảng, kỷ niệm ngày
thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam hoặc nhân dịp đại hội đảng, cá nhân
được bầu nhiệm kỳ mới...
2. Đối với các đảng, các đối tác khác, đồng chí Trưởng
Ban Đối ngoại Trung ương tiếp nhận, xử lý và duyệt thư, điện chúc mừng, chia buồn,
thăm hỏi của Ban Đối ngoại Trung ương gửi hoặc trả lời các đảng, lãnh đạo các đảng,
các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; định
kỳ hằng tháng tổng hợp, báo cáo Thường trực Ban Bí thư.
Điều 14. Tham dự các hoạt động
đối ngoại khác tổ chức tại Việt Nam
Ban Đối ngoại Trung ương là đầu mối tiếp nhận thông
tin, phối hợp với Bộ Ngoại giao đề xuất, kiến nghị việc lãnh đạo Đảng, lãnh đạo
các cơ quan đảng ở Trung ương tham dự các hoạt động chiêu đãi, tiếp tân của các
cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức quốc tế và các hoạt động đối ngoại khác
được tổ chức tại Việt Nam. Trường hợp cần thiết, Ban Đối ngoại Trung ương báo
cáo, xin ý kiến đồng chí Thường trực Ban Bí thư phân công đại diện thay mặt Đảng
ta tham dự các hoạt động đối ngoại tổ chức tại Việt Nam.
Điều 15. Bố trí xe mô-tô hộ tống,
xe cảnh sát dẫn đường
1. Đối với xe của người đứng đầu đảng cầm quyền của
các nước láng giềng có chung đường biên giới và các nước xã hội chủ nghĩa thăm
cấp nhà nước, thăm chính thức có 8 mô-tô hộ tống; có xe cảnh sát dẫn đường.
Mô-tô hộ tống chỉ áp dụng trong các hoạt động chính thức tại Hà Nội và Thành phố
Hồ Chí Minh.
2. Đối với các chuyến thăm làm việc, thăm cá nhân,
quá cảnh của người đứng đầu đảng cầm quyền của các nước láng giềng có chung đường
biên giới và các nước xã hội chủ nghĩa, có xe cảnh sát dẫn đường.
3. Đối với các chuyến thăm chính thức, thăm làm việc,
quá cảnh của đoàn các đảng cầm quyền của các nước láng giềng có chung đường
biên giới và các nước xã hội chủ nghĩa, cấp từ Ủy viên Trung ương Đảng và tương
đương trở lên, có xe cảnh sát dẫn đường.
4. Đối với chuyến thăm của lãnh đạo các đảng nước
ngoài khác: Ban Đối ngoại Trung ương căn cứ vào mức độ quan hệ đối đẳng, tính
chất chuyến thăm và vị trí của trưởng đoàn khách, đề xuất việc bố trí xe cảnh
sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.
Điều 16. Bảo đảm kinh phí
1. Ban Đối ngoại Trung ương chịu trách nhiệm lập dự
toán kinh phí, Văn phòng Trung ương Đảng chịu trách nhiệm xem xét, duyệt chi
đúng quy định và bảo đảm kinh phí cho các hoạt động đối ngoại của Trung ương Đảng.
2. Việc đài thọ các đoàn đảng quốc tế vào thăm làm
việc, nghỉ ngơi, kiểm tra sức khỏe và điều trị bệnh được thực hiện theo thỏa
thuận giữa Đảng ta và đảng đối tác.
Đối với các trường hợp đặc biệt, Ban Đối ngoại
Trung ương báo cáo đồng chí Thường trực Ban Bí thư xem xét, quyết định.
Điều 17. Tặng phẩm
1. Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì chuẩn bị tặng
phẩm phục vụ hoạt động đối ngoại của Trung ương Đảng.
2. Tặng phẩm phục vụ các hoạt động đối ngoại của Đảng
phải bảo đảm yêu cầu về chính trị, thể hiện được mỹ thuật, bản sắc văn hóa Việt
Nam, tính thiết thực, hiệu quả, có tham khảo thông lệ và đối đẳng với từng đối
tác, đúng quy định về chi tiêu tài chính. Giá trị của tặng phẩm cần bảo đảm
tương xứng với chức vụ của người tặng và vị trí của khách.
3. Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với
Ban Đối ngoại Trung ương xây dựng quy định cụ thể về chế độ quà, tặng phẩm phục
vụ các hoạt động đối ngoại đảng phù hợp với từng loại đối tác và vị trí, chức vụ
người tặng, người được tặng.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các ban đảng,
ban cán sự đảng, đảng đoàn, cấp ủy trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo
thực hiện và thực hiện đúng Quy định.
Điều 19. Ban Đối ngoại Trung ương chịu trách nhiệm giúp Ban Bí thư
thống nhất quản lý việc thực hiện các quy định về lễ tân đối ngoại đảng; chủ
trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức công
tác lễ tân phục vụ hoạt động đối ngoại của Trung ương Đảng; hướng dẫn chi tiết
các biện pháp lễ tân của Trung ương Đảng; hướng dẫn thống nhất việc thể hiện
tên gọi đảng, các cơ quan, tổ chức đảng và chức danh đảng bằng tiếng nước
ngoài; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức đảng ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy
trực thuộc Trung ương xây dựng quy định lễ tân đối ngoại phù hợp với tính chất
hoạt động và điều kiện của từng cơ quan, tổ chức và trên cơ sở phù hợp với Quy
định này.
Điều 20.
1. Các cấp ủy, tổ chức đảng
phối hợp theo hướng dẫn của Ban Đối ngoại Trung ương về các biện pháp lễ tân
đón, tiếp các đoàn khách của Trung ương Đảng thăm làm việc tại cơ quan, đơn vị,
địa phương mình.
2. Trên cơ sở Quy định này, các cơ quan, tổ chức đảng
ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương xây dựng và triển
khai thực hiện quy định về lễ tân đối ngoại của cơ quan, tổ chức tại địa
phương, cơ sở và phù hợp với tính chất của quan hệ, hoạt động đối ngoại và điều
kiện cụ thể của cơ quan, tổ chức mình.
Điều 21. Đối với các quy định lễ tân khác về đón, tiếp khách nước
ngoài như treo cờ tại sân bay, trên đường, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh,
dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ..., thực hiện theo quy định
của nghi thức nhà nước hiện hành.
Điều 22. Đối với các hoạt động lễ tân đối ngoại đảng không nêu trong
Quy định này hoặc có yêu cầu đặc biệt, Ban Đối ngoại Trung ương trao đổi với Bộ
Ngoại giao và các cơ quan liên quan, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Thường
trực Ban Bí thư xem xét, quyết định.
Điều 23. Trong quá trình thực hiện Quy định, nếu có vấn đề cần bổ
sung, sửa đổi, Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên
quan báo cáo Ban Bí thư xem xét, quyết định.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng,
đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BAN BÍ THƯ
Trần Quốc Vượng
|
PHỤ LỤC
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ BIỆN PHÁP LỄ TÂN ĐỐI NGOẠI ĐẢNG
(Kèm theo Quy định số 02-QĐi/TW, ngày 18/7/2018 của Ban Bí thư về lễ tân
đối ngoại đảng)
I- ĐÓN ĐOÀN CÁC ĐẢNG CẦM QUYỀN CÁC NƯỚC LÁNG GIỀNG
CÓ CHUNG ĐƯỜNG BIÊN GIỚI VÀ CÁC NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
1. Đón đoàn người đứng đầu đảng thăm cấp nhà nước,
thăm chính thức
1.1. Đón, tiễn đoàn tại sân bay
a) Chủ trì: Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương (trường
hợp đặc biệt, mời một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Bí thư Trung ương Đảng
chủ trì).
b) Thành phần: Đại sứ Việt Nam tại nước khách, Phó
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Thứ trưởng
Bộ Ngoại giao, lãnh đạo vụ khu vực của Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại
giao, Vụ trưởng Vụ Lễ tân, Ban Đối ngoại Trung ương hoặc/và Cục trưởng Cục Lễ
tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao, trưởng cơ quan đại diện nước khách (và các nước
liên quan) tại Việt Nam và một số cán bộ có nhiệm vụ liên quan khác.
c) Nghi thức:
- Treo Quốc kỳ 2 nước; trải thảm đỏ từ chân cầu
thang máy bay đến nơi đỗ xe; bố trí hai hàng tiêu binh; sử dụng nhà khách VIP A
của sân bay để tổ chức đón, tiễn đoàn.
- Tặng hoa trưởng đoàn khách và phu nhân hoặc phu
quân (nếu có).
- Trường hợp đặc biệt, có thể huy động quần chúng,
treo băng rôn, khẩu hiệu chào mừng, cho phép mời đại diện cộng đồng nước khách
tại Việt Nam tham gia đón tại sân bay và khách sạn nơi đoàn ở trên cơ sở có đi
có lại.
Trong một số trường hợp đặc biệt, mời Tổng Bí thư
đón khách tại nơi ở khi đoàn đến và tiễn khách tại nơi ở trước khi rời đi sân
bay.
1.2. Lễ đón chính thức
a) Chủ trì: Tổng Bí thư.
b) Thành phần tham dự: Một số đồng chí lãnh đạo Đảng,
Nhà nước; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng
và Văn phòng Tổng Bí thư, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, lãnh đạo thành phố Hà Nội, Đại
sứ Việt Nam tại nước khách, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, đoàn thể liên quan
tương ứng với thành phần đoàn chính thức của khách, trưởng cơ quan đại diện các
nước có liên quan (thành phần cụ thể theo đề án đón đoàn được Bộ Chính trị phê
duyệt).
c) Nghi thức:
- Tổng Bí thư và phu nhân đón trưởng đoàn khách và
phu nhân/phu quân tại nơi xe đỗ.
- Tặng hoa trưởng đoàn khách và phu nhân/phu quân.
- Tổng Bí thư và trưởng đoàn khách tiến lên Bục
Danh dự; hai phu nhân được mời đến vị trí đầu hàng các quan chức Việt Nam.
- Quân nhạc cử Quốc thiều nước khách và Quốc thiều
Việt Nam.
- Tổng Bí thư cùng trưởng đoàn khách duyệt Đội Danh
dự.
- Tổng Bí thư giới thiệu các quan chức Việt Nam
tham dự Lễ đón với trưởng đoàn khách và phu nhân/phu quân). Trưởng đoàn khách
giới thiệu các thành viên đoàn với Tổng Bí thư và phu nhân.
- Tổng Bí thư cùng trưởng đoàn khách trở lại Bục
Danh dự. Hai phu nhân (phu quân) được mời đến vị trí phía sau bục danh dự.
- Đội Danh dự diễu binh.
Tại Lễ đón chính thức, bố trí thiếu nhi vẫy cờ hai
nước và hoa chào mừng. Trường hợp đặc biệt, có thể huy động thêm quần chúng
tham gia chào đón, tổ chức bắn đại bác chào mừng.
d) Địa điểm:
- Đối với Lễ đón chính thức ngoài trời: Tại Phủ Chủ
tịch.
- Đối với Lễ đón chính thức trong nhà: Tại Nhà Quốc
hội.
1.3. Hội đàm
- Mỗi chuyến thăm chỉ thực hiện một cuộc hội đàm chính
thức do Tổng Bí thư và trưởng đoàn khách chủ trì. Trường hợp cần thiết, ngoài hội
đàm chính thức, Tổng Bí thư và trưởng đoàn khách có thể có thêm hội đàm hẹp hoặc
gặp hẹp.
- Thành phần tham dự gồm có: Lãnh đạo Đảng và Nhà
nước cùng với Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng
Bí thư, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan do hai bên thỏa thuận trên cơ sở
phù hợp với mức độ quan hệ, tính chất của chuyến thăm, có tính tương xứng và bảo
đảm yêu cầu của nội dung hội đàm.
- Tổng Bí thư và trưởng đoàn khách chứng kiến lễ ký
các văn kiện hợp tác, họp báo hoặc phát biểu với báo chí (nếu có).
- Địa điểm hội đàm: Tại Trụ sở Trung ương Đảng (trường
hợp cần thiết có thể tiến hành tại Nhà Quốc hội hoặc tại một địa điểm phù hợp
khác).
1.4. Hội kiến
Căn cứ vào mức độ quan hệ với đối tác, tính chất,
yêu cầu, điều kiện cụ thể của chuyến thăm và theo thỏa thuận giữa hai bên, có
thể bố trí để trưởng đoàn khách hội kiến với các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác
của Đảng và Nhà nước ta.
Thành phần tham dự hội kiến phía Việt Nam gồm đồng
chí lãnh đạo cấp cao chủ trì tiếp khách, đồng chí lãnh đạo tháp tùng đoàn, đại
diện lãnh đạo cơ quan chủ trì đón đoàn, đại diện lãnh đạo cơ quan chủ trì hội
kiến và lãnh đạo của các cơ quan khác có liên quan đến nội dung trao đổi với
khách (nếu cần). Thành phần tham dự phía Việt Nam cần phù hợp với tính chất của
chuyến thăm, thành phần đoàn khách, chức vụ của lãnh đạo Việt Nam chủ trì tiếp
khách và nội dung trao đổi.
Tham gia đón khách gồm các đồng chí tham dự hội kiến;
không huy động quần chúng đón tiếp khách đến hội kiến (trừ trường hợp đặc biệt
được phê duyệt tại đề án đón đoàn).
1.5. Chiêu đãi chính thức
a) Chủ trì: Tổng Bí thư. Trường hợp trưởng đoàn
khách đồng thời là nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ, mời đồng
chí lãnh đạo cấp cao tương ứng đồng chủ trì với Tổng Bí thư.
b) Thành phần tham dự phía Việt Nam gồm các đồng
chí tham gia hội đàm (trường hợp cần thiết, mời thêm một số đồng chí lãnh đạo cấp
cao và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân có liên quan
cùng dự). Phía khách mời gồm các thành viên chính thức của đoàn, một số quan chức
tùy tùng, một số cán bộ cơ quan đại diện nước khách và một số cá nhân khác do
hai bên thỏa thuận.
c) Nghi thức:
- Quân nhạc cử Quốc thiều hai nước.
- Tổng Bí thư phát biểu chào mừng, trưởng đoàn
khách phát biểu đáp từ.
d) Biểu diễn nghệ thuật: Tổ chức biểu diễn nghệ thuật
chào mừng đoàn tại tiệc chiêu đãi.
Ngoài chiêu đãi chính thức, căn cứ vào tính chất,
yêu cầu của chuyến thăm, có thể bố trí thêm một số cuộc chiêu đãi, mời cơm thân
do các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác của Đảng và Nhà nước ta chủ trì.
1.6. Tháp tùng và thăm địa phương
- Tháp tùng: Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Đại sứ
Việt Nam tại nước khách; trường hợp đặc biệt, mòi một đồng chí Ủy viên Bộ Chính
trị hoặc Bí thư Trung ương Đảng tháp tùng Đoàn.
- Bí thư tỉnh ủy/thành ủy nơi đoàn đến thăm thay mặt
lãnh đạo địa phương chủ trì đón, tiễn tại sân bay (nếu đi bằng máy bay) tại trụ
sở chính hoặc địa điểm phù hợp khác; đến chào và chủ trì chiêu đãi Đoàn.
2. Đón, tiếp người đứng đầu đảng thăm làm việc,
thăm nội bộ
- Thăm làm việc: Thực hiện đón tiếp như đối với
thăm chính thức nhưng không tổ chức lễ đón chính thức, không tổ chức tiệc chiêu
đãi chính thức.
- Thăm nội bộ: Thực hiện đón tiếp như đối với thăm
làm việc nhưng bố trí hẹp hơn về thành phần tham dự các hoạt động và không đưa
tin về chuyến thăm.
3. Đón, tiễn người đứng đầu đảng quá cảnh Việt
Nam
- Đại diện lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương chủ
trì đón, tiễn tại sân bay.
- Trường hợp cần thiết, mời một đồng chí lãnh đạo cấp
cao của Đảng tiếp và mời cơm thân đoàn.
- Trường hợp đoàn quá cảnh tại địa phương, đại diện
lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương cùng đại diện lãnh đạo tỉnh ủy/thành ủy địa
phương đón, tiễn đoàn.
- Không đưa tin.
4. Đón người đứng đầu, nguyên đứng đầu đảng thăm
cá nhân
- Đón, tiễn tại sân bay: Phó Trưởng Ban Đối ngoại
Trung ương chủ trì.
- Tổng Bí thư hoặc một đồng chí lãnh đạo cấp cao
khác hoặc đồng chí Thường trực Ban Bí thư mời cơm thân khách. Ngoài ra, có thể
mời các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước mời cơm thân
khách.
- Trường hợp khách đến thăm các địa phương, đại diện
lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương đón/tháp tùng, bí thư tỉnh ủy/thành ủy đón, đến
chào, mời cơm thân khách.
- Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì, bố trí đoàn ăn
nghỉ, thu xếp chương trình; phối hợp với Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ
Trung ương thu xếp việc khám và điều trị.
- Trường hợp khách điều trị nội trú tại bệnh viện,
mời một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước vào thăm.
- Không đưa tin về chuyến thăm.
5. Đón Đoàn cấp Thường trực Ban Bí thư Đảng nhân
dân cách mạng Lào; Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản
Trung Quốc; Chủ tịch danh dự và các Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Cam-pu-chia; lãnh
đạo có vị trí thực chất tương đương của đảng cầm quyền các nước xã hội chủ
nghĩa khác
5.1. Đón, tiễn tại sân bay
- Chủ trì: Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương. Trường
hợp đặc biệt, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì.
- Thành phần tham dự: Lãnh đạo vụ khu vực và Vụ Lễ
tân, Ban Đối ngoại Trung ương hoặc lãnh đạo cấp vụ của cơ quan, tổ chức có liên
quan.
- Tặng hoa trưởng đoàn.
- Địa điểm đón, tiễn: VIP A.
5.2. Hội đàm
- Chủ trì: Đồng chí Thường trực Ban Bí thư hoặc đồng
chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tương ứng với vị trí của khách.
- Thành phần tham dự: Bao gồm Ban Đối ngoại Trung
ương, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan, tương ứng với thành
phần chính thức của đoàn khách và yêu cầu nội dung hội đàm.
5.3. Chiêu đãi
- Chủ trì: Đồng chí Thường trực Ban Bí thư hoặc
lãnh đạo Đảng, Nhà nước tương ứng với vị trí của khách.
- Thành phần tham dự: Các đồng chí dự hội đàm.
5.4. Hội kiến, tiếp xúc cấp cao
- Tổng Bí thư tiếp.
- Trường hợp cần thiết, có thể bố trí khách hội kiến,
tiếp xúc với một số lãnh đạo cấp cao khác của Đảng và Nhà nước ta.
5.5. Thăm địa phương
- Tháp tùng: Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.
Trường hợp đặc biệt, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương tháp tùng.
- Bí thư tỉnh ủy/thành ủy nơi đoàn đến thăm thay mặt
lãnh đạo địa phương tiếp, chiêu đãi đoàn.
6. Đón đoàn cấp Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư
Trung ương Đảng thăm làm việc
6.1. Đón, tiễn tại sân bay
- Chủ trì: Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương hoặc
phó trưởng ban đảng có liên quan.
- Thành phần: Lãnh đạo vụ khu vực và Vụ Lễ tân, Ban
Đối ngoại Trung ương.
- Tặng hoa trưởng đoàn.
- Địa điểm: VIP A.
6.2. Hội đàm, chiêu đãi
- Chủ trì: Lãnh đạo tương ứng của Đảng ta.
- Thành phần: Tương ứng với thành phần chính thức của
đoàn khách và yêu cầu nội dung làm việc.
6.3. Hội kiến, tiếp xúc cấp cao
Có thể bố trí để trưởng đoàn khách hội kiến từ 1 đến
2 đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta.
6.4. Thăm địa phương
- Tháp tùng: Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương hoặc
phó trưởng ban đảng có liên quan.
- Bí thư tỉnh ủy/thành ủy nơi đoàn đến thăm tiếp,
chiêu đãi đoàn.
7. Đón đoàn cấp Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư
Trung ương Đảng quá cảnh Việt Nam
- Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì đón,
tiễn đoàn tại sân bay.
- Trường hợp đoàn có yêu cầu thu xếp ăn, ở, đi lại
trong thời gian đoàn quá cảnh Việt Nam: Tại Hà Nội, một đồng chí lãnh đạo Đảng
tiếp và mời cơm thân đoàn; tại địa phương, bí thư tỉnh ủy/thành ủy tiếp và mời
cơm đoàn.
8. Đón đoàn cấp Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư
Trung ương Đảng hoặc nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng thăm
cá nhân
- Đón, tiễn tại sân bay: Lãnh đạo cấp vụ hoặc lãnh
đạo Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể bố trí
lãnh đạo T.78 chủ trì.
- Căn cứ theo yêu cầu và điều kiện cụ thể, mời một
đồng chí lãnh đạo Đảng chủ trì mời cơm thân khách.
- Trường hợp đoàn đến địa phương ngoài Hà Nội, đại
diện lãnh đạo tỉnh ủy/thành ủy chủ trì đón, tiễn, thăm, mời cơm thân khách.
- Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì bố trí ăn, nghỉ,
thu xếp chương trình; phối hợp với Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung
ương thu xếp việc khám, kiểm tra sức khỏe và điều trị.
- Trường hợp khách chữa bệnh nội trú tại bệnh viện,
có thể mời đại diện lãnh đạo Đảng vào thăm.
9. Đón đoàn cấp Ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng
ban đảng Trung ương và tương đương
9.1. Đón, tiễn tại sân bay: Lãnh đạo cấp vụ Ban Đối
ngoại Trung ương hoặc cơ quan đảng liên quan chủ trì.
9.2. Hội đàm, chiêu đãi
- Chủ trì: Một đồng chí lãnh đạo tương ứng của Đảng
ta.
- Thành phần: Tương ứng với thành phần đoàn khách.
9.3. Tiếp xã giao: Căn cứ vào tính chất và yêu cầu
của chuyến thăm, có thể mời một đồng chí lãnh đạo có chức vụ cao hơn trưởng
đoàn khách tiếp đoàn.
9.4. Thăm địa phương
- Lãnh đạo cấp vụ Ban Đối ngoại Trung ương hoặc cơ
quan đảng liên quan tháp tùng đoàn.
- Đại diện thường trực tỉnh ủy/thành ủy nơi đoàn đến
thăm tiếp và mời cơm đoàn.
10. Đón đoàn Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy
viên Trung ương Đảng hoặc tương đương thăm cá nhân
- Đại diện Ban Đối ngoại Trung ương hoặc cơ quan đảng
có liên quan chủ trì đón, tiễn khách.
- Mời lãnh đạo cấp tương ứng mời cơm khách. Trường
hợp khách thăm địa phương ngoài Hà Nội, đại diện lãnh đạo tỉnh ủy/thành ủy
thăm, mời cơm thân khách.
- Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì, bố trí đoàn ăn,
ở, đi lại, thu xếp chương trình; phối hợp với Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán
bộ Trung ương thu xếp việc khám, kiểm tra sức khỏe và điều trị bệnh cho khách.
- Trường hợp khách điều trị nội trú tại bệnh viện,
căn cứ mức độ, mời một đồng chí lãnh đạo tương ứng vào thăm.
II- ĐÓN ĐOÀN CẤP CAO ĐẢNG CẦM QUYỀN, CÁC ĐẢNG CÓ
VỊ TRÍ, VAI TRÒ QUAN TRỌNG (ngoài đối tượng quy định tại Mục I)
11. Đoàn người đứng đầu đảng
11.1. Đón, tiễn tại sân bay
- Chủ trì: Phó Trưởng Ban hoặc Vụ trưởng Ban Đối
ngoại Trung ương (trường hợp đặc biệt, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương chủ
trì).
- Thành phần: Lãnh đạo cấp vụ khu vực và Vụ Lễ tân,
Ban Đối ngoại Trung ương (trường hợp cần thiết, có thể mời thêm đại diện Bộ Ngoại
giao và các cơ quan có liên quan).
- Tặng hoa trưởng đoàn.
- Địa điểm: VIP A (nếu điều kiện cho phép).
11.2. Hội đàm, chiêu đãi
- Chủ trì: Đồng chí Thường trực Ban Bí thư hoặc một
đồng chí lãnh đạo khác của Đảng ta.
- Thành phần: Căn cứ thành phần đoàn khách và nội
dung làm việc.
11.3. Hội kiến, tiếp xúc
- Tổng Bí thư hoặc đồng chí Thường trực Ban Bí thư
tiếp.
- Ngoài ra, căn cứ yêu cầu của khách và nội dung
chuyến thăm, có thể mời một số đồng chí lãnh đạo khác của Đảng, Nhà nước tiếp
đoàn.
11.4. Thăm địa phương
- Tháp tùng: Phó Trưởng Ban hoặc Vụ trưởng Ban Đối
ngoại Trung ương.
- Bí thư tỉnh ủy/thành ủy nơi đoàn đến thăm tiếp,
chiêu đãi đoàn.
12. Đón đoàn lãnh đạo khác của đảng thăm chính
thức
12.1. Đón, tiễn tại sân bay
Lãnh đạo cấp vụ Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì;
trường hợp đặc biệt, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì.
12.2. Hội đàm, chiêu đãi
- Chủ trì: Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương; trường
hợp đặc biệt, mời một đồng chí lãnh đạo Đảng chủ trì.
- Thành phần: Căn cứ vào thành phần của đoàn khách
và nội dung làm việc.
12.3. Hội kiến
Đồng chí Thường trực Ban Bí thư hoặc một đồng chí
lãnh đạo Đảng khác tiếp đoàn (trường hợp đặc biệt, mời Tổng Bí thư tiếp Đoàn).
12.4. Thăm địa phương
- Tháp tùng: Lãnh đạo cấp vụ Ban Đối ngoại Trung ương
(trường hợp đặc biệt, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương tháp từng).
- Đại diện lãnh đạo tỉnh ủy/thành ủy nơi đoàn đến
thăm tiếp và chiêu đãi đoàn.
III- ĐÓN ĐOÀN CÁC ĐẢNG CỘNG SẢN, CÁNH TẢ KHÔNG CẦM
QUYỀN (ngoài đối tượng được quy định tại Mục I và II)
13. Đoàn người đứng đầu đảng
13.1. Đón, tiễn lại sân bay:
- Chủ trì: Lãnh đạo cấp vụ Ban Đối ngoại Trung
ương; trường hợp đặc biệt, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì.
13.2. Hội đàm, chiêu đãi
- Chủ trì: Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương. Trường
hợp đặc biệt, mời một đồng chí lãnh đạo Đảng chủ trì.
- Thành phần: Căn cứ yêu cầu nội dung chuyến thăm
và thành phần của đoàn khách.
13.3. Hội kiến, tiếp xúc
- Một đồng chí lãnh đạo Đảng tiếp đoàn.
- Trường hợp đặc biệt, kiến nghị Tổng Bí thư hoặc đồng
chí Thường trực Ban Bí thư tiếp đoàn.
13.4. Thăm địa phương
- Tháp tùng: Lãnh đạo cấp vụ Ban Đối ngoại Trung
ương. Trường hợp đặc biệt, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương tháp tùng.
- Đại diện thường trực tỉnh ủy/thành ủy nơi đoàn đến
thăm tiếp và chiêu đãi đoàn.
14. Đoàn lãnh đạo khác của đảng
14.1. Đón, tiễn tại sân bay
Lãnh đạo cấp vụ Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì.
14.2. Hội đàm, chiêu đãi
- Chủ trì: Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương.
- Thành phần: Căn cứ yêu cầu nội dung làm việc và
thành phần của đoàn khách.
14.3. Hội kiến, tiếp xúc
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương hoặc một đồng chí
lãnh đạo Đảng tiếp đoàn.
14.4. Thăm địa phương
- Tháp tùng: Lãnh đạo cấp vụ Ban Đối ngoại Trung
ương.
- Đại diện lãnh đạo tỉnh ủy/thành ủy nơi đoàn đến
thăm tiếp và chiêu đãi đoàn.
IV- ĐÓN ĐOÀN CÁC ĐẢNG KHẤC
15. Đoàn người đứng đầu đảng
15.1. Đón, tiễn tại sân bay
Chủ trì Lãnh đạo cấp vụ Ban Đối ngoại Trung ương.
15.2. Hội đàm, chiêu đãi
- Chủ trì: Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương.
- Thành phần: Căn cứ yêu cầu nội dung làm việc và
thành phần của đoàn khách.
15.3. Hội kiến, tiếp xúc
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương tiếp đoàn; trường hợp
cần thiết, mời một đồng chí lãnh đạo Đảng tiếp đoàn.
15.4. Thăm địa phương
- Tháp tùng: Lãnh đạo cấp vụ Ban Đối ngoại Trung
ương.
- Lãnh đạo tỉnh ủy/thành ủy nơi đoàn đến thăm tiếp
và chiêu đãi đoàn.
16. Đoàn lãnh đạo khác của đảng
16.1. Đón, tiễn tại sân bay
Đại diện Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì.
16.2. Hội đàm, chiêu đãi
- Chủ trì: Lãnh đạo cấp vụ Ban Đối ngoại Trung
ương; trường hợp cần thiết, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì.
- Thành phần: Căn cứ vào nội dung làm việc và thành
phần của đoàn khách.
16.3. Hội kiến, tiếp xúc
Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương tiếp đoàn.
16.4. Thăm địa phương
- Tháp tùng: Cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương.
- Đại diện tỉnh ủy/thành ủy nơi đoàn đến tiếp và mời
cơm đoàn.
V- TIỄN, ĐÓN CÁC ĐOÀN CẤP CAO CỦA ĐẢNG ĐI CÔNG
TÁC NƯỚC NGOÀI
17. Tiễn, đón Tổng Bí thư
- Chủ trì: Đồng chí Thường trực Ban Bí thư. Trường
hợp đồng chí Thường trực Ban Bí thư vắng, mời một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị
chủ trì.
- Thành phần: Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương,
Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, một số cơ quan liên quan; trưởng cơ quan
đại diện nước Tổng Bí thư đi thăm.
- Trải thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến cửa xe
của Tổng Bí thư.
- Tặng hoa Tổng Bí thư và phu nhân (nếu có).
18. Tiễn, đón đồng chí Thường trực Ban Bí thư
- Chủ trì: Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương và/hoặc
lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng.
- Tham gia: Lãnh đạo vụ khu vực và Vụ Lễ tân, Ban Đối
ngoại Trung ương, lãnh đạo cấp vụ Văn phòng Trung ương Đảng.
19. Tiễn, đón các đồng chí lãnh đạo Đảng khác
- Lãnh đạo cấp vụ và lễ tân Ban Đối ngoại Trung
ương.
- Cơ quan công tác của trưởng đoàn có thể cử đại diện
tiễn, đón đoàn tùy theo quyết định của trưởng đoàn.
20. Địa điểm: VIP A.
VI- LÃNH ĐẠO ĐẢNG TIẾP KHÁCH QUỐC TẾ
21. Tổng Bí thư tiếp khách quốc tế
21.1. Địa điểm: Văn phòng Trung ương Đảng chịu
trách nhiệm tổ chức phục vụ Tổng Bí thư tiếp khách quốc tế tại Trụ sở Trung
ương Đảng. Trường hợp cần thiết, Ban Đối ngoại Trung ương phối hợp với Văn
phòng Trung ương Đảng để thu xếp cuộc tiếp tại địa điểm phù hợp khác.
21.2. Thành phần tham dự: Lãnh đạo Ban Đối ngoại
Trung ương; Trợ lý, Thư ký Tổng Bí thư; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương
Đảng, cơ quan chủ trì đón khách; một số cán bộ của Ban Đối ngoại Trung ương và
cơ quan chủ trì đón khách.
21.3. Nghi thức
- Bộ Tư lệnh Cảnh vệ bố trí tiêu binh đứng chào, gác
tại cửa chính.
- Vụ trưởng Vụ Lễ tân, Ban Đối ngoại Trung ương
đón, tháp tùng khách đến Phòng Khánh tiết.
- Tổng Bí thư đón, tiễn khách tại Phòng Khánh tiết
(trừ trường hợp đặc biệt có thể đón, tiễn tận cửa xe của khách).
- Tổng Bí thư chụp ảnh với trưởng đoàn khách trước
hoặc sau khi kết thúc buổi tiếp.
22. Đồng chí Thường trực Ban Bí thư tiếp khách
quốc tế
22.1. Địa điểm: Văn phòng Trung ương Đảng chịu
trách nhiệm tổ chức phục vụ đồng chí Thường trực Ban Bí thư tiếp khách quốc tế
tại Trụ sở Trung ương Đảng. Trường hợp cần thiết, Ban Đối ngoại Trung ương có
thể phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng để thu xếp cuộc tiếp tại địa điểm
phù hợp khác.
22.2. Thành phần tham dự: Lãnh đạo Ban Đối ngoại
Trung ương, lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo cơ quan chủ
trì đón khách; một số cán bộ của Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Trung ương
Đảng và cơ quan chủ trì đón khách.
22.3. Lễ tân: Lãnh đạo Vụ Lễ tân, Ban Đối ngoại
Trung ương chủ trì.
23. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư
Trung ương Đảng tiếp khách quốc tế
23.1. Tiếp khách quốc tế của Trung ương Đảng
- Địa điểm: Văn phòng Trung ương Đảng chịu trách
nhiệm tổ chức phục vụ lãnh đạo Đảng tiếp khách quốc tế tại Trụ sở Trung ương Đảng.
Trường hợp cần thiết, Ban Đối ngoại Trung ương có thể phối hợp với Văn phòng
Trung ương Đảng để thu xếp cuộc tiếp tại địa điểm phù hợp khác.
- Thành phần tham dự: Lãnh đạo cấp vụ Ban Đối ngoại
Trung ương hoặc lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương; đại diện cơ quan chủ trì đón
khách; một số cán bộ của Ban Đối ngoại Trung ương và cơ quan chủ trì đón khách.
- Lễ tân: Lễ tân Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì.
23.2. Tiếp khách quốc tế về công việc của cơ quan,
tổ chức đảng được phân công phụ trách hoặc tiếp khách cá nhân
- Địa điểm: Tại trụ sở cơ quan tương ứng hoặc địa
điểm khác do lãnh đạo quyết định. Trường hợp cần thiết, Ban Đối ngoại Trung
ương và Văn phòng Trung ương Đảng có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, bố trí địa
điểm tiếp khách theo yêu cầu của lãnh đạo.
- Thành phần: Do lãnh đạo quyết định. Ban Đối ngoại
Trung ương có trách nhiệm cử cán bộ tham dự khi có nội dung liên quan theo yêu
cầu của lãnh đạo.
- Lễ tân: Do cơ quan tương ứng chủ trì. Ban Đối ngoại
Trung ương cử cán bộ lễ tân hỗ trợ khi có yêu cầu.