BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 810/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng
Tháp tới trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
|
Hà Nội, ngày 11 tháng
3 năm 2024
|
Kính gửi:
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của
cử tri tỉnh Đồng Tháp do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 1611/BDN
ngày 23/11/2023, nội dung kiến nghị như sau:
Câu 1: Cử tri kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền
thông tăng cường công tác quản lý việc đăng ký, sử dụng sim điện thoại, không để
tình trạng kẻ gian sử dụng sim rác, tài khoản mạng xã hội hoạt động nhắn tin quảng
cáo, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tăng cường quản lý đối với các doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet ngăn chặn tình trạng cung cấp, đăng tải,
chia sẻ thông tin sai sự thật, tin giả, xấu, độc chống phá Đảng, Nhà nước; xúc
phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân và các hành vi vi phạm pháp
luật khác.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông
(TTTT) có ý kiến trả lời như sau:
Nhằm tăng cường quản lý SIM điện thoại, giải quyết
tình trạng các đối tượng sử dụng SIM có thông tin không đúng quy định (SIM rác)
thực hiện các hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác và các hành vi vi phạm
pháp luật (nhắn tin quảng cáo, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...) gây phiền
hà cho người dân, trong thời gian qua Bộ TTTT đã triển khai các giải pháp như:
- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết
nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về
dân cư.
- Trung bình mỗi tháng các doanh nghiệp viễn thông
đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác, 50.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, cuộc
gọi có dấu hiệu lừa đảo.
- Năm 2023, các doanh nghiệp viễn thông di động đã
hoàn thành xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với
thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và 10 triệu thuê bao thuộc tập
đứng tên ≥ 10 SIM/01 giấy tờ tùy thân, góp phần ngăn chặn tình trạng phát tán
cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
- Tăng cường giám sát, theo dõi, cảnh báo, ngăn chặn
tên miền độc hại.
- Vận hành tổng đài 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc
gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua hai hình thức thoại và tin nhắn. Vận
hành Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc (trang tingia.gov.vn) nhằm tiếp
nhận các thông tin sai sự thật, tin xấu độc, tin có dấu hiệu giả mạo để kịp thời,
xác minh, công bố để người dân có thể phản ánh, kiểm chứng các thông tin xấu độc,
giả mạo trên mạng xã hội.
- Chỉ đạo, điều phối ngăn chặn 8.852 website/blog
vi phạm pháp luật (2.511 website lừa đảo trực tuyến) qua đó, bảo vệ hơn 10 triệu
người dân do không còn truy cập được vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm
pháp luật trên không gian mạng. Trong 11 tháng đầu năm 2023, chặn 3.369 website
vi phạm (972 website lừa đảo), bảo vệ 3,6 triệu người dân do không còn truy cập
được vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
- Cơ sở dữ liệu Chống lừa đảo trực tuyến quốc gia đã
kết nối, tích hợp với trình duyệt, công cụ tìm kiếm Cốc Cốc, Zalo và SafeGate để
bảo vệ trên 78 triệu người dùng Internet Việt Nam.
- Đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công
tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là các mạng xã
hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok, Instagram, YouTube... xử lý nghiêm
minh, kịp thời các hành vi vi phạm trên không gian mạng.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ triển khai các biện
pháp như:
- Tham mưu Chính phủ xem xét sớm ban hành Nghị định
thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 theo hướng bổ sung trách nhiệm
của các doanh nghiệp viễn thông, Internet trong việc ngăn chặn tình trạng chia
sẻ, đăng tải thông tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước. Đồng thời, bổ sung các
chế tài xử lý trong trường họp các doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm nêu
trên trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Yêu cầu xác nhận số điện thoại
đối với tài khoản mạng xã hội.
- Triển khai các biện pháp bảo đảm SIM chính chủ, xử
lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM; phối hợp với Bộ Công an đề
nghị người dân có trách nhiệm cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào cơ
sở dữ liệu dân cư theo quy định của Luật Căn cước để góp phần xác định thuê bao
chính chủ.
- Xử lý nghiêm các hành vi cố tình cung cấp, đăng tải,
chia sẻ thông tin sai sự thật, tin giả, chống phá Đảng, Nhà nước; xúc phạm uy
tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân và các hành vi vi phạm pháp luật
khác.
Câu 2: Cử tri kiến nghị có giải pháp ngăn chặn
triệt để tình trạng quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, các phương tiện truyền
thông, báo, đài. Nhất là các quảng cáo do nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo
không đúng sự thật về công dụng của các loại thực phẩm chức năng gây nhiễu loạn
thông tin cho người tiêu dùng. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thổi phồng
công dụng của những sản phẩm quảng cáo có tác dụng như thuốc nhưng không phải
là thuốc.
Thời gian qua, Bộ TTTT đã tập trung rà soát, xử lý
nghiêm tình trạng quảng cáo sai sự thật, lừa đảo, thổi phồng công dụng của thuốc,
thực phẩm bảo vệ sức khỏe... gây nhiễu loạn thông tin do người dùng trên mạng
và báo đài thông qua việc triển khai các biện pháp cụ thể như sau:
- Tập trung rà quét, phát hiện và xử lý các quảng
cáo vi phạm pháp luật, đặc biệt tập trung trên các nền tảng mạng xã hội lớn có
nhiều vi phạm là Facebook, YouTube, TikTok. Trường hợp xác định được nhân thân
đối tượng vi phạm, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Trường hợp
không xác định được nhân thân, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ
bỏ các đường link quảng cáo vi phạm; yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ Internet thực
hiện chặn tên miền/website quảng cáo vi phạm.
- Yêu cầu Facebook, Google, TikTok chặn gỡ các quảng
cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, không cho phép quảng
cáo các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, cơ sở khám chữa bệnh...
chưa được cơ quan chuyên ngành về y tế cấp phép, xác nhận nội dung quảng cáo;
xây dựng các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để rà quét của quảng cáo và tài khoản
quảng cáo có vi phạm để có biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ triệt để1.
- Yêu cầu các báo điện tử, mạng xã hội, trang thông
tin điện tử tổng hợp và đại lý quảng cáo trong nước rà soát, kiểm soát chặt hoạt
động quảng cáo trực tuyến xuyên biên giới, kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng
cáo, dừng hợp tác với các nền tảng quảng cáo có nhiều vi phạm.
- Đối với quảng cáo trên các Đài phát thanh, truyền
hình, Bộ TTTT kiểm soát chặt chẽ đối với việc thực hiện các quy định tại Giấy
phép Báo chí, Giấy phép sản xuất kênh truyền hình, kênh phát thanh, trong đó có
quy định chặt về nội dung quảng cáo, tỷ lệ thời lượng quảng cáo theo quy định;
Thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, phối hợp Bộ, ngành, Sở TTTT quản lý hoạt động
của các Đài Phát thanh, truyền hình trong hoạt động quảng cáo.
- Năm 2023, Bộ TTTT tổ chức kiểm tra 09 đại lý quảng
cáo trong nước có hợp tác với nền tảng quảng cáo xuyên biên giới; làm việc với khoảng
60 đại lý quảng cáo và doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo gắn vào các nội dung
vi phạm pháp luật; xử phạt hành chính 22 doanh nghiệp với tổng số tiền 317,5
triệu đồng.
- Đối với các sản phẩm quảng cáo thuộc chuyên ngành
quản lý của các Bộ, ngành khác: Các Bộ, ngành có liên quan đều phải có trách
nhiệm chủ động rà soát, phát hiện và phối hợp để xử lý theo nguyên tắc xác định
nội dung quảng cáo vi phạm và chủ trì xử lý các quảng cáo theo quy định chuyên
ngành, Bộ TTTT phối hợp xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trên môi trường
mạng. Bộ TTTT xử lý quảng cáo trên các nền tảng báo điện tử, mạng xã hội, trang
tin điện tử tổng hợp do Bộ TTTT cấp phép.
Trong thời gian qua, Bộ TTTT đã phối hợp chặt chẽ với
Bộ Y tế để theo dõi, xử lý các sản phẩm quảng cáo liên quan đến an toàn thực phẩm,
y tế theo quy định. Khi phát hiện vi phạm, Bộ Y tế cung cấp thông tin để Bộ
TTTT kịp thời nhắc nhở, xử lý theo quy định. Hiện nay, các Bộ đã thành lập các
đầu mối liên hệ đê xử lý kịp thời các quảng cáo sai sự thật.
- Đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng tầm
ảnh hưởng, lòng tin, tình cảm yêu mến của người dân để quảng cáo cho sản phẩm,
hàng hóa, dịch vụ sai công dụng, tính năng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống,
sinh hoạt và quyền lợi của người dân: Bên cạnh việc xử lý vi phạm hành chính, Bộ
TTTT đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Quy chế xử lý
các nghệ sỹ, người của công chúng, người hoạt động nghệ thuật có hành vi vi phạm
pháp luật, thuần phong mỹ tục... theo hướng hạn chế biểu diễn, phát sóng, quảng
bá thông tin, hình ảnh, hoạt động của người vi phạm trên báo đài, không gian mạng.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục triển khai
các giải pháp trọng tâm như sau:
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi
phạm trong hoạt động quảng cáo trực tuyến; chỉ đạo Sở TTTT địa phương phối hợp
với các cơ quan có liên quan tại địa phương để rà quét, truy vết, xác định đối
tượng vi phạm để xử lý nghiêm.
- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử
lý nghiêm các nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng tầm ảnh hưởng, lòng tin, tình cảm
yêu mến của người dân để quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sai công dụng,
tính năng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt và quyền lợi của người
dân.
- Kiên quyết yêu cầu các nền tảng quảng cáo xuyên
biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ các quảng cáo, tài khoản quảng cáo vi phạm; không đặt
quảng cáo của nhãn hàng, doanh nghiệp Việt Nam vào nội dung vi phạm pháp luật;
phối hợp cung cấp thông tin của chủ thể thực hiện hành vi vi phạm quảng cáo.
- Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cảnh giác khi
tiếp cận với các thông tin quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có dấu hiệu
thổi phồng công dụng và hiệu quả, hoặc gian dối, lừa đảo.
- Đề xuất xây dựng Quy chế phối hợp với các Bộ quản
lý chuyên ngành để phối hợp xử lý quảng cáo vi phạm. Với nhận thức thế giới thực
ra sao, trên không gian mạng như vậy - ai quản lý lĩnh vực nào ở thế giới thực
thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng, để quản lý hiệu quả không gian mạng
cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của các Bộ, ngành, các tổ chức liên quan,
khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới quản lý được hiệu quả, giải quyết được căn
cơ các vấn đề.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và
Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp, trân trọng gửi tới
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp để trả lời cử tri./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Thứ trưởng Phạm Đức Long;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên Cổng TTĐT của Bộ);
- Lưu: VT, VP, TKTH.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Mạnh Hùng
|
1
Kết quả chặn, gỡ của các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới (từ năm 2018 đến
nay): Facebook đã gỡ bỏ 2.459 link quảng cáo có hoạt động buôn bán các dịch vụ
bất hợp pháp như hàng giả, hàng nhái, buôn bán động vật hoang dã, vũ khí, tiền
giả; Google đã ngăn chặn hàng nghìn quảng cáo và tài khoản quảng cáo trên
YouTube về thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đông y gia truyền, thần y, thần dược,
cam kết chữa trị dứt điểm bệnh tật.