HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 04/2005/NQ-HĐND
|
Hải Phòng,
ngày 21 tháng 7 năm 2005
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ, XỬ LÝ
CHẤT THẢI RẮN ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2005 - 2010
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHOÁ XIII, KỲ HỌP THỨ 4
(Từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 7 năm 2005)
-
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân; Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
- Căn
cứ Luật Bảo vệ môi trường;
-
Căn cứ Quyết định số 152/1999/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1999 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quản lý chất thải
rắn các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020;
-
Căn cứ Nghị quyết số 22/NQ-TU ngày 24 tháng 3 năm 2005 của Ban Thường vụ Thành
uỷ Hải Phòng về công tác bảo vệ môi trường đến năm 2010 và định hướng đến
năm 2020;
- Căn cứ
Chỉ thị số 23/2005/CT-TTg ngày 21 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính
phủ về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp;
-
Sau khi nghiên cứu Đề án "Về đổi mới công tác quản lý, xử lý chất
thải rắn đô thị thành phố Hải Phòng giai đoạn 2005 - 2010"; Tờ
trình số 22/TT-UB, ngày 15 tháng 7 năm 2005 của Uỷ ban nhân dân thành phố, Báo
cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân thành phố do Ban Văn hoá- Xã hội
trình tại kỳ họp và tiếp thu ý kiến cử tri; Hội đồng nhân dân thành phố thảo luận;
QUYẾT NGHỊ
Điều
1: Nhất trí với nội dung Đề án "Đổi mới
công tác quản lý, xử lý chất thải rắn đô thị thành phố Hải Phòng giai đoạn
2005-2010" của Ủy ban nhân dân thành phố kèm theo Tờ trình số 22/TT-UB
ngày 15 tháng 7 năm 2005.
Điều
2: Công tác quản lý, xử lý chất thải rắn đô thị
là công tác quan trọng, có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội
và đời sống của nhân dân. Để đảm bảo Đề án được triển khai thực hiện có hiệu quả,
phải quán triệt và thực hiện các quan điểm, mục tiêu và giải pháp sau đây:
I.
QUAN ĐIỂM
1. Thực hiện
tốt công tác quản lý, xử lý chất thải rắn đô thị không chỉ là trách nhiệm của
các đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, mà còn là trách nhiệm của các cấp, các
ngành, các đoàn thể, các tổ chức và của mỗi người dân. Phải phát huy sức mạnh của
các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế và của toàn thể nhân dân,
đồng thời phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm những quy định trong công
tác quản lý, xử lý chất thải rắn đô thị.
2. Hoạt động
thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị là hoạt động dịch vụ công ích.
Khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh
tế tham gia thực hiện dịch vụ công ích này, theo đặt hàng của Nhà nước hoặc qua
đấu thầu.
3. Huy động
tối đa các nguồn lực trong nước, tranh thủ sự giúp đỡ của các chính phủ, các tổ
chức quốc tế trong đầu tư vốn, công nghệ, kỹ thuật và nâng cao năng lực quản lý
và tổ chức thực hiện công tác quản lý, xử lý chất thải rắn đô thị. Làm tốt công
tác quản lý, xử lý chất thải rắn đô thị là góp phần bảo vệ môi trường.
4. Xây dựng
lộ trình tiếp cận công nghệ tiên tiến trong quản lý, xử lý chất thải rắn phù hợp
với xu thế phát triển, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, chú trọng đến hiệu
quả kinh tế. Kết hợp nhiều loại hình công nghệ theo điều kiện cụ thể, lấy công
nghệ xử lý chất thải thành phân vi sinh và tái chế là chính.
II.
MỤC TIÊU
1. Giải quyết
cơ bản một số vấn đề có tính cấp bách trong công tác quản lý, xử lý chất thải rắn
đô thị trên địa bàn thành phố. Nhanh chóng khắc phục những mặt còn tồn tại, yếu
kém hiện nay, ngăn chặn tình trạng mất vệ sinh trong thu gom, vận chuyển, xử lý
chất thải rắn đô thị, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, bảo đảm phát
triển bền vững thành phố, phấn đấu để mọi người dân đều được sống trong môi trường
có chất lượng đạt tiêu chuẩn do Nhà nước quy định, góp phần xây dựng đô thị văn
minh, hiện đại.
2. Một số
chỉ tiêu cụ thể :
a. Đổi mới
công nghệ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị, thực hiện quy trình
thu gom, vận chuyển khép kín, xoá toàn bộ ga chứa chất thải vào năm 2007. Năm
2005 và năm 2006 sẽ xoá ga chứa chất thải tại 12 phường, số ga còn lại xoá vào
năm 2007.
b. Phấn đấu
đến năm 2010 xây dựng 4 nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn đô thị, gồm nhà
máy xử lý chất thải tại Tràng Cát, khu liên hợp xử lý chất thải, một số nhà máy
xử lý chất thải tại các địa điểm: Xã Tiên Thắng - Tiên Lãng, xã Bàng La - Đồ
Sơn, xã Gia Minh - Thuỷ Nguyên và nghiên cứu ở một số địa phương khác để đạt được
mục tiêu trên 40% chất thải thu gom, được chế biến và tái chế. Thực hiện phân
loại rác đầu nguồn tại hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ thành hai
loại, chất thải vô cơ và chất thải hữu cơ. Xây dựng bãi chứa chất thải xây dựng.
c. Từ nay
nhất thiết 100% các cơ sở sản xuất, dịch vụ mới xây dựng phải có các biện pháp
giảm thiểu ô nhiễm. Phấn đấu đến năm 2010, 75% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt
tiêu chuẩn về môi trường, thu gom từ 90 đến 100% chất thải rắn đô thị, công
nghiệp và dịch vụ.
d. Nước từ
bãi chứa chất thải phải qua xử lý, đạt các tiêu chuẩn quy định mới được thải ra
môi trường.
e. Đổi mới
mô hình quản lý, xử lý chất thải rắn đô thị, tạo điều kiện để các thành phần
kinh tế tham gia vào lĩnh vực quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn
đô thị.
g. Uỷ ban
nhân dân các huyện phối hợp với các Ban, ngành chức năng lập quy hoạch về công
tác quản lý, xử lý chất thải tại các thị trấn, thị tứ, báo cáo thành phố đầu tư
xây dựng các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, hoặc sử dụng nhà máy xử lý chất thải rắn.
Các huyện xây dựng mô hình tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo hướng
xã hội hoá. Vận động, khuyến khích các hộ dân vùng nông thôn tự xử lý chất thải
sinh hoạt, bằng cách chôn lấp hoặc bằng các hình thức hợp vệ sinh khác.
III.
GIẢI PHÁP
1. Đẩy mạnh
công tác tuyên truyền
a. Các cấp
uỷ đảng, chính quyền, khu dân cư, tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể, cơ quan
thông tin đại chúng tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của
mỗi tổ chức, cá nhân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, chấp hành các quy định về
công tác quản lý, xử lý chất thải rắn. Nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ đảng,
chính quyền, nhân dân địa phương trong tiếp nhận các dự án xây dựng nhà máy xử
lý chất thải rắn.
b. Phát động
và duy trì thường xuyên phong trào đồng khởi làm vệ sinh vào chiều thứ 6 hàng
tuần (trước đây là chiều thứ 7) của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức kinh tế, tổ
chức xã hội, vận động nhân dân cùng tham gia. Xây dựng tiêu chuẩn về vệ sinh
môi trường và phát động thi đua thực hiện các quy định về giữ gìn vệ sinh môi
trường ở các cơ quan, xí nghiệp, tổ dân phố, khu dân cư, xã, phường và toàn thể
cộng đồng. Hàng năm có kiểm tra đánh giá xếp loại theo tiêu chuẩn vệ sinh môi
trường, đó là một trong các tiêu chí đánh giá khu dân cư, tổ dân phố, gia đình
văn hoá.
c. Phát huy
vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động
hội viên gương mẫu thực hiện các quy định trong công tác quản lý, xử lý chất thải
rắn đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực tham gia phong trào dọn vệ
sinh, phân loại chất thải từ mỗi hộ gia đình.
2. Tăng cường
công tác quản lý, xử lý chất thải rắn.
a. Xây dựng,
ban hành các quy định về quản lý, xử lý chất thải rắn đô thị. Xác định rõ trách
nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của các cấp chính quyền,
các đoàn thể, trách nhiệm của các đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, trách
nhiệm của mỗi công dân trong công tác quản lý, xử lý chất thải rắn đô thị.
b. Nâng cao
năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác quản lý, xử lý chất thải rắn đô
thị. Xử lý, xử phạt hành vi vi phạm đã được quy định tại Điều 2 Pháp lệnh xử lý
vi phạm hành chính, Nghị định 126/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt
động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà. Thực
hiện nghiêm việc đánh giá tác động môi trường trong các công đoạn thu gom, vận
chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị.Thiết lập cơ chế giám sát của nhân dân, của
các tổ chức đoàn thể quần chúng đối với hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất
thải rắn đô thị.
c. Chú trọng
đến công tác đào tạo nguồn nhân lực cho công tác quản lý, xử lý chất thải rắn
đô thị. Xây dựng, phát triển hệ thống thông tin quản lý công tác quản lý, xử lý
chất thải rắn đô thị thống nhất từ thành phố đến cơ sở.
3. Đổi mới
công nghệ
a. Thực hiện
quy trình thu gom, vận chuyển khép kín, trong xử lý phấn đấu thực hiện công nghệ
chế biến và tái chế là chính, giảm dần chôn lấp chất thải. Thực hiện phân loại
chất thải từ đầu nguồn, phục vụ cho nhà máy xử lý chất thải. Xử lý nước thải từ
bãi chứa bằng các công nghệ phù hợp, hiệu quả.
b. Áp dụng
công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải xây dựng để có thể sử dụng vào việc
khác.
4. Xây dựng
cơ chế quản lý
a. Thực hiện
các bước đi thích hợp để chuyển từ cơ chế cấp vốn sang cơ chế đặt hàng hoặc đấu
thầu sản phẩm dịch vụ công ích. Đẩy nhanh tiến trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp,
chuyển đổi hình thức sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động trong
lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải rắn đô thị.
b. Thực hiện
xã hội hoá, huy động mọi nguồn lực cho công tác quản lý, xử lý chất thải rắn.
Xây dựng, ban hành cơ chế thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ
chức xã hội và nhân dân tham gia vào lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải rắn đô
thị. Năm 2006 tiến hành xã hội hoá công tác thu gom vận chuyển chất thải rắn, mỗi
quận chọn 2 phường làm thí điểm, ở huyện chọn thị trấn Núi Đèo, huyện Thuỷ
Nguyên làm thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm và tiến hành ở các phường, thị trấn
khác trên địa bàn thành phố.
5. Về tài
chính
a. Thực hiện
nhiều giải pháp đồng bộ nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho
công tác quản lý, xử lý chất thải đô thị. Trước hết, các đơn vị sử dụng tối đa
và có hiệu quả các nguồn lực hiện có. Tranh thủ nguồn vốn nước ngoài, nguồn vốn
trong nước của các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải
và các thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải. Hàng năm ngân sách thành phố đảm
bảo các khoản chi thường xuyên cho công tác quản lý, xử lý chất thải rắn đô thị.
Cùng với việc đầu tư nâng cao chất lượng công tác quản lý, xử lý chất thải rắn
đô thị theo lộ trình của đề án, phải thực hiện nhiều giải pháp để thu hút được
các nguồn lực khác để có thể đảm bảo cho tổng chi phí quản lý ngày càng tăng
nhưng lại giảm dần sức ép chi từ ngân sách.
Uỷ ban nhân
dân thành phố đề xuất các chính sách thu hút nguồn vốn tương ứng vào việc đầu
tư cho công tác quản lý, xử lý chất thải rắn đô thị. Ngoài chi phí thường xuyên
hàng năm cho công tác quản lý, xử lý chất thải rắn, từ nay cho đến năm 2010 tiến
hành đầu tư xây dựng 4 nhà máy xử lý chất thải, đầu tư thiết bị để thực hiện
quy trình thu gom khép kín xây dựng bãi chứa chất thải xây dựng và một số công
việc khác với tổng số kinh phí dự kiến: 496.450,75 triệu đồng từ nguồn ngân
sách Nhà nước, nguồn đầu tư nước ngoài và nguồn đầu tư trong nước ngoài ngân sách.
b. Đổi mới
tổ chức thu phí: Các Công ty hiện đang thực hiện công tác quản lý, xử lý chất
thải uỷ thác việc thu phí vệ sinh của các hộ dân cho chính quyền phường thực hiện.
Trên cơ sở số dân hiện có trong phường, UBND phường tổ chức thu và được trích lại
một phần số tiền phí thu phục vụ cho việc thu phí. Thu phí của các khách hàng
là cơ quan, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, chợ... do các Công ty đảm nhiệm.
c. Tăng cường
và nâng cao năng lực quản lý, sử dụng có hiệu quả ngân sách Nhà nước cho công
tác quản lý, xử lý chất thải rắn.
Điều
3: Tổ chức thực hiện
1.Giao
Uỷ ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền xây
dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Đồng thời chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án quản lý, xử lý
chất thải công nghiệp, chất thải y tế, chất thải độc hại, chất thải ở biển, đảo,
khu du lịch, chất thải ở ngoại thành và những nơi đặc thù khác, trình Hội đồng
nhân dân thành phố xem xét quyết định.
2. Giao Thường
trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban và các đại biểu Hội đồng nhân dân
thành phố kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết
này đã được Hội đồng nhân dân thành phố khoá XIII kỳ họp thứ 4 thông qua./.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Thuận
|