ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2266/QĐ-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 17 tháng 9 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP KIỂM SOÁT CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP PHÁP
LIÊN QUAN ĐẾN MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Phòng chống ma
túy năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma túy
năm 2008;
Căn cứ Nghị định số
80/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về việc hướng dẫn việc kiểm
soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước;
Căn cứ Nghị định số
58/2003/NĐ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định về kiểm soát nhập
khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất,
thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;
Căn cứ Quyết định số
52/2011/QĐ-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban
hành quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy;
Xét đề nghị của Giám đốc
Công an tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp kiểm
soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên
Huế.
Điều 2.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định
số 733/QĐ- UBND ngày 13/4/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế phối hợp
kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban,
ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các tổ chức, cá nhân
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công an;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- VP: CVP và PCVP;
- Lưu: VT, NC, XH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Phan Ngọc Thọ
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP KIỂM SOÁT CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN MA
TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2266 /QĐ-UBND ngày 17 /9/2019 của Ủy ban
nhân dân tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về cơ
chế phối hợp trong thực hiện kiểm soát các hoạt động xuất, nhập khẩu, tạm nhập
tái xuất, sản xuất, bảo quản tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng
chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy và đấu tranh
chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Quy chế này áp dụng đối với:
a) Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở
Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục Hải quan tỉnh, Công an tỉnh trong việc
kiểm soát các hoạt động được quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Các đơn vị có chức năng kiểm
soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy được quản lý theo ngành dọc
đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;
c) Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ
chức, cá nhân có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy (đối tượng kiểm tra,
kiểm soát); Tổ công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp
liên quan đến ma túy của tỉnh (sau đây gọi tắt là Tổ công tác liên ngành).
Điều 2.
Nguyên tắc phối hợp
1. Đảm bảo công tác quản lý Nhà
nước về phòng, chống ma túy thống nhất theo từng ngành, lĩnh vực được phân
công, tránh chồng chéo, sót lọt hoặc cản trở các hoạt động hợp pháp liên quan đến
ma túy.
2. Công an tỉnh là cơ quan đầu
mối phối hợp Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục
Hải quan tỉnh trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma
túy.
3. Hoạt động phối hợp giữa Sở Công
Thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục Hải quan và Công
an tỉnh được thực hiện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đã được
pháp luật quy định, nhằm kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động hợp pháp
liên quan đến ma túy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp
kinh doanh, sản xuất phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Nội
dung phối hợp
1. Kiểm soát hoạt động xuất khẩu,
nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển,
phân phối, sử dụng các chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền
chất ma túy trên địa bàn tỉnh.
2. Theo dõi, kiểm tra, giám sát
các hoạt động hợp pháp liên quan đến chất ma túy của các cơ quan, doanh nghiệp,
tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh.
3. Trao đổi thông tin về kiểm
soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến chất ma túy.
Chương II
CƠ CHẾ PHỐI HỢP
Điều 4. Phối
hợp kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán,
vận chuyển, phân phối, sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần
và tiền chất
1. Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở
Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục Hải quan, Công an tỉnh trong phạm vi
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các
cơ quan liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, doanh
nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận
chuyển, phân phối, sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và
tiền chất đóng trên địa bàn tỉnh.
2. Trách nhiệm của Sở Công
Thương
a) Rà soát, thống kê các doanh
nghiệp sản xuất, kinh doanh các tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp trên địa
bàn tỉnh;
b) Nghiên cứu, tổ chức tuyên
truyền về tác dụng của các loại tiền chất ma túy vừa có tác dụng trong sản xuất
công nghiệp đồng thời là hóa chất không thể thiếu trong sản xuất điều chế chất
ma túy, nhằm nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong quản lý tiền chất,
chống thất thoát, không để tội phạm về ma túy lợi dụng gây án;
c) Hướng dẫn các doanh nghiệp
xây dựng quy chế quản lý tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp khi sản
xuất, phân phối, mua bán, sử dụng trao đổi, vận chuyển, như: hệ thống sổ sách,
chứng từ, phiếu xuất nhập kho, định mức tiêu hao các loại tiền chất trên đơn vị
sản phẩm để phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát...
3. Trách nhiệm của Sở Y tế
a) Rà soát, thống kê các doanh
nghiệp, cơ quan tổ chức, cá nhân được Bộ Y tế cấp phép sản xuất nguyên liệu,
thành phẩm, bán thành phẩm thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất; bệnh
viện có giường bệnh được pha chế thuốc thành phẩm gây nghiện, hướng tâm thần và
tiền chất dùng làm thuốc cho người bệnh điều trị nội trú và ngoại trú, có tồn
trữ, sử dụng các loại thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng
làm thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh;
b) Tăng cường công tác hướng dẫn
và quản lý các đối tượng trong hoạt động liên quan đến thuốc gây nghiện, thuốc
hướng thần và các loại tiền chất để bảo đảm thực hiện đúng quy định theo Thông
tư số 14/2015/TT-BYT ngày 25/6/2015 quy định Quản lý thuốc Methadone và Thông
tư số 20/2017/TT-BYT ngày 10/5/2017 của Bộ Y tế quy định một số điều của Luật
Dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ về thuốc và
nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt;
c) Tăng cường công tác kiểm
soát chế độ phân phối, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, thuốc gây nghiện,
thuốc hướng thần, tiền chất sử dụng trong lĩnh vực y tế, phân tích, kiểm nghiệm,
nghiên cứu khoa học.
Định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần chủ
trì thực hiện công tác kiểm tra các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cá nhân hoạt
động trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, phân phối sử dụng các loại thuốc gây
nghiện, thuốc hướng tâm thần và các loại tiền chất dùng làm thuốc trên địa bàn
tỉnh.
4. Trách nhiệm của Cục Hải quan
tỉnh
a) Trong phạm vi chức năng, nhiệm
vụ và quyền hạn được giao kiểm soát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định
tại Điều 8, Điều 10 Nghị định số 58/2003/NĐ-CP ngày 29/5/2003 của Chính phủ quy
định về kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam
chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Quá trình làm thủ tục
nhập, xuất khẩu khi phát hiện những sai phạm không đúng với nội dung được quy định
trong giấy phép, lực lượng Hải quan giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời trong
thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, lực lượng
Hải quan có trách nhiệm thông báo cơ quan chức năng và trong thời hạn 2 ngày kể
từ khi nhận được thông báo phản hồi để cơ quan Hải quan có căn cứ thực hiện. Đối
với các trường hợp có tính chất phức tạp thì trong vòng 7 ngày kể từ ngày lập
biên bản vi phạm hành chính, lực lượng Hải quan có trách nhiệm thông báo cho
Công an tỉnh, cơ quan cấp phép, các cơ quan có trách nhiệm và trong thời hạn 10
ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan Hải quan, các cơ quan chức năng
gửi ý kiến để lực lượng Hải quan có cơ sở xử lý theo đúng quy định;
b) Có trách nhiệm giám sát hàng
hóa từ khi tạm nhập đến khi tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Việc thay đổi mẫu
mã, bao bì của hàng tạm nhập, tái xuất phải được sự đồng ý của cơ quan cấp phép
và giám sát của lực lượng Hải quan. Trong quá trình làm thủ tục tạm nhập, tái
xuất khi phát hiện sai phạm không đúng với nội dung quy định trong giấy phép, lực
lượng Hải quan có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời trong thời
hạn 7 ngày làm việc kể từ khi phát hiện sai phạm thông báo cho Công an tỉnh, cơ
quan cấp phép và các cơ quan có trách nhiệm theo quy định để phối hợp quản lý,
kiểm soát và xử lý;
c) Tăng cường công tác giám sát
hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất để phát hiện,
xử lý các hành vi lợi dụng các hoạt động này để đưa các loại tiền chất, thuốc
gây nghiện, thuốc hướng thần và ma túy vào cũng như đưa ra nước ngoài bất hợp
pháp;
d) Định kỳ ngày 30 hàng tháng,
tổng hợp số liệu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiền chất, thuốc hướng thần,
thuốc gây nghiện chất ma túy gửi Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh để phối
hợp theo dõi, quản lý (nếu có).
5. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn
a) Rà soát, thống kê các doanh
nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc thú y có chứa các chất gây nghiện, chất hướng
thần và tiền chất ma túy trên địa bàn tỉnh;
b) Nghiên cứu, tổ chức tuyên
truyền nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, cá nhân trong quản lý các loại
thuốc thú y có chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền chất, chống thất thoát,
không để tội phạm về ma túy lợi dụng gây án;
c) Hướng dẫn các doanh nghiệp
xây dựng quy chế quản lý thuốc thú y có chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền
chất khi nhập khẩu, mua bán, sử dụng trao đổi, vận chuyển, như: hệ thống sổ
sách, chứng từ, phiếu xuất nhập kho, định mức tiêu hao các loại tiền chất trên
đơn vị sản phẩm để phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát...
6. Trách nhiệm của Công an tỉnh
a) Duy trì và tăng cường công
tác kiểm soát chế độ phân phối, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, thuốc
gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất phục vụ nghiên cứu, giám định, huấn luyện
nghiệp vụ, điều tra tội phạm về ma túy;
b) Phối hợp chặt chẽ Sở Công
Thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Hải quan thực hiện
công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, sản
xuất, kinh doanh, sử dụng và lưu giữ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc
hướng thần; quản lý chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng
thần, tránh thất thoát để tội phạm về ma túy lợi dụng hoạt động gây án;
c) Tổ chức điều tra, xác minh để
có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn xử lý hành vi vi phạm khi nhận được nguồn
tin, tài liệu hoặc phát hiện những sai phạm của các tổ chức, doanh nghiệp trong
công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh.
Điều 5. Phối
hợp trao đổi thông tin
1. Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát
điều tra tội phạm về ma túy) là cơ quan đầu mối trao đổi thông tin về kiểm soát
các hoạt động được quy định tại Khoản 1 Điều 1 của Quy chế này. Thông qua công
tác quản lý giám sát của các ngành chức năng khi phát hiện nguồn tin, tài liệu
hoặc các hành vi sai phạm kịp thời thông báo cho Công an tỉnh để phối hợp xác
minh, xử lý.
2. Công an tỉnh, Sở Công
Thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Hải quan tỉnh có
trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, đề ra nội dung, lịch trình công tác kiểm tra
giám sát và tập hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Điều 6. Phối
hợp theo dõi, kiểm tra, giám sát
1. Công an tỉnh, Sở Công
Thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Hải quan tỉnh và
các cơ quan thi hành pháp luật về phòng, chống ma túy trong phạm vi, nhiệm vụ
và quyền hạn được giao có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt
động được quy định tại Khoản 1 Điều 1 Quy chế này; xử lý hành chính những cơ
quan, đơn vị, cá nhân vi phạm theo thẩm quyền, chuyển Công an tỉnh điều tra, xử
lý những vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự.
2. Công an tỉnh, Sở Công
Thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Hải quan tỉnh
theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp các đơn vị chức năng của
các Bộ, ngành liên quan theo dõi các hoạt động được quy định tại Khoản 1 Điều 1
Quy chế này.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7.
Trách nhiệm thi hành
1. Giám đốc Công an tỉnh, Giám
đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Cục trưởng Cục Hải Quan tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của
mình có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế
này, định kỳ 06 tháng, 01 năm báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội
phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh
(Ban Chỉ đạo 138 tỉnh).
2. Giao Công an tỉnh - Cơ quan
thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh tham mưu thành lập Tổ công tác liên ngành với
thành phần gồm: Các đơn vị chức năng thuộc Công an tỉnh, Sở Công Thương, Sở Y tế,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Hải quan tỉnh được phân công phối hợp
tham gia công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động quy định tại khoản
1 Điều 1 Quy chế này.
Các sở, ngành theo chức năng,
nhiệm vụ để đề xuất kế hoạch kiểm tra, kiểm soát; khi phát hiện vi phạm thuộc
lĩnh vực quản lý của ngành nào thì ngành đó tiến hành xử lý, trao đổi kết quả xử
lý với các thành viên của Tổ công tác liên ngành; báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
3. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp
các đơn vị liên quan định kỳ sơ, tổng kết, báo cáo việc thực hiện Quy chế này;
tham mưu khen thưởng, xử lý sai phạm trong quá trình thực hiện theo quy định.
4. Quá trình thực hiện Quy chế,
nếu có khó khăn, vướng mắc, phát sinh, các đơn vị, địa phương trao đổi Công an
tỉnh để tập hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.