HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 10/CT-UBND
|
Cần Thơ, ngày
08 tháng 7 năm 2019
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG
CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC
NGOÀI
Thời gian qua, từ khi Luật Hộ tịch ngày 20 tháng
11 năm 2014 có hiệu lực thi hành đến nay, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh
vực đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài có những chuyển biến tích cực, phù hợp
với chính sách mở rộng quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta và cơ bản đáp
ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước cũng như quyền đăng ký kết hôn của các bên
nam, nữ, góp phần bảo đảm quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
phát triển lành mạnh. Việc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài có
chiều hướng gia tăng theo từng năm, đặc biệt là việc kết hôn giữa phụ nữ Việt
Nam với công dân Hàn Quốc, công dân Trung Quốc (Đài Loan). Trong các cuộc hôn
nhân này, đa số phụ nữ Việt Nam sống tại các vùng nông thôn, điều kiện kinh tế,
văn hóa còn hạn chế, mục đích hôn nhân không đạt được như mong muốn.
Để tăng cường thực hiện chức
năng quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
và nhằm đảm bảo thực hiện nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, bình đẳng,
xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, tôn trọng, giữ gìn phong tục, tập quán
tốt đẹp của dân tộc, góp phần bảo vệ uy tín của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ
quốc tế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương
thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Sở Tư pháp:
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài bằng nhiều
phương pháp, hình thức phù hợp với đối tượng, góp phần nâng cao nhận thức của
Nhân dân, đặc biệt là người dân ở các vùng nông thôn;
b) Kịp thời hướng dẫn về
chuyên môn, nghiệp vụ hộ tịch có yếu tố nước ngoài; trường hợp có khó khăn,
vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ báo cáo, xin ý kiến Bộ
Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố để hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết;
c) Định kỳ tổ chức bồi dưỡng
nghiệp vụ hộ tịch cho công chức làm công tác hộ tịch cấp huyện, cấp xã; chú
trọng nội dung bồi dưỡng gắn liền với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ;
d) Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về hộ
tịch có yếu tố nước ngoài theo thẩm quyền;
đ) Tăng cường ứng dụng công
nghệ thông tin trong công tác hộ tịch có yếu tố nước ngoài; tham mưu Ủy ban
nhân dân thành phố xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ
liệu hộ tịch điện tử trên địa bàn thành phố;
e) Chịu trách nhiệm theo
dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng năm tổng hợp,
báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Công an thành phố:
a) Chủ động nắm tình hình,
kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm
pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; các trường hợp lợi dụng
việc kết hôn để thực hiện hành vi mua bán phụ nữ ra nước ngoài;
b) Tăng cường công tác quản
lý hộ khẩu, nhân khẩu; quản lý người nước ngoài; quản lý các cơ sở kinh doanh
dịch vụ lưu trú nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến hoạt
động tổ chức môi giới kết hôn bất hợp pháp với người nước ngoài.
3. Sở Văn hoá, Thể thao
và Du lịch:
a) Lồng ghép các thiết chế
văn hóa trong xây dựng quy ước trong cộng đồng dân cư gắn với việc triển khai
thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác
gia đình; tuyên truyền cho người dân nhận thức đúng về quan hệ hôn nhân với
người nước ngoài, về nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, bình đẳng, tiến bộ của Luật
Hôn nhân và gia đình;
b) Phối hợp với các ngành
trong việc tuyên truyền nâng cao danh dự, phẩm chất của phụ nữ Việt Nam, giáo
dục cho phụ nữ tinh thần tự tôn dân tộc nhằm tạo ý thức tự giác trong việc bảo
vệ thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
4. Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội:
a) Tổ chức dạy nghề cho
thanh niên, đặc biệt là phụ nữ vùng nông thôn. Đối với phụ nữ sau khi ly hôn
trở về Việt Nam sinh sống, cần có phương án hỗ trợ, tạo việc làm phù hợp để chị
em nhanh chóng ổn định cuộc sống;
b) Phối hợp với các ban,
ngành, đoàn thể có liên quan đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế
hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo cơ hội để lao động được học
nghề, tạo việc làm ổn định.
5. Sở Thông tin và Truyền
thông:
Phát huy hơn nữa vai trò của
các phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về
hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, về thuần phong, mỹ tục của dân tộc
Việt Nam; đưa tin các gương điển hình trong xây dựng gia đình hạnh phúc.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên:
Vận động Nhân dân chấp hành
pháp luật về hôn nhân và gia đình, nâng cao nhận thức của Nhân dân về quan hệ
hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
a) Đề nghị Hội Liên hiệp
Phụ nữ thành phố:
- Tăng cường công tác tuyên
truyền, giáo dục, giúp đỡ hội viên học nghề, nâng cao kiến thức về pháp luật,
văn hóa để hội viên có nhận thức đúng trong quan hệ hôn nhân với người nước
ngoài;
- Nắm tình hình phụ nữ lấy
chồng nước ngoài nay đã ly hôn trở về nước để phối hợp với các cơ quan chức
năng có biện pháp giúp đỡ phụ nữ trong việc giải quyết hậu quả sau khi ly hôn,
đặc biệt là giúp đỡ phụ nữ lấy chồng nước ngoài bị rơi vào hoàn cảnh bất hạnh,
tạo việc làm cho các đối tượng này để họ sớm hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.
b) Đề nghị Đoàn thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Cần Thơ:
- Tổ chức tuyên truyền, giáo
dục cho thanh niên về Luật Hôn nhân và gia đình, về pháp luật hôn nhân và gia
đình có yếu tố nước ngoài;
- Giáo dục giới trẻ nâng cao
ý thức, lòng tự hào dân tộc, phân biệt được xu thế toàn cầu hóa về hôn nhân tự
nguyện và việc lấy chồng nước ngoài khi chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về
kết hôn có yếu tố nước ngoài có thể dẫn đến những hậu quả không đáng có cho nữ
thanh niên, đặc biệt là nữ thanh niên sống ở vùng nông thôn.
7. Ủy ban nhân dân quận,
huyện:
a) Thường xuyên tuyên
truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình; tuyên truyền, phổ
biến về phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc và các định hướng
phát triển kinh tế gia đình tại địa phương;
b) Đối với các xã vùng nông
thôn, bên cạnh việc nâng cao ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố
nước ngoài cho Nhân dân cần tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm, từng
bước nâng cao đời sống Nhân dân; giáo dục, nhân rộng các gương điển hình tiên
tiến, những người biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn xây dựng cuộc sống gia đình
ấm no, bình đẳng, tiến bộ;
c) Chỉ đạo xã, phường, thị
trấn trong quá trình tiếp nhận yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký
kết hôn có yếu tố nước ngoài, cần có biện pháp phù hợp để tư vấn pháp luật về
hôn nhân và gia đình, giúp người dân nhận ra những thủ đoạn lừa gạt mà phụ nữ
có thể gặp khi kết hôn với người nước ngoài;
d) Tổ chức thực hiện đăng ký
kết hôn có yếu tố nước ngoài, ghi vào sổ việc kết hôn đã đăng ký tại cơ quan có
thẩm quyền của nước ngoài nghiêm túc, đúng quy định pháp luật. Chủ tịch Ủy ban
nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm trong trường hợp buông lỏng quản lý để
xảy ra vi phạm trong đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn;
đ) Chỉ đạo tăng cường công
tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với
công tác đăng ký và quản lý hộ tịch theo thẩm quyền; tăng cường kiểm tra công
tác đăng ký và quản lý hộ tịch tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; thường
xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm những công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu
cực, gây phiền hà cho người dân;
e) Bố trí công chức làm công
tác hộ tịch đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 72 Luật Hộ tịch; lựa chọn
cán bộ có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức làm công tác tiếp
nhận, thẩm tra, giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài theo đúng
trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ
quan, ban, ngành thành phố có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện
chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trương Quang Hoài Nam
|