ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
58/2024/QĐ-UBND
|
Lai Châu, ngày 01
tháng 11 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN
TRÁCH Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số
33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công
chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
Căn cứ Nghị quyết số
69/2023/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định
chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp
xã, ở thôn, bản, tổ dân phố và người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản,
tổ dân phố trên địa bàn tỉnh;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Nội vụ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý , sử dụng người hoạt động
không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Điều 2. Hiệu
lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2024.
Điều 3. Tổ
chức thực hiện
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nội vụ; (b/c)
- Thường trực Tỉnh ủy; (b/c)
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng UBND tỉnh: V, C;
- Công báo tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, Th4.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Văn Lương
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở XÃ,
PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
(Kèm theo Quyết định số: 58/2024/QĐ-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2024 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Lai Châu)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về quản
lý, sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (sau đây
gọi chung là cấp xã) trên địa bàn tỉnh Lai Châu, bao gồm: Quy định về tiêu chuẩn,
nhiệm vụ; bầu cử, tuyển chọn; thời gian làm việc, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý hồ
sơ, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho thôi việc đối
với người hoạt động không chuyên trách.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Các chức danh người hoạt động
không chuyên trách cấp xã theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số
69/2023/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định
chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp
xã, ở thôn, bản, tổ dân phố và người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản,
tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.
2. Các cơ quan Nhà nước, các tổ
chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cá nhân có liên quan đến
người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Chương II
TIÊU CHUẨN, NHIỆM VỤ CỦA
NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ
Điều 3.
Tiêu chuẩn đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
1. Người hoạt động không chuyên
trách ở cấp xã phải đảm bảo tiêu chuẩn theo khoản 1 Điều 36 Nghị định số
33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công
chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
2. Đối với các chức danh: Phó
Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã phải đáp ứng theo quy định chuyên
ngành về dân quân tự vệ; nhân viên thú y xã phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định
chuyên ngành về thú y; các chức danh bầu cử (bao gồm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ ,
Chủ tịch Hội Người cao tuổi , Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và cấp phó của
các tổ chức chính trị - xã hội) phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định tại
Điều lệ của tổ chức mà mình là thành viên và quy định pháp luật có liên quan .
Trường hợp Điều lệ , quy định của pháp luật có liên quan không quy định cụ
thể thì thực hiện theo khoản 1 Điều này.
Điều 4. Nhiệm
vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
1. Người hoạt động không chuyên
trách ở cấp xã thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định số
33/2023/NĐ-CP và quy định của cấp có thẩm quyền.
2. Nhiệm vụ cụ thể của các chức
danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã do Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố (sau đây gọi chung là cấp huyện) quy định đảm bảo phù hợp với yêu cầu
thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị hành chính cấp xã.
3. Thẩm quyền phân công nhiệm vụ
a) Ban Thường vụ Đảng ủy cấp xã
phân công nhiệm vụ cho Văn phòng Đảng ủy cấp xã;
b) Ủy ban nhân dân cấp xã phân
công nhiệm vụ cho Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự, Phụ trách Đài Truyền
thanh - Quản lý Nhà văn hóa, Nhân viên thú y cấp xã;
c) Ban Thường trực Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc cấp xã phân công nhiệm vụ cho Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
ở cấp xã, Ban Thường vụ các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã phân công nhiệm
vụ cho cấp phó của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; Ban Thường vụ các tổ
chức xã hội cấp xã phân công nhiệm vụ cho Chủ tịch các tổ chức xã hội ở cấp xã.
Chương
III
BẦU CỬ, TUYỂN CHỌN NHỮNG
NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ
Điều 5.
Hình thức bầu cử, tuyển chọn người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
1. Các chức danh Phó Chủ tịch Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến
binh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi được bầu cử,
chuẩn y, phê chuẩn theo quy định tại Điều lệ và các quy định của pháp luật có
liên quan.
2. Chức danh Phó Chỉ huy trưởng
Ban Chỉ huy Quân sự được thực hiện theo quy định chuyên ngành về quân sự.
3. Các chức danh: Văn phòng Đảng
ủy, Nhân viên thú y, Phụ trách Đài Truyền thanh - Quản lý Nhà văn hóa được tuyển
chọn thông qua hình thức xét tuyển.
Điều 6. Căn
cứ tuyển chọn, điều kiện dự tuyển, thẩm quyền tuyển chọn người hoạt động không
chuyên trách ở cấp xã
1. Căn cứ tuyển chọn người hoạt
động không chuyên trách ở cấp xã
a) Việc tuyển chọn người hoạt động
không chuyên trách phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, số lượng người hoạt động
không chuyên trách được giao và việc bố trí số lượng theo các chức danh người
hoạt động không chuyên trách ở mỗi đơn vị hành chính;
b) Hàng năm hoặc do yêu cầu nhiệm
vụ đột xuất cần tuyển chọn các chức danh người hoạt động không chuyên trách, Ủy
ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với cấp ủy cùng cấp, xây dựng kế hoạch
tuyển chọn các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã tại khoản 2,
khoản 3 Điều 5 Quy định này gửi Phòng Nội vụ thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp huyện phê duyệt để làm căn cứ tuyển chọn. Kế hoạch tuyển chọn phải
nêu rõ số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã được giao, số lượng
người hoạt động không chuyên trách hiện có, số lượng người hoạt động không
chuyên trách cấp xã còn thiếu so với quy định, nhu cầu cần tuyển đối với từng
chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, điều kiện tiêu chuẩn đối
với từng chức danh cần tuyển.
2. Điều kiện đăng ký dự tuyển
người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
Điều kiện đăng ký dự tuyển người
hoạt động không chuyên trách ở cấp xã phải đảm bảo theo quy định tại Điều 3 Quy
định này. Ủy ban nhân dân cấp xã quy định cụ thể điều kiện đăng ký dự tuyển
trong kế hoạch xét tuyển nhưng không được thấp hơn tiêu chuẩn chung, không trái
quy định của pháp luật, không phân biệt loại hình đào tạo.
3. Thẩm quyền tuyển chọn người
hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
a) Chức danh Phó Chỉ huy trưởng
Ban Chỉ huy Quân sự được thực hiện theo quy định chuyên ngành về dân quân tự vệ;
b) Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm
quyền tuyển chọn các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy
định tại khoản 3 Điều 5 Quy định này thông qua hình thức xét tuyển. Riêng chức
danh Văn phòng Đảng ủy, Đảng ủy cấp xã cử đại diện tham gia xét tuyển cùng Ủy
ban nhân dân cấp xã, quyết định tuyển chọn.
4. Các trường hợp ưu tiên trong
tuyển chọn người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
a) Anh hùng Lực lượng vũ trang,
Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương
binh loại B;
b) Người dân tộc thiểu số, sĩ
quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm
công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt
nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được
phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con
thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con
của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc
hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động;
c) Người hoàn thành nghĩa vụ quân
sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong, đội
viên tri thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24
tháng trở lên được đánh giá xếp loại hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
Điều 7.
Trình tự tổ chức tuyển chọn người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
1. Thông báo tuyển chọn
a) Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ
kế hoạch tuyển chọn đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, đăng
tải Thông báo tuyển chọn người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã công khai
trên phương tiện thông tin đại chúng, Trang thông tin điện tử cấp huyện, xã và
niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. Nội dung Thông báo cần
nêu rõ số lượng chức danh cần tuyển, tiêu chuẩn và điều kiện đăng ký dự tuyển,
thời hạn và địa điểm tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển (Theo mẫu Phụ lục đính kèm), thời gian và địa điểm xét tuyển,
thông tin liên hệ của người được cử nhận Phiếu đăng ký dự tuyển;
b) Thời hạn nhận Phiếu đăng ký
dự tuyển do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cho phù hợp với tình hình của địa
phương nhưng tối thiểu phải đủ từ 20 ngày kể từ ngày đăng tải Thông báo.
2. Thành lập Hội đồng tuyển chọn
a) Ủy ban nhân dân cấp xã thành
lập Hội đồng tuyển chọn có từ 05 đến 07 thành viên do đại diện lãnh đạo UBND cấp
xã là Chủ tịch Hội đồng, các Ủy viên bao gồm: Đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc cấp xã, công chức cấp xã có chuyên môn liên quan đến chức danh người
hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cần tuyển, công chức Văn phòng - Thống kê
làm Ủy viên kiêm Thư ký (Nếu khuyết hoặc vì lý do khác không thể bố trí công chức
Văn phòng - Thống kê tham gia Hội đồng tuyển chọn thì bố trí công chức khác cho
phù hợp). Trường hợp có xét tuyển chức danh Văn phòng Đảng ủy thì mời đại diện
Đảng ủy cấp xã tham dự;
b) Không bố trí những người có
quan hệ là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người dự tuyển hoặc của bên vợ (chồng)
của người dự tuyển; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người dự tuyển hoặc
những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ
luật làm thành viên Hội đồng tuyển chọn.
3. Nội dung, hình thức xét tuyển
a) Vòng 1
Kiểm tra Phiếu đăng ký dự tuyển
theo yêu cầu của vị trí cần xét tuyển, nếu đáp ứng đủ điều kiện thì người dự
tuyển được tham dự vòng 2;
b) Vòng 2
Hội đồng tuyển chọn tổ chức phỏng
vấn để kiểm tra hiểu biết về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thực thi công vụ, kinh
nghiệm công tác (nếu có) của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí cần tuyển.
Nội dung phỏng vấn do Hội đồng tuyển chọn thống nhất quyết định và không chấm
điểm nội dung phỏng vấn.
Trên cơ sở kết quả phỏng vấn và
các trường hợp ưu tiên theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Quy định này, Hội đồng
tuyển chọn tiến hành bỏ phiếu kín để xác định người trúng tuyển.
4. Xác định người trúng tuyển
Người trúng tuyển là người có kết
quả kiểm phiếu cao hơn. Trường hợp có từ 02 người có kết quả kiểm phiếu bằng
nhau thì lấy theo thứ tự ưu tiên quy định tại khoản 4 Điều 6 Quy định này. Trường
hợp vẫn không quyết định được người trúng tuyển thì báo cáo Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp xã quyết định người trúng tuyển. Riêng đối với chức danh Văn phòng
Đảng ủy thì báo cáo Bí thư Đảng ủy cấp xã quyết định người trúng tuyển.
5. Thông báo kết quả, hoàn thiện
hồ sơ tuyển chọn
a) Trong thời hạn 10 ngày làm
việc kể từ ngày có kết quả tuyển chọn, Hội đồng tuyển chọn phải Thông báo kết
quả tuyển chọn, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, Trang thông tin
điện tử cấp huyện, xã, niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và
gửi thông báo công nhận kết quả trúng tuyển bằng văn bản tới người dự tuyển
theo địa chỉ mà người dự tuyển đã đăng ký. Nội dung thông báo phải ghi rõ thời
hạn người trúng tuyển phải đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã để hoàn thiện hồ
sơ tuyển chọn;
b) Trong thời hạn theo thông
báo của Hội đồng tuyển chọn, người trúng tuyển phải đến trụ sở Ủy ban nhân dân
cấp xã để hoàn thiện hồ sơ tuyển chọn;
c) Trường hợp người trúng tuyển
không hoàn thiện đủ hồ sơ tuyển chọn theo quy định hoặc có hành vi gian lận
trong việc kê khai Phiếu đăng ký dự tuyển hoặc bị phát hiện sử dụng văn bằng,
chứng chỉ, chứng nhận không đúng quy định để tham gia tuyển chọn thì Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp xã (hoặc Bí thư Đảng ủy cấp xã đối với chức danh Văn phòng Đảng
ủy) ra quyết định hủy bỏ kết quả trúng tuyển.
6. Tuyển chọn và nhận việc
a) Chậm nhất 15 ngày sau ngày
người trúng tuyển hoàn thiện hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định
tuyển chọn và xếp phụ cấp đối với các chức danh tham mưu cho chính quyền cơ sở,
Bí thư Đảng ủy cấp xã ra quyết định tuyển chọn và xếp phụ cấp đối với chức danh
Văn phòng Đảng ủy và gửi quyết định tới người trúng tuyển theo địa chỉ đã đăng
ký;
b) Trong thời hạn 20 ngày kể từ
ngày nhận được quyết định tuyển chọn, người được tuyển chọn phải đến trụ sở Ủy
ban nhân dân cấp xã nhận việc, trừ trường hợp quyết định tuyển chọn quy định thời
hạn khác hoặc được Đảng ủy, Ủy ban nhân dân cấp xã đồng ý gia hạn;
c) Trường hợp người được tuyển
chọn không đến nhận việc trong thời hạn quy định tại điểm b khoản này thì Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp xã (hoặc Bí thư Đảng ủy cấp xã nếu là chức danh Văn phòng Đảng
ủy) hủy bỏ quyết định tuyển chọn;
d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
xã (hoặc Bí thư Đảng ủy cấp xã nếu là chức danh Văn phòng Đảng ủy), xem xét quyết
định việc trúng tuyển đối với người dự tuyển có kết quả bỏ phiếu thấp hơn liền
kề so với kết quả tuyển chọn của người trúng tuyển đã bị hủy bỏ kết quả trúng
tuyển theo điểm c khoản này hoặc điểm c khoản 5 Điều này;
đ) Trường hợp có từ 02 người trở
lên có kết quả bỏ phiếu thấp hơn liền kề mà bằng nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp xã (hoặc Bí thư Đảng ủy nếu là chức danh Văn phòng Đảng ủy) quyết định
người trúng tuyển theo quy định tại khoản 4 Điều này;
e) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
xã tổng hợp danh sách người hoạt động không chuyên trách trúng tuyển, báo cáo Ủy
ban nhân dân cấp huyện để theo dõi. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phân công
nhiệm vụ cho người hoạt động không chuyên trách theo khoản 3 Điều 4 Quy định
này.
Điều 8. Tiếp
nhận người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
1. Các trường hợp tiếp nhận vào
làm người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
a) Cán bộ, công chức, viên chức
(bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành
chính hoặc do thay đổi về chỗ ở không thể tiếp tục bố trí làm cán bộ, công chức,
viên chức, có nhu cầu và đáp ứng được ngay yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của người
hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
b) Người hoạt động không chuyên
trách ở cấp xã do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính hoặc do thay đổi về
chỗ ở có nhu cầu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên
trách ở cấp xã, phù hợp với tiêu chuẩn của vị trí còn thiếu ở đơn vị, nơi ở mới;
c) Người hoạt động không chuyên
trách ở cấp xã cần thiết phải bố trí sang chức danh khác cho phù hợp với chuyên
môn, nghiệp vụ;
d) Các trường hợp tiếp nhận người
hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này chỉ
áp dụng đối với các chức danh quy định tại khoản 3 Điều 5 Quy định này.
2. Thẩm quyền tiếp nhận người
hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
Bí thư Đảng ủy cấp xã thay mặt
Đảng ủy cấp xã quyết định tiếp nhận người vào làm chức danh Văn phòng Đảng ủy,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định tiếp nhận vào làm các chức danh tham
mưu cho chính quyền đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Chương IV
THỜI GIAN LÀM VIỆC, ĐÀO
TẠO, BỒI DƯỠNG, QUẢN LÝ HỒ SƠ, ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI, KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT, TẠM
ĐÌNH CHỈ, BÃI NHIỆM, MIỄN NHIỆM, CHO THÔI VIỆC ĐỐI VỚI NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG
CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ
Điều 9. Thời
gian làm việc của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
1. Người hoạt động không chuyên
trách ở cấp xã làm việc ít nhất 20 giờ/tuần.
2. Ngoài thời gian làm việc
theo yêu cầu tại khoản 1 Điều này, khi có công việc đột xuất, người hoạt động
không chuyên trách phải thực hiện nhiệm vụ theo phân công của cấp có thẩm quyền
nhưng tối đa không quá 30 giờ/tuần.
Điều 10.
Đào tạo, bồi dưỡng, chế độ bảo hiểm của người hoạt động không chuyên trách ở cấp
xã
1. Đào tạo, bồi dưỡng
a) Người hoạt động không chuyên
trách ở cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ
đang đảm nhiệm;
b) Người hoạt động không chuyên
trách ở cấp xã thuộc diện quy hoạch các chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp
xã thì được cử đi đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với chức vụ, chức danh được
quy hoạch;
c) Ban Thường vụ Đảng ủy cấp xã
có thẩm quyền cử đi đào tạo, bồi dưỡng đối với các chức danh bầu cử và Văn
phòng Đảng ủy; Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cử đi đào tạo, bồi dưỡng đối
với các chức danh tham mưu cho chính quyền cấp xã;
d) Khi được cử đi đào tạo, bồi
dưỡng, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ theo quy định
của pháp luật.
2. Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế
Người hoạt động không chuyên
trách ở cấp xã thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm y tế theo
quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Điều 11.
Quản lý hồ sơ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
1. Ủy ban nhân dân cấp xã có
trách nhiệm lập, quản lý hồ sơ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
2. Việc lập, quản lý hồ sơ của
người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã áp dụng theo quy định của pháp luật
về quản lý hồ sơ cán bộ, công chức cấp xã.
Điều 12.
Đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật đối với người hoạt động không chuyên
trách ở cấp xã
1. Người hoạt động không chuyên
trách ở cấp xã được đánh giá, xếp loại theo khoản 4 Điều 36 Nghị định số
33/2023/NĐ-CP. Ban Thường vụ Đảng ủy cấp xã đánh giá, xếp loại đối với chức
danh Văn phòng Đảng ủy và các chức danh bầu cử.
2. Người hoạt động không chuyên
trách ở cấp xã có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ thì được xét khen
thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
3. Việc kỷ luật người hoạt động
không chuyên trách ở cấp xã thực hiện theo khoản 6 Điều 36 Nghị định số
33/2023/NĐ-CP. Bí thư Đảng ủy cấp xã thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy cấp xã có
thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý kỷ luật đối với chức danh Văn phòng Đảng ủy.
Điều 13. Tạm
đình chỉ công tác người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
Trong thời gian đang bị xem xét
kỷ luật, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có thể bị cơ quan, tổ chức
có thẩm quyền quản lý ra quyết định tạm đình chỉ công tác nếu xét thấy người hoạt
động không chuyên trách đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xác
minh hoặc tiếp tục có hành vi vi phạm. Thời hạn tạm đình chỉ áp dụng như đối với
cán bộ, công chức cấp xã.
Điều 14.
Bãi nhiệm, miễn nhiệm và giải quyết thôi việc đối với người hoạt động không
chuyên trách ở cấp xã
1. Việc bãi nhiệm, miễn nhiệm
các chức danh bầu cử thực hiện theo quy định của Điều lệ của tổ chức mà người
hoạt động không chuyên trách là thành viên và phân cấp quản lý của địa phương.
2. Người hoạt động không chuyên
trách không thuộc các chức danh bầu cử được giải quyết thôi việc trong các trường
hợp:
a) Do sắp xếp tổ chức;
b) Có hai năm liên tiếp được
đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ;
c) Theo nguyện vọng và được sự
đồng ý của cấp có thẩm quyền.
3. Thẩm quyền giải quyết thôi
việc
Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền
bổ nhiệm, quyết định tuyển chọn người hoạt động không chuyên trách cấp xã thì
có thẩm quyền giải quyết thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách cấp
xã.
4. Người hoạt động không chuyên
trách cấp xã khi bị bãi nhiệm, miễn nhiệm, thôi việc được hưởng chế độ, chính
sách theo quy định của pháp luật có liên quan và điều lệ tổ chức mà người hoạt
động không chuyên trách ở cấp xã là thành viên.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15.
Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương
1. Trách nhiệm của Sở Nội vụ
a) Tổ chức theo dõi, kiểm tra
việc thực hiện Quy định này;
b) Thống kê, báo cáo số lượng,
chất lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên địa bàn tỉnh theo yêu
cầu của cơ quan có thẩm quyền.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân
dân cấp huyện
a) Quyết định số lượng người hoạt
động không chuyên trách cấp xã ở từng đơn vị hành chính cấp xã; quy định cụ thể
nhiệm vụ của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã cho phù hợp
với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị hành chính cấp xã;
b) Xây dựng kế hoạch và tổ chức
bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã;
c) Báo cáo, đề xuất với huyện ủy,
thành ủy bổ sung nội dung quy định về quản lý, sử dụng người hoạt động không
chuyên trách ở cấp xã vào quy định phân cấp quản lý của huyện, thành phố;
d) Quyết định khen thưởng và đề
xuất trình cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với người hoạt động không chuyên
trách cấp xã;
đ) Chỉ đạo Phòng Nội vụ tổ chức
hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tuyển chọn người hoạt động không
chuyên trách ở cấp xã;
e) Thanh tra, kiểm tra việc thực
hiện các quy định đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã;
g) Giải quyết và chỉ đạo việc
giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã;
h) Định kỳ báo cáo thống kê số
lượng, chất lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên địa bàn về Ủy
ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ).
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân
dân cấp xã
a) Chủ trì, phối hợp với Đảng ủy
cùng cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức xét tuyển các chức danh người hoạt động không
chuyên trách ở cấp xã đối với các chức danh quy định tại khoản 3 Điều 5 của Quy
định này;
b) Trực tiếp theo dõi, quản lý,
sử dụng, đánh giá, phân công nhiệm vụ cho người hoạt động không chuyên trách ở
cấp xã đối với các chức danh tham mưu cho chính quyền cấp xã;
c) Xem xét việc khen thưởng, kỷ
luật hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét khen thưởng, kỷ luật người hoạt động
không chuyên trách ở cấp xã;
d) Lập, quản lý hồ sơ của người
hoạt động không chuyên trách cấp xã;
đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo
đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã;
e) Thực hiện báo cáo thống kê định
kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu về số lượng, chất lượng người hoạt động không
chuyên trách ở cấp xã theo quy định.
Điều 16. Tổ
chức thực hiện
1. Các nội dung khác về quản
lý, sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã không nêu trong quy định
này thì được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Trong quá trình triển khai
thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phản
ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để được hướng dẫn, giải đáp hoặc sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp./.
PHỤ LỤC
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
…………….ngày
........ tháng ........ năm ...........
(Dán ảnh 4x6)
|
PHIẾU ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN
Vị trí dự tuyển(1):
……………………………………………
………………………………………………
Đơn vị dự tuyển(2):
………………………………………………
………………………………………………
|
Họ và tên:
………………………………………………………………………………….
Ngày, tháng, năm sinh:
………………………………………… Nam(3) □ Nữ □
Dân tộc: …………………………………… Tôn
giáo:.……………………….
Số Thẻ căn cước: ……………… Ngày cấp:
………… Nơi cấp:………………
..............................................................................................................................
Ngày vào Đảng Cộng sản Việt Nam:
……….....; Ngày chính thức: ……………
Số điện thoại di động để báo
tin: …………………… Email: ………………….
…………………………………………………………………………………...
Quê quán:
……………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………………...
Hộ khẩu thường trú:
……………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………
Chỗ ở hiện nay (để báo tin):
……………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………
Tình trạng sức khoẻ:
……………………Chiều cao: ……………… Cân nặng:
…………………kg
Thành phần bản thân hiện nay:
…………………………………………………
Trình độ văn hoá:
……………………………………………………………….
Trình độ chuyên môn:
…………………………………………………………..
Chuyên ngành đào tạo:
………………………………………………………….
Nơi đào tạo:
……………………………………………………………………..
Đối tượng ưu tiên (nếu
có):…………………..………………………………….
Nội dung khác theo yêu cầu của
cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn:
……………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………
Tôi xin cam đoan những lời khai
trên của tôi là đúng sự thật. Sau khi nhận được thông báo trúng tuyển tôi sẽ
hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Nếu sai sự thật thì kết quả tuyển chọn của tôi
sẽ bị cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hủy bỏ, tôi sẽ chịu trách nhiệm trước
pháp luật./.
|
NGƯỜI VIẾT PHIẾU
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
Ghi chú:
(1) Ghi đúng vị trí việc làm
đăng ký dự tuyển;
(2) Ghi đúng tên cơ quan, tổ chức,
đơn vị có chỉ tiêu tuyển chọn; (3) Người viết phiếu tích dấu X vào ô tương ứng
ô Nam, Nữ.