VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 36a/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 01 năm 2024
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH
KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 01 NĂM 2024, TÌNH HÌNH PHÂN BỔ, GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ
CÔNG, TRIỂN KHAI CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Ngày 30 tháng 01 năm
2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc
họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2024, tình hình phân bổ, giải
ngân vốn đầu tư công, triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tham dự cuộc
họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang, Lãnh đạo
các Bộ, cơ quan: Công an; Quốc phòng; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công
Thương; Xây dựng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Ngoại giao; Giao thông vận
tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài
nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông; Nội vụ;
Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc; Văn phòng Chính phủ; Ủy
ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng
nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo của
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu của các Phó Thủ
tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ thống nhất kết luận như sau:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để hoàn thiện các
Báo cáo phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2024, trong đó lưu ý
bổ sung, nhấn mạnh một số nội dung sau:
a) Làm rõ, nhấn mạnh một
số nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về: phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất,
phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị; bám sát tình hình
thực tiễn, kịp thời có phản ứng chính sách đúng, trúng, kịp thời; tập trung chỉ
đạo điều hành quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc
nào dứt việc đó, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan; khẩn
trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực ngay từ những
ngày đầu, tháng đầu của năm 2024.
b) Làm sâu sắc hơn một số
kết quả đạt được trong tháng 01 năm 2024 về:
- Công tác lãnh đạo, chỉ
đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương
đã bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, bảo
đảm rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm và được tổ chức thực hiện quyết liệt ngay
từ những ngày đầu năm 2024.
- Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn
định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền
kinh tế được bảo đảm; tình hình lao động, việc làm được bảo đảm; số doanh nghiệp
thành lập mới tăng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng tăng.
- Công tác đối ngoại được
triển khai chủ động, tích cực, chu đáo, đạt nhiều kết quả thiết thực, để lại
nhiều dấu ấn tích cực trong cộng đồng quốc tế; trong tháng đã tổ chức tiếp đón
thành công 05 chuyến thăm cấp Nhà nước và chính thức của các nguyên thủ, lãnh đạo
cấp cao các nước tới Việt Nam; tổ chức thành công 03 chuyến thăm nước ngoài của
Lãnh đạo cấp cao nước ta; góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên
trường quốc tế, làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, đối tác.
- Công tác hoàn thiện thể
chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được tập trung thực
hiện; đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện
các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Nghị quyết
về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc
gia, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
- Các lĩnh vực văn hóa,
xã hội tiếp tục được quan tâm. Công tác bảo đảm an sinh xã hội và chuẩn bị các điều
kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, an
toàn, tiết kiệm được triển khai tích cực, có nhiều đổi mới theo đúng Chỉ thị số
26-CT/TW ngày 23 tháng 11 năm 2023 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày
15 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.
- Quốc phòng, an ninh được
tăng cường, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật
tự an toàn xã hội được bảo đảm.; bố trí đầy đủ lực lượng ứng trực, kịp thời xử
lý các công việc phát sinh, không để bị động, bất ngờ.
- Các tổ chức quốc tế
đánh giá cao các kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội có nhiều dự
báo lạc quan về triển vọng năm 2024.
c) Bổ sung, nhấn mạnh một
số khó khăn, thách thức như: sức ép lạm phát còn cao, nhất là trong điều kiện giá
dầu thô, lương thực thế giới biến động mạnh.; hoạt động sản xuất kinh doanh
trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng; tổng mức
bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dịp cận Tết có tăng song vẫn thấp
hơn giai đoạn cận Tết các năm trước; Thu ngân sách nhà nước giảm so cùng kỳ;
các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đã có bước chuyển biến
nhưng vẫn còn khó khăn, cần tiếp tục theo dõi để chủ động ứng phó kịp thời; giải
ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài còn nhiều vướng mắc; đời sống một bộ phận
người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số
còn khó khăn.
d) Nhấn mạnh một số trọng
tâm chỉ đạo điều hành trong Quý I năm 2024 về:
- Tiếp tục phát huy vai
trò của các Tổ công tác của các Thành viên Chính phủ trong việc kiểm tra, đôn đốc,
chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các địa phương; đẩy mạnh, nâng cao hiệu
quả hoạt động của 05 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc,
đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa
phương theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ.
- Chủ động xây dựng kế hoạch
và triển khai kịp thời, hiệu quả các Luật, Nghị quyết đã được Quốc hội thông
qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5; phối hợp chặt chẽ với các
cơ quan của Quốc hội để chuẩn bị tốt các dự án Luật cần trình Quốc hội tại kỳ họp
thứ 7, Quốc hội khóa XV.
- Bám sát diễn biến thị
trường để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả,
phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách
vĩ mô khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm
phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi chặt chẽ tình hình thực
hiện hạn mức tín dụng năm 2024, điều hành linh hoạt, kịp thời, đáp ứng nhu cầu
vốn cho nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hướng tín dụng
vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng
đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
đ) Thể hiện rõ hơn một số
nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong tháng 02 năm 2024:
- Triển khai thực hiện
quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư và
Chỉ thị số 30/CT-TTg về chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết
Nguyên đán Giáp Thìn và Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2024 của Thủ
tướng Chính phủ về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các
hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân
2024. Tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, phục vụ kịp thời để mọi
người, mọi nhà vui Xuân, đón Tết, không để ai không có Tết.
- Có giải pháp thúc đẩy
các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; tập
trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các giải pháp thu đúng,
thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu đồng thời với việc triệt để tiết kiệm,
cắt giảm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cấp bách, cần thiết để ưu tiên
cho chi đầu tư phát triển. Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo Chính phủ trong
tháng 02 năm 2023 về phương án phân bổ số tăng thu ngân sách trung ương năm
2023, tập trung cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, bảo đảm nguồn cải
cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
- Các Bộ, cơ quan liên
quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao: (i) chủ động xây dựng các văn bản quy
định và công việc cụ thể để triển khai chế độ tiền lương mới kể từ ngày 01
tháng 7 năm 2024 theo Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm
chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ quy định; (ii) khẩn trương hoàn thiện, báo
cáo cấp có thẩm quyền các đề án thuộc Chương trình công tác Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, nhất là các Đề án chậm của năm 2023.
- Thúc đẩy mạnh mẽ và làm
mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), đồng
thời tạo thuận lợi, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi
số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi...
- Khẩn trương xây dựng,
ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi),
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các Luật có hiệu lực từ năm 2024, bảo đảm
có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các
dự án Luật, Nghị quyết của Quốc hội trong Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh
năm 2024, bảo đảm chất lượng, nhất là các luật trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15
ngày 15 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sửa đổi, bổ sung Luật
Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật...
- Khẩn trương cụ thể hóa,
có chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể thực hiện hiệu quả các thỏa thuận của
kết quả chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao; triển khai kịp thời, hiệu quả các hoạt
động trong chương trình đối ngoại cấp cao năm 2024.
- Chủ động tính toán, chuẩn
bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước định
giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường. Thực hiện điều chỉnh giá điện,
dịch vụ y tế, giáo dục... với mức độ và thời điểm phù hợp, hạn chế tối đa tác động
đến lạm phát, sản xuất kinh doanh, đời sống Nhân dân.
- Tiếp tục thực hiện quyết
liệt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường thông tin, tuyên
truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác
dân vận, tạo đồng thuận xã hội; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các Bộ, ngành,
địa phương trong triển khai nhiệm vụ được giao và giải quyết, xử lý, tháo gỡ
các vấn đề vướng mắc có tính liên ngành.
2. Về tài liệu phục vụ
phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2024:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
(i) Hoàn thiện các Tài liệu, Báo cáo phục vụ phiên họp theo nội dung tại điểm 1
nêu trên, gửi các Bộ, cơ quan, địa phương trước 18 giờ ngày 31 tháng 01 năm
2024. (ii) Chuẩn bị Báo cáo tóm tắt để trình bày tại Phiên họp (thời lượng
trình bày không quá 30 phút).
b) Văn phòng Chính phủ dự
thảo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, gửi xin ý kiến các thành viên
Chính phủ trước 18 giờ ngày 31 tháng 01 năm 2024.
3. Văn phòng Chính phủ phối
hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu Thường trực Chính phủ tổ chức
họp với các địa phương để quán triệt việc triển khai các Nghị quyết phiên họp
Chính phủ thường kỳ hằng tháng.
Văn phòng Chính phủ thông
báo để các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTg;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp;
- VPCP: BTCN, PCN Mai Thị Thu Vân,
các Vụ, Cục: TH, TKBT, ĐMDN, NN, CN,
KGVX, QHĐP, NC, PL, KSTT;
- Lưu: VT, KTTH (3).
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Mai Thị Thu Vân
|