BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 8484/BGTVT-KHCN
V/v
hướng dẫn một số nội dung trong quá trình triển khai thực hiện Quy chuẩn kỹ
thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT.
|
Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2017
|
Kính gửi:
|
- Cục Cảnh sát Giao thông - C67, Bộ
Công an
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
- Cục QLXD & CLCTGT;
- Các Vụ: KHCN, KCHTGT, ATGT, KHĐT, ĐTCT; PC;
- Các Cục Quản lý đường bộ: I, II, III, IV;
- Các Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Ban QLDA: 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 85, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh;
- Các Nhà đầu tư các dự án BOT, BT;
- Viện Khoa học & Công nghệ GTVT;
- Tổng công ty ĐTPT đường cao tốc Việt Nam (VEC);
- Tổng công ty PTHT và ĐTTC
Việt Nam (Vidifi);
- Tổng công ty ĐTPT& QLCDA HTGT Cửu Long (CIPM);
- Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI);
- Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TEDIS).
- Công ty TNHH MTV Tư vấn và Khảo sát thiết kế xây dựng (Tư vấn Trường Sơn);
|
Bộ Giao thông vận tải nhận được công
văn số 2203/TCĐBVN-ATGT ngày 19/4/2017 và công văn số 3707/TCĐBVN-ATGT ngày 22/6/2017
của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc hướng dẫn một số nội dung trong quá
trình triển khai Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT.
Trên cơ sở thông báo kết luận số 210/TB-BGTVT
ngày 12/6/2017 kết luận cuộc họp về một số dung vướng mắc trong quá trình triển
khai thực hiện QCVN 41:2016/BGTVT, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến như sau:
1. Ngày 08/4/2016, Bộ Giao
thông vận tải đã ban hành Thông tư số 06/2016/TT-BGTVT quy định Quy chuẩn quốc
gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT (có hiệu lực từ ngày 01/11/2016)
thay thế QCVN 41:2012/BGTVT.
Trong thời gian vừa qua, việc ban hành Quy chuẩn 41:2016/BGTVT đã
góp phần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về ATGT và hệ thống biển báo hiệu đường
bộ Việt Nam, quá trình thực hiện về cơ bản thuận lợi, tháo gỡ nhiều bất cập, được các cơ
quan chức năng, cơ quan truyền thông và nhân dân ủng hộ cao.
Bên cạnh đó, một số nội dung được một
số cơ quan, đơn vị phản ánh cần phải giải thích, hướng dẫn rõ hơn để thống nhất,
tránh gây hiểu lầm giữa
người tham gia giao thông và các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm.
2. Bộ Giao thông vận tải có hướng dẫn
chi tiết một số nội dung trong quá trình triển khai QCVN 41:2016/BGTVT như sau:
- Về kích thước biển báo.
- Về giải thích từ ngữ “đường
cao tốc”.
- Về quy định biển trên giá long môn,
cột cần vươn đối đường “rộng”.
- Về quy định đặt biển chỉ dẫn lối đi
khi đặt biển cấm.
- Về hiệu lực của biển số R.420 “Khu
đông dân cư”.
- Về cách bố trí biển số R.412 “Làn đường
dành riêng cho từng loại xe”.
- Về thứ tự lắp đèn và màu sắc của
đèn, mũi tên trên đèn tín hiệu.
- Về báo hiệu tuyến xe buýt nhanh BRT.
- Về lộ trình thay thế biển báo hiệu.
(Các nội dung
hướng dẫn chi tiết kèm theo Phụ lục)
3. Tổng cục Đường bộ Việt
Nam, các Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì phối hợp với
các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát hệ thống biển báo trên các
tuyến đường thuộc phạm vi quản lý để lập kế hoạch điều chỉnh, bổ sung
và tiến hành bổ sung, thay thế hệ thống báo hiệu đảm bảo đồng bộ, thống nhất,
phù hợp với Quy chuẩn 41:2016/BGTVT
ban hành kèm theo Thông tư 06/2016/TT-BGTVT ngày 08/4/2016.
4. Các Nhà đầu tư, Chủ đầu tư, Ban Quản
lý dự án và các đơn vị Tư vấn thiết kế nghiên cứu các nội dung hướng dẫn và các
quy định của QCVN 41:2016/BGTVT để triển khai công tác thiết kế, thẩm định, phê
duyệt và triển khai xây dựng, thi công và hệ thống báo hiệu tại các công trình giao thông
theo đúng quy định hiện hành.
Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các nội
dung nêu trên, đề nghị các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
-
Như trên;
-
Bộ
trưởng (để báo cáo);
- Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông;
- Lưu: VT, KHCN (5).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Hồng Trường
|
PHỤ LỤC
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI
DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ BÁO HIỆU ĐƯỜNG BỘ QCVN
41:2016/BGTVT.
(Kèm theo công văn số 8484/BGTVT-KHCN ngày 31/7/2017 của Bộ GTVT)
1. Về kích thước biển báo.
- Kích thước biển báo trong các điều kiện
địa hình khó khăn chật hẹp (dải phân cách, lề hẹp hoặc để tránh gây cản
trở tầm nhìn) cho phép điều chỉnh kích thước theo Khoản 16.5, Điều 16 của Quy
chuẩn 41:2016/BGTVT. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn để đồng
bộ trên toàn đoạn tuyến có chiều rộng mặt đường như nhau nhưng có đoạn có
dải phân cách có đoạn không có dải phân cách, hoặc các đoạn ngắn xen kẹp thì
kích thước biển báo được bố trí giống nhau theo hướng thuận tiện cho việc quan
sát của người tham gia giao thông và mỹ quan.
- Kích thước biển báo cấm, biển báo hiệu
lệnh, biển báo nguy hiểm và cảnh báo trên đường cao tốc được sử dụng hệ số 2
(theo quy định tại Điều 16 của Quy chuẩn 41:2016/BGTVT).
2. Về giải thích từ ngữ “đường cao tốc” tại mục 3.1,
Điều 3, QCVN 41:2016/BGTVT: “Đường cao tốc là đường dành riêng cho xe ô tô
và một số loại xe chuyên dùng được phép đi vào theo quy
định của Luật giao thông đường bộ”
Nội dung này đã được tổng hợp theo quy định
tại Điều 3 và Điều 26 trong Luật Giao thông đường bộ 2008.
Do đó, nội dung này không trái với Luật Giao thông đường bộ 2008.
3. Về quy định biển trên giá long môn,
cột cần vươn đối đường “rộng”.
Khoản 20.6 Điều 20 nêu: “Trên những
đường mà mỗi chiều xe chạy có từ hai làn đường trở
lên, biển được treo
trên giá long môn hoặc cột cần vươn. Trong các trường hợp không đặt trên giá
long môn hoặc cột cần vươn, thì có thể lắp đặt thêm biển báo phía
bên trái của chiều xe chạy’’.
Xuất phát từ thực tiễn, đối với một số
tuyến đường có thể lắp đặt biển báo trên giá long môn hoặc cột cần vươn hoặc đặt
thêm biển bên tay
trái theo chiều đi để người tham gia giao thông dễ dàng tiếp cận thông tin, tạo
thuận lợi cho việc lưu thông. Việc
lắp đặt này là không bắt buộc đối với tất cả những đường mà mỗi chiều xe chạy
có từ
hai
làn đường trở lên mà tùy thuộc vào nguồn lực kinh phí, mức độ cần thiết mà
có thể lắp đặt
thêm hoặc không (chẳng hạn, nếu
đường vắng, mật độ giao thông thấp nguồn kinh phí khó khăn thì không cần thiết).
4. Về quy định đặt biển chỉ dẫn lối đi
khi đặt biển cấm.
Mục 30.4 Điều 30 quy định: “Kèm
theo các biển báo cấm nêu
tại khoản 30.3 Điều này phải đặt các biển chỉ dẫn lối đi cho xe bị
cấm (trừ trường
hợp đường cấm vì lý do đường,
cầu bị tắc mà không có lối rẽ tránh)”.
Đây không phải nội dung mới mà là nội
dung đã có từ các quy định cũ (22 TCN 237-97, QCVN 41:2012/BGTVT). Tuy nhiên
trên thực tế, đối với các khu vực đô thị, thành phố, hệ thống đường giao thông
bố trí theo “bàn cờ”, khoảng cách giữa các đường ngắn, các phương tiện có thể
chủ động điều chỉnh hướng đi qua các tuyến đường cấm một cách thuận tiện, không
nhất thiết phải lắp đặt hệ thống biển báo hướng dẫn kèm
theo biển cấm. Do đó, việc đặt biển chỉ dẫn lối đi khi đặt biển cấm là
không bắt buộc mà tùy thuộc vào điều kiện thực tế (nếu là đường cụt, đường tránh
để phục vụ thi
công thì phải bắt buộc lắp đặt...).
5. Về hiệu lực của biển số R.420 “Khu
đông dân cư”.
Biển R.420 có hiệu lực từ vị trí đặt
biển đối với tất cả các tuyến đường trong khu đông dân cư đến vị trí đặt biển
báo số R.421. Nội dung này đã được nêu rõ tại: Điều 3 Thông tư số
91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015: “Biển số 420 có hiệu lực khu đông
dân cư đối với tất cả các tuyến đường nằm trong khu vực đô thị cho đến vị trí đặt
biển số 421” và mục D.17
Phụ lục D: “Biển báo số R.420 có hiệu lực khu đông
dân cư đối với tất cả các tuyến đường nằm trong khu vực đô thị cho đến vị trí đặt
biển báo số R.421”.
Phần quy định kỹ thuật chung của nhóm
biển hiệu lệnh trong QCVN 41:2016/BGTVT tại Khoản 38.3, Điều 38 có quy định: “Nếu
đoạn đường phải thi hành biển hiệu lệnh có hiệu lực
rất dài thì tại
các nơi đường giao nhau, biển hiệu lệnh phải được nhắc lại,
đặt ngay sau nơi giao nhau theo hướng đường đang có biển hiệu lệnh.
Nếu không có biển nhắc lại
thì biển hiệu lệnh
được mặc nhiên xem là hết hiệu lực”. Đây là quy định kỹ thuật chung, tổng
quát phổ biến, còn có quy
định chi tiết, cụ thể trong từng biển, vì vậy khi sử dụng từng biển bao gồm cả phần
quy định kỹ thuật và phần chi tiết; chẳng hạn, đối với biển R.420 và các biển hạn chế khu
vực (ZONE) thì hiệu lực mang tính khu vực.
Như vậy hiệu lực của biển R.420 theo Mục
D.17 Phụ lục D và Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT (theo đó, không bắt buộc phải đặt
biển báo nhắc lại mà có hiệu lực trong cả khu vực đến khi gặp biển báo R421).
Tổng cục ĐBVN, các Sở GTVT các tỉnh,
thành phố trực thuộc TW có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo và phối hợp với các địa
phương rà soát và cắm các đầy đủ hệ thống
biển R.420 và
R.421 tại các tuyến đường chính và tuyến đường nhánh trên toàn bộ địa bàn của
các khu vực đông dân cư theo quy định.
6. Về cách bố trí biển số R.412 “Làn
đường dành riêng cho từng loại xe”.
Biển R.412 được lắp đặt để quy định
làn đường dành riêng cho từng loại xe đối với toàn bộ 1 đoạn hoặc một tuyến đường.
Hiện nay phương án phân làn trên các tuyến đường, nhiều đoạn cần thiết mỗi làn
đường cho phép 2 hoặc 3 loại xe tham gia giao thông.
Để dễ quan sát, dễ bố trí và mỹ quan, tiết kiệm
kinh phí khi mà phương án phân làn có 2 hoặc 3 loại xe, cho phép ghép các hình
vẽ biểu thị các loại xe trên cùng một biển (sử dụng 1 biển ghép các hình biểu
tượng của phương tiện đó, kích thước biển mở rộng cho cân đối, mỹ quan).
7. Về thứ tự lắp đèn và màu sắc của
đèn, mũi tên trên đèn tín hiệu.
Về thứ tự lắp đèn và màu sắc của đèn,
mũi tên đã quy định cả chiều đứng, chiều ngang, cụ thể tại Khoản 10.1.1 và Khoản
10.1.2, Điều 10 của Quy chuẩn 41:2016/BGTVT. Người tham gia giao thông tuân thủ
theo các quy định về tín hiệu nêu tại Điều 10.
Trong Phụ lục A chỉ nêu các dạng đèn
và nguyên tắc chung để tham khảo, do sự phát triển của công nghệ ánh sáng nên
không quy định chi tiết đến cấu tạo của đèn, kính, nguồn sáng. Việc quy định cụ
thể sẽ được các Chủ đầu tư, các đơn vị Tư vấn và các đơn vị thi công, lắp đặt sẽ
được triển khai trong quá trình thiết kế, chấp thuận và thi công, nghiệm thu
theo các quy định hiện hành.
8. Về báo hiệu tuyến xe buýt nhanh
BRT.
Hiện nay đã có biển báo làn đường
dành riêng cho xe buýt để áp dụng (biển báo số R.403c; R.404c; R.412e;
R.412m...). Trước mắt, sử dụng các biển báo này và phía trên các hình vẽ xe
buýt bổ sung chữ “BRT” để áp dụng cho tuyến xe buýt nhanh BRT. Có thể sử dụng
thêm biển viết bằng chữ theo Điều 46 của Quy chuẩn 41:2016/BGTVT.
9. Về lộ trình thay thế biển báo hiệu.
Lộ trình thay thế, điều chỉnh đối hệ
thống báo hiệu đường bộ đã được quy định tại khoản 89.2 - Điều 89 của Quy chuẩn
41:2016/BGTVT.
Trong quá trình điều chỉnh, thay thế cần tập trung vào một số nội dung sau:
- Các biển báo có giá trị ghi trên biển
khác với giá trị cần báo thì phải điều chỉnh ngay (ví dụ biển P106 b -
giá trị cấm ghi trên thành xe trong biển báo điều chỉnh
là khối lượng hàng được phép chuyên chở chứ không phải là tải trọng toàn bộ), trong một số
trường hợp cần thiết, sử dụng biển bằng chữ quy định tại Điều 46 của Quy chuẩn
41:2016/BGTVT.
- Các biển báo có nội dung, mục đích
khác thì phải điều chỉnh (như các biển báo cấm quay đầu, cấm rẽ trái, cấm rẽ phải
hay đồng thời cấm quay đầu, rẽ trái; cấm quay đầu đồng thời rẽ phải P123 a,
P123b; P124 (a,b,c,d,e,f) thì phải căn cứ vào mục đích cấm, tổ chức giao thông
để điều chỉnh.
- Các biển ghép (P.127 b,c,d), các biển
phân làn đường, phương tiện (R.403, R.404, R.412): rà soát các biểu tượng
phương tiện trên biển, đặc biệt
là hình vẽ biểu tượng cho ô
tô con và ô tô nói chung.
Nguyên tắc chung đối với tất cả các biển:
Biểu thị ô tô
nói chung, xe buýt thì dùng biểu tượng hình chiếu đối diện, còn nếu muốn thể hiện từng
loại xe thì dùng biểu tượng là hình chiếu cạnh. Trên cơ sở nguyên tắc này, từ
các biển đã có trong Quy chuẩn, khi muốn vận dụng cho các đối tượng khác thì chỉ cần
thay thế đối tượng cũ
bằng đối tượng mới giữa các phương tiện biểu thị dưới đây:
Trong trường hợp đã có biển phụ, bằng
chữ không gây hiểu nhầm mà chưa có điều kiện để thay thế, thì vẫn tiếp tục cho
phép sử dụng.
- Rà soát để điều chỉnh biển số I.423 (F,9
trong GMS), biển này để chỉ nơi bắt đầu đoạn đường, tuyến phố dành cho người đi
bộ, biển này không
dùng cho các vị trí đi bộ cắt ngang qua đường.
- Hiện nay, việc thay thế toàn bộ các
biển báo, vạch sơn là không khả
thi, gây lãng phí trong khi nguồn lực kinh phí còn hạn chế. Vì vậy, trước mắt
các biển báo hiệu hiện đang tồn tại, còn tốt và nội dung không sai khác, không
gây hiểu nhầm (như chỉ sai khác về
kích thước, nét vẽ, hoặc bằng chữ, vị trí cắm) thì trước mắt vẫn có hiệu lực
đến khi được thay thế mới.
- Về vạch sơn đường:
Ưu tiên thay thế ngay đối với các đoạn
tuyến có vạch sơn phân chia hai chiều xe chạy (màu trắng) bị mòn, bong bật, mờ, mất
tác dụng bằng các vạch sơn màu vàng theo QCVN 41:2016/BGTVT. Đối với các dự án
sửa chữa, xây dựng mới phải sơn vạch tim đường phân chia hai chiều xe chạy theo
đúng QCVN 41:2016/BGTVT.
Đối với các đoạn tuyến chưa được điều
chỉnh theo QCVN 41:2016/BGTVT và vẫn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về báo hiệu
và phân chia làn xe, người tham gia giao thông căn cứ vào tính chất đứt nét, liền
nét để tham gia
giao thông cho phù hợp (trong trường hợp chưa thay thế được ngay thì không căn
cứ vào kích thước, màu sắc).
Vạch sơn xác định khoảng
cách xe trên đường cao tốc được phép sử dụng đến khi thay thế mới.