ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5400/KH-UBND
|
Quảng
Trị, ngày 28 tháng 11 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH
QUẢNG TRỊ NĂM 2019
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ
ỨNG DỤNG CNTT NĂM 2018
1. Nội dung
1.1 Ứng dụng CNTT để công bố, công
khai thông tin, kết quả giải quyết thủ tục hành chính
Cùng với Trang thông tin điện tử của
tỉnh tại địa chỉ https://www.quangtri.gov.vn. hiện nay toàn tỉnh có 20/20 Sở,
ban, ngành và 10/10 huyện, thị xã, thành phố có Trang thông tin điện tử là
trang thông tin điện tử độc lập. Nhìn chung, Trang thông tin điện tử các cơ
quan nhà nước trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày
13/06/2011 của Chính phủ quy định về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực
tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà
nước phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cổng giao tiếp dịch vụ công trực tuyến
tỉnh Quảng Trị được triển khai tại địa chỉ
http://www.dichvucong.quangtri.gov.vn đã kết nối dữ liệu với Cổng thông tin điện
tử Chính phủ nhằm cung cấp thông tin về tiến độ giải quyết hồ sơ của tỉnh Quảng
Trị tại địa chỉ:
http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/congdan/congkhaitiendogiaiquyethoso?categoryId=100003407.
1.2. Cung cấp dịch vụ công trực
tuyến
Thực hiện Kế hoạch số 3844/KH-UBND
ngày 04/8/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến
năm 2017 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 18/7/2018
của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ
3, 4 để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm 2018-2019; Tính đến
ngày 19/10/2018, Cổng giao tiếp dịch vụ công (DVC) trực tuyến tỉnh Quảng Trị đã
cung cấp được 1.654 DVC trực tuyến mức độ 1; 1.255 DVC trực tuyến mức độ 2; 266
DVC trực tuyến mức độ 3 và 103 DVC trực tuyến mức độ 4.
Thực hiện Quyết định số
45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ,
trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích (sau
đây gọi tắt là Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg); đến nay việc ký kết thỏa thuận
hợp tác triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg giữa Bưu điện tỉnh với các Sở,
ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã được thực hiện, việc tập huấn
kỹ năng tiếp nhận hồ sơ, thu phí, lệ phí, trả kết quả giải quyết thủ tục hành
chính cho nhân viên bưu chính thuộc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính
công ích trên địa bàn tỉnh cũng đã được triển khai.
1.3. Ứng dụng CNTT tại Bộ phận một
cửa trong việc tiếp nhận, giải quyết Thủ tục hành chính
Hiện nay, có 100% cơ quan nhà nước từ
cấp tỉnh đến tận cấp xã đã triển khai ứng dụng một cửa điện tử tại địa chỉ
https://motcuadientu.quangtri.gov.vn; qua đó góp phần hiệu
quả vào việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính nhằm phục vụ người dân,
tổ chức và doanh nghiệp, ứng dụng một cửa điện tử đã được kết nối liên thông với
Cổng giao tiếp dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ
http://www.dichvucong.quangtri.gov.vn.
1.4. Ứng dụng CNTT trong hoạt động
nội bộ
Có 100% cán bộ công chức tỉnh được cấp
và sử dụng hộp thư điện tử công vụ tên miền quangtri.gov.vn. 100% các cơ quan
nhà nước sử dụng hệ thống gửi nhận văn bản qua mạng tại địa chỉ
http://guinhanvanban.quangtri.gov.vn. tỷ lệ văn bản được gửi qua mạng giữa các
cơ quan nhà nước ước đạt trên 95% (trừ những văn bản mật). 100% văn bản quy phạm
pháp luật, hơn 90% văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh được cập nhật trên trang
thông tin điện tử của tỉnh; bảo đảm hệ thống chỉ đạo, điều hành và trao đổi
thông tin thông suốt từ UBND tỉnh đến các đơn vị trực thuộc. 100% Sở, ban ngành
và địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý hồ sơ, văn bản
và điều hành tác nghiệp qua mạng.
Thực hiện Quyết định số
28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản
điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và Kế hoạch số
3061/KH-UBND ngày 11/7/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai ứng dụng chữ ký số
chuyên dùng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Trị giai đoạn
2017-2020; đến nay toàn tỉnh có 224 tổ chức và 784 cá nhân được cấp chữ ký số
chuyên dùng nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và gửi nhận văn bản
qua mạng.
1.5. Kết quả triển khai các hệ thống
thông tin, cơ sở dữ liệu
Quảng Trị đã triển khai được nhiều hệ
thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và
công tác an ninh quốc phòng của tỉnh như: CSDL lưu trữ hệ thống văn bản quy phạm
pháp luật của địa phương, CSDL GIS chuyên đề bưu chính, viễn thông Quảng Trị,
CSDL lưu trữ thông tin cán bộ, công chức tỉnh, CSDL lưu trữ thông tin về khoa học
và công nghệ, CSDL tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Trị, CSDL phòng ngừa và
xử lý sự cố hóa chất tỉnh Quảng Trị hay các CSDL về dân cư, đất đai - nhà ở,
đăng ký doanh nghiệp, tài chính... song các cơ sở dữ liệu chuyên ngành này chưa
được quản lý tập trung theo quy mô toàn tỉnh.
Nhìn chung, việc xây dựng và duy trì
các CSDL trên được nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí; trong số đó có nhiều CSDL
đã được UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý, sử dụng và khai thác dữ liệu.
1.6. Hạ tầng kỹ thuật
100% cán bộ công chức cấp tỉnh và cấp
huyện, hơn 75% cán bộ công chức cấp xã được trang bị máy tính phục vụ công việc.
Tỷ lệ máy tính các cơ quan nhà nước có kết nối mạng Internet ước đạt trên 95% (trừ
số máy tính của cán bộ kế toán và máy tính của một số cán bộ chuyên soạn thảo
văn bản quan trọng, có tính chất mật).
100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, hơn
90% cơ quan nhà nước cấp huyện và trên 60% xã có mạng nội bộ LAN kết nối
Internet qua các đường truyền tốc độ cao. Tỷ lệ cơ quan nhà nước có kết nối mạng
truyền số liệu chuyên dùng đạt 2,8%.
1.7. Nguồn nhân lực ứng dụng CNTT
Toàn tỉnh có 12/20 Sở, ban, ngành cấp
tỉnh; 08/10 huyện, thị xã, thành phố; 09/09 Phòng Văn hóa và Thông tin được bố
trí cán bộ chuyên trách CNTT. Toàn tỉnh có hơn 100 cán bộ, công chức, viên chức
đã tốt nghiệp chuyên ngành CNTT từ cao đẳng trở lên; 100% cán bộ công chức tỉnh
biết sử dụng máy tính trong công việc. Cùng với Ban chỉ đạo CNTT tỉnh, Ban chỉ
đạo CNTT nhiều địa phương cũng đã được kiện toàn và thực hiện tốt công tác chỉ
đạo phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh; nhất là trong
việc đề xuất, thực hiện các chương trình, kế hoạch , dự án về công nghệ thông
tin.
1.8. Môi trường pháp lý
Năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành nhiều
văn bản nhằm từng bước hoàn thiện khung hành lang pháp lý; một mặt phục vụ tốt
công tác quản lý nhà nước về CNTT tại địa phương, mặt khác tạo điều kiện đẩy mạnh
ứng dụng và phát triển ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước trên
địa bàn tỉnh, cụ thể như: Quyết định số 2336/QĐ-UBND ngày 09/10/2018 về việc
ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Trị, phiên bản 1.0; Quyết định
số 1765/QĐ-UBND ngày 01/8/2018 về việc ban hành Đề án: Xây dựng mô hình đô thị
thông minh tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018 - 2023, tầm nhìn đến 2030; Quyết định
số 1358/QĐ-UBND ngày 19/6/2018 ban hành danh sách mã định danh các cơ quan, đơn
vị hành chính và sự nghiệp thuộc UBND tỉnh Quảng Trị; Kế hoạch số 4339/KH-UBND
ngày 03/10/2018 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày
25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm
độc hại...
1.9. Kết quả thực hiện mục tiêu,
nhiệm vụ theo Kế hoạch năm 2018, Kế hoạch 5 năm
Thực hiện Quyết định số 1819/QĐ-TTg
ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về ứng
dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn
2016-2020, ngày 31/12/2015 UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số
5177/KH-UBND về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Quảng
Trị năm 2016 và giai đoạn 2016-2020. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2020: Quảng
Trị tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng thông
tin, tạo nền tảng xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Trị; bảo đảm an toàn
và an ninh thông tin. Tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu
trong toàn tỉnh; tạo môi trường chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các
cơ quan trên cơ sở khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam dành cho cấp tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng hiệu quả CNTT trong hoạt động của các cơ quan
nhà nước nhằm tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động. Tăng cường
cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực
tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương
tiện khác nhau, ứng dụng CNTT để giảm dần thời gian, số lần trong một năm người
dân phải đến cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính. Thực hiện thành
công các mục tiêu hàng năm nêu trong Nghị quyết của Chính phủ về Chính phủ điện
tử. Đến nay, nhiều mục tiêu đặt ra theo Kế hoạch số 5177/KH-UBND ngày 31/12/2015
của UBND tỉnh cơ bản đã đạt, cụ thể như:
- 100% văn bản (trừ văn bản mật) trình
UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND tỉnh, lãnh
đạo UBND tỉnh dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản trình song song cùng
văn bản giấy).
- 100% văn bản trao đổi giữa các cơ
quan nhà nước trên địa bàn tỉnh (trừ văn bản mật) được thực hiện dưới dạng
điện tử thông qua hệ thống thư điện tử công vụ tại địa chỉ
http://mail.quangtri.gov.vn hoặc qua hệ thống gửi nhận văn bản điện tử tại địa
chỉ http://www.guinhanvanban.quangtri.gov.vn (bao gồm cả các văn bản trình
song song cùng văn bản giấy).
- 100% văn bản nội bộ của các sở ban
ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh (trừ văn bản mật) được thực hiện dưới dạng
điện tử (bao gồm cả các văn bản trình song song cùng văn bản giấy, trừ văn bản
mật).
- 100% Sở, ban, ngành, địa phương có Trang hoặc Cổng thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo
quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về việc cung
cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng
thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
Ngày 19/12/2017, UBND tỉnh đã ban
hành Kế hoạch số 6403/KH-UBND về việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan
nhà nước tỉnh Quảng Trị năm 2018. Đến nay, các nhiệm vụ đặt ra theo Kế hoạch cơ
bản đã thực hiện; cụ thể: Hệ thống thông tin - CSDL ngành tài chính, Hệ thống
cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Hệ thống quản lý vệ sinh an toàn
thực phẩm, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và đăng ký hộ tịch trên địa bàn
tỉnh, Triển khai CSDL GIS nền trên mạng internet, Phần mềm quản lý ngân hàng đề
thi...
Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, ngày
31/10/2016 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2782/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự
án Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Trị. Theo đó, có 11 hạng mục đầu tư
trong dự án này với tổng mức đầu tư là 46.922 triệu đồng (vốn Trung ương:
27.000 triệu đồng, vốn địa phương đối ứng: 19.922 triệu đồng). Tuy nhiên, do
ngân sách Trung ương cắt giảm, ngân sách địa phương khó khăn nên đến nay chỉ có
4 hạng mục trong số 11 hạng mục đầu tư thuộc dự án Xây dựng chính quyền điện tử
tỉnh Quảng Trị được đầu tư triển khai năm 2018 theo Kế hoạch số 6403/KH-UBND
ngày 19/12/2017 của UBND tỉnh gồm: Xây nhà bao trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh,
xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Quảng Trị, triển khai CSDL GIS nền
trên mạng internet và xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (giai đoạn
1).
1.10. Đánh giá đầu tư xây dựng
Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử
(Chi tiết tại Phụ lục 1 ban hành
kèm theo Kế hoạch này)
2. Những vướng mắc,
tồn tại và nguyên nhân
- Nhiều chủ trương, chính sách của
Trung ương chậm được ban hành; gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về
CNTT tại địa phương.
- Về hạ tầng CNTT: Hạ tầng CNTT còn gặp
nhiều khó khăn, chưa đồng bộ, thống nhất. Hệ thống máy tính ở nhiều cơ quan,
đơn vị đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư, nâng cấp hoặc trang bị mới. Đối với
cấp xã hạ tầng còn thiếu và yếu không đáp ứng được nhiều cho việc triển khai ứng
dụng công nghệ thông tin mở rộng từ tỉnh xuống huyện và xuống cấp xã.
- Về ứng dụng CNTT: Việc ứng dụng
CNTT tập trung chủ yếu tại các sở, ban, ngành và văn phòng UBND các huyện, thị
xã, thành phố trong tỉnh; chưa ứng dụng mạnh tại các xã, phường, thị trấn. Các
dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được triển khai và tổ chức cung cấp trên
mạng Internet tuy nhiên sự tham gia của công dân, tổ chức còn rất hạn chế.
- Về phát triển nguồn nhân lực CNTT:
Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT chưa được chuẩn bị kịp thời cả về
số lượng và chất lượng, đặc biệt là thiếu cán bộ lãnh đạo CNTT tại các cơ quan
nhà nước trên địa bàn tỉnh. Nhiều cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đến nay
chưa có cán bộ chuyên trách CNTT hoặc có cán bộ chuyên trách CNTT nhưng đến nay
đã điều chuyển sang làm nhiệm vụ chuyên môn khác.
- Vấn đề an toàn an ninh thông tin mạng
chỉ bước đầu quan tâm; đến nay nhiều cơ quan, đơn vị chưa chú trọng đầu tư cơ sở
hạ tầng, không thực hiện kiểm tra, đánh giá, quản lý rủi ro về an toàn thông
tin dẫn đến không phát hiện ra những nguy cơ, lỗ hổng, mã độc tiềm ẩn sẵn trong
hệ thống từ trước; chưa có quy trình thao tác chuẩn để phản hồi, xử lý khi xảy
ra sự cố; dẫn đến việc hết sức lúng túng, bị động trong việc khắc phục, đưa hệ
thống trở lại hoạt động bình thường; chưa triển khai áp dụng các biện pháp bảo
đảm an toàn thông tin theo quy định hoặc theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc
tế nên dễ dẫn đến các máy vi tính dễ bị nhiễm virus, mất dữ liệu, dễ bị tấn
công, gây ảnh hưởng tới công tác chuyên môn.
- Về đầu tư cho CNTT: Ngân sách Trung
ương cắt giảm, ngân sách địa phương khó khăn nên không đảm bảo kinh phí cho việc
triển khai các chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT
đã được phê duyệt.
3. Kiến nghị, đề
xuất
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản
pháp luật phục vụ chức năng quản lý nhà nước về CNTT tại địa phương kịp thời
như các tiêu chí về xây dựng thành phố thông minh, các tiêu chí tiếp cận cuộc
cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) để có cơ sở các địa phương triển khai đồng
bộ.
- Hỗ trợ một phần kinh phí giúp tỉnh
triển khai tốt các chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch CNTT đã được UBND tỉnh
phê duyệt nhưng thiếu nguồn vốn triển khai, đặc biệt là Dự án xây dựng chính
quyền điện tử tỉnh Quảng Trị.
- Thông qua các chương trình, dự án của
các Bộ, ngành Trung ương; hỗ trợ tỉnh phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ
tầng nhân lực CNTT phục vụ triển khai ứng dụng và phát triển CNTT.
II. CĂN CỨ LẬP KẾ
HOẠCH
- Luật Công nghệ Thông tin ngày
29/6/2006;
- Luật Giao dịch điện tử ngày
29/11/2005;
- Luật An toàn thông tin ngày
19/11/2015;
- Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày
10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
- Chương trình tổng thể cải cách hành
chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ đã được ban hành theo Nghị quyết
30c/NQ-CP ngày 08/11/2011;
- Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày
15/5/2018 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ
yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm
2018 và những năm tiếp theo;
- Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày
26/8/2016 của Chính phủ về việc phê duyệt Chủ trương đầu tư các Chương trình mục
tiêu giai đoạn 2016-2020;
- Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày
26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng
CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020;
- Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày
30/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu công nghệ
thông tin giai đoạn 2016-2020;
- Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày
12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ
quan trong hệ thống hành chính nhà nước;
- Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày
23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong
giải quyết TTHC;
- Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày
18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức
độ 3, 4 triển khai tại các Bộ, ngành, địa phương năm 2018-2019;
- Quyết định 846/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 các bộ,
ngành, địa phương triển khai năm 2017;
- Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày
04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà
nước giai đoạn 2016-2020;
- Thông báo số 379/TB-VPCP ngày
27/9/2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch
Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử.
- Văn bản số 1178/BTTTT-THH ngày
21/4/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ
điện tử Việt Nam, Phiên bản 1.0;
- Kế hoạch số 5177/KH-UBND ngày
31/12/2015 của UBND tỉnh Quảng Trị về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan
nhà nước tỉnh Quảng Trị năm 2016 và giai đoạn 2016-2020;
- Quyết định số 2782/QĐ-UBND ngày
31/10/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án đầu tư: Xây dựng Chính quyền
điện tử tỉnh Quảng Trị;
- Nghị quyết số 06/2017/NQ-HĐND ngày
23/5/2017 của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông và Công
nghệ thông tin tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 1765/QĐ-UBND ngày
01/8/2018 về việc ban hành Đề án: Xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Quảng
Trị, giai đoạn 2018-2023, tầm nhìn đến 2030,
- Quyết định số 2336/QĐ-UBND ngày 09/10/2018
về việc ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Trị, phiên bản 1.0;
- Văn bản số 3405/BTTTT-THH ngày
08/10/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch
ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2019;
- Hiện trạng và nhu cầu ứng dụng công
nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động các cơ quan nhà nước tại tỉnh Quảng Trị,
III. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ
sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng thông tin, tạo nền tảng xây dựng chính quyền điện
tử tỉnh Quảng Trị; bảo đảm an toàn và an ninh thông tin. Tích hợp, kết nối các
hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu trong toàn tỉnh; tạo môi trường chia sẻ
thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan trên cơ sở Kiến trúc chính quyền
điện tử tỉnh Quảng Trị, phiên bản 1.0 được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định
số 2336/QĐ-UBND ngày 09/10/2018.
- Tiếp tục ứng dụng hiệu quả CNTT
trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm tăng tốc độ xử lý công việc, giảm
chi phí hoạt động.
- Tăng cường cung cấp các dịch vụ
công cơ bản trực tuyến mức độ 3 và 4 đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân
và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau, ứng dụng
CNTT để giảm dần thời gian, số lần người dân phải đến cơ quan nhà nước thực hiện
các thủ tục hành chính.
- Tổ chức triển khai tốt Kế hoạch số
5177/KH-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh Quảng Trị về Kế hoạch ứng dụng CNTT
trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Trị năm 2016 và giai đoạn
2016-2020.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Phát triển hạ tầng kỹ thuật
Tiếp tục xây dựng, phát triển và hoàn
thiện hạ tầng kỹ thuật (bao gồm cả hạ tầng mạng và trang thiết bị CNTT),
các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; tạo nền tảng xây dựng chính quyền điện tử
đồng bộ, kết nối, đảm bảo an toàn và an ninh thông tin.
2.2. Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ
quan nhà nước
- 100% văn bản (trừ văn bản mật)
trình UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND tỉnh,
lãnh đạo UBND tỉnh dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản trình song song
cùng văn bản giấy).
- 100% văn bản trao đổi giữa các cơ
quan nhà nước trên địa bàn tỉnh (trừ văn bản mật) được thực hiện dưới dạng
điện tử thông qua hệ thống thư điện tử công vụ tại địa chỉ
http://mail.quangtri.gov.vn hoặc qua hệ thống gửi nhận văn bản điện tử tại địa
chỉ http://www.guinhanvanban.quangtri.gov.vn (bao gồm cả các văn bản trình
song song cùng văn bản giấy).
- 100% văn bản nội bộ của các sở ban
ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh (trừ văn bản mật) được thực hiện dưới
dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản trình song song cùng văn bản giấy, trừ
văn bản mật).
- 100% các Sở, ban, ngành, UBND các
huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh sử dụng
chữ ký số trong chỉ đạo, điều hành công việc.
2.3. Ứng dụng CNTT phục vụ người
dân và doanh nghiệp
- Đảm bảo 100% các sở, ban, ngành, địa
phương có trang hoặc cổng thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy
định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về việc cung cấp
thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng
thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp dịch
vụ công trực tuyến mức độ cao (từ mức độ 3 trở lên) trên cổng giao tiếp
dịch vụ công trực tuyến tỉnh Quảng Trị tại địa chỉ http://dichvucong.quangtri.gov.vn
theo danh mục được quy định tại Kế hoạch số 5177/KH-UBND ngày 31/12/2015 của
UBND tỉnh Quảng Trị về Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà
nước tỉnh Quảng Trị năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 877/QĐ-TTg
ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục dịch vụ công
trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm
2018-2019.
2.4. Xây dựng, hoàn thiện các hệ
thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo nền tảng phát triển Chính phủ
điện tử
Tiếp tục duy trì, phát triển các hệ
thống thông tin, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo nền tảng phát triển chính
quyền điện tử tại địa phương.
2.5. Phát triển nguồn nhân lực
- 100% sở, ban, ngành và địa phương được
bố trí cán bộ chuyên trách về CNTT (có trình độ CNTT hoặc Tin học từ đại học
trở lên).
- 100% cán bộ, công chức từ cấp xã trở
lên biết sử dụng và khai thác phần mềm mã nguồn mở.
- Ưu tiên đào tạo, tập huấn nâng cao
kỹ năng quản trị mạng, kỹ năng an toàn và an ninh thông tin, phòng chống phần mềm
độc hại cho cán bộ chuyên trách CNTT của tỉnh.
IV. NỘI DUNG
1. Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ
quan nhà nước
- Nâng cấp trang thông tin điện tử tỉnh
thành cổng thông tin điện tử;
- Xây dựng Hệ thống Hội nghị truyền
hình;
- Đầu tư nâng cấp triển khai đồng bộ
Hệ thống Văn phòng điện tử;
- Ứng dụng và phát triển phần mềm mã
nguồn mở: Phát triển một số phần mềm ứng dụng trên nền tảng phần mềm mã nguồn mở,
tổ chức chuyển đổi các phần mềm từ nguồn đóng sang phần mềm mã nguồn mở...
- Ứng dụng và phát triển chữ ký số
(CKS): Tổ chức đăng ký, cấp phát, tập huấn hướng dẫn sử dụng CKS cho các cơ
quan, cán bộ, công chức - viên chức tỉnh Quảng Trị; xây dựng một số module tích
hợp các ứng dụng sẵn có phục vụ ký số...
2. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân
và doanh nghiệp
- Tiếp tục hoàn thiện cổng giao tiếp
dịch vụ công trực tuyến tỉnh Quảng Trị. Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực
tuyến mức độ cao trên Cổng giao tiếp dịch vụ công trực tuyến tỉnh Quảng Trị
theo danh mục được quy định tại Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ
tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để
các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm 2018-2019.
- Xây dựng sàn giao dịch thương mại
điện tử tỉnh Quảng Trị.
3. Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống
thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc
gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử
- Tiếp tục duy trì, phát triển các hệ
thống thông tin, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo nền tảng phát triển chính
quyền điện tử tại địa phương.
- Tiếp tục triển khai CSDL GIS nền
trên mạng internet.
- Xây dựng hệ thống quản lý y tế cơ sở,
hệ thống hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, Xây dựng quy hoạch hệ sinh thái sản phẩm
y tế.
- Xây dựng CSDL cập nhật, số hóa và
khai thác thông tin hồ sơ, tài liệu tại lưu trữ lịch sử.
4. Phát triển nguồn nhân lực
- Đào tạo cán bộ chuyên trách CNTT:
Đào tạo các kiến thức, kỹ năng về quản trị mạng, phân tích thiết kế hệ thống, bảo
mật, ... cho cán bộ chuyên trách hoặc phụ trách CNTT tại các đơn vị.
- Bồi dưỡng nâng cao kỹ năng ứng dụng
CNTT: Bồi dưỡng nâng cao kỹ năng sử dụng và khai thác phần mềm mã nguồn mở, kỹ
năng sử dụng mạng và khai thác thông tin trên mạng, kỹ năng ứng dụng tin học
văn phòng nâng cao cho CBCC từ cấp xã đến cấp tỉnh.
5. Phát triển hạ tầng kỹ thuật
- Xây dựng trung tâm dữ liệu (Data
Center) và hệ thống bảo mật: Đầu tư hạ tầng máy chủ, đường truyền, bảo mật,
giám sát, quản lý, ... trên nền tảng điện toán đám mây phục vụ cho việc lưu trữ
và vận hành các ứng dụng trọng yếu cho hệ thống chính quyền điện tử tỉnh Quảng
Trị.
- Nâng cấp hệ thống mạng LAN, trang
thiết bị tin học cho 20 sở, ban, ngành và 10 UBND các huyện, thị xã, thành phố.
6. Bảo đảm an toàn thông tin
- Đầu tư, triển khai các giải pháp nhằm
bảo đảm an toàn an ninh thông tin cho các CQNN trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai thực hiện kế hoạch số
4339/KH-UBND ngày 03/10/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị
số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về
nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại.
V. GIẢI PHÁP
1. Giải pháp môi trường chính sách
- Tiếp tục rà soát, cập nhật hoặc ban
hành các văn bản quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ
thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
- Đảm bảo nguồn kinh phí ứng dụng
CNTT trong kế hoạch ngân sách hàng năm của cơ quan nhà nước.
2. Giải pháp tài chính
- Nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng CNTT
chủ yếu từ ngân sách nhà nước ở địa phương. Trong kế hoạch ngân sách hàng năm của
tỉnh phải đảm bảo bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển, nguồn chi sự nghiệp và
các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động ứng dụng CNTT
trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
- Tập trung vốn cho các chương trình,
dự án trọng điểm trên cơ sở cân đối nguồn ngân sách chi cho hoạt động CNTT tỉnh
hàng năm. Bố trí vốn kịp thời, đơn giản các thủ tục, kiểm tra thực hiện, nâng
cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn chi cho ứng dụng CNTT. Thống nhất theo dõi và tổng
hợp tình hình ứng dụng CNTT trong toàn tỉnh, đánh giá hiệu quả các dự án và kịp
thời điều chỉnh cho phù hợp.
- Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa
phương chủ động bố trí kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị, phần mềm, chi các hoạt
động thường xuyên ứng dụng CNTT, chi đào tạo nguồn nhân lực...
- Tăng cường nguồn lực đầu tư cho ứng
dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, đặc biệt tạo cơ chế phối hợp với các doanh
nghiệp triển khai các ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước.
- Xem xét áp dụng hình thức thuê dịch
vụ tập trung trong phạm vi của tỉnh đối với các dịch vụ CNTT có tính chất, tính
năng giống nhau mà nhiều cơ quan, đơn vị cùng có nhu cầu sử dụng theo Quyết định
số 80/2014/QĐ-TTg Ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định
thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
3. Giải pháp gắn kết chặt chẽ ứng
dụng CNTT với cải cách hành chính
- Triển khai hoạt động ứng dụng CNTT
trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên cơ sở Kiến trúc Chính quyền điện
tử tỉnh Quảng Trị, phiên bản 1.0 được phê duyệt tại Quyết định số 2336/QĐ-UBND
ngày 09/10/2018 của UBND tỉnh.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên
truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hội nghị, hội thảo
và các hình thức khác nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của cán bộ, công chức,
người dân và doanh nghiệp về các lợi ích trong việc xây dựng Chính quyền điện tử,
thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội.
- Kết hợp chặt chẽ việc triển khai kế
hoạch này với chương trình, kế hoạch cải cách hành chính để ứng dụng CNTT trong
các cơ quan nhà nước có tác dụng thực sự thúc đẩy cải cách hành chính và tăng
hiệu quả của ứng dụng CNTT.
- Triển khai các nội dung khuyến
khích, hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công
trực tuyến.
4. Giải pháp tổ chức, triển khai
- Tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo
CNTT tỉnh trong việc chỉ đạo triển khai công tác ứng dụng CNTT trong các cơ
quan quản lý nhà nước.
- Giám đốc các sở, ban, ngành và Chủ
tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải chủ động, có quyết tâm cao, chỉ đạo và theo
sát quá trình ứng dụng, phát triển CNTT vào cơ quan mình, đây là một trong những
chương trình trọng tâm trong quản lý, điều hành của các Sở, ngành, địa phương.
- Tăng cường năng lực cho cơ quan
chuyên trách về CNTT, nâng cao năng lực cán bộ CNTT tại các cơ quan, đơn vị để
đáp ứng được yêu cầu ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh.
5. Các giải pháp kỹ thuật công nghệ
và các giải pháp khác
5.1. Giải pháp bảo đảm an toàn thông tin
- Đầu tư, triển khai các giải pháp nhằm
bảo đảm an toàn an ninh thông tin cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
- Đào tạo các kiến thức, kỹ năng về
quản trị mạng, phân tích thiết kế hệ thống, bảo mật,... cho cán bộ phụ trách
CNTT tại các cơ quan, đơn vị.
- Đẩy mạnh phát huy hiệu quả vai trò
của cơ quan điều phối, ứng cứu sự cố mạng và máy tính tại địa phương.
5.2. Tuyên truyền, nâng cao nhận
thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên
truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hội nghị, hội thảo
để nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về vai trò, ý nghĩa của ứng dụng
công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy cải cách
hành chính, phát triển kinh tế - xã hội.
- Tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến
toàn thể cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về các lợi ích trong việc
xây dựng Chính quyền điện tử.
5.3. Bảo đảm triển khai ứng dụng
CNTT đồng bộ nhưng phải tiết kiệm và hiệu quả
- Hướng dẫn triển khai khung kiến
trúc Chính phủ điện tử cấp tỉnh và cấp huyện.
- Hướng dẫn về việc xây dựng các
chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ
quan nhà nước.
- Những nhiệm vụ, dự án ứng dụng CNTT
mang tính chất trọng tâm, diện rộng, sử dụng nguồn kinh phí lớn thì lựa chọn
triển khai thí điểm, sau đó đánh giá hiệu quả ứng dụng rồi mới nhân rộng mô
hình cho các đơn vị còn lại.
VI. DANH MỤC NHIỆM
VỤ, DỰ ÁN
(Chi tiết tại Phụ lục 2 ban hành
kèm theo Kế hoạch này)
VII. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì tổ chức triển khai; tư vấn,
hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra và báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế
hoạch này. Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung về mục tiêu và nội
dung của Kế hoạch hoặc giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
- Chủ động, tích cực làm việc với Bộ
Thông tin và Truyền thông; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Bộ Kế
hoạch và Đầu tư về việc bố trí ngân sách Trung ương cho tỉnh để thực hiện
Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước
giai đoạn 2016-2020.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành có liên quan xây dựng các quy định, chính sách, đề xuất các giải pháp đảm
bảo môi trường pháp lý trong hoạt động ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước trên
địa bàn tỉnh.
2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu
tư
Căn cứ nội dung của Kế hoạch này và
khả năng cân đối ngân sách địa phương; trên cơ sở đề xuất cụ thể của các cơ
quan, đơn vị được giao nhiệm vụ các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tổ chức
thẩm định và trình UBND tỉnh bố trí kinh phí tổ chức thực hiện.
3. Văn phòng UBND tỉnh
- Tổ chức duy trì, triển khai có hiệu
quả các ứng dụng CNTT phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở thông tin
và Truyền thông, hướng dẫn các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến
trên cổng giao tiếp dịch vụ công trực tuyến tỉnh Quảng Trị theo lộ trình; tổ chức
hướng dẫn người dân, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị, xã hội khai thác cổng
giao tiếp dịch vụ công trực tuyến tỉnh Quảng Trị. Tăng cường cung cấp thông tin
trên trang thông tin điện tử của tỉnh.
4. Sở Nội vụ
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông trong việc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực CNTT; tổ chức rà
soát và tham mưu bố trí đủ biên chế cán bộ chuyên trách CNTT cho các cơ quan
nhà nước trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo đủ số lượng và trình độ triển khai thực
hiện kế hoạch này.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông xây dựng chính sách ưu đãi thích hợp cho cán bộ, công chức chuyên trách về
CNTT trong cơ quan nhà nước, nhằm duy trì và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng
cao.
5. Sở Công thương
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong kinh doanh thương mại điện
tử.
6. Các Sở, ban, ngành, UBND các
huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ tình hình thực tế, ban hành
kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2019 của cơ quan, đơn vị, địa phương mình đảm bảo hiệu
quả đầu tư và phù hợp với Kế hoạch ứng dụng CNTT của tỉnh.
- Chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức
trong đơn vị vận hành và thường xuyên sử dụng có hiệu quả các ứng dụng CNTT đã
triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh như hệ thống thư điện tử công vụ; trang thông
tin điện tử của các cơ quan nhà nước; phần mềm quản lý văn bản và điều hành
công việc, phần mềm một cửa điện tử, cổng giao tiếp dịch vụ công trực tuyến của
tỉnh...
- Chuẩn bị hạ tầng, nguồn lực, chủ động
phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan khác triển
khai có hiệu quả Kế hoạch này./.
Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, VX.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Quân Chính
|