ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 834/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày 12
tháng 4 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN
ĐẾN 2020, XÉT ĐẾN 2030
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số
2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến
lược Phát triển Năng lượng Tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm
2050;
Căn cứ Quyết định số
11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến
khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam;
Căn cứ Thông tư số
16/2017/TT-BCT ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Bộ Công Thương quy định về phát triển
dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời;
Căn cứ Quyết định số
2389/QĐ-BCT ngày 04 tháng 7 năm 2018 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy
hoạch phát triển điện lực tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm
2035;
Theo đề nghị của Sở Công
Thương tại Tờ trình số 111/TTr-SCT ngày 29 tháng 03 năm 2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án
phát triển nguồn năng lượng mặt trời tỉnh An Giang giai đoạn đến 2020, xét đến
2030, với một số nội dung chủ yếu như sau:
1. Giới thiệu chung về đề án
a) Tên đề án: Phát triển
nguồn năng lượng mặt trời tỉnh An Giang giai đoạn đến 2020, xét đến 2030.
b) Đơn vị tổ chức lập đề án:
Sở Công Thương An Giang.
c) Đơn vị tư vấn lập đề án: Công
ty Cổ phần tư vấn Xây dựng Điện 3.
d) Cơ quan phối hợp: Sở
Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây
dựng; Công ty Điện lực An Giang; UBND huyện, thị xã, thành phố.
2. Sự cần thiết lập đề án
- Hiện nay, thế giới đang đối mặt
với nguy cơ các nguồn năng lượng hóa thạch, dầu mỏ đang cạn dần và giá cao, đồng
thời vấn đề về ô nhiễm môi trường do việc đốt nhiên liệu gây ra. Nhiều nước có
xu hướng tìm nguồn năng lượng sạch và không phụ thuộc vào dầu mỏ để thay thế. Đối
với các quốc gia có tiềm năng về năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, thủy điện,
sinh khối, địa nhiệt, sóng biển,…), thì năng lượng mặt trời được lựa chọn là một
trong những nguồn năng lượng thay thế tương lai trong chiến lược năng lượng của
quốc gia.
- Trên thế giới hiện nay, việc
sử dụng Năng lượng tái tạo (NLTT) để phát điện thay thế các nguồn phát truyền
thống đang phát triển với tốc độ cao. Trong đó, thủy điện, điện gió và điện mặt
trời là các nguồn năng lượng tái tạo quan trọng và chiếm tỷ lệ cao về công suất
lắp đặt trên toàn cầu.
- Việt Nam nằm trong vành đai
xích đạo, được đánh giá có tiềm năng mặt trời khá cao so với các nước trong khu
vực Châu Á. Theo các tài liệu khảo sát trong nước, trung bình tổng bức xạ năng
lượng mặt trời ở Việt Nam vào khoảng 5,7 kWh/m2/ngày ở các tỉnh miền
Trung và miền Nam, và vào khoảng 3,3 kWh/m2/ngày ở các tỉnh phía Bắc.
Từ dưới vĩ tuyến 17, bức xạ mặt trời không chỉ nhiều mà còn rất ổn định trong
suốt thời gian của năm, giảm khoảng 20% từ mùa khô sang mùa mưa. Số giờ nắng
trong năm ở miền Bắc vào khoảng 1500-1700 giờ trong khi ở miền Trung và miền
Nam Việt Nam, con số này vào khoảng 2000-2600 giờ mỗi năm.
- Tỉnh An Giang, bức xạ năng lượng
mặt trời nằm trong khoảng từ 4,7 - 5,1 kWh/m2/ngày. Bức xạ mặt trời
nhiều và ổn định trong suốt thời gian của năm, giảm khoảng 20% từ mùa khô sang
mùa mưa. Số giờ nắng trung bình năm tại An Giang là 2.400 giờ. Ngoài ra, bức xạ
mặt trời còn được phân bố rộng rãi trên toàn địa bàn tỉnh An Giang.
- Việc lập đề án phát triển nguồn
năng lượng mặt trời là cần thiết nhằm giúp địa phương xác định các khu vực tiềm
năng, dành quỹ đất phát triển dự án, tránh bị quy hoạch trùng lắp, tạo thuận lợi
cho các nhà đầu tư điện, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên của địa phương
và đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.
- Mặt khác, việc lập đề án phát
triển nguồn năng lượng mặt trời nối lưới còn nhằm nghiên cứu, xem xét các
phương án nối lưới cho các khu vực dự kiến phát triển điện mặt trời, xem xét
các ảnh hưởng đến môi trường khi đưa các nhà máy điện này vào hoạt động.
3. Mục tiêu của đề án
- Bổ sung nguồn cấp điện để đáp
ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang trong giai
đoạn quy hoạch 2016-2025 có xét đến năm 2035.
- Đầu tư phát triển các dự án
nguồn điện mặt trời đồng bộ với Quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh
An Giang trong cùng giai đoạn nhằm đa dạng hóa các dạng nguồn năng lượng tái tạo,
nâng cao khả năng cung ứng nguồn điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tỉnh
An Giang nói riêng và cả nước nói chung.
- Trong điều kiện hiện nay, mục
tiêu xác định:
+ Đến năm 2020, dự kiến
công suất lắp đặt đạt khoảng 250MWP với sản lượng điện mặt trời tương ứng là
361,4 triệu kWh.
+ Giai đoạn sau năm
2020, dự kiến công suất lắp đặt lũy kế đạt khoảng 807MWP với sản lượng điện mặt
trời tương ứng là 1.166,7 triệu kWh.
+ Các mô hình điện mặt trời
trên mái nhà: đến năm 2020, mô hình điện mái nhà nối lưới đạt mốc 500KWp trên
toàn tỉnh, phấn đấu năm 2021 phát triển mô hình điện mái nhà nối lưới đạt 2.000
KWp.
4. Định hướng phát triển tiềm
năng năng lượng mặt trời
a) Tiêu chí lựa chọn các khu
vực thích hợp để phát triển điện mặt trời
Từ bản đồ tiềm năng mặt trời kỹ
thuật tỉnh An Giang, sơ bộ lựa chọn các vùng phát triển điện mặt trời theo từng
giai đoạn, các tiêu chí như sau:
- Bức xạ mặt trời bình quân được
đánh giá vào loại khá trở lên (tức từ 4,7 kWh/m2.ngày trở lên): Bức xạ mặt trời
bình quân càng cao thì dự án càng đạt hiệu quả.
- Sử dụng đất: Các dự án thuộc
khu vực đất/mặt nước có giá trị sử dụng thấp, không chồng lấn với các dự án hoặc
quy hoạch ngành khác sẽ được ưu tiên sử dụng.
- Tiếp cận: có cơ sở hạ tầng
giao thông tương đối thuận lợi, gần các trục giao thông chính, thuận tiện trong
công tác vận chuyển thiết bị, nguyên vật liệu xây dựng và vận hành.
- Địa hình: tương đối bằng phẳng,
hoặc có độ dốc nhỏ.
- Đấu nối lưới điện truyền tải:
khoảng cách đấu nối gần và lưới đủ khả năng để truyền tải hết công suất nhà
máy.
b) Danh mục các dự án điện mặt
trời
- Tiềm năng điện mặt trời (ĐMT)
tỉnh An Giang được lập cho hai giai đoạn: từ nay đến 2020 và sau năm 2020. Căn
cứ để phân giai đoạn là khoảng cách đấu nối vào lưới điện quốc gia, là một tiêu
chí quan trọng ảnh hưởng đến chi phí đầu tư và giá thành phát điện.
- Đề án sơ bộ ước tính và phân
kỳ đầu tư với đề xuất đưa vào đề án giai đoạn từ nay đến 2020 các khu vực có
khoảng cách đến lưới điện quốc gia dưới 5km, kết quả là (không kể dự án ĐMT Sao
Mai đã lập xong Báo cáo Nghiên cứu Khả thi và các thỏa thuận đấu nối,
Scada,...):
+ Giai đoạn đến 2020: 300 ha,
tương ứng với tổng công suất lắp đặt là 250MWp
+ Giai đoạn sau 2020: 860 ha,
tương ứng với tổng công suất lắp đặt là 557MWp.
- Các địa điểm và công suất dự
kiến thực hiện Đề án:
+ Trên địa bàn huyện Tịnh biên
gồm các xã có tiềm năng như: xã An Cư, Văn Giáo, An Hảo với tổng công suất tiềm
năng khai thác là 580 MWp.
+ Trên địa bàn huyện Tri Tôn gồm
các xã có tiềm năng như: xã Châu Lăng, Núi Tô, An Tức với tổng công suất tiềm
năng có thể khai thác là 253 MWp.
+ Trên địa bàn xã Cần Đăng, huyện
Châu Thành có tiềm năng có thể khai thác khoảng 67 MWp.
+ Trên địa bàn xã An Thạnh
Trung, huyện chợ Mới có tiềm năng có thể khai thác khoảng 90 MWp.
+ Còn lại tiềm năng phát triển
nguồn năng lượng mặt trời trên mái nhà
5. Khối lượng xây dựng và tổng
mức đầu tư
- Khác với nguồn điện truyền thống
được quy hoạch căn cứ vào phụ tải điện, điện từ năng lượng tái tạo được quy hoạch
căn cứ vào tiềm năng và mục tiêu định trước của chính quyền. Nguyên do chính là
vì trong giai đoạn này giá thành điện từ năng lượng tái tạo còn cao, cần gắn liền
với các chính sách khuyến khích và hỗ trợ. Căn cứ vào tình hình triển khai thực
tế, năng lực và dự kiến của các nhà đầu tư; căn cứ vào mong muốn của chính quyền
địa phương là phát triển công nghiệp điện mặt trời với tốc độ nhanh, hiệu quả,
có sản lượng và công suất với tỉ trọng ngày càng lớn, đề án đề xuất:
+ Đến năm 2020, công suất lắp đặt
đạt khoảng 250 MWp với sản lượng điện mặt trời tương ứng là 361,4 triệu kWh;
+ Sau năm 2020, công suất lắp đặt
tích lũy đạt khoảng 807 MWp với sản lượng điện mặt trời tương ứng là 1.166,7
triệu kWh.
- Với tổng quy mô công suất điện
mặt trời lắp đặt như trên, ước tính tổng mức đầu tư các giai đoạn như sau:
+ Giai đoạn đến năm 2020: 5.675
tỉ đồng (tương đương 243,5 triệu USD);
+ Giai đoạn sau 2020: 12.643,9
tỉ đồng (tương đương 542,6 triệu USD).
c) Hiệu quả tài chính của dự
án
Việc phân tích hiệu quả kinh tế
cho dự án là nhằm đánh giá hiệu quả của dự án đối với nền kinh tế của tỉnh An
Giang và cả nước nói chung. Mục đích của việc phân tích hiệu quả tài chính cho
dự án là đánh giá hiệu quả của dự án theo quan điểm của chủ đầu tư. Tuy nhiên,
việc đánh giá tính hiệu quả của một dự án cụ thể phụ thuộc vào quan điểm của mỗi
nhà đầu tư khi cân bằng giữa các tiềm năng về lý thuyết, kỹ thuật và kinh tế.
Điều 2. Sở Công Thương
có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã,
thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện đúng theo Điều 1 của Quyết
định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, chủ
tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- TT.Tỉnh Ủy, TT.HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Lưu: VT, PKTN.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Nưng
|