BỘ NỘI VỤ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3542/QĐ-BNV
|
Hà Nội, ngày 14
tháng 10 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT KẾ HOẠCH BỒI DƯỠNG NÂNG CAO NĂNG LỰC GIẢNG DẠY CHO GIẢNG VIÊN QUẢN LÝ NHÀ
NƯỚC GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11
năm 2008;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng
6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01
năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2025;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy cho
giảng viên quản lý nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 với những nội dung chủ yếu
sau:
1. Đối tượng áp dụng
a) Giảng viên cơ hữu, giảng viên kiêm chức và giảng
viên thỉnh giảng giảng dạy kiến thức quản lý nhà nước của Học viện Chính trị quốc
gia Hồ Chí Minh; Học viện Hành chính Quốc gia; Học viện, trường, trung tâm đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ, công chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương (sau đây gọi chung là trường đào tạo, bồi
dưỡng bộ, ngành Trung ương); trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương (sau đây gọi chung là trường Chính trị cấp tỉnh),
b) Giảng viên cơ hữu, giảng viên kiêm chức và giảng
viên thỉnh giảng giảng dạy kiến thức quản lý nhà nước của học viện, trường đại
học, trường cao đẳng, trường trung cấp trong hệ thống giáo dục quốc dân được giao
nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là trường
thuộc hệ thống giáo dục quốc dân).
2. Mục tiêu bồi dưỡng
a) Mục tiêu chung
Trang bị, cập nhật những kiến thức mới về quản lý
nhà nước; những vấn đề thực tiễn đặt ra từ quá trình thực thi công vụ; nâng cao
năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên quản lý nhà nước góp phần nâng cao chất
lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
b) Mục tiêu cụ thể
- 40 - 50% giảng viên kiêm chức là Hiệu trưởng, phó
Hiệu trưởng, Giám đốc, Phó Giám đốc trường đào tạo, bồi dưỡng bộ, ngành Trung
ương, trường Chính trị cấp tỉnh được bồi dưỡng kiến thức về hành chính công, hội
nhập; nâng cao năng lực quản trị cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.
- 70 - 80% giảng viên cơ hữu giảng dạy kiến thức quản
lý nhà nước của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học Viện Hành chính Quốc
gia; trường đào tạo, bồi dưỡng bộ, ngành Trung ương; trường Chính trị cấp tỉnh;
trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được bồi dưỡng cập nhật nâng cao kiến
thức về quản lý nhà nước; 50% giảng viên cơ hữu được bồi dưỡng, cập nhật về
phương pháp giảng dạy tích cực.
- 40% giảng viên thỉnh giảng của trường đào tạo, bồi
dưỡng bộ, ngành Trung ương, trường Chính trị cấp tỉnh, trường thuộc hệ thống
giáo dục quốc dân được bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy tích cực.
- 50% giảng viên cơ hữu giảng dạy kiến thức quản lý
nhà nước của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc
gia, trường đào tạo, bồi dưỡng bộ, ngành Trung ương, trường Chính trị cấp tỉnh
được tham gia các khóa học thực tế tại các công sở.
- 100% giảng viên cơ hữu của Học viện Chính trị quốc
gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, trường đào tạo, bồi dưỡng bộ,
ngành Trung ương, trường Chính trị cấp tỉnh được bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn quy
định về lý luận chính trị, kiến thức tin học, ngoại ngữ.
3. Nhiệm vụ và giải pháp
a) Xây dựng các chương trình, tài liệu bồi dưỡng giảng
viên quản lý nhà nước
- Các chương trình, tài liệu cập nhật nâng cao kiến
thức về quản lý nhà nước phục vụ giảng dạy có chất lượng và hiệu quả các chuyên
đề trong các chương trình bồi dưỡng công chức ngạch cán sự, ngạch chuyên viên,
ngạch chuyên viên chính.
- Các chương trình, tài liệu cập nhật nâng cao kiến
thức về quản lý nhà nước phục vụ giảng dạy có chất lượng và hiệu quả các chuyên
đề trong các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn viên chức chuyên ngành.
- Các chương trình, tài liệu bồi dưỡng về phương
pháp giảng dạy tích cực.
b) Tổ chức các khóa bồi dưỡng
- Bồi dưỡng cập nhật nâng cao kiến thức quản lý nhà
nước: Từ năm 2017 đến năm 2020 tổ chức 16 lớp, mỗi năm 04 lớp, mỗi lớp tối đa
không quá 100 học viên.
- Bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy tích cực và kỹ
năng giảng dạy chuyên ngành: Từ năm 2017 đến năm 2020 tổ chức 16 lớp, mỗi năm
04 lớp, mỗi lớp tối đa không quá 50 học viên.
- Bồi dưỡng kiến thức về hành chính công, hội nhập;
nâng cao năng lực quản trị cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài: Trong 05 năm,
2016 - 2020 tổ chức 05 lớp, mỗi năm 01 lớp, mỗi lớp khoảng 15 - 18 học viên.
c) Tổ chức đi nghiên cứu thực tế
Mỗi cơ sở đào tạo, bồi dưỡng mỗi năm cử 02 đến 03
giảng viên quản lý nhà nước đi nghiên cứu thực tế tại các đơn vị của bộ, ngành,
địa phương; mỗi khóa đi khoảng 02 tuần đến 01 tháng.
4. Hình thức tổ chức bồi dưỡng: Tổ chức bồi dưỡng tập
trung, theo khu vực, theo cụm hoặc tổ chức riêng theo yêu cầu của cơ sở đào tạo,
bồi dưỡng.
5. Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ ngân
sách Nhà nước; kinh phí của cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp công lập; trường
của hệ thống giáo dục quốc dân hoặc hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài
nước.
Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc tổ chức thực hiện Quyết định
này bảo đảm chất lượng, hiệu quả,
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện
Hành chính Quốc gia; trường đào tạo, bồi dưỡng bộ, ngành Trung ương; trường
Chính trị cấp tỉnh; trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm
a) Cử giảng viên tham dự đầy đủ các lớp bồi dưỡng
theo quy định.
b) Chủ trì, phối hợp với Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ hoặc
Sở Nội vụ xây dựng Kế hoạch đi nghiên cứu thực tế cho giảng viên quản lý nhà nước
của đơn vị mình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch.
c) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có
thẩm quyền để tổ chức bồi dưỡng về lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ bảo đảm
giảng viên quản lý nhà nước đáp ứng tiêu chuẩn quy định.
3. Bộ Nội vụ
a) Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
- Chủ trì, phối hợp với Học viện Hành chính Quốc
gia và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Quyết định này bảo đảm chất lượng
và đúng tiến độ.
- Hàng năm tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, báo
cáo Bộ trưởng.
- Tổ chức tổng kết 05 năm thực hiện, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ và trình Kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy cho giảng
viên quản lý nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 vào đầu năm 2021.
b) Học viện Hành chính Quốc gia
Phối hợp với Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu và tổ chức các lớp bồi dưỡng đã được
phê duyệt.
c) Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính
Hướng dẫn, phối hợp với Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức lập Dự toán kinh phí tổ chức các hoạt động đã được phê duyệt bảo đảm
chất lượng, tiết kiệm theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ
quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương;
- Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia;
- Trường đào tạo, bồi dưỡng bộ, ngành Trung ương;
- Trường Chính trị cấp tỉnh;
- Bộ Nội vụ: Bộ trưởng, Thứ trưởng Triệu Văn Cường; Vụ Kế hoạch - Tài chính;
Văn phòng Bộ;
- Trang Thông tin điện tử của Bộ Nội vụ;
- Lưu: VT, ĐT.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Triệu Văn Cường
|