Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 2366/QĐ-UBND 2018 chống thất thu thuế phí lĩnh vực khai thác khoáng sản Đắk Lắk

Số hiệu: 2366/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk Người ký: Nguyễn Hải Ninh
Ngày ban hành: 27/09/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2366/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 27 tháng 9 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ VÀ CHỐNG THẤT THU THUẾ, PHÍ TRONG LĨNH VỰC KHAI THÁC TÀI NGUYÊN, KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH 13 ngày 25/6/2015 và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17/11/2010;

Căn cứ Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 ngày 25/11/2009;

Căn cứ Luật phí và lệ phí số 79/2015/QH13 ngày 25/11/2015;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh tại Công văn số 2507/CT-TTr ngày 05/9/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý và chống thất thu thuế, phí trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Điều 2. Giao cho Cục trưởng Cục Thuế tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương có trách nhiệm phối hợp với ngành Thuế chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT. HĐND tỉnh (thay b/c);
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP. UBND tỉnh;
- Các phòng: TH, NNMT, CN;
- Lưu: VT, KT (J-60b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hải Ninh

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ VÀ CHỐNG THẤT THU THUẾ, PHÍ TRONG LĨNH VỰC KHAI THÁC TÀI NGUYÊN, KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2366/QĐ-UBND ngày 27/9/2018 của UBND tỉnh Đắk Lắk)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết xây dựng đề án

Trong những năm qua, công tác quản lý thu thuế, phí đối với hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần vào việc hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) giao hàng năm.

Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước (QLNN) trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản và quản lý thu thuế, phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra trên một số địa bàn, đặc biệt là hoạt động khai thác cát, đá; tình trạng không kê khai hoặc kê khai thuế không đúng với sản lượng thực tế khai thác vẫn còn xảy ra; công tác phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản của các cơ quan QLNN chưa được chú trọng, thiếu thường xuyên, quyết liệt. Các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên, khoáng sản chưa thực sự tự giác trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế nên tình trạng gian lận thuế vẫn còn xảy ra...

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN, tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về khai thác khoáng sản; UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý và chống thất thu thuế, phí trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” nhằm quản lý có hiệu quả nguồn thu NSNN trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

2. Căn cứ xây dựng Đề án

Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006;

Luật số 21/2012/QH13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 20/11/2012;

Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 ngày 25/11/2009 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành;

Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17/11/2010 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện;

Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khoáng sản;

Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế tài nguyên;

Nghị quyết số 29/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh Đắk Lắk về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk;

Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 14/11/2017 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc nâng cao hiệu quả công tác QLNN về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk;

Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 30/01/2018 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk;

Căn cứ thực trạng công tác QLNN trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

II. MỤC TIÊU, PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Mục tiêu của Đề án

Tăng cường phối kết hợp giữa các cơ quan QLNN trong công tác quản lý thu thuế, phí đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả Luật Quản lý thuế và các luật có liên quan, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phải thu vào NSNN.

Tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn; sự bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ kê khai nộp thuế nói chung và thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường nói riêng theo đúng quy định của pháp luật.

2. Phạm vi điều chỉnh

Đề án này quy định biện pháp phối hợp trong QLNN, quản lý thuế, phí đối với hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Những nội dung không quy định tại Đề án này được thực hiện theo quy định của Luật Thuế tài nguyên, Luật Khoáng sản, Luật Quản lý thuế và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

3. Đối tượng áp dụng

- Các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán tài nguyên, khoáng sản và sử dụng khoáng sản khai thác vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của giai đoạn tiếp theo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, bao gồm:

+ Cát, đá làm vật liệu xây dựng thông thường.

+ Đá khai thác, chế biến dùng để ốp lát.

+ Đất khai thác làm gạch.

+ Đất san lấp công trình.

- Cơ quan Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Công an tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các cơ quan QLNN có liên quan đến quản lý hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển và sử dụng tài nguyên, khoáng sản.

III. THỰC TRẠNG VỀ CÔNG TÁC KÊ KHAI TÍNH THUẾ TÀI NGUYÊN, PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG LĨNH VỰC KHAI THÁC TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN

1. Thực trạng công tác quản lý thuế, phí đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản

Trong những năm qua, hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản đã có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân chưa tự giác trong việc kê khai thuế, phí; kê khai chưa tương ứng với sản lượng tài nguyên thực tế khai thác, chưa phù hợp với quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh, tài sản, thiết bị đầu tư; sản lượng tài nguyên kê khai tính thuế thấp hơn nhiều so với sản lượng được cấp phép.

1.1. Các tổ chức được cấp phép thực hiện việc khai thác đá, cát xây dựng kê khai nộp thuế năm 2016-2017:

Sản lượng kê khai thuế so với sản lượng được cấp phép

Chi tiết theo loại tài nguyên

Đá

Cát

Năm 2016

 

 

Số lượng giấy phép được cấp cho tổ chức, cá nhân (giấy)

51

16

Tổng sản lượng kê khai (m3)

1.276.312

144.901

Tổng sản lượng cấp phép (m3)

3.094.083

449.524

Tỷ lệ kê khai thuế/cấp phép (%)

41,25

32,23

Năm 2017

 

 

Số lượng giấy phép được cấp cho tổ chức, cá nhân (giấy)

52

19

Tổng sản lượng kê khai (m3)

943.953

207.152

Tổng sản lượng cấp phép (m3)

5.034.122

559.524

Tỷ lệ kê khai thuế/cấp phép (%)

18,75

37,02

Qua con số thống kê trên có thể nhận định đây là một trong những rủi ro dẫn đến khả năng còn thất thu về sản lượng tài nguyên tính thuế.

1.2. Công tác giám sát hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và công tác thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế:

a) Kết quả giám sát hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế

Đơn vị tính: 1.000 đồng

Chỉ tiêu

Thuế GTGT

Thuế TNDN

Thuế tài nguyên

Phí BVMT

Tổng

Năm 2016

 

 

 

 

 

Số kê khai

18.148.689

947.780

11.840.807

3.275.227

34.212.504

Số giám sát

18.148.689

947.780

11.954.162

3.275.227

34.325.858

Chênh lệch

0

0

113.355

0

113.355

Năm 2017

 

 

 

 

 

Số kê khai

36.582.953

522.897

19.902.898

4.621.364

61.630.112

Số giám sát

36.717.763

819.478

20.637.531

4.867.237

63.115.953

Chênh lệch

134.810

296.581

734.633

245.873

1.485.841

Qua công tác giám sát hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế: Năm 2016 không tăng số thuế GTGT, TNDN phải nộp, thuế tài nguyên tăng nhưng số tăng thêm khá khiêm tốn; năm 2017 số thuế GTGT, TNDN, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đã tăng lên đáng kể. Qua đó, thấy rằng công tác giám sát hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế góp phần quan trọng vào công tác chống thất thu thuế.

b) Kết quả kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế

Đơn vị tính: 1.000 đồng

Chỉ tiêu

Số DN

Sản lượng tính thuế tài nguyên

Thuế tài nguyên

Sản lượng tính phí

Phí BVMT

Năm 2016

 

 

 

 

 

Số báo cáo

30

1.425.807

14.209.197

2.025.293

5.792.146

Số thanh tra

30

1.558.028

15.540.068

2.057.008

6.293.821

Chênh lệch

0

132.221

1.330.871

31.715

501.675

Năm 2017

 

 

 

 

 

Số báo cáo

23

817.460

10.495.930

1.001.633

2.497.096

Số thanh tra

23

947.223

12.059.407

1.133.908

3.012.430

Chênh lệch

 

129.763

1.563.477

132.276

515.334

Kết quả thanh tra, kiểm tra năm 2016 là 30 doanh nghiệp, nhưng sản lượng tính thuế tài nguyên, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường số tăng thêm (số tuyệt đối) nhỏ hơn so với kết quả thanh tra, kiểm tra 23 doanh nghiệp trong năm 2017. Qua đó, thấy rằng công tác thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế có vai trò hết sức quan trọng trong công tác chống thất thu thuế.

2. Đánh giá chung

2.1. Kết quả đạt được:

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp tốt giữa các sở, ban, ngành nên hiệu quả của công tác quản lý thuế được nâng lên rõ rệt.

Cơ quan quản lý thuế đã chú trọng đổi mới, cải tiến công tác quản lý thuế và triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền hỗ trợ chính sách, pháp luật thuế, tăng cường công tác phân tích, giám sát hồ sơ khai thuế, công tác thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.

Ý thức chấp hành chính sách, pháp luật thuế của người nộp thuế ngày một tốt hơn.

Chi cục Thuế các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động phối hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp, cơ quan Tài nguyên và Môi trường có biện pháp xử lý những trường hợp khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép.

Cục Thuế tỉnh đã xây dựng Phương án số 1900/PA-CT ngày 07/7/2014 về việc nâng cao hiệu quả quản lý và chống thất thu thuế, phí trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2014-2020.

2.2. Những tồn tại, hạn chế:

Tình trạng doanh nghiệp kê khai nộp thuế, phí không tương ứng với sản lượng tài nguyên, khoáng sản thực tế khai thác vẫn còn diễn ra.

Gian lận trong việc xuất hóa đơn, kê khai, nộp thuế đối với tài nguyên, khoáng sản khai thác khi bán cho đối tượng là cá nhân, hộ kinh doanh vẫn còn diễn ra.

Kỹ năng nhận dạng và mức độ phát hiện doanh nghiệp gian lận thuế trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản chưa cao.

Công tác phối hợp kiểm tra hóa đơn, chứng từ đối với việc vận chuyển tài nguyên khoáng sản trên khâu lưu thông của một số ngành chưa được thường xuyên, liên tục.

Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc cấp, bán hóa đơn ở một số Chi cục Thuế chưa được quan tâm đúng mức, chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ; chưa thực hiện phân tích, đánh giá những rủi ro có thể xảy ra trong việc sử dụng hóa đơn quyển của cá nhân kinh doanh (CNKD) đối với hàng hóa là tài nguyên khoáng sản; công tác hậu kiểm chưa được thực hiện nghiêm túc.

Một số cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán vì lợi ích trước mắt đã tiếp tay cho một số cá nhân, tổ chức khai thác tài nguyên, khoáng sản khai thác trái phép, với hình thức như: Tài nguyên khoáng sản mua vào của các tổ chức, cá nhân khai thác trái phép (trốn lậu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường) sau đó xuất hóa đơn lẻ cho doanh nghiệp kê khai chi phí đầu vào, điển hình là vật liệu xây dựng như cát, đá, sỏi.

3. Nguyên nhân tồn tại, hạn chế

3.1. Nguyên nhân khách quan

Ý thức chấp hành pháp luật thuế của một số tổ chức, doanh nghiệp trong việc kê khai sản lượng tài nguyên, khoáng sản tính thuế chưa cao.

Hầu hết hoạt động xây dựng của tư nhân, cá nhân kinh doanh theo hình thức hộ khoán chưa có thói quen yêu cầu doanh nghiệp xuất hóa đơn khi mua vật liệu xây dựng.

Do thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hồ sơ khai thuế, nên việc kiểm tra hồ sơ khai thuế khó phát hiện những sai sót, bất cập.

Một số đơn vị khai thác tài nguyên khoáng sản chưa cập nhật kịp thời các chính sách pháp luật về thuế, phí mới được ban hành, dẫn đến việc thực hiện chậm, sai sót trong việc kê khai nộp thuế...

3.2. Nguyên nhân chủ quan

Việc giám sát của cơ quan QLNN trong hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh chưa thường xuyên dẫn đến hiện tượng khai thác vượt sản lượng cấp phép, khai thác không đúng địa điểm.

Việc phối hợp cung cấp thông tin, đối chiếu dữ liệu giữa Cơ quan Thuế và Cơ quan Tài nguyên và Môi trường chưa được chú trọng, nên Cơ quan quản lý thuế chưa cập nhật kịp thời công suất và trữ lượng được cấp phép; việc đối chiếu tình hình kê khai thuế so với sản lượng thực tế khai thác còn chậm.

Việc giám sát hồ sơ khai thuế chưa có sự đối chiếu so sánh giữa các đơn vị cùng khai thác tài nguyên trên địa bàn, nên việc phát hiện những sai sót trong việc kê khai thuế về sản lượng còn chậm.

Công tác phối hợp kiểm tra hóa đơn chứng từ đối với việc vận chuyển tài nguyên, khoáng sản trên khâu lưu thông giữa các ngành chưa được chú trọng.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý tài nguyên, khoáng sản chưa được chặt chẽ và thường xuyên.

Công tác kiểm tra, kiểm soát việc cấp bán hóa đơn lẻ, hóa đơn quyển tại một số Chi cục Thuế trong thời gian qua còn thiếu chặt chẽ...

IV. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

A. Nội dung Đề án:

1. Tăng cường các biện pháp trong quản lý khai thác khoáng sản, rà soát, đối chiếu để xác định những tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng chưa đăng ký, kê khai nộp thuế để đưa vào quản lý thuế; thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn để kịp thời phát hiện những trường hợp thực tế có hoạt động khai thác khoáng sản, đối chiếu với kết quả quản lý của ngành thuế với tài nguyên môi trường để phối hợp quản lý và xử lý vi phạm.

2. Chống thất thu về sản lượng khoáng sản khai thác và giá tính thuế tài nguyên.

3. Phối hợp quản lý thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ; Cơ quan QLNN khi chỉ định khu vực khai thác đất phục vụ san lấp, xây dựng công trình trên địa bàn cần thực hiện việc xác định và yêu cầu đơn vị khai thác nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

4. Tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, kê khai nộp thuế, hóa đơn chứng từ.

5. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước để tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát và xử lý các trường hợp khai thác trái phép, gian lận trong kê khai nộp thuế.

B. Giải pháp thực hiện

1. Cơ quan Thuế

- Thực hiện công tác quản lý thuế; tuyên truyền, hướng dẫn chính sách thuế cho người nộp thuế; quản lý thu thuế tài nguyên theo quy định của Luật Quản lý thuế, pháp luật về thuế, phí; kiểm tra, thanh tra chấp hành nghĩa vụ thuế và xử lý vi phạm về thuế đối với tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên, khoáng sản.

- Tổ chức thực hiện việc kiểm tra 100% hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế một cách thường xuyên, liên tục nhằm sớm phát hiện những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế để tiến hành thanh tra, kiểm tra.

- Tham gia kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản và việc chấp hành nghĩa vụ thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu phối hợp của cơ quan tài nguyên và môi trường hoặc các cơ quan cổ thẩm quyền.

- Cung cấp thông tin cho cơ quan tài nguyên và môi trường sản lượng khai thác theo hồ sơ khai thuế hàng năm đối với từng mỏ đã được cấp phép; tình hình chấp hành nghĩa vụ tài chính có liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản của tổ chức, cá nhân; danh sách các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên còn nợ thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác.

- Chủ động phối hợp với Đoàn kiểm tra trên khâu lưu thông, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Đắk Lắk (viết tắt là Đoàn 389 tỉnh), Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, kiểm tra hóa đơn chứng từ trong quá trình vận chuyển tài nguyên, khoáng sản.

- Chi cục Thuế các huyện, thị xã và thành phố tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất về hóa đơn, chứng từ tại các cơ sở kinh doanh nộp thuế khoán đối với sản lượng tài nguyên, khoáng sản đã được tập kết tại kho, bãi (quy định tại Thông tư số 17/VBHN-BTC ngày 17/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Việc kiểm tra phải thực hiện theo đúng trình tự của Luật Quản lý thuế. Nếu cơ sở kinh doanh không cung cấp, chứng minh được nguồn gốc hàng hóa là hợp pháp thì thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng và UBND cấp xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản; chủ động huy động lực lượng để giải tỏa, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

- Chỉ đạo UBND cấp xã trên địa bàn phối hợp kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những sai phạm trong khai thác tài nguyên, khoáng sản như: Khai thác trái phép, ảnh hưởng đến môi trường; không chấp hành nghĩa vụ thuế, phí theo quy định để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

- Chỉ đạo các Đoàn kiểm tra trên khâu lưu thông thuộc địa bàn kiểm tra hóa đơn, chứng từ của tài nguyên, khoáng sản vận chuyển trên đường. Nếu phát hiện hành vi vi phạm thì tiến hành xử lý theo quy định.

- Chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, các khu vực (bến bãi) tập kết khoáng sản; các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ không có nguồn gốc hợp pháp, tiến hành lập biên bản vi phạm và xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp theo thẩm quyền xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng bến bãi để tập kết cát nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất theo quy định.

- Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan thuế tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân khai thác đất san lấp công trình khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (giá trị thanh toán cơ cấu khoản thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường) để tính thuê tài nguyên và phí bảo vệ môi trường theo quy định.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm đối chiếu sản lượng tài nguyên đã khai thác tại từng mỏ do đơn vị khai thác khai, nộp thuế với dữ liệu đã có tại cơ quan tài nguyên và môi trường; trường hợp sản lượng khai thuế không phù hợp với sản lượng được phép khai thác ghi trên Giấy phép khai thác hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định sản lượng khai thác thực tế của đơn vị.

- Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin do cơ quan thuế chuyển đến, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chuyển thông tin cho cơ quan thuế để xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế.

- Trường hợp đột xuất theo đề nghị của cơ quan thuế xác minh thông tin liên quan đến sản lượng khai thác của các tổ chức, cá nhân, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu với sản lượng thực tế khai thác và thông báo cho cơ quan thuế để xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế.

- Cung cấp cho cơ quan thuế thông tin về cấp giấy phép khai thác, điều chỉnh, bổ sung, cấp lại giấy phép, chuyển nhượng quyền khai thác và đóng cửa mỏ khai thác tài nguyên của các tổ chức, cá nhân để cơ quan thuế theo dõi, quản lý thuế, tiền thuê đất và các nghĩa vụ tài chính có liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản.

- Chủ trì hoặc phối hợp với các cấp, các ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn; quản lý chặt chẽ, giám sát kịp thời các trường hợp chuyển nhượng quyền khai thác, khai thác không đúng thời gian cấp phép, các thủ tục và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi đóng cửa mỏ khoáng sản, gia hạn thời gian khai thác; khi tiếp nhận thông tin về tình hình nộp thuế và chấp hành nghĩa vụ tài chính liên quan đến việc khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân do cơ quan thuế chuyển đến, tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm về nghĩa vụ tài chính theo quy định của Luật Khoáng sản.

- Chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh trong việc lắp đặt trạm cân và camera giám sát đối với các tổ chức hoạt động khoáng sản phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi đơn vị. Hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra, giám sát việc lấp đặt trạm cân và camera giám sát đối với các tổ chức hoạt động khoáng sản; xử lý kịp thời theo thẩm quyền đối với các tổ chức sai phạm. Cung cấp thông tin từ trạm cân và camera (dữ liệu kết nối với doanh nghiệp) khi có đề nghị phối hợp của cơ quan thuế.

- Tiếp nhận hồ sơ và cấp quyền khai thác đất san lấp công trình khi nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân khai thác.

4. Sở Công Thương

- Cung cấp thông tin về các doanh nghiệp khai thác khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khối lượng vật liệu nổ công nghiệp đã sử dụng hàng năm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản báo cáo theo quy định cho cơ quan thể để đối chiếu với sản lượng kê khai quyết toán thuế tài nguyên hoặc khi có đề nghị phối hợp của cơ quan thuế.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với Đoàn 389 tỉnh và các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra hóa đơn chứng từ đối với vận chuyển, tiêu thụ tài nguyên, khoáng sản.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, ban hành bộ định mức đào phá bằng nổ mìn tính cho 1m3 đá nguyên khai theo hướng dẫn tại Khoản 7 Chương VI Công văn số 1784/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng.

- Định kỳ vào ngày 01 tháng 02 hàng năm cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân được cấp phép sử dụng vật liệu nổ cho cơ quan thế; trong năm, nếu có biến động số lượng tổ chức, cá nhân được cấp phép thì kịp thời báo cáo danh sách điều chỉnh cho Cục Thuế tỉnh.

5. Sở Tài chính

- Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên trong trường hợp giá thực tế có biến động tăng từ 20% so với bảng giá đã ban hành trên cơ sở đề nghị của Cục Thuế tỉnh. Trường hợp giá cần điều chỉnh cao hơn khung giá quy định tại Thông tư số 44/2017/TT-BTC thì Sở Tài chính phối hợp Cục Thuế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, đề xuất UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Tài chính trước khi ban hành Quyết định điều chỉnh.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, chủ đầu tư bố trí vốn đối với các công trình, dự án xây dựng có phần việc liên quan đến khối lượng đất san lấp công trình.

6. Công an tỉnh

- Qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thuế, kịp thời cung cấp thông tin các trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép qua kiểm tra phát hiện cho Cục Thuế tỉnh và các cơ quan có liên quan để tiến hành kiểm tra, xử lý việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan đối với các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.

- Căn cứ kế hoạch hoạt động của Đoàn chống thất thu thuế trên khâu lưu thông, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông có trách nhiệm kết hợp kiểm tra việc chấp hành an toàn giao thông đường bộ với kiểm tra hóa đơn, chứng từ đối với vận chuyển tài nguyên, khoáng sản. Nếu phát hiện hành vi vi phạm thì thông báo cho cơ quan thuế địa phương tiếp nhận xử lý.

- Định kỳ 6 tháng 1 lần Cơ quan Công an cung cấp cho Cơ quan Thuế danh sách các tổ chức, cá nhân được cấp phép vận chuyển vật liệu nổ (Lượng vật liệu nổ vận chuyển).

- Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an cấp huyện phối hợp với các ban, ngành của địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển khoáng sản không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ hợp pháp; lập phương án tuần tra, kiểm soát đối với những địa bàn trọng điểm; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các tàu, thuyền khai thác, vận chuyển cát trên sông không đánh số thứ tự, không gắn bảng hiệu, bảng tên, không chấp hành các nội dung cam kết đã ký với Sở Tài nguyên và Môi trường.

Phối hợp điều tra, xác minh hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản do cơ quan thuế cung cấp theo quy chế phối hợp số 1527/QCPH/TCT-TCCS ngày 31/10/2007 giữa Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính và Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an.

7. Sở Giao thông vận tải

- Căn cứ Kế hoạch hoạt động của Đoàn chống thất thu thuế trên khâu lưu thông, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp kiểm tra hóa đơn, chứng từ đối với tài nguyên khoáng sản vận chuyển trên đường; nếu phát hiện hành vi vi phạm thì thông báo cho cơ quan thuế địa phương để tiếp nhận xử lý.

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có tàu, thuyền khai thác, vận chuyển cát phải đăng ký, đăng kiểm phương tiện theo quy định, đối với các phương tiện khai thác nếu chưa có đăng ký, đăng kiểm thì phải đăng ký số tàu có ghi tên đơn vị và đăng ký số hiệu để có thể kiểm tra được phương tiện; chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm trong quá trình hoạt động khai thác và vận chuyển cát; giám sát các phương tiện khai thác cát. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác cát vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường thủy và các vi phạm pháp luật khác.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc gắn thiết bị giám sát hành trình đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc hoạt động kinh doanh vận tải và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa (bao gồm cả vận tải tài nguyên, khoáng sản).

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và bố trí mức vốn đầu tư cho từng chương trình, dự án thuộc nguồn vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đối với khoản thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với công trình xây dựng có phần việc liên quan đến khối lượng đất san lấp công trình.

9. Chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án

Trong quá trình phối hợp với cơ quan chuyên môn về xây dựng để trình thẩm định dự án và trình cấp quyết định đầu tư phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, chủ động phối hợp với sở, ngành liên quan bố trí vốn để thanh toán khoản thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với các dự án, công trình có phần việc liên quan đến khối lượng đất san lấp công trình.

10. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tuyên truyền sâu rộng trên phương tiện thông tin đại chúng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực khoáng sản, trong đó có Luật khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, để các đơn vị khai thác tài nguyên đá, cát, sét nắm bắt kịp thời các chính sách thuế, phí mới được ban hành.

- Phối hợp với lực lượng chức năng, kịp thời đưa tin bài công khai các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản; đồng thời, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng những cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản (hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn) mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra phát hiện xử lý.

V. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC LIÊN QUAN, CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHAI THÁC TÀI NGUYÊN, KHOÁNG SẢN TRONG VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Các cơ quan quản lý Nhà nước

- Các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm triển khai phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công tại Đề án này và Quy chế phối hợp trong công tác thu NSNN đối với hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ban hành kèm theo Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND ngày 15/5/2018 của UBND tỉnh Đắk Lắk.

- Phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 14/11/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Kế hoạch số 9054/KH-UBND ngày 14/11/2017 và Kế hoạch số 2852/KH-UBND ngày 12/4/2018 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

- Đoàn chống thất thu ngân sách các huyện: Cư Kuin, Lắk, Krông Bông, Krông Ana, Ea Súp, Ea H’Leo, Krông Pắc, Ea Kar bố trí, phân công cán bộ phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát tại các bến bãi (cát, sét) để kịp thời phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các đơn vị bán hàng không xuất hóa đơn, không ghi sổ sách kế toán (sổ bán hàng) để tiến hành xử lý, xử phạt theo quy định.

2. Các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên khoáng sản

- Xuất hóa đơn và kê khai nộp các loại thuế, phí đầy đủ khi bán hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật; kê khai đúng sản lượng tài nguyên, khoáng sản đã khai thác.

- Đối với hoạt động khai thác đá: Căn cứ hồ sơ thiết kế khai thác mỏ đã được phê duyệt (được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát thực tế tại mỏ và định mức vật tư trong xây dựng ban hành kèm theo Công văn số 1784/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng), kê khai sản lượng tài nguyên khai thác tương ứng với tiêu hao vật liệu nổ.

- Đối với hoạt động khai thác cát: Căn cứ thiết bị, xây dựng định mức nhiên liệu tàu hút cát theo trọng tải được cấp phép và quản lý tàu hút cát đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.

- Cung cấp thông tin về đo đạc, xác định trữ lượng khai thác của từng mỏ cho Cục Thuế tỉnh khi có yêu cầu.

- Thực hiện lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định tại Khoản 2, Điều 42 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, kết xuất dữ liệu cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.

- Các đơn vị khai thác khoáng sản chưa hoàn thành thủ tục (bãi tập kết cát, khu vực chế biến khoáng sản) phải hoàn thành lắp đặt và kết nối camera giám sát trước ngày 31/10/2018 đối với các tổ chức khai thác đá; trước ngày 31/12/2018 đối với các tổ chức khai thác cát, sét. Sau thời hạn nêu trên, nếu các đơn vị không tiến hành lắp đặt thì sẽ tạm đình chỉ hoạt động đến khi lắp đặt xong và được các ngành kiểm tra, xác nhận mới cho tiếp tục hoạt động khai thác khoáng sản.

- Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thống kê, tính toán, cập nhật số liệu trong sổ sách, tài liệu, hộ chiếu nổ mìn, phiếu xuất kho vật liệu nổ công nghiệp...được quy định tại Điều 41 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ. Định kỳ hàng tháng, quý khai báo sản lượng tính thuê tài nguyên khoáng sản, xác định sản lượng khai thác hàng năm trong báo cáo định kỳ khai thác khoáng sản, hộ chiếu nổ mìn, phiếu xuất kho vật liệu nổ công nghiệp... gửi Cơ quan Thuế theo quy định tại Khoản 3, Điều 42 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.

- Định kỳ trước ngày 01 tháng 02 hàng năm, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm báo cáo hoạt động khai thác khoáng sản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (đồng thời gửi Cơ quan Thuế trực tiếp quản lý) theo quy định tại Khoản 4, Điều 7 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.

- Khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc Đoàn thanh tra, kiểm tra có yêu cầu thì tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm cung cấp đầy đủ sổ sách, chứng từ, tài liệu có liên quan quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 41 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.

- Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hóa (bao gồm cả vận tải tài nguyên, khoáng sản) phải gắn thiết bị giám sát hành trình và cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra để kiểm tra khi có yêu cầu.

VI. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án này.

2. Giao Cục Thuế tỉnh (cơ quan đầu mối) chủ trì, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Chỉ đạo các Chi cục Thuế, các phòng liên quan thực hiện đầy đủ các biện pháp được nêu trong Đề án. Định kỳ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đề án; tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện Đề án. Chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án cho Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách của tỉnh.

- Chỉ đạo các Chi cục Thuế làm đơn vị đầu mối để tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn phụ trách. Định kỳ ngày thứ 30 của quý tiếp theo báo cáo kết quả thực hiện về Cục Thuế tỉnh (Phòng Thanh tra thuế) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Hàng năm, Cục Thuế tỉnh căn cứ vào kết quả thực hiện của Đề án và kết quả thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ban hành kèm theo Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND ngày 15/5/2018 của UBND tỉnh, để phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo kết quả về UBND tỉnh.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Cục Thuế tỉnh (Phòng Thanh tra thuế) để kịp thời tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh - Ban Chỉ đạo đôn đốc thu thuế và chống thất thu ngân sách của tỉnh để xem xét, chỉ đạo thực hiện theo quy định./.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2366/QĐ-UBND ngày 27/09/2018 về Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý và chống thất thu thuế, phí trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.755

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.47.115
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!