ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
9453/KH-UBND
|
Đồng Nai, ngày
06 tháng 9 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
XÂY DỰNG MÔ HÌNH “ĐIỂM TƯ VẤN, HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ NGHIỆN MA TÚY”
TẠI CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Căn cứ Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013
của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma
túy ở Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 của Thủ tướng
Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội
giai đoạn 2016 - 2020.
Trên cơ sở Kế hoạch số 1009/KH-UBND ngày
03/02/2016 của UBND tỉnh về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy
giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Kế hoạch số 1659/KH-UBND ngày
12/02/2018 của UBND tỉnh về thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai
nghiện ma túy năm 2018 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Kế hoạch số 2735/KH-UBND
ngày 22/3/2018 của UBND tỉnh về thực hiện chương trình mục tiêu phát triển hệ
thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng mô hình “Điểm
tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy” tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh (gọi tắt
là Điểm tư vấn), nội dung cụ thể như sau:
I. THỰC TRẠNG
CÔNG TÁC CAI NGHIỆN MA TÚY
1. Tỉnh Đồng Nai có 11/11 huyện, thị xã Long
Khánh, thành phố Biên Hòa đều có người nghiện ma túy, tổng số người nghiện ma
túy có hồ sơ quản lý hiện nay là 4.480 người, trong đó: Tại các cơ sở cai nghiện
là 820 người, trại tạm giam, nhà tạm giữ là 204 người, đang quản lý tại các địa
phương là 2.176 người, đang điều trị bằng thuốc thay thế 1.280 người.
2. Thực hiện Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày
09/9/2010 của Chính phủ về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện
ma túy tại cộng đồng; UBND tỉnh đã xây dựng các kế hoạch 05 năm, hàng năm để
triển khai thực hiện Nghị định trên địa bàn tỉnh. Đến nay công tác cai nghiện
ma túy tại gia đình, tại cộng đồng tuy đã được triển khai tại 171/171 xã, phường,
thị trấn nhưng kết quả chưa cao, tỷ lệ người được tổ chức cai nghiện ma túy tại
gia đình, cộng đồng còn thấp (năm 2016, 2017 đạt 5% số có hồ sơ quản lý); công
tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng hoạt động chưa thực sự hiệu quả;
công tác tuyên truyền, vận động để người nghiện ma túy tự giác khai báo tình trạng
nghiện và đăng ký hình thức cai nghiện chưa phù hợp, kết quả đạt được chưa cao.
3. Việc thành lập Điểm tư vấn cai nghiện ma túy
tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng không chỉ giúp nâng cao chất lượng
công tác điều trị nghiện ma túy mà còn là địa chỉ tin cậy cho người nghiện ma
túy, gia đình người nghiện ma túy lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp, giới
thiệu người nghiện ma túy tham gia điều trị Methadone, tạo điều kiện cho người
nghiện ma túy tham gia điều trị, cung cấp dịch vụ toàn diện cho người nghiện ma
túy, giúp họ từ bỏ ma túy và hòa nhập cộng đồng bền vững.
II. MỤC ĐÍCH THÀNH LẬP ĐIỂM
TƯ VẤN
1. Nâng cao hiệu quả công tác điều trị nghiện ma
túy, cũng như công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng
đồng.
2. Làm giảm tội phạm liên quan đến ma túy, giữ
gìn an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Cung cấp dịch vụ toàn diện cho người nghiện
ma túy, giúp họ tham gia điều trị, dự phòng tái nghiện và hòa nhập cộng đồng bền
vững.
III. TỔ CHỨC HOẠT
ĐỘNG CỦA ĐIỂM TƯ VẤN
1. Quy hoạch mạng lưới Điểm
tư vấn
a) Tất cả các xã, phường, thị trấn nơi có Đội
công tác xã hội tình nguyện được thành lập Điểm tư vấn. Thành viên của Điểm tư
vấn là thành viên của Đội công tác xã hội tình nguyện.
b) Thời gian thành lập: Từ năm 2018 đến năm
2020.
2. Các tiêu chí được đảm bảo
khi lựa chọn để triển khai thực hiện mô hình Điểm tư vấn
a) Tiêu chí quản lý:
- Chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ về nguồn
lực cho công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
- Có đội ngũ cán bộ xã hội, Đội công tác xã hội
tình nguyện cấp xã, các tổ chức đoàn thể nhiệt tình, tận tâm với công tác cai
nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
b) Tiêu chí về cơ sở vật chất: Bố trí cơ sở vật
chất cơ bản cho việc thành lập Điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và
tái hòa nhập cộng đồng gồm:
- Phòng dành cho tư vấn cá nhân, nơi làm việc
hàng ngày, được trang cấp các trang thiết bị cần thiết cho tư vấn viên làm việc
gồm: Bàn, ghế làm việc, tủ đựng hồ sơ, máy tính, điện thoại,….
- Phòng sinh hoạt nhóm cho người sau cai nghiện
được trang bị bàn, ghế cho các thành viên tham dự hoạt động định kỳ 01 lần/tháng.
3. Cơ cấu nhân sự của Điểm
tư vấn
Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thành lập
Ban Chủ nhiệm Điểm tư vấn gồm:
a) 01 Chủ nhiệm là lãnh đạo UBND cấp xã.
b) 01 Phó Chủ nhiệm là Đội trưởng Đội công tác
xã hội tình nguyện.
c) 01 thành viên là cán bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội (cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội).
d) 02 thành viên là thành viên Đội công tác xã hội
tình nguyện cấp xã (làm việc trực tiếp tại Điểm tư vấn).
Quy chế làm việc của Ban Chủ nhiệm Điểm tư vấn
do Chủ tịch UBND cấp xã ban hành, quy định chức năng nhiệm vụ của từng thành
viên và chịu trách nhiệm thực hiện các chỉ tiêu được giao hàng năm (giao Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy chế mẫu).
IV. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN
1. Năm 2018: Tổ chức khảo sát, lựa chọn địa điểm
thành lập; tiến hành rà soát, lựa chọn nhân sự để tổ chức đào tạo, tập huấn
nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ tại các Điểm tư vấn; xây dựng quy chế hoạt
động, cơ chế, chính sách và hướng dẫn đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất,
mua sắm trang thiết bị của Điểm tư vấn.
2. Năm 2019: Triển khai tiến hành việc đầu tư sửa
chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, bố trí nhân sự tại các
Điểm tư vấn phấn đấu đến cuối năm 2019 thành lập được 82 Điểm tư vấn, hỗ trợ điều
trị nghiện tại cộng đồng.
3. Năm 2020: Phấn đấu đến cuối năm 2020, 100%
các xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đều được
thành lập Điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thành lập và duy trì hoạt động hàng năm
của “Điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy” tại cộng đồng được ngân sách tỉnh
cấp hàng năm cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để chi trực tiếp cho hoạt
động của các Điểm tư vấn theo quy định, phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa
phương và khả năng cân đối nguồn ngân sách của tỉnh.
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan triển
khai xây dựng các Điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng trên
địa bàn tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp Sở Y tế và các sở, ban, ngành
liên quan tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho Ban Chủ nhiệm Điểm tư vấn.
c) Tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính
sách hỗ trợ Điểm tư vấn, người nghiện ma túy cai nghiện ma túy tại cộng đồng,
cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy theo quy định.
d) Kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các Điểm tư vấn
hoạt động hiệu quả.
đ) Tổng hợp báo cáo kết quả triển khai hoạt động
của các Điểm tư vấn theo quy định.
e) Tổ chức sơ, tổng kết đánh giá hiệu quả của
các Điểm tư vấn hàng năm, khen thưởng, đề xuất UBND tỉnh khen thưởng đối với cá
nhân, tập thể thực hiện tốt Kế hoạch.
2. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội phân bổ kinh phí cho hoạt động của Điểm tư vấn; hướng dẫn, kiểm tra việc
quản lý sử dụng kinh phí theo quy định hiện hành.
3. Sở Y tế
Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ
chức tập huấn nghiệp vụ cho hoạt động của Điểm tư vấn.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tỉnh, hệ thống đài truyền thanh cấp huyện
tổ chức tuyên tuyền các nội dung của Kế hoạch trên các phương tiện thông tin đại
chúng.
5. Công an tỉnh
Phân công lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại
các Điểm tư vấn trên địa bàn tỉnh.
6. Đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn
thể
Thực hiện việc giám sát, vận động, hỗ trợ người
nghiện ma túy cai nghiện, giải quyết tốt việc dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ
người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng.
7. UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành
phố Biên Hòa
a) Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
phối hợp các cơ quan, tổ chức, đoàn thể triển khai Kế hoạch thực hiện mô hình
Điểm tư vấn đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn.
b) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị
trấn triển khai thực hiện việc thành lập Điểm tư vấn.
8. UBND các xã,
phường, thị trấn (nơi thành lập Điểm tư vấn)
a) Lựa chọn địa điểm, hỗ trợ cơ sở vật chất,
nhân sự để thành lập Điểm tư vấn.
b) Chủ tịch UBND các xã,
phường, thị trấn quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Điểm tư
vấn.
c) Tổ chức tuyên truyền, vận động người nghiện
ma túy tự giác khai báo tình trạng nghiện ma túy và đăng ký tham gia cai nghiện
ma túy, giúp đỡ người sau cai nghiện học nghề, tạo việc làm ổn định cuộc sống,
phòng chống tái nghiện.
Trên đây là Kế hoạch xây dựng
mô hình “Điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy” tại cộng đồng trên địa bàn
tỉnh. Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành,
đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, Chủ tịch
UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; đồng thời, chấp hành chế độ thông tin, báo cáo kết quả tổ chức
thực hiện định kỳ 06 tháng (trước
ngày 15/6), năm (trước ngày 15/12) gửi về
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp,
báo cáo theo quy định. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc,
các đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải
quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hòa Hiệp
|