ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 10/CT-UBND
|
Lào Cai, ngày 19
tháng 5 năm 2017
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG
CÔNG TÁC XÂY DỰNG, THỰC HIỆN HƯƠNG ƯỚC, QUY ƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
Trong những năm gần đây việc xây dựng và thực hiện
hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những chuyển biến tích cực.
Các cấp, các ngành, các địa phương đã nhận thức được vai trò quan trọng của
hương ước, quy ước trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự
quản của nhân dân.
Tuy nhiên, thực trạng xây dựng và thực hiện hương
ước, quy ước trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn nhiều bất cập, hạn chế. Một số nội
dung của hương ước, quy ước không được rà soát, sửa đổi, thay thế kịp thời để
phù hợp khi quy định tương ứng trong văn bản pháp luật hiện hành có sửa đổi, bổ
sung, thay thế. Nội dung một số bản hương ước, quy ước còn có những quy định
trái pháp luật (phạt tiền vượt quá mức luật định khi có vi phạm; có những hương
ước quy định vi phạm quyền con người, quyền công dân). Tên gọi và đối tượng
điều chỉnh kết cấu, bố cục, không thống nhất giữa tên gọi và nội dung. Một số
hương ước, quy ước nội dung còn sơ sài, lặp lại pháp luật và chủ trương chính
sách của Nhà nước một cách khô khan, thiếu cụ thể, chưa sát thực với điều kiện
và đặc điểm của từng thôn, câu chữ trong văn bản còn nặng tính hô hào, khẩu
hiệu. Việc thực hiện hương ước, quy ước ở một số địa bàn cơ sở còn hình thức.
Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn buông lỏng quản lý, chưa
quan tâm đúng mức tới công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, việc
quán triệt, phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ nhân dân chưa được
thường xuyên ... Dẫn đến hiệu quả thực hiện hương ước, quy ước còn hạn chế.
Để phát huy yếu tố tích cực, khắc phục những hạn
chế của hương ước, quy ước, phát huy hiệu quả quản lý xã hội ở cộng đồng dân
cư, góp phần thực hiện tốt dân chủ cơ sở, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng
đời sống văn hóa ở khu dân cư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên
địa bàn tỉnh Lào Cai; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể
cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện
tốt các nội dung sau:
1. Quán triệt, phổ biến, tuyên truyền đến cán
bộ, công chức và nhân dân nội dung của Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày
19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy
ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư; Thông tư liên tịch số
03/2000/TTLT/BTP-BVHTT-BTTUBTUMTTQVN ngày 31/3/2000 của liên bộ Bộ Tư pháp - Bộ
Văn hóa thông tin - Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam
hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn,
ấp, cụm dân cư; Thông tư liên tịch số 04/2001 /TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTWMTTQVN-UBQGDSKHHGĐ
ngày 09/7/2001 triển khai một số nội dung thực hiện chính sách dân số, gia
đình, trẻ em vào hương ước, quy ước và các văn bản hướng dẫn thi hành của Bộ Tư
pháp, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Pháp
lệnh dân chủ ở cơ sở và các quy định pháp luật khác về xây dựng và thực hiện
hương ước, quy ước.
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành,
các cấp về việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh, phát
huy tối đa mục tiêu hỗ trợ thực hiện pháp luật của nhà nước, điều chỉnh các mối
quan hệ xã hội có tính tự quản tại cộng đồng dân cư.
2. Công tác quản lý, xây dựng, thực hiện hương
ước, quy ước ở cơ sở phải đảm bảo định hướng chỉ đạo tại các Nghị quyết,
Chỉ thị của Đảng, các quy định pháp luật của nhà nước, văn bản hướng dẫn của Bộ
Tư pháp.
Năm 2017 triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm
theo Công văn số 752/BTP-PBGDPL ngày 10 tháng 3 năm 2017 của Bộ Tư pháp về việc
tăng cường quản lý về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; tiếp tục thực
hiện tốt các nội dung theo hướng dẫn tại Công văn số 1215/BTP-PBGDPL ngày
15/4/2016, Kế hoạch số 4048/KH-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tư pháp về
thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa
Bình về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
3. Việc xây dựng hương ước, quy ước của các
thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư; các xã, phường, thị trấn trong tỉnh phải
đảm bảo trình tự, thủ tục, nội dung theo quy định của Chỉ thị số
24/1998/CT-TTg, Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT/BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN,
Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTWMTTQVN-UBQGDSKHHGĐ, các quy
định pháp luật hiện hành, văn bản hướng dẫn của Bộ tư pháp, đồng thời phù hợp
với đặc thù và phát huy phong tục tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa
riêng của mỗi dân tộc, thôn, làng, bản, cộng đồng dân cư.
4. Thường xuyên rà soát nội dung các bản hương
ước, quy ước ở cơ sở, kịp thời phát hiện, sửa đổi, thay thế các nội dung
không phù hợp trái với đạo đức, truyền thống và thuần phong mỹ tục, vi phạm
pháp luật.
5. Tăng cường công tác đôn đốc, hướng dẫn, kiểm
tra, giám sát; định kỳ đánh giá, sơ kết, tổng kết việc xây dựng, thực hiện
hương ước, quy ước: Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã đưa nội dung giám
sát công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong kế hoạch, chương
trình hoạt động hằng năm. Các ngành, các cấp, cơ quan, tổ chức kịp thời ban
hành văn bản theo thẩm quyền được phân cấp quản lý để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm
tra việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; tổ chức thực hiện hiệu quả
các nhiệm vụ theo quy định.
Cơ quan tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện, cán bộ tư pháp
cấp xã, căn cứ chức năng nhiệm vụ, hằng năm trình Ủy ban nhân dân cùng cấp ban
hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, kế hoạch kiểm tra công
tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập
huấn nghiệp vụ quản lý, xây dựng (kỹ năng soạn thảo, quy trình lấy ý kiến, thẩm
định, phê duyệt), theo dõi thi hành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hương ước,
quy ước.
Hằng năm, thực hiện đánh giá, sơ kết công tác xây
dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương trong nội dung đánh giá
chuyên đề thực hiện nhiệm vụ tư pháp. Việc sơ kết, tổng kết công tác hương ước,
quy ước toàn tỉnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân
tỉnh.
6. Sở Tư pháp : Tham mưu giúp UBND tỉnh
triển khai thực hiện công tác quản lý xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước
tại địa phương. Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa
phương thực hiện công tác hương ước, quy ước ở cơ sở, tổng hợp kết quả báo cáo
UBND tỉnh. Chỉ đạo cơ quan Tư pháp cấp huyện tham mưu cho UBND cùng cấp triển
khai công tác hương ước quy ước trên địa bàn; thực hiện việc thẩm định dự thảo
hương ước, quy ước theo quy định. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tăng cường
tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của thực hiện hương ước, quy ước. Tổ chức các
lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về xây dựng, thực hiện hương ước,
quy ước và bồi dưỡng kiến thức pháp luật liên quan đến xây dựng và thực hiện
hương ước quy ước theo kế hoạch được duyệt.
7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Trong
phạm vi chức năng nhiệm vụ, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch chỉ đạo Phòng Văn
hóa Thông tin phối hợp với Phòng Tư pháp thẩm định dự thảo hương ước, quy ước;
triển khai các nội dung của Chỉ thị này gắn với việc thực hiện các cuộc vận
động thuộc lĩnh vực ngành phụ trách.
8. Sở Tài chính:
Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong hướng dẫn
lập dự toán, thẩm định dự toán kinh phí chi cho công tác hương ước, quy ước do
các ngành, các cấp lập theo quy định của Luật ngân sách nhà nước trình cấp có
thẩm quyền phế duyệt.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và
các tổ chức thành viên của Mặt trận: Thực hiện giám sát việc xây dựng, thực
hiện hương ước, quy ước tại cơ sở. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện
hương ước, quy ước gắn với việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào do Mặt
trận phát động.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, trong phạm vi trách
nhiệm theo quy định, phối hợp với các ngành, các cấp trong đánh giá thực trạng
công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; chỉ đạo UBMTTQ cấp huyện, cấp
xã thực hiện hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này; hướng dẫn Ban công tác Mặt
trận ở cơ sở phát huy vai trò trách nhiệm trong quá trình xây dựng, thực hiện
hương ước, quy ước tại địa phương.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Chỉ đạo công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy
ước thuộc địa bàn quản lý. Thực hiện phê duyệt hương ước, quy ước theo thẩm
quyền. Chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin thẩm định
dự thảo hương ước, quy ước do xã, phường, thị trấn trình trước khi trình Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt; hướng dẫn việc xây dựng quy ước,
hương ước thôn, bản, tổ dân phố, cụm dân cư; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về
hương ước, quy ước. Chỉ đạo UBND cấp xã thuộc địa bàn quản lý rà soát hương
ước, quy ước, để sửa đổi, thay thế kịp thời các nội dung không còn phù hợp hoặc
trái pháp luật. Bố trí kinh phí bảo đảm cho các hoạt động quản lý nhà nước về
hương ước, quy ước thuộc địa bàn quản lý (tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn, kiểm
tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, khen thưởng ...).
11. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:
Nâng cao trách nhiệm, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ
quản lý công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại địa bàn quản lý
theo quy định khoản 6 Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nội
dung Chỉ thị này.
Hằng năm Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện đánh giá,
sơ kết công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương trong nội
dung đánh giá thực hiện nhiệm vụ tư pháp của chính quyền cơ sở.
Năm 2017, các xã, phường, thị trấn thực hiện rà
soát tổng thể các hương ước, quy ước hiện hành tại các thôn, bản, tổ dân phố,
khu dân cư thuộc địa bàn quản lý; chỉ đạo việc soạn thảo hương ước, quy ước
thay thế kịp thời các nội dung không còn phù hợp với pháp luật hiện hành, trình
Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt trước khi thực hiện. Thời gian hoàn thành:
trước tháng 11 năm 2017.
12. Kinh phí chi cho công tác quản lý, xây
dựng, thực hiện hương ước, quy ước; nhiệm vụ, định mức chi thực hiện theo quy
định pháp luật hiện hành. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lập dự toán kinh
phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt
triển khai.
13. Chế độ thông tin, báo cáo:
Các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo kết quả
triển khai Chỉ thị này hàng năm trước 10/11 (số liệu tính từ ngày 1/1 đến
hết 30/10 và ước tính 02 tháng cuối năm) Các báo cáo 06 tháng, 01 năm lồng
ghép vào báo cáo công tác Tư pháp của 3 cấp tỉnh, huyện, xã, báo cáo tuyên
truyền pháp luật theo đợt của các cơ quan, đơn vị; Riêng báo cáo chuyên đề theo
yêu cầu của các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh. Các báo cáo gửi về Sở Tư
pháp tỉnh Lào Cai để tổng hợp báo cáo kết quả chung toàn tỉnh (bản điện tử
qua hộp thư: phonggdpl-stp@laocai.gov.vn).
14. Tổ chức thực hiện:
Sở Tư pháp hướng dẫn triển khai, tổng hợp báo cáo
kết quả thực hiện Chỉ thị.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các
huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, trong phạm vi chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của
Chỉ thị; báo cáo kết quả định kỳ 6 tháng, năm về Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo
UBND tỉnh./.
Nơi nhận:
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Vụ PBGDPL - Bộ Tư pháp;
- UBMTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên;
- Các sở, ban ngành tỉnh;
- CVP, PC VP 1,2,3;
- Báo Lào Cai; Đài PTTH tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu VT, NC3.
|
CHỦ TỊCH
Đặng Xuân Phong
|