BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
--------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 22-TB/TW
|
Hà Nội, ngày 11
tháng 4 năm 2017
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 80-KL/TW CỦA BAN BÍ THƯ
TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X
Ngày 28/02/2017, sau khi nghe Ban Dân vận Trung
ương và Ban Chỉ đạo Đề án báo cáo sơ kết 5 năm việc thực hiện Kết luận số
80-KL/TW, ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X "Về tiếp tục
đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị khóa
VIII trong tình hình mới", ý kiến của các ban, ngành, đoàn thể liên quan,
Ban Bí thư kết luận:
I- TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ THỰC HIỆN
KẾT LUẬN SỐ 80-KL/TW
Qua hơn 5 năm thực hiện, công tác xây dựng Đảng,
đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đạt được những kết quả quan
trọng; tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ
chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động và chủ doanh
nghiệp về công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Các tổ chức đảng,
đoàn thể bước đầu khẳng định được vị trí, vai trò đối với sự phát triển của
doanh nghiệp, tập hợp, động viên đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động
chấp hành nghiêm pháp luật, thực hiện tốt nội quy, quy định của doanh nghiệp,
yên tâm, hăng hái lao động sản xuất, ổn định việc làm, thu nhập. Chủ trương cho
phép đảng viên làm kinh tế tư nhân đã thúc đẩy công tác phát triển đảng viên
trong doanh nghiệp. Một số cấp ủy đã quan tâm chỉ đạo việc thí điểm kết nạp chủ
doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện vào Đảng; trong các doanh nghiệp có chủ doanh
nghiệp tham gia cấp ủy bước đầu đã phát huy được vai trò lãnh đạo.
Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền chưa quán triệt
đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng trong Kết luận số 80-KL/TW; chưa
tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, do đó công tác xây dựng tổ chức
đảng, đoàn thể và công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên đạt tỷ lệ
thấp; vai trò của nhiều tổ chức đảng, đoàn thể và đảng viên, đoàn viên, hội
viên trong doanh nghiệp còn mờ nhạt, phương pháp công tác còn hạn chế, nội dung
hoạt động thiếu cụ thể, đơn điệu, chưa hấp dẫn, hiệu quả thấp, chưa vận động được
chủ doanh nghiệp và người lao động ủng hộ, tham gia.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên: Đây
là vấn đề mới, khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không ít cấp ủy lúng túng hoặc
chưa có quyết tâm chính trị cao. Tư duy, nhận thức của nhiều cấp ủy chưa theo kịp
tình hình, chưa gắn được lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của tổ chức đảng,
đoàn thể; cách làm ít có sự đổi mới, sáng tạo, vẫn áp dụng cách làm như trong
các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước nên hiệu quả thấp. Nhiều cấp ủy thiếu chủ động,
thiếu quyết liệt, sâu sát, thậm chí khoán trắng hoặc giao chỉ tiêu cho cấp dưới,
chạy theo số lượng để có thành tích, ít quan tâm đổi mới và nâng cao chất lượng
tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Một số tổ chức đảng, đoàn thể chưa
là cầu nối gắn bó thường xuyên giữa cấp ủy với doanh nghiệp và người lao động;
chưa nhận được sự ủng hộ của chủ doanh nghiệp do chưa là chỗ dựa tin cậy, chưa
có nhiều đóng góp cụ thể, thiết thực vào sự phát triển, ổn định của doanh nghiệp;
chưa nhận được sự hưởng ứng của các đảng viên, đoàn viên, vì việc bảo vệ quyền
lợi cho đảng viên, đoàn viên còn hạn chế. Mặt khác, người lao động do nhận thức
và áp lực của việc làm, thu nhập nên ít quan tâm đến việc gia nhập tổ chức và
tham gia sinh hoạt đảng, đoàn thể.
II- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỜI
GIAN TỚI
Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục thực hiện
nghiêm túc Kết luận số 80-KL/TW, đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nhiệm
vụ, giải pháp sau:
1- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động
sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền,
giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ về nhận thức và hành động trong cán
bộ, đảng viên, đoàn viên, chủ doanh nghiệp và người lao động về yêu cầu, nhiệm
vụ xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực
nhà nước.
2- Củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng tổ
chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ở các địa phương; chủ động xây dựng
chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình của mỗi
địa phương, doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chú trọng
công tác sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, tìm ra những mô hình mới, cách
làm hay, hiệu quả trong công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể để nhân rộng.
3- Tăng cường gắn kết tổ chức đảng, đoàn thể
và đảng viên với doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp thông qua mối quan tâm, mục tiêu
và lợi ích chung. Các tổ chức đảng, đảng viên cần đồng hành cùng doanh nghiệp,
tích cực tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp, đem lại lợi ích, góp phần làm
cho doanh nghiệp ổn định, phát triển. Trong triển khai thực hiện, cần có cách
tiếp cận phù hợp, đổi mới tư duy và cách làm, cần tính đến những yếu tố đặc thù
của doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
4- Chỉ thành lập tổ chức đảng khi đã phát
triển được đủ số lượng đảng viên, bảo đảm chất lượng, không chạy theo số lượng.
Việc vận động thành lập tổ chức đảng, đoàn thể cần tôn trọng và bảo đảm hài hòa
lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của tổ chức đảng, đoàn thể. Thường xuyên bồi
dưỡng để cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp phát huy được vai
trò lãnh đạo, định hướng hoạt động, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đảng
viên, đoàn viên, người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất,
kinh doanh hiệu quả, đúng pháp luật; ở những nơi khó khăn, có thể cử cán bộ, đảng
viên của đảng ủy cấp trên về sinh hoạt cùng với chi bộ tại doanh nghiệp, làm hạt
nhân để xây dựng tổ chức đảng.
5- Động viên đảng viên, đoàn viên học tập,
nâng cao trình độ, tay nghề để nâng cao vị thế, uy tín trong doanh nghiệp nhằm
phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng và có điều kiện để bảo vệ quyền lợi cho đảng
viên, đoàn viên và người lao động. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt
động của các đảng bộ, chi bộ; tích cực xây dựng, phát triển tổ chức đảng; làm tốt
công tác phát triển đảng viên là cán bộ quản lý, người lao động giỏi, có uy tín
trong doanh nghiệp.
6- Tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục,
bồi dưỡng, kết nạp các chủ doanh nghiệp đủ điều kiện vào Đảng, trên cơ sở đó
phân công vào các vị trí lãnh đạo trong tổ chức đảng, đoàn thể.
7- Tập trung xây dựng tổ chức, phát huy vai
trò của công đoàn trong việc đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp,
chính đáng của đoàn viên, người lao động; phấn đấu 100% doanh nghiệp có từ 25
lao động trở lên đều có tổ chức công đoàn. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương
thức tập hợp, thu hút người lao động vào tổ chức công đoàn. Tổ chức các hoạt động
có ý nghĩa nhằm nâng cao năng suất lao động, đời sống vật chất, tinh thần cho
đoàn viên và người lao động; tăng cường đối thoại, vận động chủ doanh nghiệp thực
hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ủng
hộ hoạt động của công đoàn. Thực hiện việc lồng ghép hoạt động của hội phụ nữ với
hoạt động nữ công của công đoàn trong doanh nghiệp. Nghiên cứu thành lập tổ chức
thanh niên, hội phụ nữ ở khu dân cư, khu nhà trọ với mô hình phù hợp, thiết thực
để vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên, người lao động.
8- Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ
cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp; chú trọng làm tốt công
tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ. Mỗi cán bộ đảng, đoàn thể phải gương mẫu
về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có trình độ, năng lực chuyên môn và
kinh nghiệm hoạt động thực tiễn; đặc biệt là có năng lực vận động chủ doanh
nghiệp và khả năng lãnh đạo, vận động, tập hợp người lao động. Quan tâm, tạo điều
kiện làm việc, chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ làm công tác đảng,
đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính
phủ lãnh đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp
luật, tạo hành lang pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của tổ chức đảng,
đoàn thể trong doanh nghiệp; các quy định về chế tài xử phạt nếu doanh nghiệp
không thực hiện đúng luật pháp.
2- Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp
với các cơ quan có liên quan tham mưu, đề xuất việc tổng kết Quy định số
15-QĐ/TW, ngày 28/8/2006 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định "Đảng
viên làm kinh tế tư nhân"; Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 30/01/2013 của
Ban Tổ chức Trung ương "Về việc thực hiện thí điểm việc kết nạp những người
là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng".
3- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp
với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa,
vai trò, tác dụng và hiệu quả thiết thực của việc thành lập tổ chức đảng, đoàn
thể trong doanh nghiệp; hướng dẫn nội dung, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại
chúng, đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền một cách đầy đủ, chính xác, có sức
thuyết phục.
4- Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp
giữa Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ
Việt Nam và Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đổi mới,
hoàn thiện mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của các tổ chức đoàn thể
trong doanh nghiệp bảo đảm phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
5- Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu, đề xuất
phụ cấp cho cán bộ đảng, đoàn thể; sửa đổi, bổ sung mức đóng đảng phí đối với đảng
viên là công nhân trong doanh nghiệp.
6- Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt
Nam tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để người lao động
tích cực tham gia tổ chức công đoàn; tăng cường tuyên truyền, vận động để chủ
doanh nghiệp hiểu rõ vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp.
Đổi mới, sắp xếp lại tổ chức công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất bảo
đảm đồng bộ với tổ chức đảng.
7- Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp
thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể
trong các doanh nghiệp. Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt
động của ban chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể, đảng ủy khối doanh nghiệp,
đảng ủy khu công nghiệp, khu chế xuất, trực tiếp là tổ chức đảng, đoàn thể
trong doanh nghiệp.
8- Giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối
hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn,
Ban Bí thư Trung ương Đoàn, các tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan có liên quan
hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông báo này, định
kỳ báo cáo Ban Bí thư.
Thông báo này được phổ biến đến chi bộ.
|
T/M BAN BÍ THƯ
Đinh Thế Huynh
|