ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3562/QĐ-UBND
|
Thái Bình, ngày
29 tháng 12 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH THÁI BÌNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH
HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày
19/6/2015;
Căn cứ Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14
tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007
của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006
của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế
- xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về
lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến
năm 2020, tầm nhìn 2030; Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm
2020, tầm nhìn 2030; Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng
và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013
của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh
và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh
vực và sản phẩm chủ yếu;
Căn cứ Nghị quyết số 25/2017/NQ-HĐND ngày
08/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch
tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Báo cáo thẩm định số 213/BC-HĐTĐ ngày
17/11/2017 của Hội đồng thẩm định về Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái
Bình đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ
trình số 101/TTr-SKHĐT ngày 22/11/2017, của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tại
Tờ trình số 130/TTr-SVHTTDL ngày 09/11/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái Bình đến
năm 2025, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển
- Phát triển du lịch Thái Bình bảo đảm theo hướng bền
vững, hiệu quả, chuyên nghiệp, chất lượng, có chiều sâu, có sức hấp dẫn cao để
góp phần đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế khác và cơ cấu lại nền kinh tế
theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, có trọng
tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển các sản phẩm đặc trưng, khai thác các lợi
thế về truyền thống văn hóa, đặc điểm sinh thái địa phương.
- Phát triển du lịch Thái Bình đặt trong mối liên hệ
chặt chẽ với du lịch các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông
Bắc, đặc biệt với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh,
Ninh Bình,...để phát huy lợi thế về vị trí cũng như những giá trị đặc trưng về
sản phẩm du lịch.
- Duy trì phát triển du lịch tâm linh để tăng cường
thu hút khách du lịch nội địa; Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm
văn hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với văn minh lúa nước sông Hồng; Mở rộng
phát triển du lịch sinh thái biển để đa dạng hóa sản phẩm du lịch và tăng cường
thu hút khách du lịch quốc tế.
- Phát triển du lịch phải dựa trên sự phối kết hợp
chặt chẽ giữa các ngành, sự ủng hộ của cộng đồng để phát huy nội lực cho phát
triển du lịch. Quá trình phát triển du lịch phải gắn liền với nâng cao nhận thức
về du lịch trong tất cả các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung: Phát triển du lịch đạt tốc độ
nhanh, phấn đấu đến năm 2030, du lịch Thái Bình trở thành ngành kinh tế có vị
trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật
đồng bộ; sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng về văn hóa, sinh thái và biển,
có thương hiệu, mang bản sắc văn hóa của Thái Bình, thân thiện với môi trường.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
2.2.1. Về phát triển ngành:
- Tăng cường thu hút khách du lịch, tăng mức chi
tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.
+ Bảo đảm tốc độ tăng trưởng trung bình: Khách quốc
tế: 9-10%/năm (2016-2020); 10-12%/năm (2021 - 2025) và 8-10%/năm sau năm 2025;
Khách nội địa: 11%-13%/năm (2016 - 2020); 13-15%/năm (2021 - 2025) và
10-12%/năm sau năm 2025.
+ Phấn đấu đến năm 2020 đón được khoảng 934 nghìn
lượt khách, trong đó có 9 nghìn lượt khách quốc tế; năm 2025 đón được khoảng
1.650 nghìn lượt khách, trong đó có 12 nghìn lượt khách quốc tế; đến năm 2030
đón được khoảng 2.416 nghìn lượt khách, trong đó có 16 nghìn lượt khách quốc tế.
+ Tăng mức chi tiêu bình quân của khách quốc tế khoảng
từ 1,1 triệu đồng lên 1,45 triệu đồng/người/ngày đêm; Thời gian lưu trú trung
bình khách quốc tế đạt từ 1,6 ngày lên 1,8 và 1,9 ngày. Mức chi tiêu bình quân
khách nội địa lưu trú khoảng 800 nghìn đồng lên 1,1 triệu đồng/người/ngày đêm;
khách trong ngày từ 550 nghìn đồng lên 800 nghìn đồng/người/ngày; Thời gian lưu
trú trung bình khách nội địa đạt từ 1,4 lên 1,6 và 1,8 ngày.
- Tăng nhanh nguồn thu từ du lịch. Phấn đấu đến năm
2020 tổng thu từ du lịch của tỉnh Thái Bình đạt khoảng 866 tỷ đồng; năm 2025 đạt
khoảng 1.985 tỷ đồng; năm 2030 đạt khoảng 3.366 tỷ đồng.
+ Tốc độ tăng trưởng trung bình GRDP du lịch đạt
khoảng 16%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020; 18% giai đoạn 2021-2025 và
khoảng 11%/ năm giai đoạn 2026-2030
+ Tỷ lệ so với tổng GRDP của tỉnh đạt khoảng 0,6%
năm 2020; 0,8% năm 2025 và 1% năm 2030
- Đảm bảo phát triển số lượng cơ sở lưu trú phù hợp
nhu cầu từng giai đoạn đi đôi với đẩy nhanh nâng cao chất lượng dịch vụ lưu
trú. Phấn đấu đạt được khoảng 5.100 buồng năm 2025 và khoảng 9.500 buồng năm
2030, trong đó tỷ lệ buồng đạt chất lượng 3 sao trở lên chiếm 15% năm 2020 và
20% đến 30% trong giai đoạn đến năm 2030.
- Phát triển sản phẩm chất lượng cao đi đôi với đa
dạng hóa sản phẩm du lịch.
+ Đến năm 2025, hoàn chỉnh Khu di tích Đền thờ và
Lăng mộ các vua Trần, Khu di tích Chùa Keo thành điểm du lịch quốc gia và một số
khu, điểm du lịch quan trọng khác như: Khu du lịch cộng đồng nông nghiệp nông
thôn gắn với văn minh lúa nước sông Hồng, Cồn Đen, Cồn Vành để làm động lực
phát triển du lịch toàn tỉnh; Phát triển huyện Hưng Hà trở thành địa bàn trọng
điểm du lịch của tỉnh; Phát triển hoàn chỉnh các tuyến du lịch chính của tỉnh
theo đường bộ, tuyến du lịch đường sông (theo sông Trà Lý). Xây dựng sản phẩm
du lịch tham quan, nghiên cứu, lễ hội và tâm linh Chùa Keo thành sản phẩm du lịch
đặc trưng của tỉnh, từng bước hình thành thương hiệu du lịch tỉnh.
+ Đến năm 2030, hoàn chỉnh hệ thống sản phẩm du lịch
văn hóa, sinh thái theo định hướng phát triển không gian du lịch, góp phần khẳng
định thương hiệu du lịch Thái Bình.
2.2.2. Về văn hóa - xã hội:
- Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích,
di sản văn hóa và cảnh quan.
- Tạo thêm nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo và
vươn lên làm giàu. Đến năm 2020 tạo được 10.200 việc làm, trong đó có khoảng
3.200 lao động trực tiếp; năm 2025, tạo được 24.600 việc làm, trong đó khoảng
7.700 lao động trực tiếp, năm 2030 tạo được hơn 46.700 việc làm, trong đó có
khoảng 14.600 lao động trực tiếp.
- Góp phần nâng cao dân trí và đời sống văn hóa
tinh thần cho nhân dân, đặc biệt đối với cộng đồng dân cư vùng nông thôn.
2.2.3. Về môi trường: Phát triển du lịch “xanh”, du
lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm; gắn hoạt động du lịch với mục tiêu gìn
giữ và phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái và bảo vệ môi trường.
2.2.4. Về quốc phòng, an ninh: Gắn phát triển du lịch
với mục tiêu đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, góp phần ổn định chính trị, giữ vững
quốc phòng, an ninh, đặc biệt đối với vùng biển và ven biển.
3. Nội dung quy hoạch
3.1. Phát triển thị trường khách du lịch
- Thị trường khách du lịch nội địa: Khách nội địa
được định hướng là thị trường trọng điểm. Thị trường mục tiêu của du lịch Thái
Bình được phân khúc theo thứ tự ưu tiên dựa trên tiêu chí về vị trí địa lý như
sau:
+ Thị trường Hà Nội;
+ Thị trường các tỉnh lân cận trong vùng đồng bằng
sông Hồng và duyên hải Đông Bắc và nội tỉnh;
+ Thị trường các tỉnh khu vực Trung du và miền núi
Bắc Bộ;
+ Thị trường các tỉnh khác.
- Thị trường khách du lịch quốc tế: Tiếp tục duy
trì thị trường khách truyền thống: Tây Âu; Úc; Bắc Mỹ. Đẩy mạnh phát triển thị
trường gần, như: Đông Bắc Á và ASEAN. Mở rộng khai thác thị trường mới, như: Bắc
Âu, Đông Âu, Nam Âu và NiuZiLân,...
3.2. Phát triển sản phẩm du lịch
3.2.1. Các dòng sản phẩm ưu tiên phát
triển:
+ Tham quan, nghiên cứu di tích lịch
sử - văn hóa kết hợp giáo dục, tri ân.
+ Lễ hội, tâm linh.
+ Du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn
hóa gắn với văn minh lúa nước sông Hồng.
+ Du lịch tham quan làng nghề truyền
thống gắn với văn hóa ẩm thực và các đặc sản tự nhiên.
+ Du lịch cuối tuần kết hợp sinh
thái, nghỉ dưỡng, tắm biển: Khai thác tại Cồn Vành, Cồn Đen, rừng ngập mặn Thụy
Trường.
+ Các loại hình du lịch khác.
3.2.2. Các sản phẩm du lịch đặc
trưng:
+ Điểm du lịch Đền Trần (khu mộ các
vua Trần), khai thác gắn với cụm di tích Đình - Đền - Bến Tượng, A Sào.
+ Điểm du lịch Chùa Keo (tham quan
nghiên cứu kiến trúc, nghệ thuật).
+ Khu du lịch cộng đồng trải nghiệm
nông nghiệp gắn với văn minh lúa nước sông Hồng.
+ Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ mát,
tắm biển cuối tuần Cồn Đen.
+ Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ
mát, tắm biển cuối tuần Cồn Vành.
3.3. Tổ chức không gian du lịch
3.3.1. Hệ thống điểm du lịch
- Các điểm du lịch quốc gia, vùng:
Khu di tích Đền thờ và Lăng mộ các vua Trần, Chùa Keo.
- Các điểm du lịch địa phương:
+ Các điểm du lịch thuộc thành phố
Thái Bình: Bảo tàng Thái Bình, Công viên sinh thái, Quảng trường và Tượng đài
“Bác Hồ với nông dân”, Tháp Thái Bình, Chùa Tiền - Kỳ Bá,... và một số điểm
tham quan khác, như: Chùa Vạn Xuân, Đền Quan, Đền Hai Bà Trưng, Trung tâm
thương mại Vincom Plaza, Công viên nước...
+ Các điểm du lịch thuộc huyện Vũ
Thư: Làng vườn Bách Thuận, Đình, đền Bổng Điền, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí
Minh, Làng thêu Minh Lãng, Vườn hoa cải Hồng Lý. Ngoài ra còn các điểm phụ trợ
khác như: chùa Hội, miếu Hai Thôn; Từ đường Hoàng Công Chất...
+ Các điểm du lịch thuộc huyện Thái
Thụy: Đình An Cố, Đền Chòi, Đền thờ Bà Chúa Muối, Khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh,...
và các điểm phụ trợ khác như: chùa Bến và di tích lịch sử đền Chòi, chùa Hưng
Quốc và di tích lịch sử miếu Ba Thôn, đền Hét, đền Hạ Đồng, đình Bích Đoài, Cồn
Đen, Rừng ngập mặn Thụy Trường,...
+ Các điểm du lịch thuộc huyện Quỳnh
Phụ: Đền Đồng Bằng, Đình - Đền - Bến Tượng A Sào, Khu Miếu Sổ. Ngoài ra còn các
điểm phụ trợ khác như: Đền Đợi, Đền La Vân, làng nghề chiếu An Lễ, Chùa Cổ Tuyết,
đình Đá...
+ Các điểm du lịch huyện Hưng Hà: Đền
Tiên La, Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn. Ngoài ra còn các điểm phụ trợ
như: Đình Vòi, làng nghề chiếu Hới, đền thờ Trần Thủ Độ, di tích khảo cổ Tiến Đức,
di tích hành cung Lỗ Giang...
+ Các điểm du lịch huyện Kiến Xương:
Đền Đồng Xâm và làng nghề Đồng Xâm, Chùa Tây Khánh. Ngoài ra còn các điểm phụ
trợ khác như: Chùa Am, làng nghề dệt đũi Nam Cao, Đình Lai Vi, đồn cả Phan Bá
Vành...
+ Các điểm du lịch huyện Tiền Hải: Cồn
Vành, Đồng Châu, Khu lưu niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, Nhà thờ Giáo xứ Bắc
Trạch. Ngoài ra còn các điểm phụ trợ khác như: đình Thanh Giám, rừng sinh thái
ngập mặn Đông Long...
+ Các điểm du lịch huyện Đông Hưng:
múa rối nước Nguyên Xá (kết hợp làng nghề bánh Cáy); Làng chèo Khuốc. Ngoài ra
còn các điểm phụ trợ khác như: đình và miếu thờ An hạ Đại Vương; Chùa Đọ, Đình
Cổ Dũng, Chùa Đồng Vi; Chùa Ký Con, Đền Hậu Thượng, Chùa Am Vô, Nghĩa trang Đại
Nghĩa, Đình Tàu...
3.3.2. Hệ thống khu du lịch:
- Khu du lịch cộng đồng trải nghiệm
nông nghiệp nông thôn văn minh lúa nước sông Hồng.
- Khu du lịch Cồn Vành.
- Khu du lịch sinh thái Cồn Đen.
- Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn
Thụy Trường.
3.3.3. Tổ chức các tuyến du lịch:
- Tuyến du lịch nội tỉnh:
+ Tuyến thành phố Thái Bình - Vùng
ven thành phố;
+ Tuyến thành phố Thái Bình - Vũ Thư;
+ Tuyến thành phố Thái Bình - Đông
Hưng - Hưng Hà;
+ Tuyến thành phố Thái Bình - Đông
Hưng - Quỳnh Phụ;
+ Tuyến thành phố Thái Bình - Đông
Hưng - Thái Thụy;
+ Tuyến thành phố Thái Bình - Kiến
Xương - Tiền Hải;
+ Tuyến đường sông Hưng Hà - thành phố
Thái Bình - Thái Thụy.
+ Tuyến tham quan, trải nghiệm các
làng nghề.
- Tuyến du lịch liên tỉnh (thuộc vùng
Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc):
+ Tuyến du lịch quốc gia theo quốc lộ
10: Ninh Bình - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh;
+ Tuyến du lịch ven biển (theo đường
ven biển): Thanh Hóa - Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng
Ninh;
+ Tuyến Hà Nội - Hưng Yên - Thái Bình
theo quốc lộ 39;
+ Tuyến Hà Nội - Hà Nam - Thái Bình
theo đường cao tốc kết hợp đường Thái Bình - Hà Nam;
+ Tuyến Hà Nội - Hưng Yên - Thái Bình
- Nam Định - Ninh Bình với chủ đề khai thác làng quê đồng bằng sông Hồng;
+ Tuyến du lịch đường sông Hà Nội -
Hưng Yên - Thái Bình - Nam Định theo sông Hồng;
+ Tuyến du lịch Hà Nội - Thái Bình phục
vụ du lịch cuối tuần của thủ đô với vai trò là cửa ngõ ra biển theo quốc lộ 10
kết hợp đường cao tốc;
Ngoài ra có thể phát triển tuyến du lịch
Thái Bình - Hải Dương - Bắc Giang - các tỉnh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ theo
quốc lộ 37.
3.3.4. Nhu cầu sử dụng đất quản lý
tài nguyên phát triển du lịch: Nhu cầu sử dụng đất quản lý tài nguyên phát triển
du lịch tỉnh Thái Bình được xác định là mức tối thiểu để đáp ứng yêu cầu phát
triển các điểm du lịch quốc gia, điểm du lịch địa phương và các khu du lịch
khác dựa trên tiêu chí được quy định tại Luật du lịch và khả năng phát triển thực
tế của từng điểm, khu du lịch.
3.4. Đầu tư phát triển du lịch
3.4.1. Tổng nhu cầu đầu tư và cơ cấu
nguồn vốn:
- Nhu cầu đầu tư phát triển du lịch
Thái Bình đến năm 2030 khoảng 8.080 tỷ đồng, trong đó từ nay đến năm 2025 khoảng
4.350 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn như sau:
+ Vốn ngân sách nhà nước (bao gồm cả
ODA và trái phiếu Chính phủ): Khoảng 810 tỷ đồng (tương đương 10%); trong đó từ
nay đến năm 2025 khoảng 450 tỷ đồng.
+ Khu vực tư nhân (kể cả FDI): Khoảng
7.270 tỷ đồng, tương đương 90%, trong đó giai đoạn từ nay đến năm 2025 khoảng
3.900 tỷ đồng.
- Phân kỳ đầu tư:
+ Giai đoạn từ nay đến năm 2020: Nhu
cầu vốn khoảng 1.330 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 135
tỷ đồng.
+ Giai đoạn từ năm 2021 - 2025: Nhu cầu
vốn khoảng 3.020 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 315 tỷ đồng.
+ Giai đoạn sau năm 2025: Nhu cầu vốn
khoảng 3.730 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 360 tỷ đồng.
3.4.2. Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư:
+ Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng
và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
+ Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch.
+ Đầu tư phát triển nguồn nhân lực du
lịch.
+ Đầu tư cho công tác nghiên cứu, triển
khai.
+ Đầu tư xúc tiến quảng bá, xây dựng
thương hiệu du lịch Thái Bình.
+ Đầu tư phát triển tài nguyên và bảo
vệ môi trường du lịch.
3.4.3. Các khu vực tập trung đầu tư:
Thành phố Thái Bình và phụ cận; Không gian du lịch dải ven biển; Huyện Hưng Hà;
Các trung tâm phụ trợ như thị trấn Diêm Điền, Đồng Châu,...
3.5. Hợp tác liên kết phát triển du lịch:
- Liên kết phát triển sản phẩm du lịch.
- Liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch.
- Liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục
vụ phát triển du lịch bền vững.
- Hợp tác giữa các hiệp hội ngành nghề
du lịch của các địa phương.
4. Danh mục các dự
án ưu tiên đầu tư
TT
|
Tên dự án
|
Địa điểm
|
Giai đoạn đầu tư
|
1.
|
Phát triển Điểm du lịch quốc gia Khu di tích đền
thờ và lăng mộ các vua Trần
|
Huyện Hưng Hà
|
Đến năm 2020
|
2.
|
Phát triển chùa Keo thành điểm du lịch quốc gia
|
Huyện Vũ Thư
|
2021 - 2025
|
3.
|
Phát triển Khu du lịch cộng đồng trải nghiệm nông
nghiệp, nông thôn gắn với văn minh lúa nước
|
TP. Thái Bình
|
2018-2025: Hoàn thành;
Sau năm 2025: Nâng cao chất lượng dịch vụ.
|
4.
|
Phát triển Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng biển
Cồn Vành
|
Huyện Tiền Hải
|
2018-2025: Cơ bản hoàn thành;
Sau năm 2025 hoàn thiện và nâng cấp chất lượng dịch
vụ
|
5.
|
Phát triển Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng biển
Cồn Đen
|
Huyện Thái Thụy
|
2018-2025: Cơ bản hoàn thành;
Sau năm 2025 hoàn thiện và nâng cấp chất lượng dịch
vụ.
|
6.
|
Phát triển Khu du lịch sinh thái Thụy Trường
|
Huyện Thái Thụy
|
2018-2025: Cơ bản hoàn thành;
Sau năm 2025 hoàn thiện và nâng cấp chất lượng dịch
vụ.
|
7.
|
Khu du lịch cộng đồng gắn với làng nghề Bách Thuận
|
Huyện Vũ Thư
|
2018-2025: Cơ bản hoàn thành;
Sau năm 2025 hoàn thiện và nâng cấp chất lượng dịch
vụ
|
8.
|
Phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui
chơi giải trí
|
Toàn tỉnh
|
Thực hiện trong suốt giai đoạn phát triển của quy
hoạch (2017-2030)
|
9.
|
Phát triển tuyến du lịch đường sông Trà Lý
|
Thành phố
|
2021 - 2025
|
10.
|
Phát triển tuyến du lịch tham quan, trải nghiệm
làng nghề (Chạm bạc Đồng Xâm, đũi Nam Cao, mây tre đan Thượng Hiền, Làng Khuốc,
thêu Minh Lãng, bánh cáy Nguyên Xá, chiếu Hới, đúc đồng An Lộng, thảm len Đại
Đồng, đan mũ Tây An
|
Các làng nghề đặc trưng trên địa bàn tỉnh
|
Hoàn thiện trong giai đoạn 2017-2025
|
11.
|
Chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh
Thái Bình
|
|
Thực hiện trong suốt giai đoạn phát triển của quy
hoạch (2017-2030)
|
12.
|
Chương trình xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Thái
Bình
|
|
Thực hiện trong suốt giai đoạn phát triển của quy
hoạch (2017-2030)
|
13.
|
Chương trình tôn tạo, mở rộng hệ thống di tích lịch
sử văn hóa phục vụ phát triển du lịch
|
|
2017 - 2025
|
14.
|
Phát triển bảo tàng Thái Bình kết hợp Khu vui
chơi giải trí tổng hợp
|
TP. Thái Bình
|
Đến năm 2020
|
15.
|
Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông phục vụ phát
triển du lịch
|
Trên địa bàn tỉnh theo các tuyến du lịch chính
|
2017 - 2025
|
5. Giải pháp thực hiện quy hoạch
5.1. Nhóm giải pháp về tổ chức quản lý
- Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du
lịch: phát huy vai trò của Ban chỉ đạo về du lịch của tỉnh, thành lập Ban quản
lý khu du lịch cho các khu du lịch quan trọng; Tăng cường vai trò và năng lực
tham mưu quản lý nhà nước về du lịch của các phòng văn hóa - thông tin cấp huyện.
- Tăng cường quản lý điểm đến, tập trung khắc phục
yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch nhằm tạo dựng môi trường du lịch Thái Bình
thân thiện, mến khách.
- Đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch đi đôi với
nâng cao trình độ quản lý theo quy hoạch để tăng cường công tác quản lý theo
quy hoạch.
5.2. Nhóm giải pháp về bảo vệ tài nguyên môi trường
du lịch đảm bảo phát triển du lịch bền vững
- Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giá
trị các di tích lịch sử văn hóa, giá trị tài nguyên du lịch cho cộng đồng.
- Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp,
các tổ chức chính trị xã hội đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch
sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái,...
- Đẩy mạnh công tác gìn giữ, bảo vệ di tích lịch sử
văn hóa và môi trường cảnh quan.
- Thực hiện xã hội hóa trong đầu tư bảo quản và tôn
tạo di tích, tài nguyên và môi trường du lịch.
5.3. Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến
khích, thúc đẩy phát triển nhân lực du lịch.
- Đẩy mạnh đào tạo nhân lực du lịch tại chỗ ở các
cơ sở đào tạo trong tỉnh. Mở trung tâm đào tạo nghề du lịch, gắn với thực tập tại
các khách sạn.
- Đổi mới đào tạo và dạy nghề du lịch theo hướng hiện
đại, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch tỉnh.
- Thực hiện xã hội hóa công tác phát triển nhân lực
du lịch để huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển nhân lực.
- Tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức
Trung ương, các tỉnh bạn và mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực có
chất lượng cao.
- Có chính sách, cơ chế đãi ngộ và thu hút nhân tài
trong hoạt động du lịch.
5.4. Nhóm giải pháp về phát triển sản phẩm
- Tập trung phát triển sản phẩm ưu tiên, có chất lượng:
Ngoài các sản phẩm du lịch quốc gia chùa Keo, đền Trần, du lịch Thái Bình cần
thiết tập trung phát triển sản phẩm đặc trưng của tỉnh là: Khu du lịch cộng đồng
trải nghiệm nông nghiệp nông thôn văn minh lúa nước sông Hồng, hướng phát triển
thành bảo tàng văn minh lúa nước trên quê hương 5 tấn. Ngoài ra, phát triển du
lịch nghỉ cuối tuần, sinh thái biển tại Cồn Vành, Cồn Đen,...
- Tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch:
Đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển sản phẩm du lịch với các địa phương lân cận
trong vùng với chủ đề khai thác dòng sản phẩm gắn với văn minh lúa nước sông Hồng,
với sinh thái khu dự trữ sinh quyển...Đặc biệt chú trọng liên kết phát triển du
lịch với thủ đô Hà Nội dọc theo sông Hồng và với Hưng Yên, Nam Định.
- Tăng cường quảng bá hình ảnh và quản lý chất lượng
sản phẩm du lịch: Xây dựng bản đồ sản phẩm du lịch Thái Bình; Nâng cấp website
du lịch Thái Bình hỗ trợ cung cấp thông tin chi tiết về điểm đến cho khách du lịch,
hỗ trợ đặt dịch vụ du lịch; xây dựng phát triển các trang mạng xã hội về du lịch
Thái Bình, các điểm du lịch chính (facebook, twitter, instagram, snapchat...);
Xây dựng trung tâm thông tin và hướng dẫn du khách,...
5.5. Nhóm giải pháp về xúc tiến, quảng bá
- Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch
Thái Bình rộng rãi khắp cả nước và bạn bè quốc tế.
- Tăng cường huy động vốn đầu tư từ các thành phần
kinh tế cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Đồng thời, thực hiện nhiều
hình thức giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Thái Bình đến với bạn bè
trong và ngoài nước.
- Đổi mới phương thức, nội dung hoạt động xúc tiến,
quảng bá.
- Mở rộng thị trường, xây dựng các chiến lược xúc
tiến phù hợp với từng giai đoạn phát triển như chiến lược marketing; chiến lược
sản phẩm - thị trường; chiến lược cạnh tranh; chiến lược định vị hình ảnh du lịch
Thái Bình.
- Tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Tổng cục Du lịch
để lồng ghép các chương trình quảng bá hình ảnh du lịch Thái Bình với du lịch
quốc gia.
5.6. Nhóm giải pháp về ứng dụng khoa học, công nghệ
và hợp tác, liên kết phát triển du lịch
- Về ứng dụng khoa học và công nghệ: Hoàn thiện hệ
thống cơ sở dữ liệu và thống kê du lịch, tăng cường công tác nghiên cứu và ứng
dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực thống kê du lịch, từng bước tiếp cận
và áp dụng hệ thống tài khoản vệ tinh. Mở rộng nghiên cứu và ứng dụng khoa học
và công nghệ trong mọi lĩnh vực hoạt động du lịch.
- Về hợp tác, liên kết phát triển du lịch: Chủ động
xây dựng nền tảng và khả năng liên kết cho chính địa phương mình. Theo đó cần
xây dựng được sản phẩm đặc thù riêng của tỉnh mình, tạo môi trường thuận lợi để
tăng khả năng liên kết như phát triển hạ tầng giao thông, ban hành cơ chế chính
sách ưu tiên các doanh nghiệp lữ hành, các nhà đầu tư tỉnh bạn.
5.7. Nhóm giải pháp về đầu tư, tài chính
- Huy động vốn từ trong nước: Tăng cường đầu tư từ
ngân sách nhà nước cho phát triển du lịch để làm tiền đề huy động tối đa các
nguồn vốn từ các thành phần kinh tế bảo đảm nhu cầu đầu tư phát triển du lịch.
- Huy động vốn ngoài nước: Tăng cường công tác xúc
tiến, thu hút đầu tư nước ngoài. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi
để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như tạo môi trường bình đẳng đầu
tư trong và nước ngoài... Khuyến khích, ưu đãi thu hút nguồn vốn đầu tư từ cộng
đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các Giám đốc
Sở: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài chính,
Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải; các Giám đốc Sở, Thủ
trưởng ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các PCT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu VT, TH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Hồng Diên
|