ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1152/QĐ-UBND
|
Thanh Hóa, ngày
02 tháng 4 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VIỆN
NÔNG NGHIỆP THANH HÓA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số
664/QĐ-TTg ngày 30/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Viện Nông nghiệp
Thanh Hóa;
Căn cứ Quyết định số
1100/2017/QĐ-UBND ngày 12/4/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy định về phân công,
phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức thuộc
UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Nội vụ tại Tờ trình số 137/TTr-SNV ngày 15/3/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của
Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
1. Tên gọi: Viện Nông nghiệp
Thanh Hóa.
Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng
Anh: Thanh Hoa Agriculture Institute.
2. Vị trí, chức năng:
2.1. Viện Nông nghiệp Thanh Hóa
là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập, trực thuộc UBND tỉnh, thực
hiện chức năng nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học
và công nghệ, tư vấn về chiến lược phát triển và cung cấp các dịch vụ trong
lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
2.2. Viện Nông nghiệp Thanh Hóa
hoạt động theo cơ chế tự chủ, bảo đảm chi thường xuyên từ năm 2021.
2.3. Viện Nông nghiệp Thanh Hóa
có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc và Ngân hàng
thương mại theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2.4. Trụ sở chính của Viện đặt
tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn:
3.1. Xây dựng chương trình, dự
án, kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào nông
nghiệp dài hạn, 5 năm và hàng năm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
của tỉnh, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được
phê duyệt.
3.2. Thực hiện nghiên cứu, ứng
dụng và chuyển giao khoa học công nghệ thuộc các lĩnh vực:
a) Nghiên cứu chọn, tạo, sản xuất
các loại giống cây trồng nông nghiệp, cây trồng lâm nghiệp, giống vật nuôi, giống
thủy sản, giống nấm, vi sinh vật có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế
cao; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp và
thủy sản.
b) Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển
giao các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy
sản và công nghệ sinh học; công nghệ tiên tiến trong thu hoạch, bảo quản, chế
biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và chăn nuôi.
c) Nghiên cứu, phối hợp nghiên
cứu về các loại bệnh trên cây trồng, vật nuôi; nghiên cứu về dịch tễ học và đề
xuất các biện pháp phòng trị; nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường đến dịch bệnh
trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; thử nghiệm các hóa dược, vắcxin
trên cây trồng, vật nuôi.
3.3. Lưu giữ, bảo tồn, phát triển
và nhân thuần giống cây trồng nông nghiệp, cây lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống
thủy sản quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng và các chủng vi sinh vật, nấm có giá
trị kinh tế cao. Tham gia thực hiện dự trữ giống và vật tư nông nghiệp theo
phân công của UBND tỉnh và quy định của pháp luật.
3.4. Tuyển chọn, khảo nghiệm và
sản xuất thử giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, giống nấm và giống
vi sinh vật.
3.5. Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển
giao các quy trình kỹ thuật, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực
nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản. Nghiên cứu, quan trắc, đánh giá
tác động môi trường, biến đổi khí hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển
nông thôn; xây dựng, đề xuất các chương trình kiểm soát, giám sát môi trường
trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng, cung cấp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu
phục vụ phòng ngừa, cảnh báo dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp.
3.6. Nghiên cứu xác lập các quy
định, quy chuẩn an toàn trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với xu thế phát triển
hội nhập và điều kiện sản xuất nông nghiệp của tỉnh; phân tích, xét nghiệm,
đánh giá các chỉ tiêu liên quan đến sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, chăn
nuôi; kiểm định, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng giống cây trồng, phân bón,
thức ăn chăn nuôi, các vật tư, sản phẩm nông nghiệp khác, an toàn thực phẩm phục
vụ công tác quản lý nhà nước và nhu cầu của các tổ chức, cá nhân theo quy định
của pháp luật.
3.7. Nghiên cứu, đánh giá hệ thống
chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; các hình thức tổ chức sản
xuất, kinh doanh, các mô hình hợp tác trong nông nghiệp, các vấn đề về kinh tế,
xã hội, môi trường liên quan đến phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa
bàn tỉnh.
3.8. Hợp tác trong nước và quốc
tế trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật
trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản; đào tạo, liên kết đào tạo
nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định của pháp
luật. Tổ chức xuất bản Tạp chí, Bản tin nông nghiệp và phát triển nông thôn,
các tài liệu và sách báo chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo
quy định của pháp luật.
3.9. Nghiên cứu ứng dụng khoa học
công nghệ phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước về nông nghiệp, phát triển nông thôn
và xây dựng nông thôn mới; thực hiện các chương trình, đề tài, dự án khi được cấp
có thẩm quyền giao hoặc trúng tuyển.
3.10. Điều tra, khảo sát, thu
thập thông tin, đánh giá, phân tích, xây dựng cơ sở dữ liệu về vấn đề nghiên cứu
thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của Viện. Cung cấp thông tin, dự tính, dự
báo phục vụ sản xuất, tiêu thụ, nông lâm sản, thủy sản, vật tư nông nghiệp; tổ
chức xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, trưng bày và bán
các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
3.11. Thực hiện hoạt động dịch
vụ, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu các sản phẩm và công nghệ lĩnh vực nông,
lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản; cung cấp dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao và các sản phẩm phù hợp với lĩnh vực hoạt động chuyên môn của Viện
theo quy định của pháp luật; tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, phòng trưng
bày để giới thiệu sản phẩm.
3.12. Lập dự án đầu tư, các dự
án quy hoạch, đề án, phương án, mô hình dự án về phát triển nông nghiệp nông
thôn; tư vấn đầu tư, thẩm định, khảo sát, thiết kế, giám sát, lắp đặt thi công
các công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi và hạ tầng nông nghiệp nông thôn;
báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, quy hoạch. Lập hồ sơ
đăng ký, chứng nhận cơ sở và sản phẩm thân thiện môi trường.
3.13. Đo đạc, xây dựng cơ sở dữ
liệu, lập bản đồ địa chính, địa hình, bản đồ chuyên đề phục vụ mục đích chuyên
dùng; khảo sát địa hình, địa chất công trình; đo đạc phục vụ thiết kế, thi công
các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi.
3.14. Quyết định việc mời các
chuyên gia, nhà khoa học trong nước và ngoài nước vào làm việc, thực hiện các đề
tài, dự án khoa học kỹ thuật của Viện theo quy định của pháp luật.
3.15. Tổ chức quản lý, bảo vệ,
phát triển và sử dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất được giao
theo quy định của pháp luật.
3.16. Tham gia làm thành viên Hội
đồng khoa học, thẩm định các đề tài, dự án khoa học công nghệ có liên quan đến
lĩnh vực hoạt động của Viện theo quy định của pháp luật.
3.17. Quản lý cán bộ, công chức,
viên chức, tài chính, tài sản được giao.
3.18. Thực hiện các nhiệm vụ
khác khi được cấp có thẩm quyền giao.
Điều 2.
Cơ cấu tổ chức và số lượng người làm việc.
1. Lãnh đạo Viện:
Viện Nông nghiệp Thanh Hóa có
Viện trưởng và không quá 02 Phó Viện trưởng.
Viện trưởng Viện Nông nghiệp
Thanh Hóa chịu trách nhiệm quản lý, điều hành Viện theo chế độ thủ trưởng; các
Phó Viện trưởng có trách nhiệm giúp việc cho Viện trưởng. Viện trưởng chịu
trách nhiệm trước pháp luật, trước Tỉnh ủy và UBND tỉnh về toàn bộ hoạt động của
Viện; Phó Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về kết quả công việc
được giao.
Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn
nhiệm, điều động, luân chuyển, từ chức, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu và thực
hiện các chế độ, chính sách đối với Viện trưởng, Phó Viện trưởng do Chủ tịch
UBND tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật và quy định phân công, phân cấp
quản lý cán bộ hiện hành của UBND tỉnh.
2. Các phòng chuyên môn, nghiệp
vụ và đơn vị trực thuộc:
2.1. Các phòng chuyên môn, nghiệp
vụ, gồm:
a) Văn phòng.
b) Phòng Kế hoạch, Tổng hợp và
Hợp tác quốc tế. c) Phòng Quản lý khoa học.
d) Phòng Phân tích và Thí nghiệm.
Văn phòng có Chánh Văn phòng và
không quá 02 Phó Chánh Văn phòng; các phòng có Trưởng phòng và không quá 02 Phó
Trưởng phòng. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng;
Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thực hiện quy định của pháp luật và quy định
phân công, phân cấp quản lý cán bộ hiện hành của UBND tỉnh.
2.2. Các đơn vị trực thuộc, gồm:
a) Trung tâm nghiên cứu khảo
nghiệm và dịch vụ cây trồng:
Trung tâm được thành lập trên
cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Lâm
nghiệp và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống cây trồng nông
nghiệp.
Trung tâm nghiên cứu khảo nghiệm
và dịch vụ cây trồng là đơn vị hạch toán phụ thuộc, có con dấu riêng, được mở
tài khoản riêng tại Kho bạc và Ngân hàng thương mại để giao dịch và hoạt động
theo quy định.
Trung tâm có trụ sở đặt xã Nam
Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa (trụ sở của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng
khoa học công nghệ Lâm nghiệp hiện nay).
Trung tâm nghiên cứu khảo nghiệm
và dịch vụ cây trồng có cơ cấu tổ chức gồm các tổ chuyên môn, nghiệp vụ, đơn vị
trực thuộc:
- Các Tổ chuyên môn, nghiệp vụ,
gồm:
+ Tổ Hành chính Tổng hợp.
+ Tổ Khoa học, Kinh doanh và
marketing.
- Các đơn vị trực thuộc, gồm:
+ Trạm thực nghiệm cây trồng
Nông nghiệp Thọ Xuân.
+ Trạm thực nghiệm cây trồng
Lâm nghiệp và bảo vệ rừng Hà Trung.
+ Trạm thực nghiệm Lâm nghiệp
và bảo vệ rừng Ngọc Lặc.
b) Trung tâm nghiên cứu khảo
nghiệm và dịch vụ vật nuôi:
Trung tâm được thành lập trên
cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản và
Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi.
Trung tâm nghiên cứu khảo nghiệm
và dịch vụ vật nuôi là đơn vị hạch toán phụ thuộc, có con dấu riêng, được mở
tài khoản riêng tại Kho bạc và Ngân hàng thương mại để giao dịch và hoạt động
theo quy định.
Trung tâm có trụ sở đặt tại xã
Hoàng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa (trụ sở của Trung tâm nghiên cứu ứng
dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi hiện nay).
Trung tâm nghiên cứu khảo nghiệm
và dịch vụ vật nuôi có cơ cấu tổ chức gồm các tổ chuyên môn, nghiệp vụ, đơn vị
trực thuộc:
- Các Tổ chuyên môn, nghiệp vụ,
gồm:
+ Tổ Hành chính Tổng hợp.
+ Tổ Khoa học, Kinh doanh và
Marketing.
- Các đơn vị trực thuộc, gồm:
+ Trạm nghiên cứu thực nghiệm
và sản xuất giống con nuôi.
+ Trạm nghiên cứu thực nghiệm
và sản xuất giống thủy sản.
c) Trung tâm tư vấn quy hoạch,
thị trường và chiến lược phát triển nông nghiệp:
Trung tâm được thành lập trên cơ
sở tổ chức, sắp xếp lại Đoàn Quy hoạch nông, lâm nghiệp Thanh Hóa và Ban quản
lý Trung tâm phát triển nông thôn.
Trung tâm tư vấn quy hoạch, thị
trường và chiến lược phát triển nông nghiệp là đơn vị hạch toán phụ thuộc, có
con dấu riêng, được mở tài khoản riêng tại Kho bạc và Ngân hàng thương mại để
giao dịch và hoạt động theo quy định.
Trung tâm có trụ sở đặt tại 43
Đại lộ Lê Lợi, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa (trụ sở Đoàn Quy hoạch nông,
lâm nghiệp Thanh Hóa hiện nay).
Trung tâm tư vấn quy hoạch, thị
trường và chiến lược phát triển nông nghiệp có cơ cấu tổ chức gồm tổ chuyên
môn, nghiệp vụ và các đơn vị trực thuộc:
Trung tâm tư vấn quy hoạch, thị
trường và chiến lược phát triển nông nghiệp có cơ cấu tổ chức gồm các tổ chuyên
môn, nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc:
- Tổ chuyên môn, nghiệp vụ:
Hành chính Tổng hợp.
- Các đơn vị trực thuộc, gồm:
+ Đội Quy hoạch và chiến lược
phát triển nông nghiệp nông thôn.
+ Đội Đo đạc, bản đồ.
+ Đội Tư vấn đầu tư và thiết kế
công trình.
+ Trạm Kết nối cung cầu và Hội
chợ triển lãm.
Các Trung tâm có Giám đốc và
không quá 02 Phó Giám đốc do Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa quyết định
bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật và quy định phân công, phân cấp
quản lý cán bộ hiện hành của UBND tỉnh. Các Tổ thuộc Trung tâm có Tổ trưởng và
không quá 02 Tổ phó; các Trạm có Trưởng trạm và không quá 02 Phó Trưởng trạm;
các Đội có Đội trưởng và không quá 02 Đội phó do Giám đốc Trung tâm quyết định
bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định.
3. Số lượng người làm việc:
3.1. Số lượng người làm việc của
Viện Nông nghiệp Thanh Hóa nằm trong trong tổng số lượng người làm việc trong
các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh, được UBND tỉnh giao hàng năm hoặc phê
duyệt theo quy định. Năm 2019, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa được giao 65 người làm
việc.
3.2. Viện trưởng Viện Nông nghiệp
Thanh Hóa có trách nhiệm, căn cứ Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của
Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định
số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức
khoa học và công nghệ công lập; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức
và khối lượng công việc của Viện, xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm, cơ cấu
chức danh nghề nghiệp viên chức và số lượng người làm việc thực hiện theo cơ chế
tự chủ, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện.
Điều 3.
Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa có trách nhiệm
xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện Nông
nghiệp Thanh Hóa; đồng thời, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
Văn phòng, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc theo quy định
của pháp luật và của UBND tỉnh.
Điều 4.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám
đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh
Hóa; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đình Xứng
|