HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
30/2022/NQ-HĐND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 09 tháng 12 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA VIII, KỲ HỌP LẦN THỨ 5
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số
68/2022/QH15, ngày 10 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội về kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội năm 2023;
Căn cứ Nghị quyết số
21-NQ/TU, ngày 05 tháng 12 năm 2022 của Tỉnh ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế
- xã hội năm 2023;
Xét Tờ trình và Báo cáo của Ủy
ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Báo cáo thẩm tra của
các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Mục
tiêu
Huy động tối đa các nguồn lực để
đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm nhằm phát triển cơ sở hạ tầng,
phát triển đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất, phát huy hiệu quả đầu tư. Hoàn
thành Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương,
các Đề án quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu xây dựng… phục vụ
phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Chuyển đổi mạnh mẽ mô
hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi
số, phát triển đô thị thông minh. Chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, bảo tồn
và phát huy các giá trị di sản, văn hóa, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết
việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của
nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,
đổi mới sáng tạo, xây dựng chính quyền số. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự
an toàn xã hội, làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội
trong nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh covid-19, không
chủ quan, lơ là để dịch bệnh mới bùng phát.
Điều 2. Các
chỉ tiêu chủ yếu
1. Tốc độ tăng trưởng GRDP:
9-10%.
2. GRDP bình quân đầu người: 2.670
- 2.760 USD. Năng suất lao động xã hội tăng 9 - 10%.
3. Cơ cấu kinh tế: dịch vụ: 46
- 47%; công nghiệp - xây dựng: 34 - 35%; nông nghiệp: 10 - 10,5%; thuế sản phẩm
trừ trợ cấp sản phẩm: 8 - 8,5%.
4. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng
10%.
5. Thu ngân sách phấn đấu đạt
13.000 tỷ đồng.
6. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ
12% trở lên.
7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt
70%.
8. Có 14 - 15 bác sỹ/vạn dân;
59 - 61 giường bệnh/vạn dân.
9. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế
đạt 99,2%.
10. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn
3,17%.
11. Có thêm ít nhất 06 xã đạt
chuẩn nông thôn mới.
12. Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch:
96-97%.
13. Tỷ lệ khu công nghiệp đang
hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt
66,7%. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom: 93%.
14. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định
57 - 57,5%.
Điều 3. Các
chương trình và dự án trọng điểm
1. Chương trình phát triển đô
thị (bao gồm Chương trình di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh
thành Huế).
2. Chương trình phát triển hạ tầng
kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp.
3. Chương trình phát triển văn
hóa, du lịch - dịch vụ.
4. Chương trình cải cách hành
chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh.
5. Chương trình phát triển nguồn
nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
6. Chương trình xây dựng nông
thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng
bào dân tộc thiểu số.
Điều 4. Nhiệm
vụ và giải pháp chủ yếu
1. Tập trung triển khai
đồng bộ, kịp thời Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ
và Tỉnh ủy nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành
Thành phố trực thuộc Trung ương. Đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch, ưu tiên
Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050;
Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế; Quy hoạch
chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; các Đề án phân
loại đô thị. Quan tâm phê duyệt các quy hoạch phân khu xây dựng; quy hoạch vùng
huyện; rà soát, điều chỉnh kịp thời các quy hoạch không còn phù hợp với tình
hình thực tiễn. Tập trung đầu tư hạ tầng các xã đạt tiêu chí trở thành phường,
đô thị Phong Điền, đô thị Chân Mây… nhằm nâng cao chất lượng đô thị.
2. Tiếp tục cơ cấu nền
kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung hỗ trợ, duy trì, mở rộng
sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình
mới.
2.1. Phục hồi và phát triển
lĩnh vực du lịch, dịch vụ xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn; đa dạng hóa các
hoạt động du lịch, dịch vụ, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá
du lịch; đẩy mạnh hợp tác, liên kết các hãng lữ hành du lịch, chính sách kích cầu,
phục hồi phát triển du lịch. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành du lịch.
2.2. Phát triển công nghiệp
theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường. Hỗ trợ,
tháo gỡ những vướng mắc đối với các dự án sản xuất công nghiệp liên quan đến
quy hoạch, nguồn vật liệu, nguồn lao động. Phát triển hạ tầng cụm công nghiệp,
tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác
vào sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp nhằm phát triển công nghiệp
nông thôn.
2.3. Phát triển nông nghiệp
toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường ứng dụng tiến bộ
khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiên phát triển nông nghiệp
công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP. Hình thành các mô hình chuỗi liên kết
trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chuyển đổi và phát triển diện
tích đất trồng cây ăn quả, phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền
thống gắn với phát triển thị trường. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động
các Hợp tác xã, các tổ hợp tác, các hình thức liên kết và liên hiệp Hợp tác xã
trên nhiều lĩnh vực nhằm phát triển kinh tế tập thể. Ổn định diện tích nuôi trồng
thủy hải sản, hạn chế đánh bắt, khai thác hủy diệt, bảo vệ môi trường, tái tạo
nguồn lợi thủy sản. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; chủ động
phương án phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả.
3. Đổi mới, nâng cao hiệu
quả công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì
và nâng cao các chỉ số xếp hạng PCI, PAPI, PAR Index, DTI. Tập trung tháo gỡ
khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, các dự án đang nghiên cứu, triển khai đầu
tư trên địa bàn. Đánh giá việc thực hiện các chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh
về Khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp; Hỗ trợ đổi mới, cải tiến công
nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ doanh nghiệp
nhỏ và vừa nhằm kịp thời tham mưu điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
4. Tập trung nguồn lực đầu
tư, đẩy nhanh các công trình, dự án trọng điểm: Cầu qua cửa biển Thuận An, Tuyến
đường bộ ven biển, Cầu qua Sông Hương, Đường Tố Hữu, Cảng hàng không Quốc tế
Phú Bài, Đê chắn sóng Chân Mây, Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế,
các dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ tái định cư… nhằm đẩy nhanh tiến độ giải
ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch. Quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự
án sản xuất lắp ráp ô tô, Trung tâm thương mại Aeon Mall, dự án đầu tư xây dựng
và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gilimex và các dự án phát triển
du lịch nghỉ dưỡng ven biển… nhất là hỗ trợ các thủ tục hành chính, giải phóng
mặt bằng.
5. Cơ cấu thu, chi ngân
sách nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển, tập trung giải pháp tăng thu ngân
sách, chống thất thu thuế. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ưu tiên chi cho
đầu tư phát triển, hạ tầng phát triển sản xuất, sự nghiệp giao thông, sự nghiệp
y tế, hệ thống chiếu sáng trung tâm các đô thị,... Tăng cường công tác quản lý
ngân sách, nâng cao tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, thẩm định chặt
chẽ dự toán, hạn chế chuyển nguồn.
6. Chăm lo, phát triển
lĩnh vực văn hóa, xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. Đầu tư nguồn lực xây dựng
trung tâm văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo đa ngành đa lĩnh
vực, khoa học công nghệ. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc
văn hóa truyền thống, tổ chức thành công Festival Huế 2023; nâng cao chất lượng
giáo dục đào tạo, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, chuyển đổi số trong ngành
giáo dục; đầu tư các cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe
nhân dân.
7. Bảo đảm quốc phòng -
an ninh, trật tự an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh,
ngăn chặn các tình huống phức tạp, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, không để
bị động, bất ngờ. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên
nhiên, quản lý khai thác khoáng sản; phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu,
phòng cháy chữa cháy; xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường, nhất là chất thải rắn
sinh hoạt, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường.
8. Đẩy mạnh cải cách
hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; tăng cường
kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức,
nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra,
đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực. Đẩy mạnh công tác chuyển
đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, phát triển dịch vụ đô thị thông
minh trong các ngành, lĩnh vực, trong công tác quản lý nhà nước.
9. Triển khai các chương
trình, nội dung giám sát của Hội đồng nhân dân, thực hiện quy định của pháp luật
về tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; kiến nghị của nhân
dân.
Điều 5. Tổ
chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh
triển khai thực hiện Nghị quyết.
2. Giao Thường trực Hội đồng
nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân
dân tỉnh trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc triển khai thực hiện
Nghị quyết theo quy định pháp luật.
Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi
toàn thể cán bộ, quân và dân trong tỉnh nêu cao tinh thần làm chủ, đoàn kết, nhất
trí, phát huy những kết quả đạt được, tạo chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ trên
các lĩnh vực, phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, hướng đến
hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, Kỳ họp lần thứ 5 thông qua ngày 09
tháng 12 năm 2022./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- UBTV Quốc hội; Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu;
- Các Bộ: TC, KHĐT;
- Thường vụ Tỉnh ủy; Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- VP Bộ Tư lệnh quân khu IV;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
các cơ quan TW trên địa bàn;
- TT HĐND, UBND các huyện, thị xã và Tp Huế;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- VP: Lãnh đạo và các Cv;
- Lưu: VT, LT.
|
CHỦ TỊCH
Lê Trường Lưu
|