ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 569/KH-UBND
|
Hải Dương, ngày
02 tháng 3 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT CHO ĐỐI
TƯỢNG HƯỞNG CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Quyết định số 06/QĐ-TTg
ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ
liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia
giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Chỉ thị số 21/CT-TTg
ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả
an sinh xã hội không dùng tiền mặt;
Căn cứ Công văn số
5234/LĐTBXH-TTTT ngày 23/12/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc
hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an
sinh xã hội.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển
khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách an
sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Đẩy mạnh thanh toán không
dùng tiền mặt trong chi trả chế độ cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội
theo nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử,
nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế.
b) Góp phần triển khai ứng dụng
công nghệ thông tin vào chi trả chế độ cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng
và người có công với cách mạng, chính sách trợ giúp xã hội cho người dân, đơn
giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến
trong lĩnh vực an sinh xã hội.
c) Từng bước cải cách thủ tục
hành chính trong chi trả chế độ cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và
người có công với cách mạng, chính sách trợ giúp xã hội đối với người dân, bảo
đảm chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí
hành chính.
d) Nâng cao năng lực cho các
cán bộ, hiểu biết của người dân về Chính phủ điện tử, quy trình nghiệp vụ giải
quyết chính sách và chi trả chế độ chính sách không dùng tiền mặt.
2. Yêu cầu
a) Việc triển khai chi trả
không dùng tiền mặt đến các đối tượng không phát sinh thủ tục hành chính, không
làm thay đổi quy trình xử lý đối với các công tác liên quan đến chi trả cho đối
tượng ASXH.
b) Quy trình chi trả phải đảm bảo
đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, sử dụng và phù hợp với các nhóm đối tượng
chính sách và điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
c) Sự quan tâm chỉ đạo của đảng
ủy, chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện.
d) Đối tượng chính sách có quyền
lựa chọn hình thức chi trả phù hợp, khuyến khích đối tượng nhận qua tài khoản
ngân hàng để đảm bảo mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, với chi phí phù hợp,
tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng hưởng lợi.
e) Đảm bảo trang thiết bị, cơ sở
vật chất, công nghệ phục vụ cho việc chi trả không dùng tiền mặt.
II. PHẠM VI,
ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐƠN VỊ THAM GIA THỰC HIỆN
1. Phạm vi: Triển khai
thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội và
người có công với cách mạng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
2. Đối tượng: Đối tượng
hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội tại cộng đồng và người có công với cách mạng hưởng
trợ cấp ưu đãi. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện
chi trả.
III. NỘI
DUNG THỰC HIỆN
1. Thực hiện
thu thập, cập nhật thông tin tài khoản hỗ trợ chi trả không dùng tiền mặt
- Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo
cán bộ LĐTBXH cấp xã phối hợp với Công an cấp xã thu thập, cập nhật thông tin về
tài khoản của các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội (sau đây gọi tắt là
đối tượng) trên địa bàn, ưu tiên các đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng
theo chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương. Trước mắt
Công an cấp xã thực hiện xác thực thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư. Sau khi Bộ Công an hoàn thành kết nối với Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam (qua Napas), Công an cấp xã thực hiện xác thực thông tin tài khoản trên Hệ
thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Việc thu thập, cập nhật, xác
thực thông tin về tài khoản của các đối tượng được thực hiện thường xuyên hàng
tháng trước mỗi kỳ chi trả. Thông tin thu thập theo đúng hướng dẫn tại Công văn
số 5234/LĐTBXH-TTTT ngày 23/12/2022.
- Sau khi xác thực xong, chủ tịch
UBND cấp xã gửi danh sách cho Phòng Lao động TBXH tổng hợp gửi Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội trước ngày 15/4/2023 để theo dõi.
- Tiến độ thực hiện: Công tác
thu thập, cập nhật, xác thực thông tin về tài khoản ban đầu của các đối tượng
hoàn thành trước ngày 31/3/2023.
2. Xây dựng
phương án thanh toán tổng thể và tăng cường mạng lưới chi trả trên địa bàn
- Tổ chức dịch vụ chi trả tham
gia xây dựng phương án chi trả, bảo đảm hạ tầng và công nghệ triển khai chi trả
không sử dụng tiền mặt, thực hiện đa dạng hóa phương thức chi trả tài khoản số,
tài khoản ngân hàng; đảm bảo mạng lưới chi trả tại cấp xã.
- Phòng Lao động - Thương binh
và Xã hội cấp huyện thực hiện chi trả trợ cấp cho người có công với cách mạng
thông qua Kho bạc nhà nước và chuyển qua tài khoản đã được cấp cho các đối tượng;
phối hợp với tổ chức dịch vụ chi trả trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội
tại cộng đồng theo quy định.
- Đối với các trường hợp đặc biệt
(đau ốm, khuyết tật không đi lại được và không có người nhận thay hoặc trường hợp
đặc biệt khác) mà chưa mở được tài khoản, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
cấp huyện lập danh sách, chỉ đạo cán bộ chi trả (đối với trợ cấp ưu đãi) và phối
hợp tổ chức dịch vụ chi trả (đối với trợ cấp xã hội) có trách nhiệm chi trả bằng
tiền mặt cho đối tượng hoặc thông qua người đại diện theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức
triển khai tập huấn, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ và
người dân về phương thức chi trả không sử dụng tiền mặt
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên
truyền làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, đối tượng, gia đình đối tượng
và cộng đồng về việc chuyển đổi hình thức chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng
tiền mặt sang hình thức chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính
sách trợ giúp xã hội.
- Tập huấn nghiệp vụ cho đội
ngũ cán bộ các cấp về công tác chi trả ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
4. Cập nhật
thông tin đối tượng hưởng chế độ trợ giúp xã hội vào hệ thống phần mềm
Hàng tháng, Phòng Lao động -
Thương binh và xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với UBND các xã,
phường, thị trấn rà soát, chuẩn hóa thông tin đối tượng và thực hiện cập nhật đối
tượng hưởng chế độ trợ giúp xã hội vào hệ thống phần mềm theo quy định, nhằm phục
vụ cho công tác quản lý, chi trả chế độ trợ giúp xã hội không sử dụng tiền mặt.
5. Thực hiện
chi trả cho đối tượng
- Thực hiện chi trả trực tiếp
vào tài khoản của đối tượng thông qua Kho bạc nhà nước và chuyển qua tài khoản
đã được cấp cho các đối tượng; phối hợp với tổ chức dịch vụ chi trả trợ cấp xã
hội cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng theo quy định.
- Quy trình thực hiện kiểm soát,
thanh toán qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo đúng quy định.
- Hàng tháng, Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với tổ chức
dịch vụ chi trả cập nhật danh sách đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền
(danh sách chi trả trong tháng tăng, giảm, điều chỉnh nếu có) để tiến hành chi
trả chính sách trợ giúp xã hội vào tài khoản ngân hàng, tài khoản số của người
nhận.
- Tiến độ thực hiện: Từ tháng
4/2023 thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo
trợ xã hội tại cộng đồng và người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu
đãi (đối tượng có tài khoản) trên địa bàn tỉnh.
6. Giám sát
thực hiện và đánh giá
a) Tăng cường cơ chế hợp tác,
phối hợp, trao đổi thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, các tổ chức
cung ứng dịch vụ thanh toán với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan để kịp thời
phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động
thanh toán; chia sẻ thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của
tội phạm trong hoạt động thanh toán để kịp thời cảnh báo, khuyến nghị với các tổ
chức dịch vụ chi trả thanh toán, tổ chức dịch vụ chi trả trung gian thanh toán
và người sử dụng dịch vụ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, nguy cơ lợi dụng hoạt động
thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp.
b) Tiếp tục triển khai các giải
pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật; ngăn ngừa rủi ro phát sinh, bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ.
IV. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
1. Nguồn NSNN bố trí trong dự
toán hàng năm của các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan.
2. Nguồn đầu tư của các tổ chức
cung ứng dịch vụ thanh toán, các tổ chức trung gian thanh toán trên địa bàn tỉnh.
3. Nguồn tài trợ của các tổ chức,
cá nhân và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Tổ chức thực hiện
1.1. Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính và các sở, ngành có liên quan hướng dẫn việc chi trả trợ cấp không dùng
tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đảm bảo nguyên tắc, quy
trình thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công
văn số 5234/LĐTBXH-TTTT ngày 23/12/2022. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
các Sở, ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố căn cứ hướng dẫn của Bộ
Lao động TB và XH, triển khai thực hiện xong trước ngày 15/3/2023.
- Phối hợp với Sở Tài chính,
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hải Dương tham mưu với UBND tỉnh về nguồn
kinh phí còn thiếu trong trường hợp chính sách hỗ trợ chưa đảm bảo để thực hiện.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra,
giám sát, tổng hợp báo cáo và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch chi trả chính
sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt, báo cáo UBND tỉnh.
1.2. Tổ chức dịch vụ chi trả
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân
các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ lợi ích
lâu dài của việc chi trả bằng phương thức chi trả không dùng tiền mặt và tạo điều
kiện thuận lợi để đối tượng nhận trợ giúp qua tài khoản.
- Xây dựng quản lý, chi trả
chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng; đảm
bảo các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, nhân lực, kỹ thuật để thực hiện
chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng thụ hưởng.
- Thu thập thông tin hồ sơ mở
tài khoản (Căn cước công dân và số định danh cá nhân, số điện thoại, số tài khoản…)
để thực hiện việc mở tài khoản thanh toán cho đối tượng. Triển khai thực hiện
chi trả qua tài khoản ngân hàng, tài khoản số. Hàng tháng, chủ động phối hợp với
đơn vị liên quan mở tài khoản cho đối tượng phát sinh tăng thêm. Hướng dẫn cho
đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền sử dụng tài khoản an toàn. Bố trí
mỗi xã, phường, thị trấn ít nhất 01 điểm chi trả để đối tượng, người giám hộ,
người được ủy quyền đến rút tiền mặt vào thời gian cụ thể trong tháng (đối với
các trường hợp chưa mở được tài khoản).
- Báo cáo tiến độ, kết quả thực
hiện thu thập, cập nhật thông tin về tài khoản và tiến độ thực hiện chi trả
không dùng tiền mặt về UBND tỉnh trước ngày 30 hàng tháng (qua Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội) để tổng hợp chung.
1.3. Sở Thông tin và Truyền
thông
- Bảo đảm an toàn, an ninh
thông tin cũng như đảm bảo việc trao đổi, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các
đơn vị thực hiện chính sách.
- Chỉ đạo các cơ quan truyền
thông trên địa bàn, các địa phương tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc
thúc đẩy chuyển đổi số trong tri trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
1.4. Sở Tài chính
- Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và xã hội, các sở, ngành liên quan hướng dẫn nguyên tắc, quy trình
quản lý, sử dụng và thanh quyết toán các chế độ, chính sách an sinh xã hội đảm
bảo với chuyển đổi số và chi trả không dùng tiền mặt.
- Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hải Dương tham mưu báo
cáo UBND tỉnh về nguồn kinh phí còn thiếu trong trường hợp chính sách hỗ trợ
chưa đảm bảo để thực hiện.
1.5. Công an tỉnh
Chỉ đạo Công an huyện, thị xã,
thành phố thực hiện cấp Căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử cho đối tượng
bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, người giám hộ, người nhận ủy quyền.
Chủ trì hướng dẫn các đơn vị có liên quan rà soát, đối chiếu xác thực thông tin
các đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội trong Cơ sở dữ liệu quốc gia
về dân cư theo quy định.
1.6. Kho bạc nhà nước tỉnh
- Hướng dẫn, phối hợp với các Sở,
ngành, các địa phương thực hiện việc chi trả chính sách, chế độ an sinh xã hội
qua tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội theo chỉ đạo của
Kho bạc Nhà nước và Bộ Tài chính.
- Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước cấp
huyện thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra và quản lý và chi trả các khoản chi
ngân sách Nhà nước về chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn.
1.7. Ngân hàng Nhà nước Chi
nhánh tỉnh
Chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng
trên địa bàn:
- Nghiên cứu có chính sách hỗ
trợ, ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách an
sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng để nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà
nước.
- Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tham mưu với UBND tỉnh về nguồn kinh phí
còn thiếu trong trường hợp chính sách hỗ trợ chưa đảm bảo để thực hiện.
- Phối hợp chặt chẽ với các địa
phương, thống nhất nội dung, phương pháp cấp tài khoản an sinh xã hội cho các đối
tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục tăng cường hạ tầng kỹ
thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán nhằm tạo điều kiện thuận lợi để
người hưởng trợ cấp an sinh xã hội nhận tiền qua thẻ ngân hàng.
1.8. UBND các huyện, thị xã,
thành phố:
- Triển khai kịp thời, hiệu quả
các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch này; chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh
và Xã hội phối hợp với tổ chức dịch vụ chi trả ký thỏa thuận chi trả chính sách
trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và người có công
với cách mạng không dùng tiền mặt.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp
xã thực hiện xác nhận ủy quyền nhằm đảm bảo thủ tục mở tài khoản; phối hợp với
tổ chức dịch vụ chi trả tổ chức tuyên truyền, thu thập thông tin hồ sơ mở tài
khoản cho đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền; thường xuyên rà soát
tình hình biến động đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng để kịp
thời điều chỉnh, đảm bảo thực hiện đúng, đủ, kịp thời cho đối tượng.
1.9. Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải
Dương
Tiếp tục tham mưu và triển khai
đẩy mạnh việc thực hiện chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt
cho người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, BHTN trên địa bàn tỉnh Hải Dương
theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.
2. Chế độ báo cáo
- Tổ chức dịch vụ chi trả và
UBND huyện, thị xã, thành phố: Báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện thu thập, cập
nhật thông tin về tài khoản hàng tháng về UBND tỉnh trước ngày 30 hàng tháng
(qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
- Tổ chức dịch vụ chi trả và
UBND huyện, thị xã, thành phố: báo cáo kết quả thực hiện chi trả không dùng tiền
mặt đến các đối tượng chính sách an sinh xã hội về UBND tỉnh trước ngày 30 hàng
tháng từ tháng bắt đầu thực hiện chi trả không dùng tiền mặt (qua Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội) để tổng hợp chung.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị
nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện có những vấn
đề phát sinh, vướng mắc, kịp thời tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem
xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ LĐ-TB&XH (để b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành, đơn vị: LĐ-TB&XH, Tài Chính, TT&TT, Công an tỉnh,
Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ngân hàng nhà nước tỉnh, BHXH tỉnh, Bưu điện tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu VT, KGVX.Lai (9)
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Minh Hùng
|