ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
35/2019/QĐ-UBND
|
Hải Phòng, ngày
20 tháng 9 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, TIỀN CHẤT THUỐC NỔ ĐỂ SẢN
XUẤT VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ
và công cụ hỗ trợ ngày 20 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 71/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng
5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng
vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất
thuốc nổ;
Căn cứ Thông tư số 13/2018/TT-BCT ngày 15 tháng
6 năm 2018 của Bộ Công Thương quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công
nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 51/2008/QĐ-BCT ngày
30/12/2008 của Bộ Công Thương về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về
an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp;
Xét đề nghị của Sở Công Thương tại các Văn bản:
số 1431/TTr-SCT ngày 09/7/2019, số 1501/SCT-QLKT ngày 18/7/2019, số
1816/SCT-QLKT ngày 22/8/2019; Báo cáo thẩm định số 35/BCTĐ-STP ngày 28/6/2019 của
Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý hoạt động vật
liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp
trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm
2019. Quyết định này thay thế Quyết định số 230/2013/QĐ-UBND ngày 28 tháng 01
năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp
trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở,
ngành: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động, Thương binh
và Xã hội, Giao thông vận tải; Công an thành phố; Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng; Cục
trưởng Cục Hải quan Hải Phòng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân liên quan căn
cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chính phủ;
- Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương);
- Cục KTVB QPPL (Bộ Tư pháp);
- TTTU, TT HĐND TP;
- Đoàn ĐBQH TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- CVP, các PVP UBND TP;
- Sở Tư pháp;
- Đài PT&TH HP, Báo HP, Cổng TTĐT thành phố;
- Các Phòng chuyên viên;
- CV: CT;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Tùng
|
QUY CHẾ
QUẢN
LÝ HOẠT ĐỘNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, TIỀN CHẤT THUỐC NỔ ĐỂ SẢN XUẤT VẬT LIỆU NỔ
CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 35/2019/QĐ-UBND ngày 20/9/2019 của Ủy ban
nhân dân thành phố Hải Phòng)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy chế này quy định về công tác quản lý và
trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt
động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ để sản xuất vật liệu nổ công
nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Những nội dung không quy định tại Quy chế này được
thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ
hỗ trợ; Nghị định số 71/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết
một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về
vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; Thông tư số 13/2018/TT-BCT ngày
15/6/2018 của Bộ Công Thương quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp,
tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp và các văn bản
quy phạm pháp luật của Trung ương có liên quan.
2. Quy chế này không áp dụng đối với các hoạt động
vật liệu nổ công nghiệp phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng và trong các trường
hợp khẩn cấp theo quy định pháp luật.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức,
cá nhân liên quan đến quản lý, hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc
nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải
Phòng.
Điều 3. Thời gian nổ mìn
1. Thời gian được phép tiến hành nổ mìn bắt đầu từ
11 giờ 00 phút đến 13 giờ 00 phút và từ 16 giờ 00 phút đến 17 giờ 30 phút hàng
ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 4 Quy chế này.
2. Trường hợp bãi mìn đã nạp
xong nhưng có sự cố không thực hiện khởi nổ được trong khoảng thời gian này,
người chỉ huy nổ mìn phải trực tiếp báo cáo Giám đốc điều hành mỏ để thông báo
với chính quyền địa phương cùng phối hợp bảo vệ khai trường và cùng tổ mìn bảo
vệ khu vực bãi mìn, cấm người không phận sự ra vào khu vực này. Chỉ được phép
tiếp tục nổ mìn khi đơn vị đã báo cáo đồng thời cho Công an thành phố, Sở Công
Thương, Công an cấp xã và được chấp thuận, đồng thời phải lập biên bản trong đó
ghi rõ nội dung và nguyên nhân gây ra sự cố, có chữ ký của Giám đốc điều hành mỏ
và người chỉ huy nổ mìn.
Điều 4. Thời gian không được tiến
hành nổ mìn
1. Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, Tết dương lịch và
các ngày nghỉ lễ khác theo quy định.
2. Trước và sau 01 ngày đối với các ngày nghỉ Tết
Nguyên đán, Tết dương lịch và các ngày nghỉ lễ khác theo quy định.
3. Trong một số trường hợp đặc biệt, Công an thành
phố sẽ có thông báo bằng văn bản việc không được tiến hành nổ mìn trong một khoảng
thời gian nhất định hoặc được phép nổ mìn trong thời gian không được tiến hành
nổ mìn nêu trên.
Điều 5. Quy định về phối hợp
trong công tác nổ mìn
1. Tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trước
khi tiến hành nổ mìn lần đầu tại một vị trí mỏ đã được cấp Giấy phép khai thác
khoáng sản hoặc trong khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình có sử
dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai đào khoáng sản, các đơn vị chủ mỏ phải
thông báo bằng văn bản chậm nhất trước ba (03) ngày làm việc cho Ủy ban nhân
dân cấp xã, Công an cấp xã và các đơn vị khai thác, chế biến đá trong khu vực
biết về địa điểm, thời gian nổ mìn, giới hạn vùng nguy hiểm, các bảng hiệu và
các tín hiệu nổ mìn (văn bản phải được gửi trực tiếp và người nhận văn bản phải
ký nhận văn bản).
2. Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi nhận được thông
báo của đơn vị nổ mìn, có trách nhiệm thông báo để nhân dân trong xã, phường thị
trấn biết, đồng thời chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng
Tổ dân phố thông báo cho nhân dân biết để người dân không vào khu vực nguy hiểm
trong thời gian nổ mìn.
3. Các tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực
hiện tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung an toàn theo quy chế này đến tất
cả cán bộ, người lao động, khách hàng tại mỏ để nghiêm túc thực hiện.
Điều 6. Trách nhiệm của Sở Công
Thương
1. Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn chủ trì,
giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện đầu mối quản lý hoạt động vật liệu nổ
công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
2. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có
liên quan thực hiện:
a) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức,
cá nhân có liên quan thực hiện Quy chế này và các quy định pháp luật khác trong
hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật
liệu nổ công nghiệp.
b) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý hoặc đề nghị
cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp
và quản lý tiền chất thuốc nổ để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn
thành phố theo quy định của pháp luật hiện hành .
3. Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định cấp, cấp lại, thu hồi
Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các tổ chức thuộc thẩm quyền cấp
phép của Sở Công Thương.
4. Phê duyệt thiết kế nổ mìn, phương án nổ mìn theo
quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ
và công cụ hỗ trợ.
5. Theo dõi, quản lý hoạt động sử dụng vật liệu nổ
công nghiệp theo Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cấp cho doanh nghiệp.
6. Tổ chức huấn luyện, kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận
huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, Giấy chứng nhận huấn luyện
kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ cho các đối tượng của tổ chức sử dụng vật
liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền của Sở công Thương,
theo quy định tại Nghị định số 71/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
7. Quản lý chất lượng công trình xây dựng liên quan
đến bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật
liệu nổ công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng.
8. Hướng dẫn thủ tục đăng ký và kiểm định máy nổ
mìn điện, máy đo điện trở chuyên dùng trong nổ mìn.
9. Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban
nhân dân cấp huyện giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo và các vấn đề
liên quan đến an toàn hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn thành phố.
10. Báo cáo định kỳ tình hình sử dụng vật liệu nổ
công nghiệp, tiền chất thuốc nổ để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp về Bộ Công
Thương, Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.
Điều 7. Trách nhiệm của Công an
thành phố
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều
tra, xử lý các vụ mất cắp, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc
chiếm đoạt vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ và các vi phạm khác theo
thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.
2. Thực hiện quản lý nhà nước về an ninh trật tự
trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ
a) Tiếp nhận hồ sơ, xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ
điều kiện về an ninh trật tự cho các tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
trên địa bàn thành phố theo quy định;
b) Tiếp nhận hồ sơ, xem xét cấp Giấy phép vận chuyển
vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ cho các tổ chức đủ điều kiện hoạt động
kinh doanh, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn
thành phố;
c) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các
quy định về an ninh trật tự, việc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất
thuốc nổ của các tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ
trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của ngành Công an.
3. Thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa
cháy trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ
a) Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đối
với kho vật liệu nổ công nghiệp, kho tiền chất thuốc nổ, nghiệm thu các điều kiện
đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, tiếp nhận văn bản thông báo cam kết về
việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa
công trình vào sử dụng;
b) Tổ chức kiểm tra phương tiện vận chuyển; hướng dẫn,
kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy, việc thực hiện các
quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các tổ chức hoạt
động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn thành phố theo
quy định pháp luật và chỉ đạo của ngành Công an;
c) Tổ chức tuyên truyền, huấn luyện bồi dưỡng nghiệp
vụ phòng cháy, chữa cháy, xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu
nạn cứu hộ theo quy định pháp luật.
4. Phối hợp với Sở Công Thương thực hiện thanh tra,
kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp,
tiền chất thuốc nổ trên địa bàn thành phố.
5. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường giải
quyết các kiến nghị, khiếu nại liên quan đến các mỏ khoáng sản có sử dụng vật
liệu nổ công nghiệp gây ảnh hưởng đến môi trường.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Lao
động, Thương binh và Xã hội
1. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng trong
việc điều tra, xác minh nguyên nhân tai nạn lao động có liên quan đến hoạt động
vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ để giải quyết chính sách cho người
lao động.
2. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định
của pháp luật lao động và an toàn, vệ sinh lao động đối với các đơn vị, doanh
nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản.
3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp
luật thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt
là Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn, các quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về an toàn vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản. Hướng
dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện công tác kiểm tra tất cả các vị trí hoạt
động sản xuất, chế biến đá để hướng dẫn người lao động tuân thủ các biện pháp
làm việc an toàn, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các sai phạm không để xảy ra
tai nạn lao động.
4. Hướng dẫn đơn vị, doanh nghiệp thực hiện việc kiểm
định và khai báo sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt
về an toàn lao động; cải thiện điều kiện làm việc của người lao động trong hoạt
động khai thác khoáng sản.
5. Tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột
xuất các tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa
bàn thành phố do Sở Công Thương chủ trì.
Điều 9. Trách nhiệm của Sở Tài
nguyên và Môi trường
1. Phối hợp, tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra định
kỳ hoặc đột xuất các hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác
khoáng sản theo Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp hoặc trong khu vực thực
hiện dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan có thẩm quyền cấp phép sử dụng
vật liệu nổ công nghiệp để khai đào khoáng sản.
2. Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức
năng giải quyết các kiến nghị, khiếu nại liên quan đến hoạt động vật liệu nổ
công nghiệp tại các mỏ khoáng sản
3. Tham gia kiểm tra, giám sát những ảnh hưởng do nổ
mìn của các tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn thành phố khi
được yêu cầu.
4. Kịp thời cung cấp thông tin về Sở Công Thương,
Công an thành phố về trường hợp các doanh nghiệp khai thác đá vôi có sử dụng vật
liệu nổ công nghiệp bị thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản do Ủy ban nhân
dân thành phố cấp để phối hợp xử lý.
Điều 10. Trách nhiệm của Sở
Xây dựng
1. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên
quan thẩm định dự án đầu tư, thiết kế đối với công trình đầu tư xây dựng có sử
dụng vật liệu nổ công nghiệp theo phân cấp.
2. Phối hợp, tham gia thanh tra, kiểm tra định kỳ
hoặc đột xuất về hoạt động đầu tư xây dựng công trình có sử dụng vật liệu nổ
công nghiệp để thi công đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn thành phố.
3. Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và
Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã và các cơ quan chức năng liên quan giải
quyết các kiến nghị, khiếu nại liên quan đến hoạt động nổ mìn tại các mỏ khoáng
sản và các công trình thi công xây dựng có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp gây ảnh
hưởng đến chất lượng, an toàn công trình và nhà dân.
Điều 11. Trách nhiệm của Sở
Giao thông vận tải
1. Phối hợp với Sở Công Thương, Công an thành phố
kiểm tra điều kiện an toàn, phòng cháy chữa cháy đối với các doanh nghiệp dịch
vụ vận tải vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ làm nguyên liệu
sản xuất vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn thành phố.
2. Cung cấp thông tin hoạt động các doanh nghiệp vận
tải vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn thành phố gửi về Sở
Công Thương, Công an thành phố khi có đề nghị.
Điều 12. Trách nhiệm của Cục Hải
quan Hải Phòng và Cảng vụ hàng hải Hải Phòng
1. Trách nhiệm của Cục Hải quan Hải Phòng:
Cung cấp số liệu về các tổ chức, cá nhân nhập khẩu
vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu nổ
công nghiệp về Sở Công Thương khi có đề nghị (trừ trường hợp thuộc bí mật Nhà
nước).
2. Trách nhiệm của Cảng vụ hàng hải Hải Phòng
a. Phối hợp với Công an thành phố, Sở Công Thương
và các Sở, ngành liên quan kiểm tra trước khi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện
an toàn phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường đối với kho
bãi, cầu cảng tại khu vực cảng biển Hải Phòng thực hiện bốc xếp, lưu giữ tạm thời
vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.
b. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có
liên quan yêu cầu doanh nghiệp cảng, chủ tàu, thuyền trưởng và các cơ quan, tổ
chức khác cung cấp số liệu, thông tin về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc
nổ bốc xếp trên tàu thuyền; lưu giữ tạm thời vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất
thuốc nổ tại bến cảng, kho bãi đảm bảo điều kiện an toàn.
Điều 13. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp huyện
1. Chỉ đạo các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân
cấp xã theo dõi, giám sát hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ
trên địa bàn quản lý, báo cáo kịp thời các sự cố liên quan đến vật liệu nổ công
nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn cho Sở Công Thương, Công an quận, huyện
và các cơ quan chức năng liên quan để phối hợp xử lý.
2. Phối hợp với Sở, ngành có liên quan xử lý các
tai nạn, sự cố và các vấn đề khác có liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công
nghiệp và tiền chất thuốc nổ trên địa bàn.
3. Phối hợp với Sở Công Thương hoặc cơ quan có thẩm
quyền trong việc thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các tổ chức hoạt động
vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn khi có yêu cầu.
4. Phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra, chứng kiến
việc thực hiện phương án giám sát ảnh hưởng nổ mìn của các tổ chức, doanh nghiệp
sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với công trình, đối tượng cần bảo vệ nằm
trong phạm vi ảnh hưởng của nổ mìn và trong các trường hợp cần thiết khác.
5. Xử lý vi phạm về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp,
tiền chất thuốc nổ theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý
theo quy định pháp luật.
Điều 14. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp xã
1. Phối hợp với Sở Công Thương hoặc cơ quan có thẩm
quyền trong việc thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các tổ chức hoạt động
vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn khi có yêu cầu.
2. Phối hợp với Sở, ngành có liên quan tham gia xử
lý sự cố và các vấn đề khác xảy ra có liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công
nghiệp và tiền chất thuốc nổ trên địa bàn.
3. Tổ chức tuyên truyền phổ biến các quy định của
pháp luật về quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ cho các tổ chức,
cá nhân có liên quan trên địa bàn; giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động vật
liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ theo thẩm quyền.
4. Tiếp nhận thông báo về các quy định cảnh báo nổ
mìn, hiệu lệnh và thời gian tiến hành nổ mìn của tổ chức sử dụng vật liệu nổ
công nghiệp trên địa bàn và có trách nhiệm thông báo rộng rãi cho nhân dân địa
phương được biết.
5. Giám sát về thời gian nổ mìn, các quy định, quy
ước về hiệu lệnh nổ mìn tại địa phương trên cơ sở văn bản thông báo của các tổ
chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại địa bàn và có trách nhiệm thông báo rộng
rãi cho nhân dân địa phương được biết.
6. Phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra, chứng kiến
việc thực hiện phương án giám sát ảnh hưởng nổ mìn của các tổ chức, doanh nghiệp
sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với công trình, đối tượng cần bảo vệ nằm
trong phạm vi ảnh hưởng của nổ mìn và trong các trường hợp cần thiết khác.
7. Theo dõi, nắm tình hình và thông tin về Công an
thành phố và các cơ quan liên quan khác đối với hoạt động sử dụng vật liệu nổ
trái phép để khai thác khoáng sản trên địa bàn.
8. Đảm bảo, giám sát không cho phép chuyển mục đính
sử dụng đất, xây dựng công trình kiên cố trên phạm vi bán kính an toàn nổ mìn ở
các khu vực cần duy trì khoảng cách an toàn về vật liệu nổ công nghiệp đối với
đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất lâm nghiệp.
Trong quá trình thực hiện Quy chế này nếu phát sinh
khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, các đơn vị báo cáo bằng văn bản
về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải
quyết./.