ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 06/CT-UBND
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 5 năm 2024
|
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO, PHỐI HỢP TỔ CHỨC KỲ THI TỐT NGHIỆP
TRUNG HỌC PHỔ THÔNG VÀ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP NĂM 2024 TRÊN ĐỊA
BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg
ngày 16/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp
năm 2024 (gọi tắt là Kỳ thi); Phát huy kết quả đạt được trong Kỳ thi và
tuyển sinh năm 2023, để Kỳ thi và tuyển sinh năm 2024 được tổ chức nghiêm túc,
khách quan, trung thực, an toàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các
cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao,
trong đó, tập trung vào một số trọng tâm sau:
1. Các Sở,
ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã lãnh đạo, chỉ đạo
sâu sát, toàn diện; phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả, thông suốt; chuẩn
bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện; thực hiện đúng quy định, quy chế tổ chức
thi; công tác thông tin, truyền thông phải chủ động, kịp thời, đầy đủ; tuyệt đối
không lơ là, chủ quan, xử lý linh hoạt, hiệu quả những vấn đề phát sinh, tạo điều
kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh tham gia Kỳ thi.
2. Sở Giáo dục
và Đào tạo
a) Tham mưu Ban Chỉ đạo thi Kỳ
thi tốt nghiệp trung học phổ thông Thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu
trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi trên địa bàn Thành phố;
b) Chỉ đạo và kiểm tra các trường
phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên hoàn thành kế
hoạch dạy học, đánh giá xếp loại học sinh; chỉ đạo, tổ chức đăng ký dự thi, quản
lý hồ sơ đăng ký dự thi đúng quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo. Chú trọng
công tác tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ tham gia tổ chức Kỳ thi;
c) Cung cấp chính xác, đầy đủ,
kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về Kỳ thi;
d) Phối hợp với các Sở, ban,
ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chuẩn bị đầy đủ các
điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức Kỳ thi; đảm bảo
an ninh trật tự, an toàn các địa điểm tổ chức thi trên địa bàn Thành phố;
đ) Phối hợp với Thanh tra Thành
phố và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra ở tất
cả các khâu: chuẩn bị cho Kỳ thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, bảo vệ đề
thi bài thi, phúc khảo bài thi theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
e) Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế,
Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan xây dựng phương
án phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức
khỏe cho thí sinh trong quá trình tổ chức Kỳ thi theo hướng dẫn của cơ quan y tế;
g) Tổ chức chấm bài thi, công bố
kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp theo đúng Quy chế thi hiện hành của Bộ
Giáo dục và Đào tạo.
2. Công an
thành phố Hà Nội
a) Hướng dẫn, thực hiện công
tác phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn cho Kỳ thi địa bàn Thành phố theo quy định;
b) Triển khai các biện pháp bảo
đảm an ninh cho Kỳ thi, đặc biệt công tác bảo mật đề thi, vận chuyển đề thi,
bài thi; tổ chức bảo đảm an ninh, an toàn cho các Điểm thi, các Ban của Hội đồng
thi; giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn các địa điểm tổ chức thi; thực hiện
các giải pháp phòng, chống tiêu cực đặc biệt là việc sử dụng thiết bị công nghệ
cao để gian lận trong Kỳ thi;
c) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao
thông có kế hoạch trực chốt và phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị
xã, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo trật
tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ ở các địa điểm tổ chức thi và tuyển
sinh, tạo điều kiện để cán bộ làm công tác thi và học sinh đến địa điểm thi
đúng thời gian quy định;
d) Chỉ đạo lực lượng phòng cháy
và chữa cháy có kế hoạch kiểm tra an toàn cháy nổ tại các Điểm thi, các Ban của
Hội đồng thi; kịp thời giải quyết khi có sự cố xảy ra.
đ) Nắm bắt và phối hợp xử lý (nếu
có) thông tin liên quan đến Kỳ thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành
Giáo dục Mầm non trên không gian mạng.
3. Thanh tra
thành phố Hà Nội
Cử người tham gia các đoàn
thanh tra, kiểm tra ở các khâu của Kỳ thi theo chỉ đạo, hướng dẫn của Thanh tra
Chính phủ và của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đảm bảo tuyệt đối an toàn, trung thực,
không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm Quy chế thi.
4. Sở Tài
chính
Phối hợp, hướng dẫn Sở Giáo dục
và Đào tạo và các đơn vị liên quan về kinh phí thi và tuyển sinh; đảm bảo chế độ
và quyền lợi cho các thành viên tham gia Kỳ thi theo quy định hiện hành.
5. Sở Y tế
a) Chỉ đạo các cơ sở y tế, các
bệnh viện trên địa bàn đảm bảo có đủ nhân viên y tế, thuốc và các phương tiện y
tế sẵn sàng cấp cứu và chăm sóc sức khỏe cho thí sinh khi có những tình huống xảy
ra trong quá trình thi; chứng nhận bệnh, thương tích chính xác và nhanh chóng
cho những thí sinh bị ốm, bị tai nạn xảy ra trong những ngày thi để đảm bảo quyền
lợi của thí sinh theo Quy chế thi;
b) Chủ động phối hợp chặt chẽ với
Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đơn vị
liên quan triển khai nghiêm túc các biện pháp đảm bảo về phòng, chống dịch bệnh,
vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và kịp thời xử lý các tình huống khi có dịch
bệnh hoặc ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các địa điểm tổ chức thi.
6. Sở Thông
tin và Truyền thông
a) Đảm bảo thông tin liên lạc
thông suốt giữa Ban Chỉ đạo thi với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân
Thành phố và các cơ sở giáo dục, các Điểm thi, các Ban của Hội đồng thi; chỉ đạo
các doanh nghiệp bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin bảo đảm các điều kiện
về cơ sở hạ tầng viễn thông tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký dự thi trực
tuyến, công bố kết quả thi và cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại
học, cao đẳng;
b) Tăng cường tuyên truyền, phổ
biến mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của kỳ thi, phản ánh kịp thời hoạt động
của Kỳ thi; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp kịp thời, đầy đủ,
chính xác các quy định, thông tin cần thiết về kỳ thi; giải đáp đầy đủ, kịp thời
những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và của người dân về những nội dung liên
quan đến Kỳ thi;
c) Nắm bắt và phối hợp xử lý (nếu
có) thông tin liên quan đến Kỳ thi tại Thành phố trên không gian mạng.
7. Các Sở:
Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Phối hợp, đảm bảo về công
tác phòng chống ngập úng cục bộ, bão, lụt, cây đổ, có phương án ứng phó với thời
tiết khắc nghiệt, tình huống bất thường... trong Kỳ thi;
b) Phối hợp với Công an Thành
phố đảm bảo an toàn giao thông, giải tỏa ùn tắc trước và sau mỗi buổi thi.
8. Tổng công
ty Điện lực thành phố Hà Nội
Đảm bảo cung cấp điện lưới ổn định
phục vụ các Điểm thi, các Ban của Hội đồng thi và khu vực văn phòng Sở Giáo dục
và Đào tạo trong những ngày làm thi; có phương án dự phòng khi mất điện lưới.
9. Thành đoàn
Hà Nội
Triển khai các chương trình
“Sinh viên tình nguyện”, “Tiếp sức mùa thi” hỗ trợ các Điểm thi bảo đảm trật tự,
an toàn cho Kỳ thi; hỗ trợ thí sinh và người thân có khó khăn trong đi lại, ăn,
ở tại các địa điểm tổ chức thi.
10. Ủy ban
nhân dân các quận, huyện, thị xã
a) Chỉ đạo tổ chức thực hiện và
chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức Kỳ thi trên địa bàn;
b) Tham gia, phối hợp, kiểm tra
công tác tổ chức thực hiện theo nhiệm vụ được giao trên địa bàn. Chỉ đạo phòng
giáo dục và đào tạo kiểm tra, đôn đốc các Điểm thi trên địa bàn, chuẩn bị tốt về
cơ sở vật chất đảm bảo cho Kỳ thi; lựa chọn cán bộ, giáo viên có đủ điều kiện
theo Quy chế thi, có năng lực tốt, có trách nhiệm cao tham gia các công tác tổ
chức Kỳ thi. Phê duyệt phương án bảo vệ của lực lượng công an; chỉ đạo lực lượng
công an, bảo vệ đảm bảo an toàn cho các Điểm thi trên địa bàn. Chủ động phối hợp
với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai
thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường,
an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cho thí sinh trong quá trình tổ chức Kỳ
thi theo hướng dẫn của cơ quan y tế;
b) Chỉ đạo chính quyền địa
phương cấp xã tuyên truyền vận động nhân dân nhận thức đúng về Kỳ thi; tham gia
hỗ trợ công tác tổ chức Kỳ thi theo đúng Quy chế thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
bố trí lực lượng ổn định trật tự, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường
trước cổng trường, xung quanh khu vực Điểm thi trên địa bàn;
c) Tạo điều kiện thuận lợi về
đi lại, ăn nghỉ cho các cán bộ làm công tác thi, các thí sinh và người thân ở tất
cả các địa điểm tổ chức thi; vận động, hỗ trợ các thí sinh là con em hộ nghèo,
vùng sâu, vùng xa, thí sinh khuyết tật, thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh
hưởng thiên tai tham dự Kỳ thi; không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó
khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại khi tham dự Kỳ thi; trường hợp phát sinh
tình huống bất khả kháng cần xử lý kịp thời, phù hợp thực tế, đảm bảo quyền lợi
tối đa cho thí sinh;
d) Chỉ đạo trung tâm giáo dục
nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên thực hiện tốt công tác ôn tập, công tác đăng
ký dự thi cho học sinh, thực hiện các công việc về tổ chức thi đúng tiến độ theo
quy định tại các văn bản hướng dẫn về thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Sở
Giáo dục và Đào tạo để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của thí sinh
và tiến độ triển khai công tác thi của toàn Thành phố.
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp
trung học phổ thông thành phố Hà Nội năm 2024 và Hội đồng thi có trách nhiệm tổ
chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Đồng chí Bí thư Thành ủy;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Các Đ/c Phó Bí thư Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Các đơn vị có tên trong Chỉ thị;
- VPUB: CVP, các Phó Chánh Văn phòng; Các phòng: KGVX, KTTH, NC;
- Lưu: VT, KGVX.
|
CHỦ TỊCH
Trần Sỹ Thanh
|