ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 870/QĐ-UBND
|
Trà Vinh, ngày 22 tháng 5 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH DIỆT CHUỘT BẢO VỆ SẢN XUẤT TRỒNG TRỌT TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH NĂM 2024
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Bảo vệ và
kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Chỉ thị số
1900/CT-BNN-BVTV ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn về việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản
xuất trồng trọt ;
Theo đề nghị của Giám
đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 228/TTr-SNN ngày 22
tháng 4 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch
diệt chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2024.
Điều
2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày
ký.
Điều
3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,
Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Tổng Biên tập
Báo Trà Vinh, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh; Thủ trưởng các sở,
ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Trung Hoàng
|
KẾ HOẠCH
DIỆT CHUỘT BẢO VỆ SẢN XUẤT TRỒNG TRỌT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ
VINH NĂM 2024
(Kèm theo Quyết định số 870/QĐ-UBND ngày 22
tháng 5 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)
I. MỤC
ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Thực hiện nghiêm túc và
có hiệu quả các biện pháp phòng trừ, diệt chuột ở những vùng bị gây hại nhằm kịp
thời ngăn chặn sự lây lan dịch hại trên diện rộng để bảo vệ năng suất trồng trọt
trên địa bàn tỉnh.
Xác định công tác diệt
chuột là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Tổ chức các đợt diệt chuột tập trung
trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đúng thời điểm chuột chưa vào mùa
sinh sản và giai đoạn chuyển tiếp giữa các mùa vụ sản xuất trong năm.
2. Yêu cầu
Triển khai thực hiện đồng
bộ, hiệu quả các biện pháp diệt chuột, trong đó coi trọng thực hiện diệt chuột
bằng bẫy cây trồng (TBS), bẫy dẫn dụ chuột vào sinh sống để quây bắt, bằng các
biện pháp thủ công, như: đào bắt, bẫy chuột và sử dụng bả diệt chuột. Tổ chức
diệt chuột cả ngoài đồng, ven khu dân cư, bờ mương và các diện tích đất bỏ
hoang. Hạn chế sử dụng nylon quây từng ruộng nhỏ để bảo vệ môi trường. Tuyệt đối
không dùng điện hoặc thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc được phép sử dụng tại
Việt Nam để diệt chuột.
Phối hợp với các sở, ban,
ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức, phát động phong trào diệt chuột; tổ chức
các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng theo các đợt “diệt chuột tập trung” vào thời
gian chuột chưa sinh sản, trước và sau các vụ sản xuất.
Hàng vụ triển khai 02 đợt
diệt chuột tập trung, diệt được ít nhất 03 triệu con chuột/năm; từng bước xây dựng
và nhân rộng mô hình diệt chuột bằng các loại bẫy chuột tại các địa phương có
nhiều diện tích sản xuất xen canh, chuyển đổi sang sản xuất đa canh,...
II.
NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1.
Công tác dự tính, dự báo và tuyên truyền
Cử cán bộ kỹ thuật ở các
đơn vị chuyên môn của các cấp thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đánh giá mức độ
chuột gây hại, xác định và khoanh vùng nguy cơ, vùng cần quản lý, bảo vệ để triển
khai ngay các biện pháp diệt chuột.
Tổ chức tốt công tác
tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tình hình chuột gây hại và các đợt diệt
chuột trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang thông tin điện tử,
zalo, facebook,... để hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật diệt chuột an toàn, hiệu
quả; đồng thời, cảnh báo các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người và vật nuôi. Xây dựng, tổ chức tuyên truyền 10 chuyên
đề trên Báo Trà Vinh, phát sóng trên Đài Phát
thanh và Truyền hình Trà Vinh về công tác diệt chuột.
2.
Công tác tập huấn
Tổ chức tập huấn về phòng
trừ, diệt chuột cho cán bộ nông nghiệp cấp huyện và cấp xã, thành viên các hợp
tác xã, trang trại và hộ dân sản xuất nông nghiệp về quy trình kỹ thuật phòng,
chống chuột hại cây trồng. Công tác tập huấn được tổ chức vào đầu vụ, trước các
đợt ra quân phòng trừ chuột, tổ chức đồng loạt trên cùng cánh đồng, với tổng số
là 306 lớp, trong đó: 06 lớp cho cán bộ, đối tượng cán bộ nông nghiệp cấp huyện
và cấp xã (trung bình 30 người/lớp) và 300 lớp cho các hộ nông dân trực tiếp
tham gia sản xuất trồng trọt (40 người/lớp), thời gian 01 ngày/lớp.
3.
Công tác tổ chức diệt chuột
a) Đối với cây lúa:
Tổ chức ra quân 02 đến 03
đợt/vụ diệt chuột tập trung, vận động nông dân ra quân đồng loạt theo từng cánh
đồng. Thời điểm ra quân diệt chuột có thể chia ra các đợt như sau: (1) Trước
khi xuống giống; (2) lúa 20 - 25 ngày sau khi sạ (3) giai đoạn lúa làm đòng - bắt
đầu trổ.
Các biện pháp diệt chuột:
- Biện pháp canh tác: (1)
Vệ sinh đồng ruộng: Phát hoang bờ bụi, làm sạch cỏ ven bờ, tìm và phá ổ chuột từ
đầu vụ, thu dọn rơm rạ sau thu hoạch để hạn chế nơi cư trú của chuột; (2) Thời
vụ: Gieo trồng đồng loạt nhằm cắt đứt nguồn thức ăn kết hợp với tổ chức diệt
chuột đồng loạt; (3) Nếu có thể, giữ mức nước cao trong ruộng vào giai đoạn lúa
đòng - trổ để hạn chế chuột gây hại hoặc làm tổ ven bờ.
- Biện pháp vật lý, cơ học:
(1) Sử dụng các bẫy cơ học, như: bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy bán nguyệt, bẫy ống
tre, bẫy lật, bẫy di động,... đặt nơi cửa hang cạnh hoặc vuông góc với đường
đi, nơi có nhiều chuột hoạt động, rắc thêm vật liệu tương tự nơi đặt bẫy chỉ để
lộ mồi để tránh sự phát hiện nhạy bén của chuột; (2) Dùng rào cản bao quanh ruộng
hoặc bẫy hàng rào cản; (3) Tìm kiếm các hang chuột để đào, đổ nước, hun khói hoặc
soi đèn, dùng chó để săn bắt chuột.
- Biện pháp sinh học: (1)
Nuôi mèo, chó... để diệt chuột; (2) Nghiêm cấm săn bắt các loại động vật là
thiên địch của chuột, như: rắn, chim cú mèo, chim cú lợn...; (3) Ưu tiên sử dụng
các loại bả sinh học.
- Biện pháp hóa học: Sử dụng
bả, thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc hại với người, vật nuôi và môi trường; chỉ
dùng thuốc hóa học khi chuột phá hại mạnh và tuân thủ nghiêm ngặt an toàn. Đọc
kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc,
đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách).
b) Đối với các loại cây
trồng khác
- Chuột gây hại vào ban
đêm ở bất cứ giai đoạn nào của cây nhưng gây hại mạnh nhất là giai đoạn gieo hạt/mới
trồng, giai đoạn hình thành củ/quả khi chính.
- Áp dụng tất cả các biện
pháp diệt chuột giống như cây lúa nhưng ưu tiên sử dụng biện pháp cơ học và
sinh học, như: nuôi chó mèo để bắt chuột thường xuyên; dùng bẩy (bẫy lồng, bẫy
kẹp), bả sinh học khi phát hiện chuột gây hại trên cây trồng.
III.
KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Ngân sách tỉnh: Lồng
ghép vốn sự nghiệp đã được giao trong dự toán năm 2024 để tổ chức tập huấn cho cán bộ nông nghiệp cấp huyện,
cấp xã.
2. Ngân sách cấp huyện: Sử
dụng kinh phí sự nghiệp đã cấp năm 2024 tổ chức tập huấn cho người dân, mua bẫy
thủ công phục vụ các đợt diệt chuột tại địa phương.
3. Ngân sách cấp xã: Sử dụng
kinh phí sự nghiệp đã cấp năm 2024 chi trả tiền nhân công thực hiện công tác diệt
chuột tại địa phương đảm bảo đúng quy định hiện hành.
IV. TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
1.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các
sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển
khai thực hiện Kế hoạch được phê duyệt; đồng thời, tuyên truyền, tập huấn, phổ
biến và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương trong quá trình triển khai
thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, không chồng chéo, đúng theo quy định của
pháp luật.
Chỉ đạo các đơn vị chuyên
môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc
bảo vệ thực vật nói chung, thuốc diệt chuột nói riêng trên địa bàn tỉnh; kịp thời
phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục
thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Khi có dịch chuột xảy ra,
nhanh chóng tham mưu công bố dịch, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dập
dịch chuột đúng theo quy định hiện hành.
2.
Sở Tài chính
Trên cơ sở đề xuất của
các đơn vị có liên quan trong Kế hoạch và khả năng cân đối ngân sách tỉnh, tham
mưu trình cấp có thẩm quyền bố trí, bổ sung kinh phí theo phân cấp ngân sách để
thực hiện Kế hoạch đúng theo quy định.
3.
Các sở, ban, ngành có liên quan
Căn cứ vào chức năng, nhiệm
vụ của đơn vị, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
trong quá trình thực hiện các nội dung Kế hoạch.
4.
Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh
Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn thường xuyên tuyên truyền về các đợt diệt chuột; hướng
dẫn các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả và cảnh báo các biện pháp diệt
chuột gây nguy hiểm cho người và vật nuôi.
5. Ủy
ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
Chỉ đạo các phòng, ban,
đơn vị trực thuộc, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn căn cứ Kế hoạch của
tỉnh, xây dựng và tổ chức Kế hoạch diệt chuột của đơn vị đảm bảo tiết kiệm, hiệu
quả, an toàn, đúng quy định.
Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng chuyên môn: Tập huấn nâng cao nhận thức cho người
sản xuất, đối tượng là các hộ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất trồng trọt.
Chủ động hướng dẫn, bố
trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong
Kế hoạch, tổ chức tập huấn cho người dân, mua bẫy thủ công phục vụ các đợt diệt
chuột tại địa phương, với phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, các cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh chỉ đạo,
thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền công tác diệt chuột để nhân dân biết, chủ động
tham gia thực hiện.
Tổ chức các tổ, nhóm diệt
chuột, nhất là ở cấp xã, hợp tác xã, khóm, ấp; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ
chức tập huấn hướng dẫn các biện pháp diệt chuột cho các tổ, nhóm diệt chuột cộng
đồng; chỉ đạo, hỗ trợ các xã, hợp tác xã và các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng
tham gia thực hiện các đợt diệt dịch đồng loạt theo thời gian do Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn phát động.
Tăng cường công tác thông
tin, tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho người sản xuất và kiểm tra,
đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện của các đơn vị trên địa bàn, báo cáo Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật)
để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Trong tổ chức thực hiện,
nếu phát sinh các nhiệm vụ mới hoặc cần sửa đổi, bổ sung Kế hoạch, các sở, ban,
ngành tỉnh và địa phương báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.