ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 116/KH-UBND
|
Bình Định, ngày
16 tháng 11 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TRUYỀN THÔNG VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2021
- 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Căn cứ Quyết định số
1216/QĐ-BTTTT ngày 13/8/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành
Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021
- 2030 trên hệ thống thông tin cơ sở;
Căn cứ Quyết định số
3809/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành Kế hoạch thực hiện
Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và Chương trình hành động số
09-Ctr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh,
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về cải cách hành chính, trọng
tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 - 2025;
Trên cơ sở đề nghị của Sở Thông
tin và Truyền thông tại Tờ trình số 83/TTr-STTTT ngày 08/11/2021; Ủy ban nhân
dân tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch truyền thông về cải cách hành chính nhà nước
giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định; cụ
thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Cung cấp thông tin, tuyên
truyền, phổ biến tới các tầng lớp nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
và người lao động về công tác cải cách hành chính của Chính phủ, các bộ ngành
Trung ương; trọng tâm công tác cải cách hành chính của tỉnh Bình Định giai đoạn
2021 - 2025.
b) Nâng cao nhận thức, trách
nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh trong quá
trình thực thi công vụ, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công đối
với người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
c) Nâng cao nhận thức về cải
cách hành chính, tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và các tổ
chức xã hội trong triển khai cải cách hành chính; tạo cơ hội cho mọi cá nhân, tổ
chức và doanh nghiệp được tiếp cận đầy đủ, chính xác, minh bạch thông tin về
công tác cải cách hành chính; tạo đồng thuận trong xã hội đối với công tác cải
cách hành chính; nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các
cơ quan nhà nước; phát huy vai trò giám sát, hoạt động thực thi công vụ, nhiệm
vụ của cán bộ, công chức, viên chức, của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
2. Yêu cầu
a) Nội dung thông tin, tuyên
truyền bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan Trung ương, các Chương trình,
Kế hoạch của tỉnh về cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030, lồng ghép với
các nội dung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp
luật của nhà nước.
b) Hoạt động thông tin, tuyên
truyền cải cách hành chính được tổ chức hiệu quả, thiết thực, kịp thời, thường
xuyên; hình thức thông tin, tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với nội
dung tuyên truyền, phù hợp với từng khu vực, địa bàn, các nhóm đối tượng, giúp
người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh, hiệu quả; nội dung thông tin đầy đủ,
chính xác, đơn giản, dễ hiểu, có tính định hướng dư luận.
II. NỘI
DUNG, HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN
1. Nội dung
thông tin, tuyên truyền:
1.1 Quan điểm chỉ đạo của
Đảng; chính sách, quy định của nhà nước về cải cách hành chính; các nhiệm vụ trọng
tâm của công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030 của Trung ương
a) Tầm quan trọng, ý nghĩa, mục
tiêu và tác động của cải cách hành chính đến phát triển kinh tế - xã hội của đất
nước; tuyên truyền các nội dung trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính
nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
b) Các quan điểm, chủ trương của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính và tình hình, kết
quả triển khai thực hiện.
c) Vai trò, trách nhiệm của các
cấp ủy đảng, của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, người đứng đầu các
tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập đối với việc triển
khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.
d) Cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ
2021 – 2026; Việc rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức,
sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự
nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế trên cơ sở tổ chức triển khai có hiệu
quả Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ
máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số
19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động
các đơn vị sự nghiệp công lập; quá trình thành lập, giải thể, sáp nhập đơn vị
hành chính các cấp.
đ) Tình hình triển khai, kết quả,
hiệu quả việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ
tục hành chính theo Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ.
e) Tình hình triển khai và kết
quả thực hiện Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số đo lường sự hài lòng của người
dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước;
g) Tình hình triển khai các nội
dung hiện đại hóa hành chính, trọng tâm là xây dựng Chính phủ điện tử, Chính
quyền điện tử theo Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 17/3/2019 của Chính phủ về một số
nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 -
2020, định hướng đến 2025; tình hình triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc
gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số
749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
h) Những kết quả đạt được và những
tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cũng như tình hình triển khai nhiệm vụ cải cách
hành chính của các địa phương.
i) Các mô hình, cơ chế đang được
triển khai thí điểm, các điển hình tốt trong cải cách hành chính.
k) Quy định của pháp luật về mối
quan hệ giữa Nhà nước và Nhân dân; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân,
tổ chức trong việc tham gia và giám sát tiến trình cải cách hành chính.
1.2 Quan điểm chỉ đạo,
các nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 của
tỉnh Bình Định
a) Thông tin đầy đủ, liên tục
quá trình thực hiện các nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính của tỉnh; các
kết quả nổi bật trong công tác cải cách hành chính của tỉnh trên các lĩnh vực;
kết quả thực hiện các Chương trình, kế hoạch, Đề án, dự án, nhiệm vụ trong giai
đoạn 2021 - 2025, kết quả hàng năm, kết quả từng hoạt động về cải cách hành
chính. Tuyên truyền kết quả thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính của
ngành, địa phương, đơn vị.
b) Thông tin đầy đủ kết quả các
Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự
phục vụ của cơ quan nhà nước (SEPAS), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính
công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số sẵn
sàng ứng dụng CNTT (ICT) và các chỉ số khác về đo lường tính hiệu quả của hoạt
động chính quyền cấp tỉnh. Thông tin kết quả các chỉ số đánh giá, kết quả xếp
loại thi đua của các sở, ban, ngành; các đơn vị sự nghiệp và các địa phương trực
thuộc tỉnh. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, giờ giấc làm việc, văn hóa công vụ
trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức
độ 3, mức độ 4, sử dụng “Hệ thống phần mềm một cửa điện tử” trong công tác giải
quyết hồ sơ thủ tục hành chính; kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
cải thiện môi trường kinh doanh.
c) Thông tin, tuyên truyền các
điểm đột phá, sáng tạo, các mô hình mới, cách làm hay của tổ chức, tập thể
trong cải cách hành chính; các sáng kiến, ý tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức của tỉnh; các tấm gương cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
ứng xử văn minh, có trách nhiệm tận tụy, có tinh thần, thái độ đúng mực trong
phục vụ nhân dân; các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc được khen thưởng
trong công tác cải cách hành chính.
d) Thông tin về các ý kiến đề xuất,
góp ý, phát hiện, hiến kế...của các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội, doanh
nghiệp, quần chúng nhân dân đối với tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương về
công tác cải cách hành chính; phản ánh của người dân đối với công tác cải cách
hành chính của tỉnh và những kết quả khắc phục, xử lý các vấn đề người dân, dư
luận xã hội quan tâm; việc tiếp thu, phản hồi ý kiến đóng góp và kết quả xử lý
các kiến nghị, đề xuất của tổ chức, cá nhân đối với chính quyền.
2. Hình thức
a) Tuyên truyền qua phương tiện
thông tin đại chúng (báo chí, phát thanh - truyền hình, truyền thanh cơ sở);
tăng cường công tác tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử, các website của
cơ quan, đơn vị, mạng xã hội...
b) Tuyên truyền trực tiếp thông
qua các hội nghị, cuộc họp, giao ban... đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
và người lao động trong cơ quan, đơn vị; thông qua sinh hoạt các tổ chức đảng,
đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội… tới hội viên và quần chúng nhân dân;
thông qua đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên…
c) Tuyên truyền trực quan: tài
liệu, sách, tranh ảnh, tờ rơi, sổ tay; panô, áp phích, khẩu hiệu, bảng tin công
cộng tại trụ sở các cơ quan nhà nước; bản tin và các ấn phẩm của cơ quan, đơn vị;
màn hình điện tử... Chủ động, kịp thời niêm yết tại trụ sở, đăng tải đầy đủ các
TTHC tại Cổng dịch vụ công của tỉnh.
d) Thông qua các hoạt động truyền
thông tương tác, cùng tham gia: các sự kiện, mít tinh, cổ động, các cuộc thi
tìm hiểu, trao đổi, tọa đàm, diễn đàn, đối thoại... và lồng ghép với các nhiệm
vụ tuyên truyền khác đang triển khai phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tổ chức
các hội thi, hội diễn cho tuyên truyền viên, báo cáo viên cấp cơ sở... về cải
cách hành chính.
e) Nghiêm túc thực hiện việc
cung cấp thông tin cho báo chí về công tác CCHC của tỉnh, cung cấp thông tin định
kỳ và đột xuất theo quy định của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và
cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.
III. NGUỒN
KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nguồn kinh phí thực hiện các
nội dung truyền thông tại Kế hoạch này được bố trí trong dự toán ngân sách hàng
năm của các đơn vị có liên quan.
2. Các cơ quan, đơn vị liên
quan căn cứ vào điều kiện thực tế, xây dựng dự toán kinh phí hoạt động, triển
khai thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hằng
năm của cơ quan, đơn vị mình theo quy định hiện hành về quản lý ngân sách nhà
nước để chủ động nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền
theo kế hoạch.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở
Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị, địa phương triển khai Kế hoạch; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ
quan, đơn vị, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch truyền thông
về cải cách hành chính hằng năm.
b) Phối hợp với Ban Tuyên giáo
Tỉnh ủy định hướng nội dung tuyên truyền về cải cách hành chính tại hội nghị
giao ban báo chí hàng tháng; tổng hợp tình hình thông tin báo chí viết về cải
cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
c) Chủ trì, hướng dẫn, tổ chức
chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên
truyền, đổi mới phương pháp tuyên truyền theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp
với từng nhóm đối tượng của địa phương.
d) Phối hợp với các cơ quan,
đơn vị, cơ sở đào tạo tổ chức hội nghị, tập huấn chuyên đề cung cấp thông tin,
nội dung, kế hoạch và kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước
cho đội ngũ phóng viên báo chí và cán bộ làm công tác thông tin cơ sở.
e) Phối hợp với Ủy ban nhân dân
cấp huyện xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền trên địa bàn; tăng cường sử
dụng các hình thức thông tin, tuyên truyền trực quan như: Thông tin trên bảng
tin công cộng; trên trang thông tin điện tử cấp huyện; thông tin trên các bản
tin, tài liệu không kinh doanh, các tài liệu tuyên truyền đặt tại tủ sách phát
luật của xã, phường, thị trấn, điểm bưu điện - văn hóa xã; tổ chức các hoạt động
thông tin, tuyên truyền lưu động ở cơ sở…
f) Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan thực hiện giám sát, đánh giá, tổng hợp báo cáo kết quả tình hình
thực hiện Kế hoạch cho UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Sở Nội
vụ
a) Chủ trì tổ chức các lớp tập
huấn, đào tạo, bồi dưỡng; trong đó lồng ghép nội dung thông tin tuyên truyền cải
cách hành chính cho cán bộ, công chức, viên chức.
b) Tạo điều kiện, cung cấp thông
tin liên quan đến nội dung tuyên truyền về cải cách hành chính cho các cơ quan
báo chí; Chủ trì phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định và các cơ
quan, đơn vị có liên quan duy trì nội dung chuyên mục tuyên truyền cải cách
hành chính.
c) Hướng dẫn, triển khai công
tác thi đua, khen thưởng việc thực hiện Kế hoạch này, gắn với công tác kiểm tra
và công tác thi đua, khen thưởng chung về thực hiện công tác cải cách hành
chính trên địa bàn tỉnh.
d) Định kỳ tổng hợp báo cáo kết
quả công tác thông tin, tuyên truyền gắn với báo cáo kết quả thực hiện công tác
cải cách hành chính của tỉnh.
3. Sở Tài
chính
Chủ trì thẩm định, tham mưu đề
xuất bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho các cơ
quan, đơn vị, địa phương để thực hiện Kế hoạch; báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết
định.
4. Văn
phòng UBND tỉnh
a) Chủ trì tham mưu xây dựng và
triển khai Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về Kiểm soát TTHC và việc thực hiện
cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh hàng năm.
b) Tăng cường nội dung thông
tin, tuyên truyền về cải cách hành chính trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh;
tiếp nhận nội dung phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch
vụ công trực tuyến tỉnh và phối hợp với các cơ quan hồi đáp kịp thời các nội dung
phản ánh, kiến nghị.
5. Đề nghị
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
a) Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông, Sở Nội vụ đưa nội dung tuyên truyền về cải cách hành chính vào định
hướng tuyên truyền hàng tháng, quý tại các hội nghị giao ban báo chí của tỉnh.
b) Hướng dẫn đội ngũ báo cáo
viên, tuyên truyền viên tăng cường nội dung thông tin, tuyên truyền về cải cách
hành chính thông qua sinh hoạt các tổ chức Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị -
xã hội… tới hội viên và quần chúng nhân dân.
6. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể liên quan
a) Phối hợp với chính quyền,
các sở, ban, ngành liên quan; chỉ đạo các hội, đoàn thể cơ sở trực thuộc tổ chức
các hình thức tuyên truyền, thực hiện Kế hoạch này đạt hiệu quả. Vận động hội
viên và nhân dân ủng hộ, tích cực phát huy dân chủ, thực hiện quyền giám sát của
nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính, tăng cường lấy ý kiến người
dân đối với việc xây dựng thể chế, chính sách, đánh giá tinh thần, thái độ phục
vụ của cán bộ, công chức.
b) Chủ động tham mưu, triển
khai tổ chức hội thi, hội diễn, các cuộc thi viết, các diễn đàn, tọa đàm, bình
chọn... với nội dung phù hợp với đối tượng tuyên truyền về cải cách hành chính
trên địa bàn tỉnh.
c) Tăng cường sự tham gia của Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh
nghiệp trong việc giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan
hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công
vụ.
7. Đài Phát
thanh và Truyền hình tỉnh Bình Định, Báo Bình Định, các cơ quan báo chí thường
trú trên địa bàn tỉnh
a) Đề nghị các cơ quan báo chí
thường trú trên địa bàn tỉnh tăng cường thời lượng, chất lượng thông tin, tuyên
truyền các nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh, các mô hình mới hiệu quả;
tình hình triển khai, kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ
4 của tỉnh.
b) Các cơ quan báo chí của tỉnh
xây dựng, duy trì chuyên mục, chuyên trang về cải cách hành chính để tuyên truyền
và tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức
về cải cách hành chính.
8. Các Sở,
ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh; UBND huyện, thị xã; thành phố
a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ
và điều kiện thực tế, chủ động xây dựng Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về cải
cách hành chính; tổ chức thực hiện tuyên truyền cải cách hành chính trong tổng
thể nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh và cơ quan, đơn vị, đảm bảo thiết thực,
hiệu quả.
b) Có trách nhiệm cung cấp
thông tin, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, các cơ quan
báo chí để tuyên truyền về công tác cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị, địa
phương theo quy định.
c) Bố trí kinh phí cho việc thực
hiện Kế hoạch này tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của Luật Ngân
sách nhà nước.
d) UBND cấp huyện chỉ đạo Uỷ
ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn xây dựng kế hoạch và triển
khai tuyên truyền các văn bản, nội dung về cải cách hành chính của các cấp trên
hệ thống thông tin cơ sở.
Trên đây là Kế hoạch truyền
thông về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến
năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành
có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối
hợp tổ chức triển khai thực hiện; định kỳ 6 tháng (trước 15/6) và hàng năm (trước
15/12) gửi báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về cải
cách hành chính cho Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh,
Bộ Thông tin và Truyền thông theo dõi, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Bộ TT&TT;
- TT TU, HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- CT, PCT Lâm Hải Giang;
- Các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các cơ quan báo chí tỉnh;
- Lưu: VT, K9.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lâm Hải Giang
|