Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 176/KH-UBND 2021 thực hiện Chương trình phát triển giao thông vận tải Hưng Yên

Số hiệu: 176/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên Người ký: Trần Quốc Văn
Ngày ban hành: 22/11/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 176/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 22 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG, VẬN TẢI TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 28/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên về Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/HĐND ngày 30/6/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hưng Yên (lần 2);

Căn cứ Quyết định 3353/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Văn bản số 2772/SGTVT-KCHT ngày 08/11/2021.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa các mục tiêu phát triển giao thông, vận tải trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 28/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên về Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; là căn cứ để các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện phát triển giao thông, vận tải trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố và trên toàn tỉnh; phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là sự tham gia trực tiếp của người dân để tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

- Phát triển giao thông, vận tải phải phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia với đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển giao thông đi trước một bước tạo tiền đề, động lực phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường củng cố an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố xác định việc phát triển giao thông, vận tải là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, nguồn vốn đầu tư để tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền vận động phải bám sát vào mục tiêu kế hoạch đề ra, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân trong việc tổ chức thực hiện Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

II. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Phát triển hợp lý, bền vững hệ thống giao thông vận tải nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; Cơ bản đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch các công trình giao thông trọng điểm có vai trò động lực phát triển kinh tế, công trình tăng tính kết nối với thủ đô Hà Nội, tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Thái Bình và các tỉnh trong khu vực; chú trọng phát triển giao thông đô thị và giao thông nông thôn tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, thông suốt.

Phát triển vận tải an toàn, tiện lợi với chất lượng ngày càng cao; kiềm chế, tiến tới giảm tai nạn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông, vận tải.

III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Quy hoạch và quản lý quy hoạch

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án phát triển mạng lưới giao thông tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác có liên quan, đảm bảo quy hoạch mạng lưới giao thông có tính liên kết vùng, kết nối giữa các tuyến đường cao tốc, quốc lộ với các tuyến đường giao thông địa phương. Nghiên cứu quy hoạch và đầu tư các tuyến kết nối với thủ đô Hà Nội, tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Thái Bình và các tỉnh trong khu vực, trong đó có kết nối với đường Vành đai V Vùng thủ đô Hà Nội trên địa phận tỉnh Thái Bình và kết nối với tuyến đường bộ ven biển; quy hoạch các tuyến kết nối với các Khu công nghiệp, Ga đường sắt, Cảng thủy nội địa...; chú trọng quy hoạch và đầu tư một số tuyến kết nối ngang từ đông sang tây. Quy hoạch đường sắt đô thị (đi ngầm hoặc trên cao) tại các đô thị lớn của tỉnh. Tổ chức quy hoạch và cắm mốc quy hoạch chi tiết các tuyến đường trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch, nâng cấp một số tuyến đường tỉnh lên quốc lộ; một số tuyến đường huyện lên đường tỉnh; một số tuyến đường xã lên đường huyện. Nghiên cứu quy hoạch đầu tư xây dựng mới hệ thống bến xe, trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển vận tải phù hợp với quy hoạch, chiến lược vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng thực tế yêu cầu phát triển của tỉnh, bảo đảm kết nối liên hoàn với các loại hình dịch vụ vận tải của Vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ, tạo động lực phát triển nhanh công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ và du lịch; đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, lưu thông hàng hóa thuận tiện, bảo đảm an toàn và trật tự an toàn giao thông.

Gắn việc phát triển giao thông, vận tải với quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa quốc gia, quy hoạch tỉnh Hưng Yên, kế hoạch sử dụng đất tỉnh Hưng Yên và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đảm bảo đồng bộ, thống nhất; dành quỳ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bền vững và bảo đảm hành lang an toàn giao thông; công khai quy hoạch và tổ chức cắm mốc chỉ giới quy hoạch, hành lang an toàn giao thông để quản lý chặt chẽ quỹ đất giao thông theo quy hoạch, đồng thời chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về danh mục các dự án đầu tư theo hình thức PPP để kêu gọi thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng kế hoạch thực hiện với phân kỳ đầu tư cụ thể, xác định rõ các đoạn, tuyến đường, các công trình, dự án kết cấu hạ tầng giao thông cần ưu tiên đầu tư xây dựng, bảo đảm tính kết nối và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.

Trên cơ sở qui hoạch kết cấu hạ tầng giao thông, tiếp tục đề xuất quy hoạch đối với các tuyến vận tải (tuyến buýt liên tỉnh, nội tỉnh; tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh; các tuyến vận tải khách chất lượng cao) kết nối giữa Hưng Yên với các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh; đồng thời mở mới các tuyến nội tỉnh kết nối giữa các địa phương còn khó khăn với các đô thị như thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào, đô thị Văn Giang, các điểm tham quan du lịch; đặc biệt ưu tiên kết nối vận tải thủy với vận tải đường bộ, đường sắt thông qua hệ thống cảng, bến thủy nội địa, ga đường sắt, cảng cạn ICD và trung tâm Logicstic trên địa bàn tỉnh.

Về quản lý quy hoạch: Trên cơ sở quy hoạch, giao Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cắm mốc chỉ giới hành lang an toàn giao thông để quản lý quỹ đất; tham mưu UBND tỉnh lập kế hoạch đầu tư theo quy hoạch; gắn quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải của tỉnh với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng; đánh giá, điều chỉnh khi cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tế.

2. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

2.1. Giai đoạn 2021-2025:

2.1.1. Đường bộ:

a) Các tuyến đường do Trung ương đầu tư, quản lý:

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các tỉnh, thành phố liên quan triển khai thực hiện một số dự án giao thông đối ngoại:

+ Đầu tư xây dựng và hoàn thành giai đoạn 2 tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình;

+ Tuyến đường Vành đai 3,5: Đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 đoạn từ đường liên tỉnh Hưng Yên - Hà Nội (ĐT.379) qua xã Long Hưng, huyện Văn Giang ra QL.5 tại vị trí xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm.

+ Vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội: Phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Ninh triển khai dự án trên toàn tuyến, giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch được phê duyệt 120m, đầu tư phân kỳ phần đường cao tốc theo hình thức PPP, đường song hành hai bên tuyến đồng bộ với sự phát triển công nghiệp, đô thị của từng địa phương.

+ Trục giao thông liên kết vùng (từ ĐH.71 đến ĐT.386);

+ Các nút giao kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Tuyến đường nối QL.38 (Km 41+300) với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Km31+100), Nút Vành đai 4, nút Vành đai 3,5;

+ Quốc lộ 5: Nghiên cứu đầu tư xây dựng đường gom dọc 2 bên QL.5 để nâng cao năng lực khai thác và đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông.

+ Nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài

- Tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nâng cấp một số tuyến, đoạn tuyến đường tỉnh lên quốc lộ:

+ QL39 kéo dài từ cầu vượt Phố Nối qua đường sắt nối với ĐT.281 tỉnh Bắc Ninh (đường trục kinh tế Bắc - Nam của tỉnh nối với ĐT.281 Bắc Ninh), dài khoảng 7 km.

+ Đường liên tỉnh nối đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội trên địa phận tỉnh Thái Bình với QL38B và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên địa phận tỉnh Hưng Yên, đoạn trên địa phận tỉnh Hưng Yên dài khoảng 25 km.

+ Trục giao thông kết nối vùng (từ Phú Xuyên - TP Hà Nội đến thị trấn Trần Cao - Hưng Yên) dài khoảng 22 km.

b) Các tuyến đường tỉnh:

- Sớm hoàn thành Dự án đường Vành đai V Vùng thủ đô Hà Nội trên địa phận tỉnh Thái Bình với QL.38 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên để kết nối với tuyến đường bộ ven biển qua các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.

- Đầu tư xây dựng và hoàn thành các công trình giao thông quan trọng như: Nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên; tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng; đường hai bên của tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường hai bên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (ĐT.382B); tuyến đường Tấn Phúc-Võng Phan (giao với ĐT.378); đường trục ngang kết nối QL.39 (Km 22+550) với ĐT.376; đường nối ĐH.45 xã Đồng Than với ĐT.376 xã Ngọc Long; đường tránh QL.38B qua địa bàn thành phố Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, Phù Cừ; cải tạo, nâng cấp các tuyến ĐT.387, ĐT.380, ĐT.377, ĐT.376, ĐT.385; cải tạo, nâng cấp đường phía tây sông Điện Biên (đoạn từ chùa Diều đến hết địa phận thành phố Hưng Yên); đường ĐH.34 kéo dài từ điểm giao QL.5 đến giao ĐT.376; đường từ QL.39 đến ĐH.42, huyện Yên Mỹ....; các dự án giao thông quan trọng mang tính kết nối tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối với tỉnh Hải Dương theo Chương trình hợp tác giữa hai tỉnh và các dự án giao thông quan trọng có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh... Các tuyến đường bộ đầu tư cơ bản bảo đảm quy mô theo quy hoạch được phê duyệt, trường hợp nguồn lực hạn chế thì tối thiểu đạt quy mô đường cấp III (đối với đường tỉnh); dành quỹ đất dự trữ với quy mô theo quy hoạch được duyệt để tiếp tục mở rộng cho các giai đoạn tiếp theo.

c) Về hệ thống đường huyện và giao thông nông thôn

- Đạt tỷ lệ 100% các tuyến đường huyện được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông và việc đầu tư đảm bảo quy mô theo quy hoạch được phê duyệt, cơ bản đạt quy mô đường cấp IV; các đoạn qua đô thị theo quy hoạch đô thị.

- Đạt tỷ lệ 100% các tuyến đường trục xã, liên xã được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông và việc đầu tư đảm bảo quy mô theo quy hoạch được phê duyệt; tối thiểu đạt quy mô đường cấp A.

- Đạt tỷ lệ 100% các tuyến đường thôn, xóm được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông và việc đầu tư đảm bảo quy mô theo quy hoạch được phê duyệt; tối thiểu đạt quy mô đường cấp B.

- Đạt tỷ lệ 100% các tuyến đường trục chính ra đồng được cứng hóa bằng nhựa, bê tông xi măng, cấp phối, gạch và việc đầu tư đảm bảo quy mô theo quy hoạch được phê duyệt; tối thiểu đạt quy mô đường cấp A; đối với những khu vực kinh tế phát triển, khu chăn nuôi, chế biến nông lâm thủy sản, vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cánh đồng mẫu lớn, làng nghề, trang trại khuyến khích đầu tư với quy mô đường trục chính ra đồng với quy mô đường cấp V, IV.

d) Về đường đô thị:

Phát triển hệ thống đường giao thông đô thị phù hợp với quy hoạch đô thị và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên (Quyết định số 478/QĐ-UBND ngày 02/02/2017 và số 1507/QĐ-UBND ngày 07/7/2020 của UBND tỉnh). Nhũng trục phố chính đạt quy mô 4 làn xe trở lên, bố trí đầy đủ các công trình phù trợ, đảm bảo hiện đại, mỹ quan và bảo vệ môi trường; các tuyến nhánh đảm bảo thuận lợi kết nối, hiện đại, có quy mô ít nhất 2 làn xe.

2.1.2. Đường thủy:

Kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư 1 -2 cảng hàng hóa trên sông Hồng, sông Luộc có tính kết nối cao với hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh; đề xuất sử dụng vốn ODA đầu tư cải tạo, nâng cấp các cảng hành khách La Tiến, Bình Minh, Hưng Yên theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển giao thông đường thủy kết hợp đường bộ phục vụ vận chuyển hành khách thuận lợi, an toàn để khai thác tiềm năng du lịch.

2.1.3. Đường sắt:

Xây dựng các đoạn tuyến đường gom dọc tuyến đường sắt Hà Hải trên địa phận huyện Văn Lâm, từng bước xóa bỏ 39 lối đi dân sinh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 về phê duyệt Đồ án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đến năm 2025.

2.1.4. Vận tải:

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về vận tải đường bộ, đường thủy theo kịp với sự phát triển và những diễn biến của hoạt động vận tải. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kĩ thuật trong công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; sản lượng vận chuyển hành khách đạt khoảng 20 triệu lượt người, tốc độ tăng trưởng bình quân 9%/năm, phấn đấu đóng góp vào GDP của tỉnh từ 17-19% hàng năm; vận chuyển hàng hóa đạt trên 40 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm; hằng năm giảm bình quân trên 5% số người chết do tai nạn giao thông. Cụ thể:

- Đối với hoạt động vận tải hành khách: Nghiên cứu đề xuất phát triển các tuyến vận tải khách liên tỉnh đã quy hoạch; tăng cường kết nối Hưng Yên với các tỉnh, thành phố trên cả nước và kết nối với các tuyến liên vận quốc tế; ưu tiên phát triển các tuyến buýt lân cận phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân an toàn, thuận lợi, có tính kết nối cao giữa các khu đô thị, di tích lịch sử, khu công nghiệp, với các tỉnh: Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Ninh và đặc biệt là với thủ đô Hà Nội. Đề xuất mở mới một số tuyến buýt nhanh, chất lượng cao liên tỉnh; buýt nội tỉnh, cự ly ngắn (có trợ giá) kết nối các huyện Phù Cừ, Ân Thi với các đô thị như: thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào, đô thị Văn Giang, ...; thí điểm sử dụng xe điện để vận chuyển hành khách đối với các tuyến có cự ly dưới 15 km kết nối giữa các điểm du lịch tâm linh và cơ sở lưu trú (Khách sạn, Nhà hàng, bến tàu khách), trung tâm thương mại, giải trí trên địa bàn tỉnh.

Khuyến khích tổ chức, cá nhân kinh doanh đầu tư, đổi mới phương tiện và nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu tốt đi lại của Nhân dân và du khách được an toàn, thuận lợi và quảng bá hình ảnh địa phương đối với du khách trong hoạt động vận tải khách theo hợp đồng, du lịch và xe taxi.

- Đối với hoạt động vận tải hàng hóa: Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy để phục vụ cho phát triển vận tải thủy trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu để đồng bộ, kết nối mạng lưới vận tải đường bộ, đường sắt (các Trung tâm Logicstic, cảng cạn ICD, Ga đường sắt) với hệ thống cảng, bến thủy nội địa hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

- Cơ bản các huyện, thị xã, thành phố có bến xe khách được công bố và đi vào hoạt động; các khu dân cư, khu công nghiệp có các bãi đỗ xe; nghiên cứu quy hoạch và đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên một số tuyến quốc lộ trọng điểm như QL.5, tuyến nối 2 đường cao tốc...

2.2. Định hướng đến năm 2030:

Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông cơ bản hoàn thiện theo quy hoạch, bảo đảm kết nối thuận tiện, an toàn, thông suốt giữa tỉnh Hưng Yên với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

2.2.1. Đường bộ:

a) Các tuyến đường do Trung ương đầu tư, quản lý:

- Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Duy trì theo tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến đường.

- Tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: Hoàn thành đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô được quy hoạch; hoàn thành dự án tuyến đường bên của tuyến đường bộ nối 2 cao tốc. Trên cơ sở đó đề nghị Bộ Giao thông vận tải nâng cấp thành đường cao tốc.

- Đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến đường Vành đai 3,5 Hà Nội; Vành đai 4 Hà Nội.

- Quốc lộ 5 : Duy trì tiêu chuẩn kỹ thuật , phát huy hiệu quả khai thác.

- Cao tốc Chợ Bến (Hòa Bình) - Yên Mỹ (Hưng Yên): Báo cáo Bộ Giao thông vận tải đầu tư hoàn thành tuyến đường trên địa phận tỉnh.

b) Các tuyến đường tỉnh:

- ĐT.376: Nâng cấp hoàn chỉnh toàn tuyến đạt tiêu chuẩn cấp I.

- ĐT.377: Nâng cấp, mở rộng quy mô cấp II, các đoạn qua đô thị theo quy hoạch đô thị.

- ĐT.378: Duy trì cấp kỹ thuật toàn tuyến.

- ĐT.379 (đường liên tỉnh Hưng Yên - Hà Nội): Nâng cấp đạt quy mô cấp I.

- Hoàn thiện và duy trì tiêu chuẩn cấp III các tuyến: ĐT.380, ĐT.381, ĐT.382, ĐT.383, ĐT.384, ĐT.385...

c) Về hệ thống đường huyện và giao thông nông thôn:

Tiếp tục đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao.

2.2.2. Đường thủy:

Cải tạo âu Nghi Xuyên (Trạm bơm Nghi Xuyên) để thông tuyến từ sông Hồng vào sông Cửu An và hệ thống các tuyến sông nội tỉnh, tạo luồng vận tải thủy và nâng cao năng lực vận tải thủy.

2.2.3. Đường sắt: Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải:

- Di chuyển ga Lạc Đạo về khu vực quy hoạch cảng ICD của huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên để đầu tư xây dựng ga mới (ga đầu mối phía Đông của đường sắt đầu mối Hà Nội).

- Nghiên cứu phát triển đường sắt đi trên cao trong các đô thị lớn như thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào, đô thị Văn Giang; phát triển tuyến đường sắt từ ga Lạc Đạo đi thành phố Hưng Yên, Hà Nội - thành phố Hưng Yên.

2.2.4. Vận tải:

Kêu gọi xã hội hóa đầu tư hoàn thiện hệ thống bến xe theo quy hoạch, đảm bảo ít nhất mỗi huyện, thị xã, thành phố có 01 bến xe, các khu dân cư, khu công nghiệp bố trí các bãi đỗ xe đảm bảo theo quy định; phát triển vận tải cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải chất lượng cao, giá thành hợp lý, nhanh chóng và an toàn. Trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới tuyến vận tải liên tỉnh và nội tỉnh cự ly ngắn sử dụng xe điện (có trợ giá) để kết nối giữa các đô thị, trung tâm thương mại, khu di tích lịch sử, cơ sở lưu trú và hệ thống bến xe, ga đường sắt với cảng, bến thủy nội địa đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi của Nhân dân và du khách thập phương.

Phát triển một số Cảng cạn ICD như Cảng cạn Văn Lâm (trên địa bàn xã Đại Đồng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm và phường Phan Đình Phùng, thị xã Mỹ Hào); Cảng cạn Lý Thường Kiệt (trên địa bàn xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ và xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu) để thực hiện kết nối với các Khu công nghiệp, hệ thống cảng, bến thủy nội địa cũng như các Trung tâm Logicstic trên địa bàn tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, giảm thiểu chi phí vận tải và đảm bảo an toàn giao thông.

3. Các công trình ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025

- Hoàn thành 36 dự án đã triển khai giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025, kinh phí là 976,33 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách tỉnh 774,83 tỷ đồng, ngân sách TW hỗ trợ: 201,49 tỷ đồng.

- Đầu tư xây dựng 60 công trình, dự án với tổng kinh phí dự kiến: 8.391,482 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách tỉnh 5.261,482 tỷ đồng, ngân sách TW hỗ trợ: 3.130 tỷ đồng.

IV. GIẢI PHÁP, CHÍNH SÁCH CHỦ YẾU

1. Giải pháp về nguồn vốn đầu tư

- Đối với hệ thống cao tốc, quốc lộ, đường vành đai: Báo cáo, đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành trung ương bố trí nguồn vốn đẩy nhanh đầu tư theo quy hoạch.

- Đối với hệ thống đường tỉnh: Ngoài vốn đầu tư từ ngân sách tập trung của tỉnh, cần:

+ Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA và các nguồn vốn khác;

+ Nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, nhất là thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cho các dự án giao thông lớn, trọng điểm của tỉnh để tạo bước đột phá về huy động nguồn vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

+ Đẩy nhanh việc tiếp nhận các dự án đầu tư, nhất là các dự án phát triển đô thị để có nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

- Đối với giao thông nông thôn:

+ Đẩy mạnh đầu tư phát triển giao thông nông thôn theo chuẩn xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

+ Tranh thủ các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, vốn trái phiếu Chính phủ, chương trình hỗ trợ để đầu tư cho GTNT.

+ Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích, vận động các tổ chức, nhà đầu tư, nhân dân hiến đất để làm đường giao thông nông thôn đảm bảo chiều rộng theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển và tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông thôn phát triển.

- Ưu tiên bố trí nguồn vốn đối ứng của tỉnh cho các dự án thực hiện theo chương trình vốn vay, vốn trung ương hỗ trợ, vốn ODA.

2. Các giải pháp về cơ chế, chính sách

- Có cơ chế cụ thể để khuyến khích đầu tư một số tuyến giao thông chính tạo điều kiện hình thành và phát triển đô thị mới của các huyện Văn Giang, Văn Lâm, thị xã Mỹ Hào, thành phố Hưng Yên; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đang thực hiện.

- Có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư để đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng giao thông như cảng đường sông, bến xe... đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận và nghiên cứu dự án.

- Phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh có chính sách phù hợp theo quy định để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả đầu tư; phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tăng cường quản lý đầu tư để bố trí vốn tập trung, triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ và không nợ đọng xây dựng cơ bản.

- Ưu tiên dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng giá trị sử dụng đất tại các địa phương từ đó tiếp tục tạo ra quỹ đất để đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Quy hoạch sử dụng đất cho kết cấu hạ tầng giao thông cần có sự thống nhất và phối hợp thực hiện đồng bộ, chặt chẽ giữa các sở, ngành và các địa phương để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển lực lượng vận tải: từ phương tiện, đào tạo con người, hệ thống bến xe, cảng bến thủy nội địa, cảng ICD, trung tâm Logicstic; ứng dụng khoa học kĩ thuật trong phát triển để tổ chức hoạt động các sàn giao dịch vận tải (Chợ thương mại điện tử), giao dịch phương tiện, lao động để phát triển nhân lực đối với lái xe, nhân viên phục vụ ...

3. Giải pháp về nâng cao công tác quản lý nhà nước

- Tổ chức khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, bố trí đảm bảo kinh phí và thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nhằm đảm bảo chất lượng công trình, khắc phục kịp thời các hư hỏng, sự cố, điểm đen và điểm tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông.

- Chú trọng quản lý và khai thác hiệu quả đất hành lang an toàn giao thông; tăng cường bảo vệ hành lang an toàn giao thông và quản lý chặt chẽ quỹ đất quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến quy hoạch mới; chống lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, nhằm giảm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng khi triển khai xây dựng công trình giao thông.

4. Giải pháp về đảm bảo trật tự an toàn giao thông

- Phát triển hạ tầng giao thông phải gắn với tăng cường công tác quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm duy trì tiêu chuẩn kỹ thuật các công trình giao thông, không để công trình đường bộ xuống cấp gây mất an toàn giao thông; tăng cường công tác kiểm tra tải trọng xe, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm xe chở quá tải trọng cầu đường gây hư hỏng công trình đường bộ; thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ hành lang an toàn giao thông và quỹ đất quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường trong các dự án xây dựng công trình giao thông nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ với đảm bảo an toàn giao thông.

- Quản lý tốt hành lang ATGT: Triển khai tốt việc cắm mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ các tuyến đường trên địa bàn theo Quyết định số 517/QĐ-UBND ngày 13/02/2015 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chỉ giới hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện để xử lý các vi phạm hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật.

- Về nâng cao chất lượng, sản lượng vận tải hàng hóa, hành khách:

+ Phát triển hợp lý về số lượng và chất lượng phương tiện vận tải theo hướng hiện đại, tiện nghi, tải trọng phù hợp, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường; nâng cao ý thức, trách nhiệm và năng lực của người thực thi công vụ, lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông vận tải trên đường bộ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tạo môi trường kinh doanh vận tải bình đẳng và vì nhân dân phục vụ. Thực hiện có hiệu quả Thông báo số 977-TB/TU ngày 21/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép.

+ Đẩy mạnh sự giám sát của hành khách cộng đồng đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các sai phạm; nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của người thực thi công vụ, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường đảm bảo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh và vì nhân dân phục vụ.

+ Phát triển đa dạng các loại hình vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, đảm bảo chất lượng, nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, tiết kiệm chi phí xã hội. Phát triển mạnh vận tải đa phương thức trong vận tải hàng hóa.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Hội vận tải ô tô tỉnh Hưng Yên trong hoạt động vận tải, là cầu nối, tập hợp các đơn vị vận tải vì mục tiêu chung là góp phần phát triển kinh tế của tỉnh và nâng cao hiệu quả của đơn vị góp phần nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp vận tải. Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm, đào tạo, sát hạch lái xe đế thiết thực góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

4. Về công tác tuyên truyền

- Đổi mới phương pháp tuyên truyền giáo dục pháp luật, để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là liên quan đến lĩnh vực giao thông, vận tải; từng bước xây dựng nếp văn hóa giao thông văn minh, lịch sự và an toàn; nghiên cứu đưa nội dung giáo dục về an toàn giao thông thành môn học trong các nhà trường.

- Tuyên truyền vận động doanh nghiệp và người dân thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước về giao thông vận tải, để các tổ chức, cá nhân phối hợp tham gia xây dựng, bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng và tham gia đóng góp đầu tư kinh phí phát triển giao thông.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giao thông vận tải

- Chủ trì rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án phát triển mạng lưới giao thông tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo quy hoạch mạng lưới giao thông có tính liên kết vùng, kết nối giữa các tuyến đường cao tốc, quốc lộ với các tuyến đường giao thông địa phương.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư hàng năm để thực hiện Kế hoạch.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu đề xuất với UBND tỉnh các cơ chế, chính sách, giải pháp huy động nguồn vốn để thực hiện Kế hoạch.

- Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thành các dự án do Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tiến độ, đảm bảo quy hoạch mạng lưới giao thông có tính liên kết vùng, kết nối giữa các tuyến đường cao tốc, quốc lộ với các tuyến đường giao thông địa phương.

- Chủ trì tham mưu, báo cáo UBND tỉnh cơ chế, chính sách, giải pháp huy động vốn để thực hiện Kế hoạch; tham mưu đề xuất chủ trương đầu tư, bố trí kinh phí cho các dự án.

- Chủ trì tham mưu, báo cáo UBND tỉnh huy động các nguồn vốn ODA, tham mưu đề xuất danh mục đầu tư các dự án theo hình thức PPP... để đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh.

3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan đề xuất với UBND tỉnh các cơ chế, chính sách, giải pháp huy động nguồn vốn để thực hiện Kế hoạch.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các địa phương lập Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 để thực hiện các dự án giao thông.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành và các địa phương tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách về quyền sử dụng đất để có vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh; cơ chế, chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện các dự án giao thông đảm bảo tiến độ, hiệu quả đầu tư dự án.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, các sở, ngành và các địa phương tham mưu UBND tỉnh cơ chế, chính sách để đầu tư xây dựng giao thông nông thôn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

6. Các sở, ngành, địa phương liên quan: Chỉ đạo lồng ghép có hiệu quả các Chương trình, dự án trong địa bàn; tích cực phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án trên địa bàn, bàn giao cho nhà thầu đảm bảo tiến độ thực hiện, hiệu quả đầu tư của dự án.

7. Các tổ chức, đoàn thể: Các tổ chức đoàn thể tích cực phối hợp tham gia thực hiện Kế hoạch trong phạm vi lĩnh vực mình quản lý, đặc biệt trong công tác vận động người dân tham gia hiến đất, kinh phí và công lao động để xây dựng đường giao thông nông thôn, góp phần hoàn thành Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh; UBND các huyện, thành phố thực hiện đúng Kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Báo Hưng Yên, Đài PTTH Hưng Yên;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KT1H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Quốc Văn

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 176/KH-UBND ngày 22/11/2021 thực hiện Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.928

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.133.138
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!