ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1013/QĐ-HĐND
|
Sơn
La, ngày 07 tháng 5
năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VÀ QUẢNG BÁ THƯƠNG HIỆU CÁC SẢN PHẨM NÔNG SẢN CỦA
TỈNH GIAI ĐOẠN 2018-2021
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương năm 2015 ;
Căn cứ Nghị quyết số 10-NQ/ĐH ngày
24/9/2015 Đại hội đại biểu Đảng bộ Sơn La lần thứ XIV;
Căn cứ Nghị quyết số 110/NQ-HĐND
ngày 04/12/2014 của HĐND tỉnh về phê chuẩn điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 117/2015/NQ-HĐND ngày
10/12/2015 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND ngày 04/ 4/2018 của HĐND tỉnh về
chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm
an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021.
Xét đề nghị của Sở Khoa học và
Công nghệ tại Tờ trình số 373/TTr-KHCN ngày 04 tháng 5 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án phát triển
và quảng bá các sản phẩm nông sản của tỉnh giai đoạn 2018-2021.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Khoa
học và Công nghệ; Tài chính; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND
huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ KH&CN;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT UBND tỉnh;
- Các PCTUBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Trung tâm TT tỉnh;
- Lưu VT, KGVX.30b.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lò Minh Hùng
|
ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN VÀ QUẢNG BÁ THƯƠNG HIỆU CÁC SẢN PHẨM NÔNG SẢN CỦA TỈNH GIAI
ĐOẠN 2018-2021
(Kèm theo Quyết định số 1013/QĐ-UBND
ngày 07 tháng 5 năm 2018 của UBND tỉnh Sơn La)
Phần I
THỰC TRẠNG PHÁT
TRIỂN VÀ QUẢNG BÁ THƯƠNG HIỆU CÁC SẢN PHẨM NÔNG SẢN CỦA TỈNH
I. SỰ CẦN THIẾT VÀ
CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Căn cứ pháp lý
- Luật Khoa học và Công nghệ năm
2013;
- Nghị quyết số 10-NQ/ĐH ngày
24/9/2015 Đại hội đại biểu Đảng bộ Sơn La lần thứ XIV;
- Nghị quyết số 110/NQ-HĐND ngày
04/12/2014 của HĐND tỉnh về phê chuẩn điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển
du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Nghị quyết số 117/2015/NQ-HĐND ngày
10/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5
năm 2016-2020;
- Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND ngày
04/ 4/2018 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến,
tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021.
2. Cơ sở thực tiễn
Trong những năm qua, công tác xây dựng,
quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được
các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm và đầu tư. Sở Khoa học
và Công nghệ phối hợp với UBND các huyện, các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng
thương hiệu cho 09 sản phẩm chủ lực của tỉnh (đã được cấp văn bằng bảo hộ) bao
gồm: 03 chỉ dẫn địa lý (sản phẩm Chè Shan tuyết Mộc Châu; xoài tròn Yên Châu; cà
phê Sơn La); 04 nhãn hiệu chứng nhận (sản phẩm Chè Olong Mộc
Châu; rau an toàn Mộc Châu; Nhãn Sông Mã; Cam Phù Yên); 02 nhãn hiệu tập thể (sản
phẩm Mật ong Sơn La; Chè Tà Xùa Bắc Yên). Đặc biệt, đối với
sản phẩm Chè Shan tuyết Mộc Châu, năm 2017 đã đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý
tại Thái Lan, đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được bảo hộ nhãn hiệu
tại nước ngoài.
Các sản phẩm sau khi được cấp văn bằng
bảo hộ bước đầu đã dần khẳng định được giá trị trên thị trường và được nhiều
người tiêu dùng biết đến. Tuy nhiên, việc duy trì, phát
triển và quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông sản còn nhiều hạn chế, chưa được
đầu tư hợp lý và tổ chức thực hiện theo cách chuyên nghiệp.
Xây dựng thương hiệu đã khó, việc duy
trì và phát triển thương hiệu còn khó khăn hơn đó là cả một quá trình diễn ra
đòi hỏi phải có sự đầu tư bài bản và lâu dài về tài chính,
nhân lực và thời gian. Bên cạnh đó, để duy trì phát triển
và quảng bá sản phẩm phải có sự vào cuộc, quan tâm của các cấp, các ngành, sự
chủ động vận động của các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đã có thương hiệu.
Trong thời kỳ kinh tế hội nhập hiện
nay, hoạt động duy trì, phát triển và quảng bá thương hiệu các sản phẩm có
thương hiệu là việc làm cần thiết, cần được đẩy mạnh, có đầu
tư và chuyên nghiệp. Để tiếp tục có những sản phẩm nông,
lâm, thủy sản đã có thương hiệu của tỉnh trở thành thương hiệu mạnh, góp phần mở
rộng thị trường tiêu thụ, giúp người tiêu dùng hài lòng, tin tưởng
vào thương hiệu để lựa chọn và ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch
vụ có thương hiệu; là cầu nối cho việc xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường
tiêu thụ ngoài nước. Việc xây dựng, ban hành Đề án “phát triển và quảng bá
thương hiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh giai đoạn 2018-2021” là cần thiết nhằm
góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mở rộng thị trường tiêu
thụ sản phẩm.
II. THỰC TRẠNG
CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN VÀ QUẢNG BÁ NÔNG SẢN CÓ THƯƠNG HIỆU CỦA GIAI ĐOẠN 2012-2017
1. Về
xây dựng thương hiệu
- Trong giai đoạn 2005 - 2010 công
tác xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản chưa được các cấp, các ngành, các tổ
chức và cá nhân quan tâm đúng mức. Khái niệm về thương hiệu, cũng như vai trò của
thương hiệu còn khá mới mẻ đối với các tổ chức, cá nhân. Các cấp, các ngành,
các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng
thương hiệu; Một số các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có ý thức xây dựng thương
hiệu nhưng do tập quán sản xuất kinh doanh nhỏ nên thường quan tâm lợi ích ngắn
hạn, thiếu chiến lược dài hạn trong xây dựng và quảng bá thương hiệu; do đó,
phát huy giá trị và hiệu quả của thương hiệu còn thấp.
- Trong giai đoạn 2011-2015, cùng với
xu thế phát triển của cơ chế thị trường, sản phẩm sản xuất phải có sức cạnh
tranh lớn; có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đảm bảo. Do đó, việc xây dựng, phát
triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm là một giải pháp quan trọng để tăng thêm giá trị của sản phẩm, dễ thâm nhập thị trường, tạo lòng tin đối
với người tiêu dùng.
Từ năm 2011-2013, Sở Khoa học và Công
nghệ phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thành phố tạo lập được nhãn hiệu
cho 03 sản phẩm: Chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu, mật ong Sơn La, đây là bước đi đầu tiên trong xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản
của tỉnh. Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ,
các sản phẩm đều gia tăng giá trị, mở rộng thêm được thị trường và được nhiều
người tiêu dùng biết đến.
Đồng thời với việc xây dựng, phát triển
và quảng bá thương hiệu, công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về sở hữu trí tuệ không ngừng được tăng cường, thường xuyên. Trên cơ sở đó, nhận thức của các cấp,
các ngành, các doanh nghiệp, cá nhân đã có những chuyển biến tích cực; đầu tư
cho xây dựng phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm dần được hình thành và
có chiều hướng phát triển tốt.
- Từ năm 2015 đến nay, vấn đề xây dựng,
phát triển và quảng bá sản phẩm là một trong các yếu tố quan trọng trong phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương, gia tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập
cho người dân, khuyến khích được các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh
doanh chuyên nghiệp, có trọng điểm và ổn định.
- Đến năm 2017,
có 09 sản phẩm nông sản của tỉnh đã được cấp văn bằng bảo hộ. Hiện nay, sở Khoa
học và Công nghệ đang tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu cho 12 sản phẩm.
Dự kiến: đến năm 2019, có thêm 08 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ; đến
năm 2020 có 04 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ; đến hết năm 2021 có thêm 04 sản
phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ. Tổng số sản phẩm nông sản chủ lực có
thương hiệu của tỉnh đến năm 2021 là 25 sản phẩm.
2. Về
phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm
Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu,công
tác phát triển và quảng bá thương hiệu là yếu tố quan trọng trong phát huy giá
trị của thương hiệu, nhằm từng bước ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Trong thời gian vừa qua, duy trì phát
triển, quảng bá sản phẩm có thương hiệu đã được các sở, ngành, UBND các huyện,
thành phố, một số các tổ chức và cá nhân quan tâm như: Đầu tư cải tạo, nâng cao
chất lượng giống; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ
trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, có sức cạnh
tranh trên thị trường; hỗ trợ các hợp tác xã, tham gia chuỗi sản xuất và tiêu
thụ nông sản an toàn; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp;
hỗ trợ sơ chế, chế biến sản phẩm...Hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp
tốt hoặc các tiêu chuẩn tương tự.
Đẩy mạnh việc thực hiện chương trình
hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh.
Các doanh nghiệp,các HTX luôn được tạo điều kiện tham gia nhiều hội nghị xúc tiến
đầu tư, hội chợ xúc tiến thương mại, du lịch; các hội chợ triển lãm giới thiệu,
quảng bá sản phẩm, chuỗi nông sản an toàn của tỉnh Sơn La với các tỉnh bạn; Giới
thiệu, quảng bá sản phẩm chuỗi nông sản an toàn tại các phiên chợ, hội chợ
trong và ngoài tỉnh.
Để phát huy lợi thế và tiềm năng sẵn
có trong sản xuất nông nghiệp, một số các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản
phẩm đã gắn việc quảng bá sản phẩm với du lịch canh nông, trải nghiệm như: Du lịch
đồng chè shan tuyết Mộc Châu gắn với ẩm thực uống chè, hái chè..; du lịch lòng hồ Sông Đà gắn với ẩm thực cá sông Đà, nuôi cá trên lòng hồ
sông Đà... xây dựng các khu nghỉ ngơi, ẩm thực, trải nghiệm hái chè, sản xuất
chè olong tại doanh nghiệp Mộc Sương... Tuy nhiên, các mô hình này đều do các tổ
chức, cá nhân tự đầu tư, thực hiện chưa bài bản và chuyên nghiệp; tính liên kết
giữa các điểm đến với các doanh nghiệp lữ hành còn hạn chế, dẫn tới khả năng
thu hút khách du lịch chưa cao, do đó chưa đạt được hiệu quả cao trong phát triển
và quảng bá sản phẩm có thương hiệu gắn với du lịch nông
nghiệp.
3. Đánh giá chung về hoạt động
phát triển và quảng bá sản phẩm có thương hiệu
3.1. Ưu
điểm
Đã có nhiều chính sách của tỉnh được
ban hành hỗ trợ các Hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng
thương hiệu các sản phẩm nông sản.
Các sản phẩm nông sản của tỉnh đã xây
dựng thương hiệu về cơ bản chất lượng ổn định, danh tiếng sản phẩm được nhiều
người tiêu dùng biết đến. Một số các doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động trong
việc duy trì phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm thông qua các hoạt động
giới thiệu, bán sản phẩm gắn liền với các tour du lịch sinh thái, du lịch canh
nông, trải nghiệm...
Công tác xúc tiến thương mại, phát
triển và quảng bá sản phẩm có thương hiệu được quan tâm và đẩy mạnh; các thị
trường tiêu thụ nông sản sạch, nông sản an toàn cơ bản được định hình ngày càng
rõ việc kết nối với các thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh có chiều
hướng phát triển tốt và mở rộng.
3.2. Tồn tại, hạn chế
Việc duy trì phát triển sản phẩm có
thương hiệu đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng bên cạnh đó còn nhiều hạn
chế, khó khăn các doanh nghiệp, hợp tác xã mới chú trọng đến
xây dựng thương hiệu chưa có đầu tư cho duy trì phát triển và quảng bá thương
hiệu. Một số ít các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có quan tâm đến việc duy trì
phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm nhưng thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu
tính liên kết trong phát triển và quảng bá thương hiệu, dẫn đến hiệu quả không
cao.
Sự vào cuộc của các cấp, các ngành
trong duy trì phát triển và quảng bá sản phẩm có thương hiệu chưa thường xuyên
và chú trọng. Liên kết trong xây dựng thương hiệu với quy hoạch vùng sản xuất
các sản phẩm còn yếu.
Công tác thông tin, quảng bá các sản
phẩm nông sản đã có thương hiệu của tỉnh trên các phương tiện thông đại chúng
còn hạn chế và thiếu thông tin, do đó sản phẩm thiếu sức cạnh tranh trên thị
trường.
Các kiến thức về duy trì phát triển
và quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã còn nhiều hạn chế nhất là
trong việc xây dựng các công cụ phương tiện quảng bá sản phẩm.
3.3. Nguyên nhân
Nhân lực trong các doanh nghiệp, hợp
tác xã được đào tạo chuyên môn về quản trị kinh doanh, tin học, ngoại ngữ còn
thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu. Các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã còn thiếu tầm
nhìn về chiến lược kinh doanh lâu dài và bền vững, chiến
lược phát triển và quảng bá sản phẩm trên thị trường.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thực
sự quan tâm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thông qua việc duy trì phát
triển và quảng bá sản phẩm như: Thực hiện nghiêm về quy trình sản xuất nông sản
sạch, sản xuất an toàn; sử dụng hệ thống nhãn hiệu và hệ thống nhận diện sản phẩm
đã được bảo hộ; tuyên truyền quảng bá sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Nguyên nhân cơ bản đó là do sự giới hạn
về chi phí, cũng như tiềm lực tài chính của các đơn vị sản xuất.
Để thương hiệu
nông sản của tỉnh có đủ sức cạnh tranh, phát triển bền vững trên thị trường,
đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng rất lớn của các địa phương, các sở, ngành có
liên quan. Nếu thiếu sự nỗ lực, quyết tâm từ nhiều phía, thương hiệu sẽ bị mai một, thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế.
Đồng thời, sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền theo đó sẽ bị lãng quên,
không còn chỗ đứng trên bản đồ thương hiệu ở trong và ngoài nước.
Phần II
NỘI DUNG ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN VÀ QUẢNG BÁ THƯƠNG HIỆU SẢN PHẨM NÔNG SẢN GIAI ĐOẠN 2018-2021
I. QUAN ĐIỂM
1. Đẩy mạnh
phát triển và quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh đã có thương hiệu
góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm
trong và ngoài nước.
2. Phát
triển và quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản gắn với lợi thế của tỉnh đó là
du lịch canh nông tạo thành ngành kinh tế động lực, gia
tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người sản xuất,
thu hút đầu tư và tạo điểm đến hấp dẫn thu hút du khách đến với Sơn La.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản gắn với du lịch canh nông Sơn La trở thành thương hiệu
mạnh của Việt nam. Tập trung các nguồn lực để phát triển và quảng bá thương hiệu
cho các sản phẩm rau, hoa, quả, gạo đặc sản, thủy sản, cà phê
Arabica và du lịch nông nghiệp tỉnh Sơn La giai đoạn 2018 - 2021.
2. Mục
tiêu cụ thể:
- Đến năm 2021: Xây dựng, quản lý và
phát triển thương hiệu cho 16 sản phẩm nông sản. Duy trì và phát triển thương
hiệu cho 25 sản phẩm nông sản đã có nhãn hiệu được bảo hộ.
- Giai đoạn 2018 -2021: 100% các sản
phẩm có thương hiệu đều xây dựng và hoàn thiện các phương tiện, công cụ truyền
thông và quảng bá thương hiệu giúp người tiêu dùng nhận biết, ghi nhớ, hài
lòng, tin tưởng sản phẩm có thương hiệu để lựa chọn và ưu tiên sử dụng sản phẩm,
dịch vụ.
- Đến năm 2021: 100% các sản phẩm có
thương hiệu được kết nối thị trường tiêu thụ, tham gia các hội nghị, hội chợ
xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch theo kế hoạch và cơ chế, chính
sách của tỉnh.
- Đến năm 2021:
Xây dựng được 03 tuyến du lịch sinh thái, du lịch canh nông, trải nghiệm, gắn với
quảng bá, giới thiệu sản phẩm có thương hiệu.
- Giai đoạn 2018 - 2021: Triển khai đồng
thời công tác phát triển, quảng bá thương hiệu với quản lý, kiểm soát chất lượng
sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm,
dịch vụ; nhấn mạnh sự an toàn, chất lượng và chuyên nghiệp
của sản phẩm, dịch vụ khi gắn thương hiệu.
III. NHIỆM VỤ CỤ
THỂ
1. Phát triển thương hiệu
a) Xây dựng, duy trì, phát triển sản
phẩm
- Triển khai xây dựng thương hiệu cho
các sản phẩm nông sản của tỉnh.
- Điều tra, khảo sát về tình hình sản
xuất, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm, đánh giá những thuận lợi và khó
khăn của từng sản phẩm có thương hiệu đề xuất các nhiệm vụ duy trì, phát triển
quảng bá sản phẩm có thương hiệu trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng các dự án khoa học công
nghệ phù hợp cho từng sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, công
nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm đã có thương hiệu.
- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận
thức về vai trò các sản phẩm nổi tiếng đối với sự phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông qua các hình thức tuyên truyền và quảng bá nhằm
thúc đẩy sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản
phẩm có thương hiệu của tỉnh.
- Tạo điều kiện để các tổ chức, cá
nhân tiếp cận với thị trường, giới thiệu sản phẩm đã có thương hiệu ra ngoài tỉnh
thông qua các hội trợ, triển lãm...
- Đào tạo nhân lực và chuyển giao
công nghệ sản xuất các sản phẩm đã có thương hiệu cho các tổ chức, cá nhân.
- Tạo điều kiện hình thành và phát
triển các Hiệp hội sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm đã có thương hiệu của tỉnh..
b) Quản lý chất lượng sản phẩm
- Xây dựng kế hoạch quản lý, kiểm
soát chất lượng sản phẩm nông sản sử dụng nhãn hiệu giai đoạn 2018-2021: Quản
lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản từ khâu
sản xuất (giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, quy trình sản
xuất, chăm sóc,...) đến sơ chế, phân loại, bảo quản sau thu hoạch (các trung
tâm sau thu hoạch, doanh nghiệp, cơ sở) chế biến và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa
(công nghệ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ trên thị
trường).
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các
tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông sản về các quy trình sản xuất tiên
tiến, đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển ổn định, bền vững.
- Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác
xã, tổ hợp tác, cơ sở, đầu mối thu mua nông sản, nông hộ sử dụng nhãn hiệu, xây
dựng kế hoạch và các điều kiện để chuẩn hóa sản phẩm đạt
tiêu chuẩn đủ điều kiện đăng ký sử dụng nhãn hiệu; chịu
trách nhiệm tổ chức kiểm tra, kiểm soát và công bố chất lượng
và phân loại nông sản được gắn nhãn hiệu trước khi tiêu thụ.
- Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên
ngành tiến hành giám sát quá trình thực hiện của các đơn vị được sử dụng nhãn
hiệu chứng nhận; định kỳ và đột xuất lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm, thực
hiện các chế tài đối với các sản phẩm không đạt chất lượng và các hành vi vi phạm
pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng nhãn hiệu không hợp pháp.
2. Quảng bá thương hiệu các sản phẩm
nông sản đã có thương hiệu
- Xây dựng, đăng tải các Video Clip sản
phẩm nông sản đã có thương hiệu trên các Đài Phát thanh - Truyền hình Trung
ương và địa phương, Internet, mạng xã hội và quảng bá ở nước ngoài. Xây dựng
trang thông tin về thương hiệu các sản phẩm nông sản Sơn La phục vụ quảng bá
trên các báo, tạp chí,...
- Xây dựng chuyên trang Website
thương hiệu sản phẩm nông sản Sơn La phục vụ người tiêu dùng trong việc truy cập,
tìm kiếm các sản phẩm chất lượng mang thương hiệu.
- Truyền thông và quảng bá thương hiệu
sản phẩm gắn với du lịch canh nông theo 02 loại hình “điểm
dừng” và “tuyến điểm”.
- Các hình thức truyền thông:
+ Truyền thông trên truyền hình, báo
chí; truyền thông trên màn hình và biển quảng cáo ngoài trời, tờ rơi, áp phích,
phướn; truyền thông qua các chương trình, sự kiện, các lễ hội...
Lắp đặt một số pano tấm lớn trên Quốc
lộ 6, 279, 37, 4G... để phục vụ quảng bá các nhãn hiệu nông sản đến với nhân
dân và du khách khi đến với Sơn La.
+ Xây dựng, thiết kế tập gấp, tờ rơi
về nhãn hiệu các sản phẩm có thương hiệu của tỉnh; ấn phẩm,
clip quảng cáo các loại hình du lịch canh nông để phát hành miễn phí đến người
tiêu dùng thông qua các kênh như: Các chương trình lễ hội, hội nghị, hội chợ
thương mại trong và ngoài nước, các đoàn đi xúc tiến ngoài nước, du khách đến
Sơn La, các trung tâm phân phối nông sản, hệ thống các
siêu thị, các khu, điểm du lịch,...
+ Kết hợp quảng bá, giới thiệu thương
hiệu các sản phẩm nông sản tại các buổi làm việc, hội nghị hoặc các hoạt động kết
nối giao thương giữa tỉnh Sơn La với các thành phố lớn, một số tỉnh trong nước
và các thị trường xuất khẩu mục tiêu: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Úc...
+ Hợp tác với các trung tâm phân phối
nông sản lớn, với đơn vị dịch vụ du lịch (cơ sở lưu trú, lữ hành, phương tiện vận
chuyển công cộng...), với chuỗi chương trình truyền hình (chương trình đối thoại
chia sẻ thông tin kinh nghiệm sản xuất nông sản Sơn La, quảng bá hình ảnh, sản
phẩm nông sản Sơn La trong các chương trình truyền hình,...); hợp tác với Đài
Truyền hình Việt Nam (VTV) - chuỗi chương trình truyền hình.
+ Tổ chức công bố nhãn hiệu sản phẩm đã được bảo hộ, gắn logo, nhãn bao bì đóng gói sản
phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh sản
phẩm nông sản.
+ Quảng bá, tuyên truyền cho các đối
tượng: Hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất
hoặc tham gia vào chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ, giúp nâng cao ý thức, thực
hiện tốt công tác quản lý chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu
trong quá trình triển khai thực hiện.
III. GIẢI PHÁP
THỰC HIỆN
1. Giải pháp về cơ chế, chính sách
của tỉnh
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc cụ
thể hóa cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương về hỗ
trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp.
- Lồng ghép việc duy trì phát triển
và quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông sản có thương hiệu vào các chương
trình, kế hoạch phát triển ngành và địa phương.
2. Giải pháp về đào tạo, chuyển giao
công nghệ:
- Chú trọng đào tạo nghề tại chỗ cho
người lao động ở nông thôn, để người lao động trực tiếp tham gia vào quá trình
sản xuất tại các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm nông sản.
- Tăng cường đào tạo kiến thức quản
trị kinh doanh, marketing các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã,
các hộ gia đình.
- Thực hiện các hoạt động ứng dụng
khoa học công nghệ, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, đổi mới công nghệ sản
xuất sản phẩm mới.
- Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề,
trưng bày giới thiệu thiết bị máy móc, công nghệ mới nhằm tăng cường mối quan hệ
giữa nhà khoa học với các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các hộ
gia đình có nhu cầu đổi mới công nghệ.
3. Giải pháp về xúc tiến thương mại
và hội nhập quốc tế:
- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi
và hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sản xuất
các sản phẩm nông sản đã có thương hiệu hoạt động xúc tiến
thương mại theo các Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia, Chương trình xúc
tiến thương mại Du lịch và Đầu tư của tỉnh.
- Đa dạng hóa sản phẩm và hỗ trợ quảng
bá, tìm kiếm thị trường cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp qua các hội chợ,
triển lãm trong và ngoài nước nhằm tạo điều kiện tiếp thị các sản phẩm, nắm bắt
thị trường, trao đổi kinh nghiệm để định hướng phát triển sản xuất các sản phẩm
có giá trị xuất khẩu, phù hợp với điều kiện của tỉnh.
- Xây dựng các tour du lịch gắn với
du lịch canh nông để tăng hiệu quả quảng bá sản phẩm từ khâu sản xuất đến thu
hoạch.
- Xây dựng trung tâm trưng bày, giới
thiệu và bán các sản phẩm mang thương hiệu của tỉnh ở các địa bàn cửa ngõ và
các trung tâm thương mại, du lịch của tỉnh (Vân Hồ, Mộc
Châu, thành phố Sơn La...)
4. Phát triển doanh nghiệp vừa và
nhỏ:
Có các chính sách hỗ trợ, khuyến
khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến sản
xuất các sản phẩm đã có thương hiệu của tỉnh để nâng cao chất lượng sản phẩm,
tăng sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
IV. KẾ HOẠCH VÀ TIẾN
ĐỘ, KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Kế hoạch và tiến độ: (Có phụ lục chi tiết kèm theo).
2. Kinh phí thực hiện Đề án:
2.1. Ngân sách tỉnh giao hàng năm cho
các sở, ngành (Sự nghiệp Công thương; vốn sự nghiệp kinh tế giao cho sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn; nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ; nguồn
vốn sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nguồn vốn sự nghiệp....)
2.2. Ngân sách các huyện, thành phố.
2.3. Kinh phí huy động từ các tổ chức,
cá nhân sản xuất, kinh doanh và các nguồn kinh phí hợp pháp.
2.4. Kinh phí thực hiện theo Nghị quyết
số 76/2018/NQ-HĐND ngày 04/4/2018 của HĐND tỉnh.
3. Trên
cơ sở nội dung đề án, hàng năm các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện,
thành phố xây dựng kế hoạch, dự toán cụ thể cho từng nhiệm vụ trình cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
4. Trong
quá trình thực hiện đề án cần rà soát, lồng ghép với các
chương trình, kế hoạch đề án khác để tránh trùng lắp về nội dung thực hiện.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành
liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện đề
án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
- Chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Tài chính trình UBND tỉnh bố trí vốn hàng năm để triển khai thực
hiện các dự án xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho sản phẩm chủ lực
của tỉnh Sơn La.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan
có liên quan xây dựng các công cụ, phương tiện quảng bá cho các sản phẩm có
thương hiệu của tỉnh (trang Website, tờ rơi, ấn phẩm, video...)
- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn,
hội thảo liên quan đến xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm.
- Tổ chức thực hiện các chương trình,
dự án, các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh có liên quan đến việc nâng cao
chất lượng, giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm có thương hiệu.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động
quản lý và sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ của các tổ chức, cá nhân được cấp
quyền sử dụng nhãn hiệu.
- Đẩy mạnh hoạt động đổi mới công nghệ,
ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng
sản phẩm thương hiệu.
- Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo kết
quả triển khai đề án theo quy định của các đơn vị có liên quan để báo cáo UBND
tỉnh.
2. Sở Công Thương:
- Tập trung các hoạt động quảng bá
thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm đối tác
tiêu thụ trong và ngoài nước, hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm
hàng hóa, hỗ trợ hợp tác thương mại, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.
- Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa; kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu,
gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm nhãn
hiệu, thương hiệu sản phẩm.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn:
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán
bộ, công chức quản lý nhà nước; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông sản
về cơ chế chính sách, các quy trình sản xuất tiên tiến, đảm bảo an toàn thực phẩm,
phát triển bền vững.
- Phát triển giống cây trồng có năng
suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương trên
địa bàn tỉnh; xây dựng quy trình sản xuất, chăm sóc cây trồng theo hướng ứng dụng
công nghệ cao; triển khai thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo
quản lý chất lượng nông sản trong quá trình sản xuất. Định kỳ, đột xuất kiểm
tra chất lượng nông sản đối với các đơn vị sản xuất các sản
phẩm đã có thương hiệu.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Lựa chọn xây dựng và hoàn thiện 03
tuyến du lịch sinh thái, du lịch canh nông, trải nghiệm gắn
với quảng bá, giới thiệu sản phẩm có thương hiệu. Nghiên cứu, đề xuất với UBND
tỉnh ban hành các quy định về quản lý và khai thác loại hình du lịch canh nông:
“Một điểm dừng” và “Tuyến điểm”. Thực hiện công tác thẩm định, hướng dẫn công bố
đối với các đơn vị đạt tiêu chí 02 loại hình du lịch nêu trên.
- Phối hợp triển khai công tác truyền
thông và quảng bá thương hiệu du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với
các sở, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị truyền thông thực hiện tốt công
tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu vào các dịp tổ chức các lễ hội của tỉnh
tổ chức.
5. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và
Đầu tư tham mưu, đề xuất UBND tỉnh hàng năm bố trí nguồn vốn, thẩm định dự
toán, trình phê duyệt để các sở ngành, UBND các huyện,
thành phố, cơ quan, đơn vị thực hiện đề án.
6. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành,
địa phương, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến thương mại,
tuyên truyền, quảng bá sản phẩm có thương hiệu của tỉnh.
7. Sở Thông tin và Truyền thông;
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Báo Sơn La
- Tổ chức truyền thông, quảng bá sản
phẩm có thương hiệu gắn với du lịch canh nông. Chủ động xây dựng chương trình,
kế hoạch để thực hiện công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu sản phẩm của
tỉnh.
- Giành một thời lượng phát sóng cho
quảng bá sản phẩm có thương hiệu của tỉnh. Liên kết với các chương trình của
Đài truyền hình Việt Nam để giới thiệu, quảng bá sản phẩm
nông sản có thương hiệu của tỉnh Sơn La. Phối hợp Tổ chức tuyên truyền, truyền
thông giúp nâng cao ý thức tổ chức sản xuất nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm,
phát triển du lịch canh nông lành mạnh, đúng mục tiêu, có hiệu quả; nâng cao ý
thức tiêu dùng và sử dụng dịch vụ cho người dân.
8. UBND các huyện, thành phố
- Chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức
triển khai thực hiện Đề án, Rà soát, điều chỉnh quy hoạch,ưu tiên quy hoạch
vùng sản xuất sản phẩm đã có thương hiệu.Chủ động tổ chức công bố nhãn hiệu sản phẩm gắn với lễ hội của địa phương.
- Tổ chức sản xuất theo hướng quy mô
tập trung, phát triển cây trồng, vật nuôi là lợi thế của địa phương, có khả
năng cạnh tranh trên thị trường đáp ứng nhu cầu trong và ngoài tỉnh, phục vụ xuất
khẩu.
- Chủ động huy động, bố trí nguồn
kinh phí hỗ trợ cho phát triển và quảng bá thương hiệu các sản phẩm của địa
phương. Lồng ghép việc phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm của địa
phương vào các chương trình, kế hoạch khác của huyện, thành phố.
9. Các tổ chức chính trị - xã hội
của tỉnh
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ chủ động
phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức các hoạt động nhằm nâng
cao năng lực của các thành viên trong việc duy trì, phát triển và quảng bá
thương hiệu các sản phẩm có thương hiệu của tỉnh./.