ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2286/KH-UBND
|
Lâm Đồng, ngày 20 tháng 4 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN KẾT LUẬN SỐ 10-KL/TW NGÀY 26/12/2016 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VÀ KẾ HOẠCH SỐ
19-KH/TU NGÀY 22/02/2017 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ
QUYẾT TRUNG ƯƠNG 3 KHÓA X VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC
PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ
Thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày
26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa
X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng
phí; Kế hoạch số 19-KH/TU ngày 22/02/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; UBND tỉnh
xây dựng ban hành kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục
đích
Tiếp tục quán triệt và thực hiện
nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về
phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị
quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
phòng, chống tham nhũng, lãng phí và Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ
Chính trị; Kế hoạch số 19-KH/TU ngày 22/02/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; kiên
quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc
ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.
2. Yêu cầu
- Xem phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu
dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử
lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che,
dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, can thiệp, cản trở việc chống
tham nhũng, lãng phí; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không
có đặc quyền, bất kể người đó là ai.
- Phải tiến hành kiên quyết, kiên
trì, liên tục với những biện pháp thích hợp, tích cực, chủ động và có trọng tâm,
trọng điểm. Gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác
phòng chống tham nhũng.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tăng cường công tác lãnh đạo,
chỉ đạo, tuyên truyền
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn
vị, phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường
xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Gắn công tác phòng,
chống tham nhũng, lãng phí với việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ
Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4
khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn
vị phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống
tham nhũng, lãng phí; chủ động phòng ngừa, phát hiện xử lý các vụ việc có dấu
hiệu tham nhũng, lãng phí và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống
tham nhũng, lãng phí; chủ động yêu cầu các cơ quan chức
năng báo cáo để lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm
minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các vụ việc, vụ án
nghiêm trọng, phức tạp gây dư luận xã hội.
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức
phải gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham
nhũng, lãng phí.
2. Tăng cường quản lý, giám sát chặt
chẽ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; thực
hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn
vị phải tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức,
siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các biểu hiện tham
nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế
cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng, lãng phí gây nhiều dư luận.
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm phải bị xử lý nghiêm minh, kịp
thời.
Thực hiện nghiêm túc việc sắp xếp lại
bộ máy, cải cách chế độ công vụ, tinh giản biên chế và cơ
cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được UBND tỉnh giao biên chế
cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
3. Thực hiện nghiêm túc việc kê
khai tài sản thu nhập theo quy định tại Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày
31/10/2013 về hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn
vị, phải thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch tài sản thu nhập;
tăng cường kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; xử lý
nghiêm đối với người kê khai chậm, kê khai không trung thực.
4. Tăng
cường công tác tự kiểm tra, thanh tra, đối với các đơn vị trực thuộc, các
phòng, ban chuyên môn trực thuộc Sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện các
quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là trong lĩnh vực
đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý quy hoạch xây dựng, sử dụng đất đai, tài chính,
tài sản công, công tác tổ chức cán bộ; việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức
công vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
5. Tiến
hành rà soát việc thực hiện các kết luận thanh tra về kinh tế - xã hội, kiểm toán nhà nước, các quyết định thu hồi xử lý sau thanh tra, để có biện
pháp khắc phục và thực hiện dứt điểm các sai phạm qua thanh tra theo đúng quy định
pháp luật.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thanh tra tỉnh
Có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh chỉ
đạo, quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này. Chủ trì, phối
hợp với các Sở, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố trong việc tổ chức
thực hiện kế hoạch.
Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm
tra, đánh giá việc thực hiện của các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương; định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
2. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở, ban ngành,
UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tham mưu
UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh: Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày
08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà
nước giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 -
2020; Quyết định số 2827/QĐ-UBND ngày 29/12/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc
ban hành kế hoạch CCHC giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tham
mưu xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo,
quản lý theo hướng đề cao trách nhiệm của cấp có thẩm quyền; bổ sung các chức
danh cán bộ lãnh đạo quản lý giai đoạn 2015 - 2020; triển khai rà soát quy hoạch
các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2020 - 2025; tham mưu triển
khai thực hiện Đề án đánh giá công chức trong cơ quan hành chính nhà nước; triển
khai thực hiện Quyết định số 51/2016/QĐ-UBND ngày 13/9/2016 của UBND tỉnh về
phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người quản lý doanh nghiệp trên
địa bàn tỉnh Lâm Đồng; tham mưu việc sắp xếp tổ chức bộ máy, quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh;
hoàn thành Đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị để
làm căn cứ xác định việc quản lý công chức, viên chức và giao biên chế, số lượng
người làm việc hàng năm; xây dựng kế hoạch biên chế hành chính, số lượng người
làm việc hàng năm trên cơ sở mô tả, xác định rõ vị trí việc làm, gắn với việc
thực hiện nghiêm Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, Kế hoạch
139-KH/TU ngày 08/9/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tinh giản biên chế.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí
trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền và xây dựng các chuyên
trang, chuyên mục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về mục đích, ý
nghĩa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, tạo sự
quan tâm, đồng thuận ủng hộ rộng rãi của xã hội đối với công tác phòng, chống
tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm.
4. Sở Tài chính
Giám sát việc quản lý và sử dụng ngân
sách ở các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách; yêu cầu Kho bạc Nhà nước tạm dừng
thanh toán khi phát hiện chi vượt dự toán, chi sai chính sách chế độ hoặc không
chấp hành chế độ báo cáo tài chính theo quy định.
Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chế
độ công khai tài chính ngân sách của nhà nước theo quy định của
pháp luật.
Hướng dẫn và tổ chức thực hiện Luật
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách, tài chính công
theo quy định của pháp luật.
Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh
các văn bản hướng dẫn về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và phân cấp quản lý
nhà nước về tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình
Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo thẩm quyền việc mua sắm, xác lập quyền sở
hữu của nhà nước về tài sản, thu hồi, điều chuyển, thanh lý, bán, thuê, cho
thuê, chuyển nhượng, tiêu hủy tài sản nhà nước và các hình thức xử lý khác;
giao tài sản nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và sử dụng
tài sản nhà nước của đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính vào mục đích sản
xuất kinh doanh, dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chế độ
công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị
theo quy định của pháp luật.
5. Sở Tư Pháp
Giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về
công tác xây dựng và thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra,
xử lý văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, pháp chế, phổ
biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực,
nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, trợ giúp pháp lý, luật sư,
tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài
thương mại, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và
công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
Xây dựng kế hoạch phổ biến tuyên truyền
pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
và các văn bản có liên quan triển khai trong toàn tỉnh.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm chủ
yếu của tỉnh; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, 05 năm và hàng năm
của tỉnh, bố trí kế hoạch vốn đầu tư công thuộc ngân sách địa phương; phối hợp
xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư, danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh; các
cân đối chủ yếu về kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó có cân đối tích lũy và
tiêu dùng, cân đối vốn đầu tư phát triển, cân đối tài chính; xây dựng chương
trình, kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh của
tỉnh; chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành
chính nhà nước trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính
xây dựng kế hoạch và bố trí mức vốn đầu tư phát triển cho từng chương trình, dự
án thuộc nguồn vốn đầu tư công do tỉnh quản lý phù hợp với tổng mức đầu tư và
cơ cấu đầu tư theo ngành và lĩnh vực.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và
các Sở, ban, ngành có liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả
sử dụng vốn đầu tư phát triển của các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn;
giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định của pháp luật;
Rà soát các dự án đầu tư không hiệu
quả tham mưu UBND tỉnh thu hồi, rà soát các quy định pháp luật về chính sách hỗ
trợ khuyến khích các nhà đầu tư vào các dự án của tỉnh, kịp thời bổ sung, điều
chỉnh cho đúng các quy định của Chính phủ về chính sách khuyến khích các nhà đầu
tư.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có
liên quan giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập
thể, hợp tác xã và kinh tế tư nhân có tính chất liên ngành.
7. UBND các huyện, thành phố
Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể
thực hiện Kế hoạch số 19-KH/TU ngày 22/02/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho cả
giai đoạn và từng năm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa
phương.
8. Đề nghị UBMTTQ và các đoàn thể
tỉnh
Chủ động phối hợp với các ban, ngành
liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện
Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công
tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò tham gia giám sát của
quần chúng nhân dân ngay trong quá trình hoạch định, xây dựng, ban hành các cơ
chế, chính sách có ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của công dân; trong tham
gia đấu tranh tố giác các vụ việc, hành vi tham nhũng, lãng phí.
9. Các Sở,
ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, căn cứ kế hoạch này, xây dựng
kế hoạch thực hiện cho cả giai đoạn và kế hoạch cụ thể từng năm; định kỳ báo
cáo, đánh giá kết quả thực hiện gửi Thanh tra tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực
hiện nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc đề nghị các Sở, ban, ngành, đoàn
thể, các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị báo cáo UBND tỉnh (qua Thanh tra
tỉnh) để được xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND
tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, TP. Đà Lạt, Bảo Lộc;
- Lưu: VT, NC.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Ngọc Liêm
|