BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4288/LĐTBXH-TTr
V/v hướng dẫn công tác thanh tra năm 2021
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2020
|
Kính gửi: Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Để công tác thanh tra ngành Lao động - Thương binh
và Xã hội (sau đây viết tắt là LĐTBXH) được thực hiện thống nhất, hiệu quả trên
phạm vi toàn quốc, bên cạnh việc triển khai thanh tra theo chức năng quản lý
nhà nước phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương, Bộ LĐTBXH hướng dẫn công
tác thanh tra năm 2021 của ngành LĐTBXH như sau:
1. Công tác thanh tra
Trên cơ sở Kế hoạch thanh tra năm 2021 của Bộ
LĐTBXH và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương (sau đây gọi là Sở) xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra phù
hợp với kế hoạch công tác giai đoạn 2021-2026 của địa phương theo các nội dung
cụ thể sau:
1.1. Thanh tra hành chính
Thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, công
vụ được giao; trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức, viên chức trong
thực hiện chức trách, nhiệm vụ; công tác tổ chức cán bộ, quản lý, sử dụng tài
chính, tài sản và xây dựng cơ bản.
1.2. Thanh tra, kiểm tra chuyên
ngành
1.2.1. Lĩnh vực lao động
- Thực hiện chiến dịch thanh tra
trong lĩnh vực xây dựng với trọng tâm là thanh tra việc chấp hành các quy định
của pháp luật an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng nhằm ngăn
ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe,
tính mạng của con người.
- Tiếp tục triển khai, hướng dẫn
tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động trên trang thông tin điện tử http://tukiemtraphapluatlaodong.gov.vn,
qua đó phân tích, đánh giá kết quả tự kiểm tra trực tuyến và gửi kiến nghị đến
doanh nghiệp; tổng hợp tình hình tự kiểm tra tại các cơ sở lao động đóng trên
địa bàn gửi Thanh tra Bộ LĐTBXH.
1.2.2. Lĩnh vực người có công:
Tiếp tục thanh tra toàn diện việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động
kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; việc quản lý, sử dụng
nguồn kinh phí ưu đãi người có công với cách mạng trong phạm vi toàn quốc, đảm
bảo đến hết năm 2021, toàn bộ hồ sơ đối tượng này được kiểm tra, rà soát và xử
lý theo đúng quy định của pháp luật.
1.2.3. Lĩnh vực trẻ em: Thanh tra
ngành LĐTBXH chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tập trung thanh tra
việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại theo Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo
lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025 và Quyết định số 1472/QĐ-TTg ngày
28/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị
quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường
hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại
trẻ em.
1.2.4. Lĩnh vực giảm nghèo: Tiếp
tục thanh tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo đến hết năm
2022, 100% số hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương được thanh tra.
1.2.5. Lĩnh vực người nước ngoài
làm việc tại địa phương: Quản lý chính xác số lượng, tình hình hoạt động của
người nước ngoài làm việc tại địa phương, thực hiện thanh tra, kiểm tra theo
quy định.
1.2.6. Lĩnh vực bảo hiểm xã hội:
Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với
các cơ quan bảo hiểm xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, chú trọng
thanh tra các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài, số tiền nợ bảo hiểm
xã hội lớn.
1.2.7. Lĩnh vực giáo dục nghề
nghiệp: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật giáo dục nghề
nghiệp trong đó trọng tâm là thanh tra việc gắn giáo dục nghề nghiệp với giải
quyết việc làm.
1.2.8. Các lĩnh vực khác thuộc
phạm vi quản lý nhà nước của ngành LĐTBXH: Lựa chọn những vấn đề, nội dung đang
gây bức xúc, được dư luận quan tâm để xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2021 cho
phù hợp.
2. Công tác giải quyết đơn thư,
khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân
Tăng cường trách nhiệm của người
đứng đầu trong việc tiếp công dân, đảm bảo hoạt động tiếp công dân hiệu quả;
chú trọng lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân theo Quy định số 11-QĐ/TW
ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong
việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị
của dân; chủ động đối thoại, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của nhân dân.
Giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, tồn đọng, phức
tạp, kéo dài.
3. Công tác phòng chống tham nhũng
Đẩy mạnh công tác phòng, chống
tham nhũng trong đó chú trọng việc rà soát, nhận diện các vị trí có nguy cơ
tham nhũng và giải pháp phòng ngừa, coi đây là một khâu quan trọng cần phải
thực hiện nghiêm; điều chuyển, luân chuyển vị trí việc làm theo quy định của
pháp luật và yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
4. Công tác giám sát, xử lý sau
thanh tra
Thực hiện giám sát hoạt động của
các đoàn thanh tra, đảm bảo các cuộc thanh tra đều được giám sát theo quy định
của pháp luật. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị,
quyết định xử lý về thanh tra; xử lý nghiêm các đối tượng không thực hiện, thực
hiện không đầy đủ quyết định thanh tra, quyết định xử lý, xử phạt vi phạm hành
chính, kết luận thanh tra.
5. Công tác xây dựng lực lượng
Chú trọng công tác đào tạo, bồi
dưỡng thanh tra viên, công chức được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên
ngành nhằm tăng cường hiệu quả, chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra; từng
bước xây dựng đội ngũ thanh tra chuyên nghiệp; giữ vững kỷ cương, liêm chính,
đạo đức nghề nghiệp trong công tác thanh tra.
6. Công tác thông tin, báo cáo
Thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn
các báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác thanh tra, công tác tiếp công dân,
giải quyết khiếu nại, tố cáo và các nội dung có liên quan; nội dung báo cáo,
thông tin đảm bảo chất lượng, theo biểu mẫu quy định.
Căn cứ Kế hoạch thanh tra năm 2021
của Bộ LĐTBXH, Giám đốc Sở chỉ đạo xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2021 bảo đảm
yêu cầu công tác quản lý nhà nước của Sở và tình hình thực tế của địa phương,
đồng thời tránh chồng chéo, trùng lặp trong công tác thanh tra, kiểm tra theo
Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo kế hoạch
thanh tra, kiểm tra với Bộ LĐTBXH (qua Thanh tra Bộ LĐTBXH)./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để báo cáo);
- Thanh tra Chính phủ (để báo cáo);
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (để phối hợp);
- Bộ Xây dựng (để phối hợp);
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (để phối hợp);
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam (để phối hợp);
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để phối hợp);
- Cổng TTĐT Bộ LĐTBXH;
- Lưu: VT, TTr.
|
TL.
BỘ TRƯỞNG
CHÁNH THANH TRA
Nguyễn Tiến Tùng
|